"Gương mặt sáng" ngành logistics
Tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2022 tổ chức mới đây, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khen thưởng cho 16 tập thể và 4 cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc phát triển ngành dịch vụ logistics Việt Nam 2022.
Logistics là một ngành dịch vụ tiêu thụ năng lượng và phát sinh khí thải lớn. Việc đẩy mạnh phát triển dịch vụ logistics song hành với tiết kiệm năng lượng, chuyển đổi sang các sử dụng các nguồn năng lượng thân thiện với môi trường, sử dụng nguyên liệu có khả năng tái chế là một nhiệm vụ lớn với ngành dịch vụ logistics. Tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu COP-26 (tháng 11 năm 2021), Thủ tướng Chính phủ đã cam kết Việt Nam sẽ đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Đây là một mục tiêu rất quan trọng, đòi hỏi tính trách nhiệm và sự tham gia mạnh mẽ của các ngành, trong đó có logistics.
Để truyền tải thông điệp này, định hướng và khuyến khích doanh nghiệp logistics tuân thủ các yêu cầu về tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải, sử dụng năng lượng sạch, Diễn đàn Logistics Việt Nam 2022 lấy chủ đề là “Logistics xanh”. Đây cũng là chủ đề của Báo cáo Logistics Việt Nam 2022 được công bố tại Diễn đàn.
Tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2022, ông Khiếu Ngọc Sáng, Phó Chánh Văn phòng Bộ Công Thương đã đọc Quyết định số 2490 ngày 24/11/2022 của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên về việc khen thưởng cho 16 tập thể và 4 cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc phát triển ngành dịch vụ logistics Việt Nam 2022.
Theo đó, 14 đại diện tập thể và cá nhân ghi điểm trong ngành logistics gồm: Vụ Kinh tế tổng hợp- Văn phòng chính phủ, Cục hàng hải Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, Hiệp hội logistics Hải Phòng, Công ty TNHH giải pháp logistics DTK, chi nhánh Công ty CP giao nhận tiếp vận quốc tế, Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Song Bình, Công ty CP dịch vụ hàng hoá Hàng không, Công ty CP hàng hải Vsico, Công ty TNHH Cảng Container Quốc tế Tân Cảng Hải Phòng (TC-HICT), Công ty CP Bach Group, CTCP Giao nhận và vận chuyển In Do Trần (ITL Corp), Công ty CP giao hàng Tiết kiệm, Tạp chí Vietnam Logistics Review, Ban Thời sự Đài truyền hình Việt Nam, Báo Công Thương, ông Dương Quang Khánh - Tổng thư ký Hiệp hội phát triển nhân lực logistics Việt Nam, bà Cao Cẩm Linh- Trưởng ban nghiên cứu Hiệp hội phát triển nhân lực logistics Việt Nam.
Trong đó, Công ty TNHH giải pháp logistics DTK cung cấp giải pháp nền tảng CargoWise cho dịch vụ logistics tổng thể. Với vai trò là đối tác kinh doanh của CargoWise, DTK có quyền phân phối CargoWise tại Việt Nam và châu Á. Đội ngũ chuyên gia của công ty không chỉ có kiến thức chuyên sâu về ngành logistics mà còn có năng lực chuyên môn về công nghệ thông tin.
DTK hỗ trợ các doanh nghiệp sử dụng CargoWise tại Việt Nam bằng cách cung cấp dịch vụ đào tạo - thông qua hình thức trực tiếp và trực tuyến. Qua đó, đội ngũ nhân sự của doanh nghiệp có thể ứng dụng phần mềm một cách hiệu quả trong quá trình làm việc. Hiện nay, DTK đã ký hợp đồng hợp tác với Viện Thương mại và Kinh tế Quốc tế (STIE) thuộc Trường Đại học Kinh tế Quốc dân triển khai khóa học “Chứng chỉ CargoWise - Level CCO”.
