Chuyên mục


Hàng không tạo đà, du lịch bứt tốc

19/07/2024 11:10 (GMT +7)

Cùng với sự mở rộng đường bay và đa dạng hóa sản phẩm của các hãng hàng không, ngành du lịch Việt Nam đang trên đà phục hồi mạnh mẽ với dự đoán sẽ đón 18 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2024, tăng 40% so với năm ngoái.

Cuộc đua kích cầu du lịch của các hãng hàng không

Trong cuộc đua kích cầu du lịch, đặc biệt là trong mùa hè 2024, các hãng hàng không Việt Nam đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp và chính sách đột phá. Chiến lược chung của các hãng tập trung vào việc tăng cường chuyến bay, mở rộng mạng bay nội địa và quốc tế, đồng thời đẩy mạnh hợp tác với các địa phương để xây dựng và quảng bá sản phẩm du lịch chất lượng.

80% khách quốc tế đến Việt Nam bằng đường hàng không

80% khách quốc tế đến Việt Nam bằng đường hàng không

Theo đó, Vietnam Airlines thực hiện chương trình "Bay giờ đêm, thêm giá tốt" trong 3 tháng cao điểm, cung ứng gần 1 triệu chỗ trên các chuyến bay đêm nội địa với giá vé hấp dẫn, mang đến cho hành khách nhiều lựa chọn về giờ bay và giá vé, đồng thời giúp giảm tải cho các chuyến bay ban ngày, tối ưu hóa việc khai thác đội bay. Hãng cũng tăng tần suất kết nối giữa các điểm đến du lịch nổi tiếng như Đà Nẵng và Đà Lạt.

Trong khi đó, Vietjet cung cấp thêm 1,4 triệu chỗ trên các chuyến bay nội địa, tăng khoảng 35% so với cùng kỳ, tập trung vào các đường bay phục vụ du lịch như TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang, Quy Nhơn, Phú Yên, Phú Quốc, Đà Lạt. Hãng cũng đẩy mạnh khai thác các chuyến bay đêm, tăng 46% so với bình thường, tương đương 3.100 chuyến trên các đường bay trọng điểm. Bên cạnh tăng tần suất trên các tuyến hiện hữu, Vietjet cũng mở mới một số đường bay như Thanh Hoá - Nha Trang, Vinh - Nha Trang để mở rộng mạng bay nội địa.

Về mạng bay quốc tế, ngoài việc mở lại đường bay trước đây như Hà Nội - Thành Đô (Trung Quốc), Vietnam Airlines cũng mở thêm các đường bay mới bay thẳng tới thủ đô của các nước trên thế giới như Ấn Độ, Singapore và Philippines. Đặc biệt, nhằm nâng cao cao chất lượng phục vụ khách hàng, hãng cũng đưa các máy bay thân rộng như Airbus A350 vào khai thác trên các đường Hà Nội, TP HCM - Delhi (Ấn Độ), Boeing 787 trên đường bay giữa Hà Nội - Singapore.

Trong khi đó, với chiến lược tương tự, Vietjet cũng khai trương 2 đường bay mới kết nối Phú Quốc với Đài Trung và Cao Hùng của Đài Loan, cũng như đường bay thẳng Hà Nội - Hiroshima (Nhật Bản). Đồng thời, nhiều chương trình ưu đãi hấp dẫn cũng được tung ra cho các đường bay đến Ấn Độ, Úc, Singapore, mở ra nhiều cơ hội du lịch quốc tế với chi phí tiết kiệm cho hành khách.

Song song với việc cải thiện nguồn lực nội tại của các hãng hàng không, chiến lược hợp tác với địa phương được các hãng đặc biệt chú trọng. Cụ thể, Vietnam Airlines ký kết thỏa thuận hợp tác với Đà Nẵng, Khánh Hòa - hai địa phương du lịch trọng điểm, triển khai các chương trình kích cầu như giảm giá vé lên đến 30% cho các chuyến bay sớm và muộn, từ đó tạo ra các sản phẩm du lịch linh hoạt và hấp dẫn, kích thích nhu cầu đi lại nội địa. Ở diễn biến tương tự, Bamboo Airways cũng ký kết thỏa thuận hợp tác với các tỉnh như Gia Lai, Bình Định trong hoạt động xúc tiến du lịch, góp phần quảng bá và khai thác tiềm năng của các điểm đến này. Trong khi đó, Vietjet lại chủ động phối hợp với các đối tác du lịch, thương mại trong và ngoài nước để tạo thành chuỗi du lịch trọn gói, liền mạch cho khách hàng.

