TMT Motors sa lầy trong cuộc chơi xe điện
Ký kết với hãng taxi điện và đẩy mạnh về thị trường các tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên được cho là bước đi quan trọng của TMT Motors sau hơn 1 năm sa lầy, ế ẩm, kinh doanh thua lỗ với dòng xe điện Trung Quốc.
Gập ghềnh tài chính vì xe điện
Cuối tháng trước, Công ty cổ phần TMT Motors (mã TMT), Hệ thống Ô tô Hùng Tuyến Thiên Ân tổ chức ký kết mua bán 1.000 xe ôtô Wuling Bingo và xe Mini EV với Công ty cổ phần Let’s Go An Bình tại Gia Lai. Theo kế hoạch, toàn bộ số xe này sẽ được TMT Motors, Hệ thống Ô tô Hùng Tuyến Thiên Ân bàn giao cho Công ty cổ phần Let’s Go An Bình trong năm 2025. Sau đó, Let’s Go An Bình phân bổ về các tỉnh mà công ty đang triển khai dịch vụ taxi điện mini giá rẻ với thương hiệu Let’s Go Taxi là Phú Yên, Bình Định. Sắp tới mở tại Gia Lai, Nha Trang (Khánh Hòa), Đắk Lắk, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu…
Cũng tại buổi lễ, hợp đồng hợp tác đầu tư 200 trụ sạc ôtô điện cũng mới được đại diện Hệ thống Ô tô Hùng Tuyến Thiên Ân, Công ty cổ phần Let’s Go An Bình và Công ty cổ phần Trạm sạc Xe điện Solar EV ký kết.
Trước khi ký hợp đồng mua bán xe taxi điện, TMT dồn vốn đầu tư và tham gia kinh doanh xe điện Trung Quốc về Việt Nam. Ông Hoàng Minh Đồng - Giám đốc nhà máy sản xuất xe điện TMT từng chia sẻ, công ty này đã phải trả số tiền tương đối lớn, bao gồm phí bản quyền để được sản xuất, phân phối Wuling Hongguang MiniEV tại Việt Nam.
Trong phiên họp thường niên hồi tháng 4, ông Bùi Quốc Công - Phó chủ tịch HĐQT tiết lộ, mẫu xe Wuling Mini EV chỉ là "sản phẩm để thăm dò thị trường". Công ty dự kiến đưa thêm 3 mẫu xe (2 mẫu 5 cửa hạng A và 1 bản cao cấp của Mini EV) có nhiều tính năng cao cấp và quãng đường di chuyển xa hơn.
Đến tháng 7 vừa qua, Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn UHY đưa ra một số ý kiến lưu ý và nhấn mạnh vấn đề lỗ lũy kế và việc nợ ngắn hạn của TMT vượt qua tài sản ngắn hạn khoảng 120 tỷ đồng cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của công ty này.
Trong tháng này, TMT điều chỉnh giá bán xe của hai phiên bản 120 km và 170 km Wuling Mini EV. Cụ thể, chiếc LV2-120 là 197 triệu đồng và chiếc LV2-170 là 231 triệu đồng.
Đây là lần đầu tiên, Wuling Mini EV được điều chỉnh giá bán niêm yết kể từ khi ra mắt vào ngày 29/6/2023. Lần điều chỉnh giá bán này nằm trong lộ trình đã được SGMW và TMT Motors cùng lên kế hoạch cho lô xe sản xuất bắt đầu từ nửa cuối năm 2024 nhằm gia tăng doanh số bán hàng.
Tuy vậy, tới quý III/2024, TMT cơ bản vẫn bán hàng duới giá vốn. Ghi nhận doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ là hơn 352 tỷ đồng, giá vốn hàng bán cao hơn, khoảng 393 tỷ đồng. Chưa tính các khoản chi phí, TMT đã lỗ gộp. Tính trong 9 tháng, TMT đạt doanh thu thuần hơn 1.675 tỷ đồng, trong khi giá vốn hàng bán là hơn 1.707 tỷ đồng, qua đó khiến lợi nhuận gộp âm.
