Giá xăng 'còng lưng' vì thuế, phí?
Tỷ trọng các loại thuế, phí trong giá cơ sở các mặt hàng xăng chiếm 42,7% - 43,2%; trong khi, đối với dầu tỷ lệ này là trên 21,2 - 27,2%.
Theo Bộ Công Thương, mặt hàng xăng dầu đang chịu các loại thuế, phí như thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường, thuế VAT, chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức của từng loại xăng dầu.
Tỷ trọng các loại thuế, phí trong giá cơ sở các mặt hàng xăng chiếm 42,7% - 43,2%, trong khi, đối với dầu tỷ lệ này là trên 21,2 - 27,2%.
Cụ thể, trong cơ cấu giá xăng dầu áp dụng từ ngày 11/2, tỷ trọng các loại thuế, phí như sau: Xăng E5RON92: 10.576 đồng/lít chiếm 42,7% trong giá cơ sở (giá cơ sở hiện tại là 24.771 đồng/lít); xăng RON95: 10.942 đồng/lít chiếm 43,2% trong giá cơ sở (giá cơ sở hiện tại là 25.332 đồng/lít); dầu Diesel: 5.294 đồng/lít chiếm 26,1% trong giá cơ sở (giá cơ sở hiện tại là 20.265 đồng/lít); dầu hỏa: 4.005 đồng/lít chiếm 21,2% trong giá cơ sở (giá cơ sở hiện tại là 18.851 đồng/lít); dầu mazut: 4.809 đồng/kg chiếm 27,2% trong giá cơ sở (giá cơ sở hiện tại là 17.659 đồng/kg).
Theo ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), nếu giá xăng dầu tiếp tục leo thang, giả sử giá dầu thô vượt 100 USD/thùng, ngoài việc sử dụng công cụ Quỹ bình ổn giá, Bộ có thể sẽ tính đến công cụ khác là thuế phí.
Nếu giá xăng dầu cao quá sẽ làm vô hiệu hoá một số công cụ, chính sách đang triển khai trong Chương trình phục hồi kinh tế, kể cả việc giảm thuế VAT 2%.
Đại diện Vụ Thị trường trong nước dự báo, trong kỳ điều hành sắp tới vào ngày 21/2 giá xăng dầu có thể chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố địa chính trị giữa Nga và Ukraine. Tuy nhiên, tình hình cung ứng xăng dầu vài ngày tới sẽ tốt hơn khi hàng nhập khẩu về nhiều.
Chuyên gia kinh tế cho rằng, hiện các loại thuế, phí đang ở mức cao trong cơ cấu giá thành sản phẩm xăng dầu. Đó là điều bất hợp lý. Để kìm giá xăng dầu cần có các giải pháp như xem xét giãn, hoãn, giảm một hoặc một số loại thuế ở mặt hàng này như VAT, thuế bảo vệ môi trường.