Về chiến lược riêng, Vietnam Airlines nổi bật với việc quảng bá văn hóa ẩm thực và nông sản Việt thông qua việc phục vụ các món ăn, thức uống chế biến từ các loại trái cây đặc sản như mận hậu Sơn La, nhãn lồng Hưng Yên, vải thiều Thanh Hà - Lục Ngạn, cam Cao Phong, dâu tây Mộc Châu trên nhiều chuyến bay nội địa và quốc tế. Hãng cũng tiên phong trong việc thúc đẩy du lịch trải nghiệm trên nền tảng số  thông qua chương trình One S. Đây là một cuốn nhật ký du lịch điện tử độc đáo, cho phép hành khách vừa lưu giữ kỷ niệm về các điểm đến, vừa nhận được nhiều phần quà hấp dẫn khi tham gia và hoàn thành các thử thách. Ngoài ra, Vietnam Airlines cũng tích cực tham gia vào các sự kiện quốc gia như kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, đóng vai trò là nhà tài trợ vận chuyển chính cho Chương trình Năm du lịch Quốc gia - Điện Biên 2024.

Về phía Vietjet Air, với tư cách là hãng hàng không siêu tiết kiệm, hãng tập trung vào các chương trình khuyến mãi giá vé "0 đồng" và các ưu đãi hấp dẫn. Cụ thể, hãng triển khai nhiều chương trình khuyến mãi như "Tuần lễ ưu đãi 50% đường bay Trung Quốc - Hong Kong - Đài Loan" trong tháng 6, giảm 50% giá vé cơ bản cho các vé khứ hồi hạng Eco; chương trình "Ngày đôi, sale vô đối" với ưu đãi giảm đến 66% giá vé cho tất cả các đường bay nội địa và quốc tế. Đặc biệt, Vietjet triển khai chương trình "Mua vé Vietjet, trúng số mỗi ngày" kéo dài từ tháng 5 đến tháng 8, tạo cơ hội cho khách hàng nhận nhiều giải thưởng giá trị. Cùng với đó, Vietjet cũng chú trọng phát triển đội tàu bay hiện đại với máy bay A330, A321, cùng nhiều sản phẩm và dịch vụ tiên phong như hạng vé Business. Đồng thời, trên mỗi chuyến bay, hành khách được trải nghiệm không gian thoải mái, thưởng thức ẩm thực đa dạng cùng nhiều tiện ích, dịch vụ giải trí hấp dẫn.

Riêng Bamboo Airways, trong bối cảnh tái cấu trúc, hãng lại tập trung vào chiến lược tinh gọn quy mô và điều chỉnh mô hình kinh doanh. Hãng đang giảm đội tàu bay, tạm dừng khai thác các đường bay quốc tế chưa hiệu quả, và tập trung nguồn lực vào mạng bay nội địa và một số đường bay quốc tế thuê chuyến. Mục tiêu của Bamboo Airways là vận hành đội máy bay đơn dòng Airbus A320/A321, nhằm tối ưu hóa chi phí hoạt động và linh hoạt trong khai thác. Hãng hướng đến cung cấp dịch vụ "vừa túi tiền" hơn, nhắm đến đối tượng khách hàng có thu nhập trung bình, các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đồng thời, hãng sẽ duy trì hai hạng dịch vụ Thương gia và Phổ thông, nhưng thiết kế các gói dịch vụ này theo hướng cạnh tranh hơn về giá cả. Mục tiêu là cung cấp vé hạng Thương gia với giá rẻ hơn so với các hãng truyền thống và vé Phổ thông rẻ ngang hàng với các hãng giá rẻ, trong khi vẫn đảm bảo chất lượng dịch vụ tốt và tận dụng các thế mạnh đã thành thương hiệu của mình như tỷ lệ bay đúng giờ cao và thái độ phục vụ chu đáo.