Trong năm 2024, TMT Motors đặt mục tiêu doanh thu thuần đạt 2.645 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt hơn 38 tỷ đồng. Hợp đồng mua bán xe điện taxi mới ký không rõ sẽ có ghi nhận trước khoản lợi nhuận nào đó, nhưng có thể thấy nỗ lực dồn sức của TMT cho sản phẩm chính khi là đơn vị phân phối ôtô điện Wuling Mini EV tại Việt Nam.
Dù giảm giá, nhưng ngay trong giai đầu, doanh số bán hàng không như kỳ vọng. Theo thuyết minh, TMT cho biết quý II/2024, để đảm bảo thanh khoản, giảm chi phí vay, công ty đã phải giảm giá bán để giải phóng hàng tồn kho. Ngoài ra, công ty cũng đã cắt giảm nhân sự (trong 6 tháng đầu năm 2024, công ty đã giảm 140 nhân viên, từ 589 người về 449 người, tương ứng giảm 23,8% quy mô nhân sự), tiết giảm chi phí, xác định tái cơ cấu lại các dòng sản phẩm, hướng đến các sản phẩm mới tốt hơn. Lãnh đạo công ty cũng có kế hoạch thanh lý các tài sản cố định, các khoản đầu tư, thu hồi các khoản phải thu khách hàng để bổ sung nguồn vốn kinh doanh cũng nhưng trang trải các khoản nợ và vay đến hạn.
Lý giải thêm về khoản lỗ, phía Ô tô TMT cho biết nguyên nhân chủ yếu là do năm 2024 là năm rất khó khăn đối với nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp nói chung. Tình hình kinh tế suy thoái, bất động sản đóng băng, đầu tư công giảm mạnh, nguy cơ lạm phát gia tăng cùng với việc người dân thắt chặt chi tiêu khiến lượng tiêu thụ ô tô giảm sâu, bất chấp các doanh nghiệp sản xuất và phân phối ô tô liên tục giảm sâu giá bán để giải phóng hàng tồn kho.
“Chúng tôi cũng không phải ngoại lệ. Năm 2024, để đảm bảo thanh khoản, giảm chi phí lãi vay, công ty phải giảm giá sâu để giải phóng hàng tồn kho, dẫn đến lợi nhuận gộp âm 48,7 tỷ đồng. Ngoài ra, chúng tôi cũng xác định phải tái cơ cấu lại các dòng sản phẩm, hướng đến các sản phẩm mới tốt hơn”, TMT Motor từng cho hay.
Vì sao bán ô tô giá rẻ để thử nghiệm người tiêu dùng?
Tham gia vào thị trường xe điện cho thấy tầm nhìn dài hạn của TMT. Tuy vậy, trong xu hướng điện hóa ngành công nghiệp ô tô hướng tới phát triển xanh, phát triển bền vững cần đủ sức cho chặng đường bền bỉ. Với những doanh nghiệp nhỏ, hành trình tham gia cần tính toán kỹ lưỡng.
Trong bối cảnh nền kinh tế còn khó khăn như đánh giá của lãnh đạo TMT, vẫn có những doanh nghiệp phát triển ổn định, doanh số bán xe điện tương đối tốt. Mới đây, VinFast đã công bố bàn giao hơn 11.000 xe ôtô điện các loại cho khách hàng trong tháng 10/2024, đạt mức tăng trưởng 21% so với tháng trước. Trong đó, hai mẫu xe bán chạy nhất là Vinfast VF3 với gần 5.000 xe và VF5 với hơn 2.600 xe. Các mẫu xe khác gồm VF6, VF7, VF8, VF9 và VF e34 cũng đạt kết quả kinh doanh ấn tượng.
