Hải Phòng đột phá về thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp
9 tháng đầu năm 2023, Hải Phòng dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI với 3 tỷ USD. Địa phương này luôn giữ vị trí top đầu cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài. Có được kết quả đó phải kể đến vai trò của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ ở đây.
Những con số biết nói
Kể từ khi KCN đầu tiên là KCN Nomura – Hải Phòng (nay là KCN Nhật Bản – Hải Phòng) được thành lập năm 1994, đến nay, Hải Phòng đã có 14 KCN với diện tích 6100ha. Đặc biệt, Hải Phòng đã có một khu kinh tế (KKT) được thành lập năm 2008 là KKT Đình Vũ – Cát Hải với tổng diện tích 22.540ha. Tỷ lệ lấp đầy các KCN rất đáng khích lệ, đạt 63,8%. Phần lớn diện tích chưa thu hút đầu tư đang trong giai đoạn giải phóng mặt bằng, san lấp, lấn biển. Có thể nói, Hải Phòng luôn có mặt bằng sạch sẵn sàng “lót ổ đón đại bàng”.
Theo thống kê của Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng (HEZA), tính đến hết tháng 8/2023, các KCN, KKT trên địa bàn Hải Phòng đã thu hút được 688 dự án đầu tư với tổng vốn lên tới 36,32 tỷ USD, bao gồm 473 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 22,39 tỷ USD và 216 dự án DDI với tổng vốn đăng ký 13,93 tỷ đồng. Suất đầu tư trung bình trong các KCN, KKT của Hải Phòng đạt 12 triệu USD/ha, bằng 2,6 lần bình quân cả nước (khoảng 4,61 triệu USD/ha. Tính trên đầu dự án đạt 56 triệu USD/dự án bằng 2,8 lần bình quân cả nước (khoảng 20 triệu USD/ha).
Ngày 26/6/2023, UBND TP. Hải Phòng đã tổ chức trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh tăng vốn cho dự án Công ty TNHH Innotek Việt Nam Hải Phòng tại KCN Tràng Duệ với số vốn tăng thêm 1 tỷ USD, nâng tổng vốn đầu tư của dự án này thành 2 tỷ USD.
Ông Lê Tiến Châu - Bí thư Thành ủy Hải Phòng và ông Lê Trung Kiên, Trưởng ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng trao GCN đăng ký đầu tư cho Tập đoàn SK (Hàn Quốc).
Tiếp đó, ngày 22/9/2023, UBND TP. Hải Phòng tiếp tục tổ chức cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho (cấp mới) và điều chỉnh tăng vốn cho 11 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 961,5 triệu USD, trong đó dự án có số vốn lớn nhất là nhà máy sản xuất vật liệu phân hủy sinh học công nghệ cao Ecovance của Tập đoàn SK (tập đoàn lớn thứ hai của Hàn Quốc) với tổng vốn đầu tư 500 triệu USD. Những con số biết nói này đã giúp Hải Phòng tiếp tục duy trì vị trí top đầu về thu hút FDI với số vốn đăng ký lên gần 3 tỷ USD (bằng 120% kế hoạch thu hút FDI cả năm 2023).
Đến nay, có thể kể đến các dự án đầu tư nổi bật trên địa bàn thành phố như: dự án Tổ hợp dự án của Tập đoàn LG (Hàn Quốc) tổng vốn đăng ký 9,24 tỷ USD, Tổ hợp sản xuất ô tô Vinfast tổng vốn đầu tư 175.000 tỷ đồng (tương đương 7,6 tỷ USD), Tập đoàn Bridgestone tổng vốn 1,224 tỷ USD, Công ty Pegatron tổng vốn 900 triệu USD... cùng nhiều dự án lớn khác. Nhờ đón được các dự án quy mô lớn này, Hải Phòng tiếp tục thu hút được các dự án vệ tinh nằm trong chuỗi cung ứng như doanh nghiệp phụ trợ, dịch vụ hình thành nên các chuỗi liên kết ngành quy mô lớn.