Một "gương mặt" nổi bật khác, Công ty Cổ phần dịch vụ hàng hóa hàng không Việt Nam (ACSV) được thành lập từ năm 2009, với tên gọi ban đầu là Công ty Dịch vụ hàng hóa hàng không (ACS) - trực thuộc TCT Cảng hàng không miền Bắc. Năm 2015, ACS chuyển đổi mô hình thành công ty cổ phần, đổi tên thành ACSV với sự tham gia góp vốn của các cổ đông. ACSV là một trong các doanh nghiệp đứng đầu về cung cấp dịch vụ phục vụ hàng hóa hàng không tại Cảng HKQT Nội Bài. Với lợi thế sở hữu nhà ga hàng hóa Nội Bài có diện tích 60.000 m2 nằm tại vị trí đắc địa ngay cạnh sân đỗ tàu bay chuyên chở hàng hóa, Nhà ga hàng hóa của ACSV được biết đến là nhà cung cấp dịch vụ có chất lượng cao, với thời gian phục vụ tiết kiệm, hiệu quả nhất. Ngoài chức năng cung cấp các dịch vụ phục vụ hàng hóa hàng không, bao gồm và không giới hạn các loại hàng thông thường, hàng hóa đặc biệt như: Hàng hóa siêu trường, siêu trọng, hàng hóa nguy hiểm, hàng động vật sống, hàng hóa nhạy cảm với nhiệt độ…
Công ty cổ phần Hàng Hải VSICO chính thức đi vào hoạt động từ ngày 01/10/2010 trên cơ sở chuyển đổi sang mô hình Công Ty Cổ Phần Hàng Hải Và Đầu Tư Công Nghiệp Vinashin được thành lập ngày 28/03/2007. Đội tàu hiện tại của VSICO rất đa dạng, gồm các tàu chở hàng rời, và tàu container hoạt động không hạn chế trên các tuyến trong nước và quốc tế.
Hoạt động kinh doanh chính của VSICO là vận tải biển, đường bộ và đường sắt. VSICO không chỉ là chủ tàu, quản lý và khai thác tàu mà còn tham gia vào các hoạt động thuê tàu, mua bán tàu, các dịch vụ liên quan thông qua các công ty con và chi nhánh như dịch vụ đại lý, giao nhận & logistic… cũng như các hoạt động liên doanh, liên kết.
VSICO đã thiết lập, thực hiện, duy trì, vận hành có hiệu quả Hệ thống Quản lý An toàn, Chất lượng và Môi trường (SQEMS) và thường xuyên chú trọng bổ sung và cải tiến nâng cao hiệu lực của hệ thống theo các yêu cầu của Bộ luật Quản lý An toàn Quốc tế (ISM Code) và Công ước Lao động hàng hải 2006.
Công ty TNHH Cảng Container Quốc tế Tân Cảng Hải Phòng (TC-HICT) là cảng container nước sâu lớn nhất miền Bắc Việt Nam, có khả năng tiếp nhận tàu với trọng tải lên tới 14.000 TEUs với tuyến dịch vụ trực tiếp đi châu Mỹ và châu Âu, giảm đáng kể thời gian và chi phí logistics. Công ty TNHH Cảng Container Quốc tế Tân Cảng Hải Phòng (TC-HICT) là liên doanh giữa Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn (nắm giữ 51% vốn), Công ty TNHH MITSUI O.S.K Lines Nhật Bản (nắm giữ 17,5% vốn), Công ty Wan Hai Lines Đài Loan (nắm giữ 16,5% vốn) và Tập đoàn Itochu Nhật Bản (nắm giữ 15% vốn) ...
Công ty CP giao nhận vận chuyển Indo Trần (ITL Corp) tiền thân là Công ty TNHH giao nhận Indo Trần (ITL) được thành lập năm 1999 hoạt động trong lĩnh vực vận chuyển hàng hóa quốc tế. Năm 2007, công ty chuyển thành Công ty CP giao nhận vận chuyển Indo Trần (ITL Corp) và mở rộng thêm lĩnh vực hoạt động. Công ty cổ phần giao nhận và vận chuyển Indo Trần (ITL Corp) được đánh giá là một trong những doanh nghiệp dẫn đầu về cung cấp dịch vụ giao nhận vận tải, đại diện hàng không và tổng đại lý hàng không tại thị trường Việt Nam.
Hiện công ty là đại diện của hơn 9 hãng hàng không tại Việt Nam và đang khai thác hơn 70 chuyến bay thẳng mỗi tuần từ TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội đi khắp thế giới cho các hãng hàng không quốc tế như; Thai Airway (Thái Lan), Qatar Airway (Mỹ). Bên cạnh đó, ITL còn được Hiệp hội hàng không quốc tế (IATA) xếp hạng vị trí số 2 trong 10 công ty giao nhận vận chuyển hàng không lớn nhất tại Việt Nam. Trong lĩnh vực giao nhận vận chuyển và logistics, hiện ITL đang sở hữu và khai thác hệ thống trung tâm logistics hiện đại và văn phòng trải dài từ Bắc vào Nam. ITL đã gây dựng được uy tín rất lớn đối với đối tác cũng như khách hàng nhờ thế mạnh là đội ngũ quản lý và nhân viên giàu nhiệt huyết, kinh nghiệm cùng các dịch vụ chuyên nghiệp. Năm 2010, ITL nằm trong 10 doanh nghiệp uy tín tại Việt Nam.