Hay như, Tập đoàn Thành Công (TC GROUP) thông báo kết quả bán hàng ô tô Hyundai tháng 10/2024. Theo đó, tổng doanh số xe Hyundai tháng 10 đạt 7.639 xe bán ra, tăng trưởng 17,2% so với tháng 9. Năm 2024, đơn vị này liên tục cho ra mắt người dùng các mẫu xe điện và đạt lượng tiêu thụ khả quan.
Dễ nhìn ra, thị hiếu của người tiêu dùng đối với các hãng sẽ khác nhau. Ngay từ đầu chiến lược đưa sản phẩm xe ô tô điện giá rẻ để thử nghiệm thị trường Việt Nam, sau rồi mới cơ cấu dòng sản phẩm nâng cao chất lượng của ban lãnh đạo TMT... theo các chuyên gia đã là sai lầm. Ô tô vẫn là mặt hàng xa xỉ so với hàng nghìn mặt hàng Trung Quốc khác mà người tiêu dùng vốn không mấy ưu chuộng. Trong khi hạ tầng trạm sạc vẫn đang trong trạng thái hoàn thiện.
Thời kỳ trước, TMT Motors kinh doanh hiệu quả. Công ty hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp và kinh doanh xe ô tô, phụ tùng các loại. Doanh nghiệp được biết đến với nhiều sản phẩm xe tải nổi tiếng như Cửu Long, Tata, Howo, xe đầu kéo Sinotruk... có tải trọng lớn.
Trong những năm 2014-2017, TMT ghi nhận lợi nhuận cao, tương ứng 64 tỷ đồng, 187 tỷ đồng, 48 tỷ đồng và hơn 11 tỷ đồng. Năm 2021 và 2022, TMT cũng báo lợi nhuận hơn 41 và hơn 48 tỷ đồng.
Doanh nghiệp của ông Bùi Văn Hữu bắt đầu gặp khó khăn từ năm 2023. Đây cũng là thời điểm TMT gây tiếng vang khi tham gia vào thị trường xe điện bằng việc sản xuất, lắp ráp và phân phối mẫu xe điện Wuling Hongguang MiniEV tại thị trường Việt Nam.
Đối với người tiêu dùng Việt Nam, xe điện TMT phân phối vẫn còn là ẩn số!
Khi được giới thiệu tại Việt Nam, Wuling Hongguang MiniEV là mẫu xe điện cỡ nhỏ nổi tiếng tại Trung Quốc, do liên doanh General Motors (Mỹ) - SAIC (Trung Quốc) - Wuling (Trung Quốc) sản xuất. Mẫu xe này từng đạt danh hiệu "Ô tô điện cỡ nhỏ bán chạy nhất thế giới” 4 năm liên tiếp (2020 - 2023) và có giá chỉ từ 239 triệu đồng/xe.
Theo khảo sát nhanh của Banduong.vn tại sự kiện về xe điện, người tiêu dùng chia sẻ:" Tôi thấy các hãng xe điện Trung Quốc đã vào hoặc đang lên kế hoạch vào Việt Nam khá nhiều. Nhưng bạn để ý mà xem, các hãng toàn số một, số hai thế giới về doanh số xe năng lượng mới (gồm xe plug-in hybrid và xe điện). Nhưng với đất nước tỷ dân, bán chủ yếu ở nội địa thì chuyện nhiều nhất nội địa nghiễm nhiên nhiều nhất thế giới cũng là điều dễ hiểu.
Thứ nữa là showroom và xưởng dịch vụ. Nếu ít xưởng, liệu khi xe gặp vấn đề, biết mang xe đi đâu, không lẽ gọi xe thớt kéo lên thành phố. Tôi ưu tiên các thương hiệu mà chỉ loanh quanh vài km có thể tìm được đại lý.
Có lẽ nếu dư giả về tài chính, mua xe để trải nghiệm thì không nói làm gì. Nhưng với đa phần người Việt, cả gia đình sẽ sử dụng chung một chiếc xe, thì việc sử dụng xe điện của Trung Quốc, hay bất cứ thương hiệu đến từ nước nào mà còn nhiều băn khoăn thì chắc chưa dám xuống tiền".
