Chuyên mục


Hải Phòng: Ô nhiễm tại bãi rác Gia Minh

01/12/2023 14:05 (GMT +7)

Người dân xã Gia Minh, huyện Thủy Nguyên phản ánh về việc Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Gia Minh vào một số thời điểm có phát tán mùi khó chịu ra môi trường. Tuy nhiên, lãnh đạo Cty TNHH MTV Môi trường đô thị Hải Phòng lại cho rằng đã sử dụng công nghệ hiện đại nhất.

Người dân chịu đựng đến bao giờ?

Theo bà Nguyễn Thị Thảo, Trưởng thôn 1 xã Gia Minh, thì ô nhiễm mùi hôi thối đã xuất hiện ngay từ khi bãi rác này đi vào hoạt động cuối năm 2022. Người dân đã phải chịu đựng mùi phát sinh từ bãi rác lan tỏa tới khu dân cư, thường xảy ra khoảng 2 giờ vào buổi sáng hoặc buổi chiều khi xe tập kết rác đổ rác xuống bãi chôn lấp. Bản thân gia đình bà nhà ở gần đó phải làm hai lớp cửa, đóng cửa kính rồi mà mùi rác vẫn bay vào không chịu nổi.

Khu liên hiệp xử lý chất thải rắn Gia Minh đi vào hoạt động từ tháng 10.2022. Ảnh: Hoàng Khôi

Khu liên hiệp xử lý chất thải rắn Gia Minh đi vào hoạt động từ tháng 10.2022. Ảnh: Hoàng Khôi

Cũng theo bà Thảo thì trong khu vực còn tồn tại 5 hộ dân bị kẹt lại do có sự thay đổi quy hoạch, chưa được bồi thường di dời, nằm rất gần bãi rác, chỉ cách khoảng 25 mét. Họ đang phải chịu cảnh ô nhiễm rất khốn khổ hằng ngày.

Được biết, Dự án Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Gia Minh, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng được khởi công từ tháng 11/2015 với quy mô 65ha, có chức năng xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn y tế. Dự án bao gồm khu chôn lấp, hệ thống thu gom nước rác, xử lý nước rác, đường giao thông, hệ thống thoát nước mưa, khu nhà hành chính phụ trợ, hệ thống cấp nước, hệ thống cấp điện, giếng quan trắc nước ngầm, vùng cách ly… Dự án sử dụng vốn ODA và nguồn vốn đối ứng ngân sách trung ương.

Tuy nhiên, do công tác di dân, giải phóng mặt bằng và tính chất nhạy cảm của dự án, chưa nhận được sự đồng tình ủng hộ của người dân nên Dự án kéo dài đến năm 2022 mới cơ bản hoàn thành. Bãi rác Gia Minh được đưa vào vận hành từ tháng 10/2022. Bãi rác có công suất thiết kế 600 tấn rác thải/ngày. Tuy nhiên, hiện nay mới hoạt động xử lý 150 tấn/ngày. Số rác này hoàn toàn của 29 xã trên địa bàn huyện Thủy Nguyên, chứ chưa có rác từ nội thành Hải Phòng vận chuyển sang. Đơn vị khai thác, vận hành bãi rác Gia Minh là Cty TNHH MTV Môi trường đô thị Hải Phòng.

Đơn vị khai thác, vận hành nói gì?

Theo lãnh đạo Cty TNHH MTV Môi trường đô thị Hải Phòng, nguyên nhân mùi hôi phát sinh là do rác thải sinh hoạt trên địa bàn huyện Thủy Nguyên chưa được phân loại tại nguồn, thành phần hữu cơ cao. Vào thời điểm cuối năm có ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc. Mặt khác, khu xử lý mới đi vào hoạt động nên hiệu quả của dải cây xanh cách ly còn hạn chế.

Bãi rác Gia Minh được xử lý theo phương pháp chôn lấp. Ảnh: Bảo Nam

Bãi rác Gia Minh được xử lý theo phương pháp chôn lấp. Ảnh: Bảo Nam

Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hải Phòng đã thực hiện kiểm soát chặt chẽ quy trình xử lý rác, tăng cường khử khuẩn. Mặt khác, công nghệ chôn lấp được áp dụng tại Khu xử lý là công nghệ FUKUOKA (phương pháp bán hiếu khí) của Nhật Bản - công nghệ mới được áp dụng nhiều tại các nước đang phát triển và hiệu quả rất tốt. Kết quả quan trắc môi trường theo hồ sơ môi trường đạt quy chuẩn cho phép.