Đánh giá về nguyên nhân kết quả nêu trên, ông Lê Trung Kiên, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng trao đổi với PV Banduong,vn: Có được kết quả này trước tiên là do Hải Phòng đã phát huy tốt tiềm năng lợi thế là cửa ngõ giao thương của khu vực phía Bắc, hội tụ đủ 5 loại hình vận tải, với kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, nhất là cảng biển. Tiếp đến, Hải Phòng luôn có sẵn quỹ đất sạch chào đón nhà đầu tư, với một môi trường đầu tư luôn được cải thiện. Cuối cùng là nỗ lực rất cao từ lãnh đạo thành phố đến các doanh nghiệp trong hoạt động xúc tiến đầu tư và nguồn nhân lực tương đối tốt.
Kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ
Những năm gần đây hệ thống kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hệ thống cảng biển quốc tế, đường cao tốc, sân bay tại Hải Phòng và vùng phụ cận đã được đầu tư mạnh mẽ với hàng loạt dự án tạo ra bước đột phá về giao thông kết nối. Đầu tiên là hệ thống 3 cây cầu vượt trên tuyến Đình Vũ – Nguyễn Bỉnh Khiêm – Nguyễn Văn Linh cả nghìn tỷ được Hải Phòng đầu tư xây dựng đã giải quyết tình trạng ùn tắc kéo dài diễn ra thường xuyên trên tuyến đường rút hàng container khỏi cảng biển này.Không chỉ hệ thống giao thông cửa ngõ cảng được giải quyết, từ năm 2015, Hải Phòng đã có hàng loạt dự án được đưa vào khai thác tạo nên hệ thống giao thông đồng bộ. Cùng với đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, đường ô tô Tân Vũ – Lạch Huyện, đường cao tốc Hải Phòng – Hạ Long, dự án mở rộng quốc lộ 10, đường trục giao thông đô thị, nút giao Nam Cầu Bính, cầu Rào, đường bao Tây Nam, đường trục Đình Vũ, hệ thống cầu đường kết nối với các tỉnh Hải Dương… đã đi vào hoạt động.
Một loạt các dự án đang tiếp tục được đầu tư mới như: dự án đường bộ ven biển kết nối với tỉnh Thái Bình, các tuyến đường kết nối với đường bộ ven biển, cầu Lại Xuân, cầu Rừng kết nối với tỉnh Quảng Ninh, nút giao khác mức tại ngã tư đường Tôn Đức Thắng - Máng Nước - Quốc lộ 5... Sắp tới Hải Phòng sẽ tiếp tục triển khai xây dựng các tuyến đường vành đai 2, vành đai 3… đảm bảo hàng hoá qua cảng không bị ách tắc, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Cảng Lạc Huyện với hai bến số 1 và 2 đã đi vào hoạt động góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và thu hút đầu tư vào Hải Phòng.
Về đường hàng không, Cảng hàng không quốc tế Cát Bi đã được cải tạo nâng cấp công suất 4 triệu hành khách/năm, tới đây sẽ khởi công xây dựng nhà ga số 2. Về hàng hải, bến số 1 và số 2 cảng quốc tế Lạch Huyện đã đi vào hoạt động, hiện các bến 3, 4, 5, 6 đang được triển khai đầu tư xây dựng dự kiến khi đi vào hoạt động sẽ tạo nên hệ thống cảng biển nước sâu đồng bộ, đưa Hải Phòng thực sự trở thành đầu mối giao thông, cửa chính ra biển của các tỉnh phía Bắc.
Ông Lê Trung Kiên nhận định, hệ thống hạ tầng giao thông kết nối hình thành, ngày càng hoàn thiện đã tạo thành đòn bẩy thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, là cơ sở giúp Hải Phòng khai thác tốt tiềm năng lợi thế về vị trí địa kinh tế của thành phố. Phát huy lợi vốn có, Hải Phòng đã luôn gắn liền phát triển sản xuất công nghiệp với phát triển cảng biển, xây dựng các khu công nghiệp và hạ tầng logistics lấy hệ thống cảng biển làm trọng tâm. Nhờ vậy, Hải Phòng ngày càng thu hút được các tập đoàn lớn trong và ngoài nước hội tụ về thành phố cảng đầu tư.
