Chuyên mục


Duyệt giá tạm nhiều dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp

25/05/2023 08:42 (GMT +7)

Đã có 19 dự án/hoặc một phần dự án với công suất tổng cộng 1347 MW đã được Bộ Công Thương phê duyệt, thông qua giá tạm.

Ngày 24/5, Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức Hội nghị với chủ đầu tư các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp để làm rõ và tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình thực hiện thủ tục đàm phán giá điện và hợp đồng mua bán điện với mục tiêu đưa các dự ánvào vận hành trong thời gian sớm nhất theo đúng quy định của pháp luật. 

Bộ Công Thương và EVN tổ chức hội nghị với các chủ đầu tư dự án NLTT chuyển tiếp ngày 24/5

Bộ Công Thương và EVN tổ chức hội nghị với các chủ đầu tư dự án NLTT chuyển tiếp ngày 24/5

Theo thông tin từ EVN, đến ngày 24/5, đã có 37/85 dự án năng lượng tái tạo chưa có giá gửi hồ sơ cho Công ty mua bán điện thuộc EVN (EVNEPTC) để phục vụ quá trình đàm phán giá điện và hợp đồng mua bán điện. 24 dự án trong số này chấp nhận giá tạm tính bằng 50% mức trần trong khung giá của Bộ Công Thương, tức khoảng 754-908 đồng một kWh (chưa gồm thuế VAT).

Giá mua điện chính thức và quyết toán tiền sẽ thực hiện theo hướng dẫn của cấp có thẩm quyền. Bộ Công Thương đã phê duyệt giá tạm tính cho 80% số dự án trên, tức 19 dự án, tổng công suất 1.347 MW.

Đối với 48 dự án còn lại chưa gửi hồ sơ, EVNEPTC cũng đã có văn bản đề nghị các chủ đầu tư tiếp tục gửi, cung cấp các hồ sơ tài liệu dự án phục vụ cho công tác đàm phán, thỏa thuận giá điện.

EVN cho biết, qua quá trình rà soát hồ sơ, đàm phán và căn cứ cơ sở Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại thông báo số 182/TB-VPCP ngày 17/5, trong số 37 dự án đã gửi hồ sơ, EVN nhận được đề nghị áp dụng giá tạm của 24 dự án (tính đến ngày 24/5).

Hai Bên đã họp và đi tới thống nhất: Giá mua điện tạm (chưa bao gồm thuế VAT) bằng 50% giá trần của khung giá phát điện cho từng loại hình nhà máy điện quy định tại Quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 07/01/2023 của Bộ Công Thương; giá mua điện chính thức và việc quyết toán tiền điện sẽ thực hiện theo hướng dẫn/quyết định của cấp có thẩm quyền.

Cụ thể, có 19 dự án/hoặc một phần dự án (bao gồm: các nhà máy điện (NMĐ) gió: Nam Bình 1, VPL Bến Tre, Yang Trung, Chơ Long, Hưng Hải Gia Lai, Lạc Hòa 2, Hòa Đông 2, Viên An, Hanbaram, Hướng Hiệp 1, Tân Phú Đông, Hiệp Thạnh, Ia Le 1, Hướng Linh 7; các NMĐ mặt trời: Phù Mỹ 1, Phù Mỹ 3, Thiên Tân 1.2, Thiên Tân 1.3 và NMĐ mặt trời tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận (450 MWac)) với công suất tổng cộng 1347 MW đã được Bộ Công Thương phê duyệt, thông qua giá tạm. EVNEPTC và chủ đầu tư đang phối hợp để sớm ký kết Hợp đồng mua bán điện.

Dự án Điện gió Nhơn Hội giai đoạn 2, công suất 30 MW đã hoàn thành đàm phán, hiện đang hoàn thiện thủ tục để sớm trình Bộ Công Thương phê duyệt giá tạm.

Có 4 dự án là các nhà máy điện gió: Số 5-Thạnh Hải 2, 3, 4 và Cầu Đất với công suất tổng cộng 154 MW: EVNEPTC và chủ đầu tư vừa tiến hành đàm phán vừa tiếp tục rà soát hồ sơ để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.

Với mục đích đưa các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp vào vận hành trong thời gian sớm nhất, EVNEPTC đã thành lập nhiều tổ đàm phán để sẵn sàng trao đổi và hướng dẫn các chủ đầu tư giải quyết các vướng mắc.

EVN và EVNEPTC đề nghị chủ đầu tư các dự án (kể cả các dự án chuyển tiếp đã được Bộ Công Thương phê duyệt giá tạm) tích cực phối hợp cung cấp đầy đủ các hồ sơ phục vụ đàm phán, đặc biệt là các hồ sơ pháp lý, phối hợp với EVNEPTC và đơn vị vận hành Hệ thống điện  thực hiện ngay công tác thí nghiệm và thử nghiệm của nhà máy điện, khẩn trương tổ chức nghiệm thu và hoàn thành các thủ tục, gửi hồ sơ công nhận vận hành thương mại (COD) theo quy định của hợp đồng mua bán điện PPA đã ký kết, đảm bảo đúng quy định pháp luật.

