Dự thảo quy định ô tô phải có ghế riêng khi chở trẻ dưới 4 tuổi
Bộ Công an đang xây dựng dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ với nhiều điểm mới như xe ô tô chở trẻ dưới 4 tuổi phải có ghế thiết kế riêng.
Theo đó, tại Điều 9 của dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ có quy định: Trẻ em dưới 10 tuổi hoặc chiều cao dưới 1,35 mét được chở trên xe ô tô con không được ngồi cùng hàng ghế của người lái xe khi tham gia giao thông đường bộ.
Trong khi đó, trẻ em dưới 4 tuổi phải được chở bằng ghế thiết kế dành cho trẻ em (trừ xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo quy định của pháp luật đường bộ). Người lái xe có trách nhiệm kiểm tra, hướng dẫn việc thắt dây an toàn cho trẻ em".
So với dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ hồi năm 2020, dự thảo Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ năm nay đã giảm 2 tuổi trong quy định cấm để trẻ em ngồi hàng ghế trước trên ô tô.
Trên thực tế tham gia giao thông tại Việt Nam, nhiều gia đình có thói quen để con nhỏ ngồi cùng hàng với ghế lái hoặc chồng lái xe, vợ bế con nhỏ ngồi ở bên cạnh. Nếu dự thảo Luật trên được chính thức thông qua, thì thói quen này sẽ phải thay đổi.
Theo nhiều thử nhiệm va chạm trên thế giới, trẻ em ngồi vị trí ở hàng ghế sau đặc biệt ghế giữa được cho là an toàn nhất. Bởi nếu xe xảy ra va chạm hoặc phanh gấp, vị trí này giảm thiểu được tối đa tác dụng từ ngoại lực và các va chạm từ việc va đập, vỡ kính hơn là vị trí ngồi sát cửa, ngồi trên và ngồi cuối.
Để đảm bảo hạn chế tổn thương khi có va chạm cũng như giúp trẻ ngồi đúng tư thế, phụ huynh nên trang bị ghế trẻ em đối với những trẻ dưới 9 tuổi. Với trẻ dưới 13 tuổi, phụ huynh nên để trẻ ngồi ở vị trí giữa hàng ghế thứ hai. Còn đối với các bạn trên 13 tuổi có thể ngồi sau lực ghế lái và thắt dây an toàn chắc chắn.
Được biết, các chuyên gia trong lĩnh vực giao thông cũng khuyến cáo, các gia đình nên cho trẻ ngồi quay mặt khi đi xe ô tô, đặc biệt là trẻ dưới 2 tuổi để đảm bảo an toàn tối đa cho trẻ. Bởi khi ngồi theo hướng cùng chiều với hướng di chuyển của xe thì trẻ vẫn có thể bị tổn thương lên đến 75%, mặc dù ngồi tại vị trí an toàn như ghế giữa ở hàng sau. Nguyên nhân là do trẻ em có phần đầu nặng và cổ yếu. Nếu ngồi quay mặt về phía trước, khi xe bị va chạm, phần thân trẻ được đai an toàn giữ lại nhưng phần đầu vẫn theo lực quán tính lao mạnh về trước. Điều này có thể làm cổ bị gãy, cột sống bị chấn thương nghiêm trọng.
Đặc biệt, vị trí này sẽ giúp giảm thiểu được những áp lực quán tính và những tác động ngoại lực xung quanh, tăng độ an toàn gấp 5 lần. Đây là một điều hết sức lưu ý khi có trẻ nhỏ ở trên xe ô tô, xe khách hay xe buýt.
Khi trẻ đủ lớn, có thể cho ngồi trên ghế dành riêng, lắp quay mặt về phía trước, nhưng vẫn phải ở hàng ghế sau. Với trẻ 5-6 tuổi hoặc đủ chiều cao, cân nặng (tùy quy định của từng nước - thường là 20kg), thì có thể sử dụng lại ghế nâng đơn giản, không cần dựa lưng ôm trọn thân trên của trẻ.
Thông thường, trẻ em cần sử dụng ghế nâng cho đến khi đạt chiều cao tối thiểu 145 cm, và từ 8 đến 12 tuổi. Đó là khi có thể dùng dây an toàn của xe. Đồng thời, khi đó, bộ xương của trẻ cũng đã phát triển hoàn thiện, cứng hơn và có thể chịu được áp lực từ dây an toàn khi xe phanh đột ngột hoặc xảy ra va chạm.
Nhìn từ các quốc gia trên thế giới, tại Anh, khi di chuyển bằng ô tô, trẻ dưới 15 tháng tuổi phải được đặt ngồi trong ghế trẻ em lắp ở hàng ghế sau và lắp quay mặt về phía sau. Trẻ dưới 12 tuổi hoặc cao dưới 135cm phải sử dụng ghế dành riêng cho trẻ em. Trẻ hơn 12 tuổi hoặc cao hơn 135cm phải cài dây an toàn.
Tại Đức, trẻ dưới 12 tuổi hoặc cao dưới 150cm khi đi ô tô phải sử dụng ghế ngồi cho trẻ em hoặc ghế nâng. Trẻ em không được ngồi hàng ghế phía trước, trừ khi túi khí đã được tắt. Ở Pháp, trẻ em dưới 10 tuổi phải ngồi ghế dành cho trẻ em và không được ngồi cùng hàng với tài xế. Còn đối với Mỹ, từng tiểu bang có quy định khác nhau về ghế ngồi trên ô tô cho trẻ dưới 12 tuổi. Tuy nhiên, quy định chung là phải sử dụng ghế dành riêng cho trẻ em và cài dây an toàn.