Tìm hiểu và đối tác sản xuất và xe diện TMT phân phối, ô tô cỡ nhỏ chạy pin điện (hạng A0 ở Trung Quốc) do SAIC-GM-Wuling (SGMW) sản xuất bán chính ở thị trường Trung Quốc và một phần Indonesia.
SAIC-GM-Wuling đang trải qua một giai đoạn khó khăn, nhưng đã có những dấu hiệu phục hồi đáng chú ý. Yếu tố then chốt thúc đẩy tăng trưởng chính là chương trình đổi xe cũ của chính phủ. Các đại lý cũng chủ động với các hoạt động khuyến mãi như dịch vụ lái thử tận nhà và đánh giá xe cũ tại chỗ.
Tuy nhiên, bức tranh toàn cảnh không hoàn toàn màu hồng. Doanh số của liên doanh SAIC-GM đã giảm sâu 55% trong năm nay. Tại thị trường Trung Quốc, General Motors gần như hoàn toàn phụ thuộc vào liên doanh Wuling để duy trì lợi nhuận. Hầu hết các mẫu xe của Wuling đều có giá dưới 150.000 nhân dân tệ (21.000 USD), với nhiều mẫu còn thấp hơn nhiều.
Sự phụ thuộc vào phân khúc xe giá rẻ đặt ra câu hỏi về khả năng sinh lời lâu dài của cả SAIC và GM tại thị trường Trung Quốc. Mặc dù đang có những dấu hiệu phục hồi, liên doanh vẫn phải đối mặt với những thách thức lớn trong việc nâng cao giá trị và phát triển bền vững.
Với đối tác trong nước của TMT, hệ thống Ô tô Hùng Tuyến Thiên Ân là doanh nghiệp tư nhân có bề dày hơn 25 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh xe ô tô tại thị trường Gia Lai và Kon Tum. Hiện nay, Hệ thống Ô tô Hùng Tuyến Thiên Ân bao gồm các đại lý chuyên phân phối các dòng xe ô tô du lịch, ô tô điện, các dòng xe thương mại thuộc các hãng Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc như: Honda Ôtô Gia Lai là đại lý 5S của Honda Việt Nam; đại lý phân phối độc quyền các dòng xe tải thương mại các loại; Wuling Gia Lai là đại lý 3S của Công ty cổ phần TMT Motors phân phối các dòng xe ôtô điện như Mini EV và Wuling Bingo. Gần như không có nhiều thông tin công khai về tài chính doanh nghiệp này.
Hồi tháng 5/2024, Công ty CP Let’s go An Bình tổ chức ra mắt dịch vụ taxi điện mini giá rẻ đầu tiên tại Việt Nam, với 30 xe điện mini Wuling mini EV LV2, hoạt động tại TP Tuy Hòa. Mức giá 8.000 đồng/km, bán kính phục vụ khoảng 100km. Đúng theo kế hoạch hợp tác mới đây với TMT, taxi điện mini Let’s go cùng các đối tác cung ứng xe có kế hoạch hợp tác đầu tư khoảng 1.000 xe, triển khai giai đoạn đầu từ năm 2024-2025 tại các thành phố du lịch miền Trung, sau đó mở rộng các thành phố lớn trong cả nước.
Nhờ những chính sách hỗ trợ từ Nhà nước như miễn 100% lệ phí trước bạ và những lợi ích đã được chứng minh như: không gây ô nhiễm tiếng ồn giúp cải thiện sức khỏe hay chi phí sử dụng tiết kiệm hơn xe xăng/dầu, ô tô thuần điện đang dần trở thành một phương tiện phổ biến tại Việt Nam. Với doanh nghiệp kinh doanh taxi có thể cũng sẽ tối ưu được chi phí. Tuy nhiên, cũng giống đơn vị sản xuất và phân phối xe điện Trung Quốc nói trên, hãng taxi cũng có phương án giải bài toán kinh doanh hiệu quả. Chẳng hạn như ở giai đoạn đầu, chi phí đầu tư tài sản cao, lượng khách di chuyển chưa nhiều, chưa quen; thời gian sau taxi điện hoạt động ổn định hơn lại chuẩn bị cho giai đoạn xe khấu hao...