Cải thiện môi trường đầu tư
Theo Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, cùng với đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, đáp ứng nguồn lao động dồi dào có chất lượng, những năm qua, Hải Phòng đã luôn cải thiện môi trường đầu tư, rút ngắn thủ tục hành chính, cấp phép đầu tư. Đồng thời, lãnh đạo thành phố và cơ quan chức năng luôn chủ động, tích cực hỗ trợ, tổ chức đối thoại, giải quyết các vướng mắc cho doanh nghiệp nên đã nâng cao lợi thế so sánh của Hải Phòng với địa phương khác, tạo nên sức hút mạnh mẽ với nhà đầu tư.
Ông Lê Trung Kiên chia sẻ: “Về ưu đãi đầu tư thì có luật chung rồi, tất cả cơ chế chính sách ưu đãi đều có khung pháp lý. Cái mà Hải Phòng hấp dẫn nhà đầu tư chính là đầu tư kết cấu hạ tầng để phát huy tiềm năng lợi thế và tạo ra một môi trường đầu tư thông thoáng. Bên cạnh đó là các giải pháp về nguồn nhân lực, cùng với việc đào tạo nghề thì Hải Phòng đang đẩy mạnh các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân tại các KCN để thu hút lao động từ các tỉnh về”.
Tổ hợp LG (Hàn Quốc) là dự án FDI lớn nhất đầu tư vào Hải Phòng với tổng vốn đăng ký 9,24 tỷ USD.
Từ nhiều năm nay, Hải Phòng luôn đổi mới phương thức xúc tiến đầu tư. Cùng với việc xúc tiến đầu tư tại chỗ theo hình thức trực tiếp, trực tuyến, trên mạng xã hội, để không chỉ đại biểu dự hội nghị mà doanh nghiệp ở nơi khác cũng có thể tham gia, tương tác, tìm hiểu về môi trường đầu tư tại Hải Phòng. Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng cũng phối hợp với các KCN lớn như Tràng Duệ, DEEP C, Nam Đình Vũ tổ chức xúc tiến đầu tư tại KCN, nhà đầu tư được trực tiếp tham quan mặt bằng, được tìm hiểu các cơ chế, chính sách cũng như các cam kết từ chính quyền và chủ đầu tư KCN để đi đến quyết định đầu tư.
Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng còn tổ chức các cuộc xúc tiến đầu tư tại các nước là những thị trường lớn có các đối tác chiến lược. Tháng 6/2023, Đoàn công tác của TP. Hải Phòng do ông Lê Tiến Châu, Bí thư Thành uỷ Hải Phòng dẫn đầu đã sang Hàn Quốc và Nhật Bản tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư thương mại Hải Phòng – Hàn Quốc năm 2023 và Hội nghị xúc tiến đầu tư Hải Phòng – Nhật Bản năm 2023. Tại các hội nghị xúc tiến đầu tư này, Bí thư Lê Tiến Châu khẳng định Hải Phòng với những lợi thế nổi trội, luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài tới đầu tư về các lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, thông minh, kinh tế biển, năng lượng sạch, sản xuất linh kiện bán dẫn… Ông Bí thư cũng cam kết Hải Phòng sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tập trung phát triển kết cấu hạ tầng, đẩy nhanh tiến độ phát triển các KCN mới tạo quỹ đất sạch sẵn sàng chào đón nhà đầu tư lớn.
Về triển vọng những năm tiếp theo, ông Lê Trung Kiên, Trưởng ban HEZA cho biết: “ Hải Phòng đã chuẩn bị cho giai đoạn phát triển công nghiệp mới đến năm 2050. Theo đó, thành phố quy hoạch 25 KCN với tổng diện tích 15.777 ha (bao gồm 14 KCN đã được thành lập với 6.080,21 ha, chiếm 38,5% so với diện tích các KCN được quy hoạch thời gian tới). Đặc biệt thành phố thực hiện thành lập mới KKT phía Nam Hải Phòng, dự kiến khoảng 20.000 ha. Đây chính là các không gian động lực phát triển của thành phố trong tương lai”.