Chuyên mục


Hà Nội thêm trạm thu phí vào nội đô

18/10/2022 10:14 (GMT +7)

Sau 2 lần trình và được UBND thành phố Hà Nội yêu cầu chỉnh sửa, bổ sung, tư vấn, đơn vị xây dựng đề án thu phí xe cơ giới vào nội đô là Sở GTVT Hà Nội vừa cho biết, số trạm thu phí xe ô tô vào nội đô sẽ tăng so với con số 87 trạm đưa ra trước đây.

Đề án “Thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào” (đề án thu phí xe ô tô vào nội đô ) vừa được đơn vị tư vấn là đại diện Trường Đại học Giao thông - vận tải bổ sung, hoàn thiện báo cáo Sở GTVT Hà Nội lần thứ 3. Cụ thể theo đề án, từ nay đến năm 2025, thành phố sẽ lập gần 100 trạm thu phí tại các tuyến đường hướng tâm, cửa ngõ để thu phí ô tô vào nội đô (phương án trước đây là 87 trạm).

Đề án đưa ra nhằm khuyến khích người tham gia giao thông sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng khi ra vào nội đô

Đề án đưa ra nhằm khuyến khích người tham gia giao thông sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng khi ra vào nội đô

Khu vực được xác định để lập trạm thu phí vào nội đô là từ đường Vành đai 3 trở vào, phạm vi thu phí giới hạn bởi các đường: Vành đai 3 - Cầu Thanh Trì - Pháp Vân - Mai Dịch - Phạm Văn Đồng - trục Tây Thăng Long - Võ Chí Công - Cầu Nhật Tân - Đường Hoàng Sa - Đường Trường Sa - Đường Lý Sơn - Đường Nguyễn Văn Linh và khép kín vào Vành đai 3.

Đối tượng thu phí được đề án xác định là ô tô di chuyển từ bên ngoài Vành đai 3 vào trong khu vực thu phí có nguy cơ ùn tắc giao thông. Nhóm xe được miễn phí, gồm: xe ưu tiên theo quy định hiện hành, xe công an, quân đội, xe cứu thương, xe cứu hỏa; xe công vụ; xe buýt công cộng...

Nhóm xe được giảm phí gồm ô tô của các doanh nghiệp công ích, ô tô kinh doanh vận tải hành khách (xe hợp đồng, xe du lịch, taxi, xe tuyến cố định, xe vận tải trung chuyển hành khách); vận tải nội bộ từ 10 chỗ trở lên (bao gồm cả lái xe); ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa (xe taxi tải, xe kinh doanh vận tải hàng hóa thông thường, xe kinh doanh vận tải hàng hóa không thu tiền trực tiếp); ô tô từ 9 chỗ trở xuống (bao gồm cả lái xe) của hộ gia đình trong khu vực thu phí, ô tô của cơ quan công sở trong khu vực thu phí.

Lý giải về việc các trạm thu phí được lên phương án nhiều hơn danh sách trước đây, đại diện nhóm Tư vấn đề án cho biết, thời điểm này so với 2 năm trước đó, thành phố Hà Nội đã đưa thêm nhiều tuyến đường, vị trí kết nối với trung tâm vào sử dụng nên nhóm Tư vấn phải khảo sát, cập nhật, bổ sung.

img-bgt-2021-ong-nguyen-van-quyen-chu-tich-hiep-hoi-van-tai-o-to-vn-1659945589-width1527height1080
Trên cả nước đang có hơn 4 triệu ô tô lưu hành, hiện đã có tới gần 80% trong số này dán thẻ ETC. Nếu Hà Nội và các thành phố khác thu phí vào nội đô cũng áp dụng công nghệ, nền tảng này để thu phí xe vào nội đô thì rất thuận lợi, giảm sự phức tạp và đồng bộ với hạ tầng cả nước.

