Giảm phát thải trong lĩnh vực giao thông: Hiện thực hóa chủ trương của Nhà nước
Xu thế sử dụng các phương tiện giao thông xanh thay thế các phương tiện sử dụng động cơ đốt trong đang chuyển biến mạnh mẽ, đến từ nhận thức của người dân và ngay cả các nhà sản xuất xe máy xăng, đặc biệt là sau khi có các chủ trương và những chỉ đạo định hướng cụ thể của Chính phủ.
Nếu phải chọn ra một vấn đề nổi cộm và xuyên suốt trong năm 2022 thì đó chính là "khủng hoảng năng lượng". Khi giá xăng dầu tăng lên, người dân có xu hướng tìm kiếm các phương tiện giao thông an toàn và tiết kiệm hơn. Đây chính là một trong những yếu tố quan trọng dẫn đến sự bứt phá mạnh mẽ của ngành xe hai bánh chạy điện trong thời gian qua.
Tại Hội nghị thượng đỉnh của LHQ về biến đổi khí hậu COP26 được tổ chức tại Glasgow (Vương quốc Anh) vào tháng 11/2021, Việt Nam đã đưa ra cam kết phát thải ròng khí nhà kính về “0” vào năm 2050. Cam kết này thể hiện quyết tâm của Chính phủ Việt Nam nhằm thực hiện các mục tiêu chuyển dịch từ nguồn năng lượng hóa thạch truyền thống sang các nguồn năng lượng xanh, sạch, chống biến đổi khí hậu.
Theo Quyết định số 876/QĐ-TTgcủa Thủ tướng Chính phủ về Chương trình chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan của ngành giao thông vận tải, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2040 sẽ từng bước hạn chế, tiến tới dừng sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô, mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hoá thạch. Đến năm 2050, 100% phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, bao gồm cả xe cá nhân và xe vận tải công cộng, xe chuyên dụng chuyển đổi sang sử dụng điện, năng lượng xanh. Hoàn thiện hạ tầng sạc điện, cung cấp năng lượng xanh trên phạm vi toàn quốc, đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.
“Theo kế hoạch của Chính phủ, đến năm 2040 sẽ dừng toàn bộ việc sản xuất xe máy xăng. Tuy nhiên tôi nghĩ kế hoạch này sẽ đạt được sớm hơn bởi hai lý do sau: Thứ nhất là người dân đã bắt đầu có ý thức về bảo vệ môi trường và cảm thấy lợi ích hơn khi dùng xe điện; đồng thời các hãng sản xuất xe máy xăng lớn nhất bây giờ cũng đang rục rịch chuyển đổi sang sản xuất xe điện. Điều này cho thấy kỷ nguyên của xe máy điện đã bắt đầu”, ông Hoàng Mạnh Tân, Phó TGĐ Tập đoàn Sơn Hà cho biết.
Theo lộ trình này, thị trường xe máy điện đang rất tiềm năng, nhất là các dòng xe điện dành cho người đi làm. Tại Việt Nam, hiện có Vinfast và Sơn Hà là 2 doanh nghiệp đầu tư sản xuất bài bản, quy mô lớn và theo chiến lược đường dài.
Mới đây, Vinfast đã chính thức tham gia vào lĩnh vực kinh doanh taxi điện tại Việt Nam, bắt đầu với 600 chiếc ô tô điện màu xanh lục lam tại Hà Nội. Hãng này đặt kế hoạch sẽ đưa taxi điện ứng dụng tại 5 thành phố lớn trong nước.
Giá điện ổn định giúp cho taxi điện trở thành một lựa chọn tốt hơn so với taxi chạy bằng xăng. Hiệp hội Taxi Hà Nội đang nghiên cứu cách để có thể điện khí hóa đội xe. Nhưng theo giới chuyên gia, taxi điện sẽ khan hiếm nếu Việt Nam không mở rộng cơ sở hạ tầng trạm sạc và không có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp nhập khẩu xe điện.
Không nằm ngoài xu thế chuyển đổi năng lượng xanh, cách đây chưa đầy một tuần lễ, Tập đoàn Sơn Hà cũng đã ra mắt 4 mẫu xe điện EVGO mới được cho là “Bộ tứ thay thế xe xăng”. Đây là doanh nghiệp có truyền thống 25 năm sản xuất các sản phẩm tiêu dùng thiết yếu, nổi tiếng với bồn nước inox và các sản phẩm thuộc ngành năng lượng như Thái Dương Năng, điện mặt trời áp mái FreeSolar. Mục tiêu của hãng hướng tới việc phục vụ nhu cầu chuyển đổi từ xe 2 bánh chạy xăng sang xe hai bánh chạy điện của người dùng xe 2 bánh trong nước.
Các mẫu xe mới ra mắt lần này của Sơn Hà gây chú ý khi có thiết kế tương đồng với các mẫu xe xăng đang thịnh hành trên thị trường nhưng được tích hợp những tính năng công nghệ hiện đại, đáp ứng tốt hơn nhu cầu sử dụng thay thế xe xăng của người dân.
"Bộ tứ" này gồm xe VS125 thiết kế cá tính, khả năng vận hành mạnh mẽ; EX100 là mẫu xe điện có hộp số 4 cấp đầu tiên trên thị trường; EVGO A có thiết kế thời thượng, mang phong cách Ý; Ecooter EH2 mang đậm phong cách châu Âu. Trong đó, 2 mẫu xe chạy pin với vận tốc tối đa lên tới 80 km/giờ, quãng đường di chuyển tối đa lên tới 200 km/lần sạc. Thay vì mỗi năm phải bỏ ra vài triệu tiền thuê pin, Sơn Hà bán đứt pin cho khách hàng để sử dụng lâu dài và bền bỉ hơn.
Trước đó, từ cuối năm 2020 đến năm 2022, Tập đoàn Sơn Hà đã ra mắt thị trường Việt 5 mẫu xe máy điện mang thương hiệu EVGO dành cho học sinh cấp 2, 3 và người đi làm. Những dòng xe này cũng đã nhận được hiệu ứng tích cực từ khách hàng.
Không chỉ có các nhà sản xuất xe máy điện thuần túy, thị trường còn trở nên “nóng” hơn rất nhiều với sự tham gia của những “ông lớn” trong ngành công nghiệp mô tô. Yamaha vào tháng 12/2022 đã ra mắt thị trường Việt Nam mẫu xe điện Yamaha NEO’S với giá niêm yết 50 triệu đồng.
Một thương hiệu Nhật Bản khác cũng “rục rịch” tiếp bước đó là Honda. Cuối năm 2022, thương hiệu này đã cho khách hàng lái thử nhiều mẫu xe máy điện tại một sự kiện ở Hà Nội.
Năm 2022, thị trường xe điện đã có một năm bứt phá khi doanh số xe điện toàn cầu các quý đầu năm đều tăng trưởng 50 - 70% so với cùng kỳ năm 2021. Dự kiến, thị trường này sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm 2023 và các năm tới. Dù vẫn còn ở quy mô khá khiêm tốn nhưng các nước Đông Nam Á cũng đang được xem là thị trường tiềm năng cho giới sản xuất xe điện.
"Nếu doanh nghiệp làm tốt thì không chỉ phục vụ thị trường Việt Nam mà còn có thể khai thác thị trường 700 triệu dân khu vực Đông Nam Á. Các nước lân cận như Thái Lan, Indonesia… cũng đang rất quyết liệt chuyển dịch phương tiện chạy xăng sang phương tiện chạy điện" – Đại diện Tập đoàn Sơn Hà nhấn mạnh.