Việc sử dụng xe điện nước ngoài vẫn còn một số bất tiện, chưa đem tới nhiều lợi ích thực dụng cho người dùng, tài xế taxi. Dù đã khá phổ biến nhưng xe điện vẫn còn là phương tiện mới nên hiện tại, hạ tầng trạm sạc công cộng ở Việt Nam chưa phát triển. Một số đơn vị thứ 3 như EV One, Eboost đã bắt đầu làm trạm sạc nhưng độ phủ chưa lớn, chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM.
Số lượng trụ sạc này không nhiều và đồng thời, những đơn vị trên đang vừa làm vừa thử nghiệm nên không phải trụ nào cũng hoạt động. Do đó, những người dùng xe điện Trung Quốc chủ yếu phụ thuộc vào việc sạc điện tại nhà.
Kể cả khi có thể sử dụng trụ sạc công cộng, một số mẫu xe điện Trung Quốc có thể gây khó khăn cho người dùng, ví dụ như dòng Wuling Bingo vừa ra mắt. Mẫu xe này có cổng sạc nhanh nhưng theo tiêu chuẩn GB/T của đất nước tỷ dân, không phải cổng CCS2 chuẩn Châu Âu đang được ứng dụng rộng rãi tại Việt Nam.
Nếu muốn sử dụng tính năng sạc nhanh trên Wuling Bingo, người dùng sẽ cần đến một bộ chuyển đổi (adapter) từ cổng GB/T sang CCS2. Hãng cho biết sẽ bán bộ adapter này nhưng chưa có giá chính thức; còn trên thị trường phụ tùng, bộ adapter này có giá dao động 20-30 triệu đồng tùy loại.
Khi nạp điện tại trạm sạc của các đơn vị thứ 3, người dùng xe điện này cũng phải đối mặt với một vấn đề, đó là chi phí sạc chưa rẻ. Ví dụ như EV One, đơn vị này đang tính phí 9.900 đồng/kWh cho trụ sạc nhanh 180kW; trụ sạc của VinFast có phí sạc là 3.858 đồng/kWh, nhưng đang miễn phí cho người dùng.
Bản cao nhất của BYD Atto 3 có dung lượng pin là 60,48kWh, đi được tối đa 480km. Giả sử người dùng cần sạc 30,24kWh tại trụ EV One để di chuyển được quãng đường là 240km, chi phí sạc điện sẽ là: 30,24 x 9.900 = 299 nghìn đồng.
Mẫu xe xăng cùng cỡ với BYD Atto 3 là Mazda CX-5, đang có mức tiêu thụ nhiên liệu là 7 lít/100km cho phiên bản sử dụng động cơ 2.0L, theo công bố của nhà sản xuất. Với giá xăng RON-95V khoảng hơn 21.000 đồng/lít, để đi được quãng đường 240km, người dùng sẽ tốn 355 nghìn đồng.
Như vậy có thể thấy, chi phí sạc điện của xe điện Trung Quốc so với xe xăng tuy có tiết kiệm hơn nhưng chưa thực sự rẻ. Cộng thêm những bất tiện trong việc sạc, xe điện Trung Quốc đang chưa có lợi thế đủ để thuyết phục khách hàng chuyển đổi từ xe xăng/dầu sang.
Giới chuyên gia cho rằng, song hành với việc hợp tác đưa xe điện vào kinh doanh taxi, TMT Motor cần có chiến lược mới đem về lợi nhuận lớn, có nhà đầu tư đồng hành mới phục hồi kết quả kinh doanh, duy trì sự ổn định, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển như kỳ vọng của ban lãnh đạo đơn vị này.