Sau khi triển khai các chiến lược và giải pháp kích cầu du lịch, các hãng hàng không đã ghi nhận những kết quả kinh doanh tích cực. Vietnam Airlines đã có một khởi đầu ấn tượng trong 3 tháng đầu năm với doanh thu thuần hợp nhất đạt 27.964 tỷ đồng, tăng khoảng 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả này giúp Vietnam Airlines thực hiện được hơn 26% kế hoạch doanh thu và vượt mục tiêu lợi nhuận đặt ra. Từ những kết quả đạt được, hãng đặt mục tiêu vận chuyển khoảng 22,64 triệu lượt hành khách trong năm nay, tăng gần 8% so với năm 2023 và bằng 99% năm 2019, với kỳ vọng đạt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất dự kiến đạt 105.946 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hợp nhất là 4.233 tỷ đồng.

Tương tự, Vietjet Air cũng ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan trong quý đầu năm với doanh thu hợp nhất đạt 17.791 tỉ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ và đạt được 27% so với kế hoạch thông qua. Lợi nhuận sau thuế của hãng đạt 540 tỉ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ và đạt 50% so với mục tiêu đặt ra. Vietjet Air đã thông qua kế hoạch hoạt động với 95 đội tàu, khai thác 141.998 chuyến bay, tăng 6,8% và vận chuyển 27,4 triệu khách, tăng 8,3% so với năm trước.

Về phía Bamboo Airways, mặc dù đang trong quá trình tái cấu trúc, cũng đã ghi nhận những tín hiệu tích cực trong hoạt động kinh doanh. Theo báo cáo của ban điều hành, tổng doanh thu thuần 5 tháng đầu năm đạt bằng 51% tổng doanh thu năm 2022. Đáng chú ý, tháng 1/2023, Bamboo Airways đã đạt điểm hòa vốn nhờ hoạt động kinh doanh cốt lõi là hàng không. Hãng đặt kế hoạch 5 năm 2024-2028, trong đó dự kiến sẽ vượt qua điểm kinh doanh hòa vốn vào năm 2025 và có thể đạt lợi nhuận trước thuế gần 3.700 tỉ đồng vào năm 2028.

Với những nỗ lực đa dạng và toàn diện này, các hãng hàng không Việt Nam đang từng bước khẳng định vai trò quan trọng trong việc kích cầu du lịch, góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch Việt Nam. Đáng chú ý, xu hướng liên kết chặt chẽ giữa hàng không và du lịch không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà còn là một trào lưu toàn cầu. Nhiều quốc gia và hãng hàng không trên thế giới đã và đang triển khai những sáng kiến độc đáo, mang lại hiệu quả đáng kể trong việc thu hút du khách và quảng bá điểm đến.

Như, tại Thái Lan, với mục tiêu đón 35 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2024 chính phủ nước này đã triển khai nhiều chính sách mới như miễn thị thực cho công dân Trung Quốc và nới lỏng quy định về giờ hoạt động của các điểm giải trí về đêm. Đồng thời, ngành hàng không Thái Lan cũng chứng kiến sự gia nhập của 8 hãng hàng không mới, gia tăng năng lực và mở rộng kết nối, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách quốc tế đến với đất nước chùa Vàng.

Cùng xu thế đó, tại Singapore, hãng Singapore Airlines đã phối hợp với Tổng cục Du lịch Singapore (STB) trong một chiến dịch quảng bá độc đáo. Hai bên đã ký kết thỏa thuận song phương 3 năm, cam kết đầu tư 10 triệu đô Sing cho các hoạt động marketing và quảng bá điểm đến. Đáng chú ý là việc tích hợp hình ảnh của nhiều địa danh, bản sắc văn hóa địa phương vào video hướng dẫn an toàn bay mới của Singapore Airlines, thu hút sự quan tâm lớn từ cộng đồng mạng.

Còn tại Australia, hãng hàng không quốc gia Qantas đang đầu tư mạnh vào việc cải thiện năng lực và trải nghiệm bay, đặc biệt là với các chuyến bay nội địa kết nối vùng miền. Qantas sẽ mua thêm 14 máy bay Dash 8-400 (Q400) để thay thế cho các máy bay cũ, nâng cao chất lượng dịch vụ và rút ngắn thời gian di chuyển. Bên cạnh đó, hãng cũng triển khai nhiều sáng kiến hỗ trợ cộng đồng như chương trình Tài trợ Khu vực và áp dụng giá vé ưu đãi cho cư dân vùng sâu vùng xa.