Công ty cổ phần Giao Hàng Tiết Kiệm (GHTK) là một công ty giao nhận ra đời năm 2013. Định giá hiện tại của GHTK là khoảng 900 triệu USD. Thương vụ IPO này dự kiến diễn ra vào quý IV năm 2022. Được thành lập năm 2013, trải qua 9 năm hình thành và phát triển, hiện GHTK đã có mặt tại 63 tỉnh thành với quy mô đạt hơn 20 trung tâm vận hành, số lượng xe tải đường bộ hơn 1.000++ xe, trên 700 chi nhánh với tổng diện tích hạ tầng kho bãi lên đến trên 220.000m2. Ngoài ra, GHTK hiện có 1.500 điểm giao nhận. Công ty có khoảng 30.000 nhân viên giao hàng và sở hữu hệ thống 600.000 m2 nhà kho. Tháng 4 năm nay, GHTK cán mốc một tỷ đơn hàng luân chuyển qua hệ thống.
GHTK đã len lỏi hoạt động tại 63 tỉnh thành, phủ hoạt động tại 11 ngàn phường xã. Theo tự bạch của GHTK mỗi tháng công ty phục vụ trung bình nửa triệu khách hàng, hầu hết là khách hàng cá nhân – người trực tiếp bán hàng qua mạng xã hội hoặc kinh doanh trực tuyến thông qua các sàn thương mại điện tử lớn như Shopee. Công ty có 30 ngàn nhân viên giao hàng, có 300 kỹ sư, trong đó nhiều người là kỹ sư công nghệ. GHTK sở hữu hệ thống vật chất với 600 ngàn m2 nhà kho, tương đương 80 sân bóng đá tiêu chuẩn World Cup. Công ty có 1.500 địểm giao nhận tại các vị trí chiến lược, con số khá đáng nể với một công ty xây dựng từ số 0.
Ngoài ra, tại Diễn đàn diễn ra Lễ ký kết biên bản hợp tác trong khuôn khổ kết nối giữa các hiệp hội: Hiệp hội phát triển nhân lực logistics Việt Nam, Hiệp hội Đại lý và Môi giới hàng hải Việt Nam, Hiệp hội logistics Hải Phòng và Hiệp hội logistics Hà Nội.
Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) đã giành được quyền đăng cai Đại hội toàn thể Liên đoàn các Hiệp hội giao nhận quốc tế (FIATA) vào năm 2025. Tại diễn đàn cũng diễn ra lễ ký kết hợp tác giữa VLA và Công ty Vietravel Airlines nhằm phối hợp tổ chức đăng cai FIATA.
Được biết, VLA là tổ chức xã hội nghề nghiệp phi lợi nhuận của những người, tổ chức và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại giao nhận kho vận, dịch vụ logistics tại Việt Nam.
Một tổ chức nữa được nhắc tên tại Diễn đàn năm nay là FIATA (The International Federation of Freight Forwarders - Liên đoàn các Hiệp hội Giao nhận Vận tải Quốc tế) - được thành lập ngày 31/5/1926, là một tổ chức phi chính phủ, có tư cách thành viên đại diện cho các nhà giao nhận vận tải, logistics ở khoảng 150 quốc gia. Thành viên của FIATA bao gồm 113 Thành viên Hiệp hội và hơn 5.500 Thành viên Cá nhân, đại diện tổng thể cho một ngành gồm 40.000 công ty giao nhận và logistics trên toàn thế giới. Như khẩu hiệu hành động FIATA là “Tiếng nói của ngành logistics toàn cầu” (The global voice of freight logistics). Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) là Thành viên chính thức của FIATA, đại diện cho ngành dịch vụ logistics Việt Nam từ tháng 5/1994.
Phát triển hạ tầng logistics là nhiệm vụ quan trọng phát triển dịch vụ logistics. Thời gian qua đã có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước tích cực tham gia công tác này. Chính vì vậy, tại buổi lễ, đại diện Công ty TNHH Phát triển công nghiệp BW Bắc Tiên Phong và Công ty CP Khu Công nghiệp Bắc Tiên Phong; Tổng công ty Hàng Hải Việt Nam và Công ty Cổ Phần T&Y Superport Vĩnh Phúc ký kết biên bản hợp tác nhằm triển khai dự án mới trong tương lai, góp phần thay đổi diện mạo hạ tầng logistics Việt Nam.