Ông Nguyễn Huy Hoàng, Chủ tịch UBND huyện Thủy Nguyên cho rằng, nguyên nhân ô nhiễm còn do Cty TNHH MTV Môi trường đô thị Hải Phòng và các đối tác chưa làm tốt công tác phân loại rác đầu nguồn, để rác lưu cữu, chưa vận chuyển rác kịp thời ngay từ khi rác chưa phân hủy, bốc mùi hôi thối.

Đối với trường hợp 5 hộ còn lưu cư trong phạm vi hành lang lưu không của bãi rác, huyện đã đề nghị thành phố bố trí đất tái định cư, bồi thường để di chuyển các hộ này đến nơi ở mới. Theo lãnh đạo xã Gia Minh, để bảo đảm bãi chôn lấp rác này đi vào hoạt động ổn định, giảm thiểu tối đa ô nhiễm mùi hôi thối, tác động xấu đến đời sống người dân trên địa bàn cần có những giải pháp căn cơ như:

Thứ nhất, việc vận chuyển rác qua địa bàn xã Gia Minh phải đi vào đường công vụ riêng, không đi vào đường chạy qua khu dân cư.

Thứ hai, quy trình vận hành xử lý rác cần có sự giám sát của chính quyền địa phương.

Thứ ba, chính quyền địa phương có quyền kiểm tra thực địa bãi rác đột xuất.

Thứ tư, địa phương và đại diện cộng đồng cư dân sở tại có quyền lấy mẫu khí thải để quan trắc độc lập.

Đây có thể coi là bốn điều mong muốn của cán bộ và người dân xã Gia Minh.

Trong thời gian tới, để bảo đảm việc vận hành khu xử lý ổn định lâu dài, dần tăng công suất tiếp nhận, xử lý, UBND thành phố Hải Phòng cần chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường và Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hải Phòng duy trì việc giám sát chặt chẽ quy trình xử lý, đặc biệt quan tâm hướng gió để điều chỉnh việc đổ rác và xử lý rác phù hợp.

Chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, tổ chức thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn để giảm thiểu lượng chất thải hữu cơ xử lý bằng phương pháp chôn lấp. Về lâu dài cần thiết đầu tư công nghệ mới điện – rác để thay thế cho công nghệ chôn lấp tại đây.

Tâm Vũ
Xe máy phải đáp ứng tiêu chuẩn khí thải mới
Bắt đầu từ năm 2026, xe mô tô hai bánh nhập khẩu và sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam sẽ phải tuân thủ tiêu chuẩn khí thải (TCKT) Mức 4 thay vì Mức 3 như hiện tại. Trong khi đó, xe gắn máy hai bánh sẽ phải đáp ứng TCKT Mức 4 từ ngày 1/7/2027, thay vì Mức 2 như hiện nay.

Bảo đảm công suất khai thác mỏ cát san lấp theo kịp tiến độ dự án cao tốc
Tại cuộc họp thúc đẩy các dự án đường cao tốc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long vừa qua, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị các đơn vị thi công có phương án điều phối lực lượng thi công các cầu trên cao tốc trong khi chưa có đủ cát san lấp.

Hà Nội sắp xây ba cầu lớn vượt sông Hồng
UBND TP Hà Nội vừa thống nhất chủ trương xây cầu Tứ Liên, Trần Hưng Đạo và Ngọc Hồi trong giai đoạn 2025-2030 bằng vốn đầu tư công.

Hà Nội 'xanh hoá' mạng lưới xe buýt
UBND TP vừa ban hành Quyết định phê duyệt "Đề án phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn thành phố".

Nguồn phát thải từ giao thông chiếm khoảng 56% ô nhiễm không khí
Hà Nội đang hoàn thiện dự thảo Nghị quyết quy định tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục xác định vùng phát thải thấp (LEZ) trên địa bàn thành phố nhằm bảo vệ môi trường, hạn chế gây ô nhiễm.

Triều cường dâng cao, giao thông TP Hạ Long bị gián đoạn
Sáng 20/11, triều cường dâng cao đã gây ngập úng cục bộ tại một số khu vực thuộc phường Trần Hưng Đạo và phường Cao Xanh, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Tình trạng này kéo dài nhiều giờ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân và giao thông địa phương.

“Nạn” đốt lốp cao su lấy dầu ở Cụm công nghiệp Châu Khê, Bắc Ninh vẫn tái diễn
“Tái chế lốp xe” là một việc làm thiết thực để bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, hình thức tái chế bằng phương pháp đốt lốp lấy dầu của một số cơ sở tại cụm Công nghiệp Châu Khê, TP Từ Sơn (Bắc Ninh) lại đang hủy hại môi trường nghiêm trọng bởi khói bụi độc hại.