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (VATA) Nguyễn Văn Quyền

Theo ông Nguyễn Văn Quyền, thu phí vào nội đô để giảm xe cá nhân, ùn tắc là việc cần làm, tuy nhiên các chủ trương, quy định này phải tuân thủ các quy định của pháp luật; hình thức áp dụng cũng phải phổ thông, kế thừa công nghệ, hạ tầng giao thông cả nước. Cần tránh tạo ra quy định mới, lãnh địa riêng, việc này vừa gây phức tạp cho giao thông đi lại, khó khăn cho người dân, vừa gây là lãng phí, làm mất vai trò của biển số xe và “đẻ” thêm giấy phép con.

Dẫn thực tế thực hiện đề án quản lý xe cá nhân trên địa bàn Hà Nội, Chủ tịch VATA đánh giá, đang bị chậm so với Nghị quyết số 04 thông qua đề án của Hội đồng nhân dân thành phố. Cụ thể, theo Nghị quyết, năm 2019, UBND thành phố Hà Nội phải xây dựng xong đề án thu phí xe cơ giới vào nội đô để giảm ùn tắc, ô nhiễm môi trường; tuy nhiên đến nay đề án vẫn xây dựng chưa xong...

Dự kiến bắt đầu thu phí xe vào nội đô là trong năm 2024

Về thời gian thực hiện, từ nay đến năm 2023, Sở GTVT Hà Nội và các đơn vị có liên quan sẽ khảo sát, xây dựng lắp đặt các trạm thu phí, thời gian dự kiến bắt đầu thu phí xe vào nội đô là trong năm 2024.

Về công nghệ thu phí, đề án áp dụng công nghệ thu phí không dừng. Hình thức thu phí này được kết hợp giữa công nghệ nhận diện vô tuyến RFID (công nghệ chính để thực hiện thu phí có độ chính xác cao) và công nghệ tự động nhận dạng biển số ANPR (công nghệ hỗ trợ cho công tác xử lý vi phạm) qua hệ thống camera giám sát tự động để phát hiện xe không nộp phí, phục vụ công tác truy thu phí và xử lý hành vi không nộp phí. Đề cập hiệu quả của dự án, đại diện nhóm Tư vấn nghiên cứu đề án của Trường Đại học Giao thông - vận tải cho biết, giảm ùn tắc giao thông là ưu tiên hàng đầu nhằm đảm bảo mục tiêu giảm ùn tắc giao thông khu vực thu phí.

 
Thời gian áp dụng thu phí xe vào nội đô là 5h - 21h. Tổng mức đầu tư cho việc lập hệ thống trạm thu phí vào nội đô dự tính khoảng 2.600 tỷ đồng.

“Qua nghiên cứu, đánh giá, khi thực hiện thu phí sẽ giảm khoảng 20% lưu lượng giao thông đi vào khu vực thu phí, từ đó giảm ùn tắc giao thông”, tư vấn đề án thông tin.

Đối với hiệu quả thu ngân sách, việc thu mức phí 50.000 đồng/lượt xe, đủ bù đắp chi phí đầu tư và chi phí quản lý vận hành, chưa có nguồn thu ngân sách. Với mức phí thu 100.000 đồng, sẽ có nguồn thu về ngân sách hằng năm khoảng 300 tỷ đồng; khuyến khích người tham gia giao thông sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng. Đồng thời sẽ giảm ô nhiễm môi trường tương ứng với lượng xe không vào khu vực thu phí .

Với hiệu quả xã hội, giảm ô nhiễm môi trường; điều chỉnh hành vi sử dụng phương tiện giao thông theo hướng tích cực; khuyến khích người tham gia giao thông sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng, giảm phương tiện cá nhân, hướng tới xây dựng văn hóa giao thông.

TS Đinh Thị Thanh Bình (Đại học Giao thông vận tải) cũng cho biết trong phỏng vấn với báo Tuổi trẻ, cần cân nhắc kỹ lưỡng mức phí. Việc thu phí xe vào nội đô có mục tiêu sử dụng công cụ kinh tế để điều tiết hành vi giao thông theo hướng không khuyến khích sử dụng xe cơ giới cá nhân vào khu vực có mật độ giao thông cao, góp phần giảm ùn tắc giao thông mà nhiều nước đã thực hiện. 

