Giá nhà TPHCM thực tế tăng thế nào?
Giá bán sơ cấp nhà liền thổ tại TPHCM đã tăng 73% trong 4 năm qua, mức giá mỗi m2 hiện tại vào khoảng 6.449 USD, tương đương 155 triệu đồng. Giá nhà Hà Nội trong quý I năm nay tăng 13% so với cùng kỳ năm trước, đạt 5.508 USD, tương đương 132 triệu đồng mỗi m2.
Theo số liệu của JLL Việt Nam, giá bán sơ cấp nhà liền thổ tại TPHCM đã tăng 73% trong 4 năm qua, tính từ quý I/2019 đến quý I/2022. Mức giá mỗi m2 hiện tại vào khoảng 6.449 USD, tương đương 155 triệu đồng. Thống kê đầy đủ hơn, JLL cung cấp giá nhà liền thổ quý I năm nay ở toàn miền Nam (TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An) đã tăng 14% so với cùng kỳ năm trước, đạt 72 triệu đồng mỗi m2.
Căn hộ ở quận Thủ Đức cũ và Nhà Bè chào giá 60-100 triệu đồng một m2, còn đất nền, nhà phố tăng giá 5-10% trong tháng qua. Từ tháng 4 đến nay, các dự án đang mở bán hoặc đang rumo (marketing và chào giá dự kiến ra thị trường) trong quý II tiếp tục xu hướng đi lên dù đã neo cao trong quý đầu năm.
Nhận booking giữ chỗ tháng 4 và mở bán đầu tháng 5, một dự án tại quận Thủ Đức cũ, nay thuộc TP Thủ Đức đã có lễ mở bán căn hộ trung cấp (hạng B) gần đường vành đai giá 57 triệu đồng một m2 bao gồm thuế giá trị gia tăng VAT. Trước đây mốc 60 triệu đồng một m2 thường được xếp vào nhóm căn hộ cao cấp (hạng A), còn hiện nay, chung cư hạng B đã tiến đến mốc này.
Trong khi đó, một dự án căn hộ hạng A tại huyện Nhà Bè đang nhận booking giữ chỗ với giá bán dự kiến 100 triệu đồng một m2, nếu tính cả VAT chung cư này vượt ngưỡng trăm triệu đồng một m2. Mức giá này đẩy căn hộ cao cấp tại huyện vươn lên ngang hàng, thậm chí vượt qua giá chung cư tại quận 7.
Còn tại khu vực quận 2 cũ (TP Thủ Đức), giá bán chính thức ra thị trường của nhà phố dự án Global City cuối quý I, đầu quý II đã chạm ngưỡng 400 triệu đồng một m2, rổ hàng hạn chế số lượng. Căn nhà phố thương mại diện tích 95 m2 được xây dựng 1 tầng trệt, 4 tầng lầu, với tổng diện tích sàn sử dụng là 360 m2 có giá hơn 38 tỷ đồng. Đây là dự án tọa lạc trên địa bàn quận 2 cũ có bán kính khá gần với khu Thủ Thiêm, nơi vừa lập đỉnh đấu giá đất tháng 12/2021.
Với giá bán nhà phố The Global City chào ra thị trường cho thấy mặt bằng giá nhà đất tại quận 2 đang cao hơn các sản phẩm cùng địa bàn 15-20%. Tháng 12 năm ngoái, giá chào bán nhà đất xung quanh bán đảo Thủ Thiêm ghi nhận 270-300 triệu đồng một m2.
Giá nhà Hà Nội trong quý I năm nay tăng 13% so với cùng kỳ năm trước, đạt 5.508 USD, tương đương 132 triệu đồng mỗi m2. JLL cho rằng giá bán sơ cấp của đa số các dự án đang xây dựng ở Hà Nội tiếp tục tăng 7,1% theo quý. Nguyên nhân do nguồn cung ít, nhu cầu cao, chi phí nguyên vật liệu đắt đỏ và nhu cầu đầu tư cao vào các dự án có quy hoạch bài bản, vị trí đắc địa để khai thác tiềm năng kinh doanh trong tương lai.
Toàn miền Bắc (Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hưng Yên và Vĩnh Phúc), giá nhà là 4.799 USD/m2, tương ứng 115 triệu đồng/m2, tăng 14% so với cùng kỳ. Trong 9 tháng tới, chuyên gia của JLL cho rằng nguồn cung tương lai đạt khoảng 6.000 căn, trong đó Hà Nội đóng góp hơn 50% nguồn cung mới, chủ yếu đến từ các dự án tích hợp lớn có quy hoạch bài bản và pháp lý rõ ràng.
Khi nhận định về diễn biến của thị trường bất động sản của 6 tháng cuối năm, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, hiện nay thị trường đang tồn tại 5 vấn đề. Thứ nhất, tình trạng “lệch pha cung-cầu” dẫn đến rất thiếu nguồn cung dự án, rất thiếu nguồn cung nhà ở, nhất là nhà ở có giá vừa túi tiền và nhà ở xã hội.
Thứ hai, tình trạng “lệch pha phân khúc thị trường” về phân khúc nhà ở cao cấp, như tại TP.HCM thì nhà ở có giá vừa túi tiền năm 2020 chỉ chiếm 1% tổng số nhà ở và năm 2021 thì không còn loại nhà ở có giá vừa túi tiền (0%), trong khi 74% sản phẩm nhà ở thuộc phân khúc cao cấp, còn lại 26% thuộc phân khúc trung cấp.
Thứ ba, tình trạng khan hiếm nhà ở đã đẩy giá nhà tăng cao liên tục trong 5 năm qua vượt quá khả năng thu nhập của đa số người dân.
Thứ tư, môi trường đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản vẫn chưa thực sự minh bạch, thông thoáng, công bằng, lành mạnh.
Thứ năm, có không ít doanh nghiệp bất động sản yếu kém năng lực, thiếu tính chuyên nghiệp đi đôi với tình trạng “đầu nậu”, “cò đất” hoạt động trái pháp luật, “phân lô bán nền” tràn lan gây “sốt ảo” giá đất tại nhiều địa phương gây thiệt hại cho khách hàng, nhà đầu tư, tác động tiêu cực đến sự phát triển ổn định, bền vững của thị trường bất động sản.
Mặt khác, TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc Cấp cao, Bộ phận Đầu tư, Savills Việt Nam cũng cho hay do nguồn cung trên thị trường hạn chế, các kênh đầu tư khác không còn hấp dẫn và nhu cầu nhà ở lớn, dự báo thị trường bất động sản trong thời gian tới sẽ đối diện với khó khăn, đặc biệt là những người mua với nhu cầu ở thực.
“Từ bây giờ cho đến cuối năm, thị trường sẽ không có gì thay đổi: nguồn cung thiếu, giá bán duy trì mức cao, tính thanh khoản chậm.
Đây là 3 vấn đề mà thị trường trong 5-6 tháng tới sẽ vẫn gặp phải. Thứ nhất là bởi vì quỹ đất để phát triển dự án mới còn hạn chế. Bên cạnh đó, các dự án bị ách tắc do pháp lý. Lý do thứ ba là nhà đầu tư đẩy lợi nhuận kỳ vọng lên quá cao.
Các vấn đề này dẫn đến tính thanh khoản thấp vì khả năng chi trả của người dân bị hạn chế. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý là so với năm 2012 và 2013, giao dịch vẫn nhiều hơn; đối với tháng 6, 7 hằng năm, thanh khoản trong thị trường không cao”, ông Khương nhấn mạnh.