Những ví dụ này cho thấy ngành hàng không đang đóng vai trò quan trọng, song hành cùng ngành du lịch trong nỗ lực phục hồi và phát triển kinh tế hậu đại dịch. Các hãng hàng không chủ động hợp tác với các tổ chức, cơ quan quản lý du lịch để tận dụng tối đa lợi thế của mình, góp phần quảng bá điểm đến một cách sáng tạo và hiệu quả.

Du lịch hồi sinh nhờ lực kích vận tải hàng không

Ngành du lịch Việt Nam đang ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ trong năm 2024, với những con số ấn tượng về lượng khách và doanh thu. Theo báo cáo của Tổng cục Du lịch Việt Nam, trong 5 tháng đầu năm, Việt Nam đã đón gần 7,6 triệu lượt khách quốc tế, tăng 64,9% so với cùng kỳ năm 2023 và vượt 3,9% so với thời điểm trước dịch. Lượng khách du lịch nội địa cũng đạt 52,5 triệu lượt, đóng góp vào tổng thu từ khách du lịch ước đạt 352,2 nghìn tỷ đồng. Những con số này cho thấy du lịch đang trở thành điểm sáng và có sự đóng góp quan trọng vào quá trình phục hồi kinh tế - xã hội chung của đất nước.

Trên thực tế, sự phục hồi ấn tượng của ngành du lịch đã lan tỏa đến nhiều địa phương trên cả nước. Cụ thể, Hà Nội đón 14,05 triệu lượt khách, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2023, với tổng thu từ khách du lịch ước đạt 55.385 tỷ đồng; Thanh Hóa đón hơn 9,7 triệu lượt khách, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm ngoái; Nghệ An chứng kiến lượng khách du lịch đạt 5,48 triệu lượt, tăng 11,84%; Khánh Hòa, một điểm đến nổi tiếng ở miền Nam, đón gần 5,2 triệu lượt khách lưu trú, tăng 88% so với cùng kỳ năm ngoái; TP.HCM cũng ghi nhận kết quả tích cực với 2,678 triệu lượt khách quốc tế và 17,135 triệu lượt khách nội địa. Những thành tựu này khẳng định nỗ lực và hiệu quả của các chính sách, chiến lược phát triển du lịch của từng địa phương nói riêng và cả nước nói chung.

Sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch có mối liên hệ chặt chẽ với sự phát triển của ngành hàng không. Với 80% khách quốc tế đến Việt Nam bằng đường hàng không, các hãng hàng không đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối và thu hút du khách. Việc mở rộng mạng lưới đường bay, tăng tần suất chuyến bay và nâng cao chất lượng dịch vụ đã góp phần không nhỏ vào thành công của du lịch Việt Nam.

Theo các chuyên gia, thị trường hàng không toàn cầu đang trên đà tăng trưởng 2 con số trong năm 2024, sau khi ghi nhận mức tăng nhu cầu hơn 12% chỉ trong tháng 5 so với cùng kỳ năm 2023. Xu hướng này cũng thể hiện rõ nét tại Việt Nam, khi thị trường hàng không quốc tế có 63 hãng hàng không nước ngoài và 4 hãng hàng không trong nước khai thác 164 đường bay, kết nối 33 quốc gia, vùng lãnh thổ với 6 điểm đến chính của Việt Nam. Đối với thị trường nội địa, các hãng hàng không đang khai thác 45 đường bay kết nối Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng với 19 cảng hàng không địa phương, thực hiện gần 600 chuyến bay mỗi ngày. Đáng chú ý, đường bay Hà Nội - TP HCM được ghi nhận trong Top 10 đường bay bận rộn nhất thế giới năm 2023, cho thấy sức hút và tiềm năng vượt trội của thị trường hàng không Việt Nam.

Tuy nhiên, trong bối cảnh du lịch toàn cầu chịu ảnh hưởng từ nhiều yếu tố bất lợi, ngành du lịch Việt Nam cũng phải đối mặt với không ít thách thức. Nhu cầu của khách quốc tế đến những điểm đến xa có xu hướng giảm dần. Cạnh tranh giữa các điểm đến trong khu vực ngày càng gay gắt. Tình hình địa chính trị thế giới diễn biến phức tạp, lạm phát gia tăng và biến đổi khí hậu cũng là những rào cản đáng kể. 