Về mức phí phải được cân nhắc vì nếu quá thấp thì tỉ lệ ô tô cá nhân giảm không đáng kể, không tác động đến giảm ùn tắc, nếu thu quá cao tuy mang lại hiệu quả giảm ùn tắc giao thông nhưng ảnh hưởng đến đời sống và hiệu quả khai thác hạ tầng giao thông trong vùng thu phí. Đồng thời có thể khó bù đắp kinh phí đầu tư và chi phí vận hành bảo trì hệ thống thu phí.

Theo TS Khương Kim Tạo nguyên phó Chánh Văn phòng Uỷ ban An toàn Giao thông Quốc gia trả lời với VOV.vn, cũng có ý kiến nhìn nhận những khó khăn đang đặt ra với đề án. Trước hết, giao thông công cộng phải đảm bảo tối thiểu để mọi người chọn đó là giải pháp thay thế việc đi xe cá nhân. Trong khi đó, giao thông công cộng thực tế còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của mọi người.

Khi giao thông công cộng chưa thuận tiện, người ta sẽ vẫn phải sử dụng phương tiện cá nhân. Nhưng cũng không phải ai cũng sẵn sàng hay có điều kiện để nộp phí, ví dụ như công nhân, viên chức, họ chỉ có thu nhập là lương, giờ phải trả phí cũng khó. Khi đó người ta sẽ có hiện tượng “lách” nộp phí bằng cách tránh các cung đường lớn có trạm thu phí, tìm đến các đường nhỏ, làm gia tăng việc ùn tắc ở các cung đường này.

Cùng với đó, nhiều người "có điều kiện" hơn thì sẽ tìm cách mua nhà vào phía trong vành đai để tránh việc phải trả phí thường xuyên, lâu dài. Như thế lại xảy ra hiện tượng người dân tập trung vào phía trong vành đai, càng tăng thêm ùn tắc trong nội đô. Trong khi mong muốn của chúng ta là giãn dân ra các khu vực ngoại thành.

Mỹ Diệu
Chủ đầu tư xây cao tốc vướng khi khai thác mỏ cát
Bộ GTVT vừa có văn bản đề nghị UBND tỉnh Quảng Bình hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB) và khai thác mỏ cát theo cơ chế đặc thù phục vụ thi công gói thầu XL02 dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Vũng Áng - Bùng.

Quảng Ngãi giải ngân vốn đầu tư công thấp
Trong 6 tháng đầu năm, tỉnh Quảng Ngãi giải ngân hơn 1.500 tỷ đồng, đạt hơn 22% kế hoạch được giao.

Vietjet mua 20 tàu bay thân rộng thế hệ mới A330neo
Hãng hàng không Vietjet và Tập đoàn chế tạo máy bay Airbus vừa ký hợp đồng đặt mua 20 máy bay thân rộng thế hệ mới A330neo (A330-900) với tổng trị giá 7,4 tỷ USD.

6 giải pháp ứng phó với cước vận tải biển leo thang
Trước tình trạng giá cước vận tải biển tăng mạnh, gây ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương vừa có công văn gửi các Hiệp hội đề xuất 6 giải pháp nhằm thúc đẩy xuất nhập khẩu trong bối cảnh hiện nay.

Tháo gỡ khó khăn thiếu tàu bay cho các hãng hàng không
Đội tàu bay của các hãng hàng không Việt Nam giảm khoảng 40 - 45 chiếc so năm 2023 do việc triệu hồi động cơ của nhà sản xuất và việc tái cơ cấu của Bamboo Airways, Pacific Airlines. Trong khi, hàng không nội địa khó tìm được tàu bay thuê do giá thuê tăng cao.

Các đơn vị điện lực, viễn thông sẽ phải trả phí thuê hạ tầng đường bộ
Luật Đường bộ mới được Quốc hội thông qua đã bổ sung quy định thu phí từ khai thác, sử dụng kết cấu hạ tầng giao thông và công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung.

Nâng cao năng lực cảng biển Việt Nam
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành văn bản số 5030/VPCP-TH truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái về việc khai thác các cảng biển Việt Nam.