Trước đó, vào ngày 18/05, Văn phòng Chính phủ đã phát đi Thông báo số 182/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về việc thực hiện kết luận của Lãnh đạo Chính phủ liên quan đến đàm phán giá bán điện đối với các dự án điện gió, điện mặt trời đã hoàn thành đầu tư xây dựng xong chưa được vận hành.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương sửa đổi, bổ sung Thông tư số 15/2022/TT-BCT ngày 3/10/2022, Quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 7/1/2023 theo đúng quy trình, thủ tục và quy định. Trong thời gian chưa có quy định cụ thể về phương pháp định giá, đàm phán giá và có văn bản hướng dẫn cụ thể về phương pháp tính và đàm phán giá điện đối với điện gió, điện mặt trời. Ngoài ra, nghiên cứu thêm phương án tính toán giá tương tự cho dự án BT giao thông: kiểm toán lập, thống nhất mức lợi nhuận có thể chấp nhận, đảm bảo động lực đầu tư cho doanh nghiệp.

Đồng thời, Bộ Công Thương chỉ đạo các cơ quan đẩy nhanh tiến độ cấp giấy phép hoạt động điện lực đối với các dự án đã hoàn thành.

Đối với các dự án đã hoàn thành công tác đầu tư xây dựng, hoàn tất hồ sơ pháp lý theo quy định, Bộ Công Thương khẩn trương có văn bản trước ngày 20/5/2023 chỉ đạo EVN đàm phán với các Chủ đầu tư với mức giá tạm thời và cho vận hành phát điện lên lưới điện. Sau khi đàm phán xong, thống nhất giá thì sẽ được thanh quyết toán theo giá chính thức kể từ ngày phát lên lưới điện.

Đối với dự án chưa đủ điều kiện vận hành, còn vướng mắc về thủ tục pháp lý, Bộ Công Thương và các địa phương nơi có dự án điện chuyển tiếp khẩn trương hướng dẫn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục hồ sơ theo quy định.

Đối với các dự án chuyển tiếp đã hoàn thành thủ tục đầu tư, đã có trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh nhưng đã hết kỳ quy hoạch, Bộ Công Thương có văn bản hướng dẫn doanh nghiệp và địa phương nơi có dự án thực hiện đúng quy định của pháp luật về quy hoạch, Nghị quyết số 61/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội và các quy định có liên quan khác.

Hoài Linh
Lãi suất tiền gửi giảm tiếp
Lãi suất tiền gửi thấp nhất theo mức trần quy định hiện tại là 4,75% và đã có một vài ngân hàng áp dụng mức tối thiểu này với kỳ hạn 1 đến 5 tháng.

Giảm 2% thuế VAT đến hết 30/6/2024
Gải pháp giảm thuế VAT cùng với các giải pháp thuế, phí, lệ phí khác đang tạo điều kiện rất lớn giúp doanh nghiệp giảm được chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, tăng khả năng kích cầu.

SHB khai trương chi nhánh Quảng Trị
Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) vừa tổ chức lễ khai trương Chi nhánh Quảng Trị tại địa chỉ 112A Quốc lộ 9, phường 1, TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị. Đây là sự kiện góp phần mở rộng mạng lưới của ngân hàng khu vực miền Trung và đưa sản phẩm dịch vụ SHB đến gần hơn với người dân địa phương.

SeABank bổ nhiệm Tổng Giám đốc
Ngày 24/11/2023, được sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Hội đồng Quản trị Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank, mã: SSB) đã chính thức công bố và trao quyết định bổ nhiệm ông Lê Quốc Long đảm nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc của Ngân hàng.

4 động lực dẫn dắt tăng trưởng kinh tế năm 2024
Thị trường bất động sản đóng băng dài hơn dự kiến là rủi ro chính với triển vọng kinh tế 2024.

VPBank – ngân hàng đầu tiên triển khai hình thức thanh toán Garmin Pay
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) vừa ra mắt hình thức thanh toán một chạm Garmin Pay trên các thiết bị đồng hồ thông minh của Garmin. Đây là ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam triển khai hình thức thanh toán này, giúp gia tăng độ phủ của VPBank trong hệ sinh thái thanh toán Tap & Pay.

T&T Group, SHB và PV Power ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện
Thông qua thỏa thuận hợp tác toàn diện được ký kết giữa ba bên, T&T Group, SHB và PV Power sẽ cùng cộng hưởng thế mạnh để kiến tạo một hệ sinh thái đối tác chất lượng cao, mang đến những sản phẩm, dịch vụ tốt nhất với mức giá cạnh tranh nhất cho khách hàng.