Theo dự báo của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ là thị trường tăng trưởng mạnh nhất về nhu cầu vận chuyển hành khách trong năm 2024, với mức tăng 17%. Đây là cơ hội lớn cho ngành hàng không và du lịch Việt Nam. Với vị trí địa lý thuận lợi, các điểm đến du lịch hấp dẫn và đa dạng, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của ngành hàng không, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành một trong những điểm đến hàng đầu trong khu vực.

Để tận dụng tối đa tiềm năng này, các hãng hàng không Việt Nam cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ và mở rộng mạng lưới đường bay. Bên cạnh đó, sự hợp tác chặt chẽ giữa ngành hàng không và du lịch là yếu tố then chốt. Các bên cần phối hợp xây dựng các gói du lịch trọn gói hấp dẫn, quảng bá hình ảnh Việt Nam như một điểm đến an toàn, thân thiện và giàu bản sắc văn hóa. Đồng thời, việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng, đặc biệt là các sân bay và hệ thống giao thông kết nối, cũng đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng lực đón tiếp du khách và thúc đẩy sự phát triển của cả ngành hàng không và du lịch. Các chính sách hỗ trợ từ phía chính phủ, như đơn giản hóa thủ tục visa, cải thiện môi trường đầu tư, cũng sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển bền vững của hai ngành này trong tương lai.

Với những nỗ lực và định hướng đúng đắn, ngành du lịch và hàng không Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để bứt phá và khẳng định vị thế trên trường quốc tế. Sự phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian qua là tiền đề quan trọng để Việt Nam hiện thực hóa tham vọng trở thành điểm đến hàng đầu khu vực và thế giới, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Lưu Trang
Năm 2027 là thời điểm thích hợp để triển khai dự án đường sắt tốc độ cao
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được nghiên cứu trong thời gian rất dài, tới 18 năm với sự tính toán kỹ lưỡng, thận trọng, tham khảo kinh nghiệm quốc tế. Dự báo nhu cầu vận tải, tiềm lực vị thế quốc gia cho thấy năm 2027 là thời điểm thích hợp triển khai dự án.

Rà soát các dự án giao thông chậm tiến độ, dừng thi công
Đối với các công trình, dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tồn đọng, dừng thi công, chậm tiến độ, Bộ GTVT yêu cầu khẩn trương xây dựng kế hoạch biện pháp xử lý.

Dừng thu phí BOT trong trường hợp nào?
Trạm thu phí BOT phải dừng thu phí nếu chất lượng bảo trì đường không tốt và bị cơ quan chức năng có thẩm quyền ra văn bản nhắc nhở hai lần kèm theo thời hạn khắc phục; khi để xảy ra các tình huống có nguy cơ mất an toàn giao thông...

Xe buýt 4 cửa như “hàng không” giúp tối ưu hiệu quả nhờ không gian riêng
Thực tế là xe buýt 4 cửa lâu nay vẫn được sử dụng đưa đón khách tại một số cảng hàng không, từ nhà ga ra tàu bay. Nó đã cho thấy khả năng lên xuống linh hoạt, tiếp nhận hoặc giải tỏa khách nhanh chóng, không bị gò bó về hướng đỗ xe.

Khởi công xây dựng nhà ga hàng hóa Cảng hàng không quốc tế Cát Bi
Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (ACV) vừa kết hợp với UBND TP Hải Phòng tổ chức Lễ khởi công Dự án “Xây dựng nhà ga hàng hóa - Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Cát Bi".

Bắc Ninh: Xây dựng hệ thống chợ dân sinh phù hợp với sự phát triển đô thị
Ngày 16/11, UBND tỉnh Bắc Ninh tổ chức Chương trình gặp mặt Doanh nhân chuyên đề tháng 11 về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát triển và quản lý chợ với thông điệp “Chia sẻ thông tin – cùng doanh nghiệp phát triển”.

Tổng bí thư Tô Lâm: Hải Phòng phát huy lợi thế 'cửa chính ra biển' cả miền Bắc
Tổng bí thư Tô Lâm và đoàn công tác Trung ương vừa có chuyến thăm, làm việc với Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hải Phòng; thăm, khảo sát cuộc sống của cán bộ, nhân dân đang sinh sống, làm việc tại huyện đảo Bạch Long Vĩ.