Hà Nội đình chỉ 326 quán karaoke vi phạm
Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, Công an TP Hà Nội cho biết từ đầu năm 2022 đến nay, Công an TP Hà Nội đã đình chỉ 326 quán karaoke vi phạm quy định an toàn phòng cháy chữa cháy. Các cơ sở này sẽ bị công khai tên, địa chỉ để người dân cùng giám sát.
Ngày 12/9, tại Hội nghị trực tuyến do Thủ tướng Chính phủ chủ trì về công tác phòng cháy, chữa cháy và sơ kết 05 năm thực hiện Nghị định 83/2017/NĐ-CP quy định công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng Phòng cháy chữa cháy (PCCC), ở điểm cầu Hà Nội, ông Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết: Ngay sau khi nhận được Công điện số 792/CĐ-TTg ngày 7/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội đã ban hành Công điện tăng cường công tác phòng chống cháy nổ trên địa bàn; yêu cầu các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời đã chỉ đạo thực hiện trên toàn thành phố.
Lãnh đạo TP Hà Nội cũng yêu cầu Chủ tịch các địa phương phải chịu trách nhiệm trước thành phố nếu để xảy ra vi phạm PCCC. Đối với những cơ sở kinh doanh trong thời gian sửa chữa, kiên quyết yêu cầu chủ hộ kinh doanh không được hoạt động để tránh xảy ra sự cố đáng tiếc gây thiệt hại về người và tài sản như thời gian vừa qua.
Cũng tại hội nghị, ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội thông tin thêm, hiện Thủ đô có số dân số tạm trú và sinh sống là gần 10 triệu người; có khoảng 1.437 công trình nhà cao tầng, siêu cao tầng; 9 khu công nghiệp, khu công nghệ cao, 70 cụm công nghiệp; 5.311 khu dân cư (với khoảng 438 khu dân cư có nguy cơ cháy, nổ cao).
Ngày 9/9, Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, Công an TP Hà Nội cho biết từ đầu năm 2022 đến nay, Công an TP Hà Nội đã đình chỉ 326 quán karaoke vi phạm quy định an toàn phòng cháy chữa cháy. Các cơ sở này sẽ bị công khai tên, địa chỉ để người dân cùng giám sát.
Thực hiện công điện của Thủ tướng Chính phủ và kế hoạch của UBND TP Hà Nội, nhằm kiểm soát chặt hoạt động các cơ sở kinh doanh karaoke để hạn chế tối đa cháy và thiệt hại do cháy, Công an TP đã mở đợt cao điểm kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy loại hình dịch vụ kinh doanh này. Mục tiêu đặt ra là kiểm tra 100% các quán karaoke, giám sát chặt các cơ sở đang bị đình chỉ hoạt động.
Riêng từ giữa tháng 8 đến nay, các đơn vị thuộc Công an TP đã tạm đình chỉ 27 cơ sở, phạt 1 tỷ đồng. Theo Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, đợt cao kiểm tra sẽ hoàn tất vào ngày 20/9 tới. Sau đó, đơn vị sẽ tổng hợp, rà soát các cơ sở vi phạm mà chưa khắc phục, gửi danh sách cho cơ quan thông tấn, báo chí đăng tải công khai để mỗi người dân cùng giám sát với cơ quan chức năng.
Trong nhiều ngày qua, UBND các quận nội thành đã chủ động phối hợp cùng Công an TP kiểm tra hoạt động các cơ sở kinh doanh karaoke thuộc địa bàn quản lý. Đội Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, Công an quận Hai Bà Trưng cho biết, địa bàn có 23 cơ sở kinh doanh karaoke đang hoạt động. Thực hiện kế hoạch của UBND quận, từ giữa tháng 8 đến nay, các tổ liên ngành đã kiểm tra được 16/23 cơ sở.
Qua kiểm tra, nhìn chung các cơ sở hoạt động đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy. Tuy nhiên, có trường hợp hệ thống trang thiết bị phòng cháy chữa cháy chưa được bảo dưỡng thường xuyên, nhân viên mới chưa được huấn luyện về công tác phòng cháy chữa cháy. Một số cơ sở tồn tại vấn đề về diện tích phòng hát, số phòng hát và lối thoát nạn thứ 2 vi phạm trật tự xây dựng.
Theo thống kê hiện trên địa bàn TP có 1.400 cơ sở kinh doanh karaoke. Trong đó, có 58% cơ sở không đạt yêu cầu về công tác an toàn phòng cháy chữa cháy. Trong số này có 425 cơ sở có khả năng khắc phục nhưng chưa thực hiện nên đã bị xử lý vi phạm, tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động; có 326 cơ sở không đạt yêu cầu về công tác phòng cháy chữa cháy nhưng không có khả năng khắc phục. Do đó, Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ đã ra quyết định đình chỉ tất cả các cơ sở này.
Hà Nội đang chỉ đạo xây dựng Đề án Tổng thể nâng cao năng lực và đảm bảo an toàn PCCC và cứu nạn cứu hộ trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2022-2025, định hướng 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá là xây dựng, nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng dân phòng đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ công tác PCCC và cứu nạn cứu hộ trong tình hình mới theo phương châm “bốn tại chỗ” trong công tác PCCC và cứu nạn cứu hộ.
Đề án này sẽ rà soát, kiện toàn về lực lượng dân phòng; bổ sung ngay những điều kiện cần thiết về trang phục, thiết bị bảo hộ cá nhân, nơi làm việc và chế độ chính sách cho thành viên đội dân phòng trong hoạt động PCCC và cứu nạn cứu hộ; tăng cường huấn luyện, đào tạo, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ PCCC và cứu nạn cứu hộ cho lực lượng này đảm bảo đáp ứng yêu cầu để xử lý các tình huống cháy nổ, sự cố, tai nạn trong giai đoạn ban đầu.
UBND TP Hà Nội đề nghị Quốc hội sớm ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở để có cơ chế huy động các lực lượng quần chúng, lực lượng bán chuyên trách tham gia công tác PCCC, cứu nạn, cứu hộ được rộng rãi hơn, đông đảo hơn; đề nghị Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu sửa đổi Nghị định số 83 năm 2017 và các Thông tư, hướng dẫn của Bộ Công an về công tác cứu nạn cứu hộ để nâng cao hiệu quả công tác này phù hợp với mô hình mới sau khi sáp nhập Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ vào Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.