Đồng Nai muốn làm đường tránh rừng khu sinh quyển
Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải kiến nghị phương án làm đường đi qua vùng đệm khu sinh quyển Đồng Nai sẽ ít ảnh hưởng môi trường nhất.
Sau khi họp lấy ý kiến các bộ ngành và các tỉnh Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai và so sánh các phương án, Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải đề xuất phương án làm đường kết nối Bình Phước qua Đồng Nai không đi qua rừng khu sinh quyển thế giới.
Theo thông tin, phương án làm đường đi xuyên qua Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai từng gây tranh cãi sẽ ảnh hưởng đến môi trường và kinh phí dự kiến đầu tư lên đến 1.803 tỉ đồng.
Cụ thể, sau nhiều tranh luận liên quan đề xuất của Bình Phước về xây cầu Mã Đà và quy hoạch quốc lộ 13C đi qua Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai nhằm kết nối địa phương này với các tỉnh thành cận kề, Bộ Giao thông Vận tải giao Viện nghiên cứu, đề xuất phương án. Đơn vị này từng đưa ra 4 phương án để bàn với Bình Phước, Đồng Nai nhằm xây dựng phương án tối ưu nhất, gửi Bộ Giao thông Vận tải làm cơ sở báo cáo Thủ tướng. Theo đó, viện chiến lược cho hay đã xây dựng các phương án đầu tư kết nối Bình Phước - Đồng Nai đảm bảo hài hòa, cân bằng giữa bài toán phát triển kinh tế - xã hội và bảo tồn.
Tuy nhiên, đến thời điểm này chỉ có 2 phương án chính. Đó là phương án đi qua vùng lõi Khu dự trữ sinh quyển thế giới tuy có nhiều thuận lợi nhưng gặp vướng mắc về các quy định Luật bảo vệ môi trường, Luật lâm nghiệp, Luật đa dạng sinh học, di sản văn hóa… và các công ước quốc tế Việt Nam đã ký kết. Điều này không nhận được sự đồng thuận của địa phương và các bộ, ngành nên áp lực rất lớn.
Vì lý do trên phương án thứ hai đi qua vùng đệm mà viện đề xuất ít ảnh hưởng môi trường, đáp ứng được nhu cầu vận tải, kết nối 3 tỉnh Bình Phước - Bình Dương - Đồng Nai. Theo đó, viện này đề xuất chọn phương án kết nối giao thông giữa 2 tỉnh Bình Phước - Đồng Nai sẽ mở đường theo phương án như sau: kết nối theo đường ĐT 753 với đường Đồng Phú (Bình Phước) và đường Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng (Bình Dương) đến vành đai 4.
Ưu điểm của phương án này có hướng tuyến kết nối từ thành phố Đồng Xoài đến đường vành đai 4 thuận lợi, giảm tải cho các tuyến hướng từ Bình Phước và các tỉnh Tây Nguyên về cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu. Chiều dài từ Đồng Xoài về vành đai 4 ngắn nhất trong các phương án là 71km.
Viện đánh giá nếu phương án này được lựa chọn sẽ có ưu điểm tận dụng được các đường hiện hữu là ĐT 753, ĐH 416 và ĐT 746. Bên cạnh đó, các tuyến đường Đồng Phú - Bình Dương cũng đang được đầu tư xây dựng 4 làn xe, quy hoạch 8 làn xe. Đường Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng hiện cũng đang được đầu tư xây dựng, quy mô rộng 40,5m.
Cũng theo Viện chiến lược, khi kết nối đến đường vành đai 4, chiều dài đoạn xây dựng mới khoảng 12km, nâng cấp 4km và có tổng mức đầu tư xây dựng dự kiến ít nhất trong các phương án - khoảng 296 tỉ đồng. Đồng thời, phương án này ít ảnh hưởng đến Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai, bảo đảm các yêu cầu về môi trường.
Phó chủ tịch thường trực Hội Đất ngập nước Việt Nam (VNWA) nhận định nếu mở quốc lộ 13C đi qua khu bảo tồn sẽ vi phạm cùng lúc nhiều luật như Luật Đa dạng sinh học, Luật Lâm nghiệp, Luật Bảo vệ môi trường và các nghị định liên quan. Việc xây dựng dự án cầu Mã Đà và đường kết nối xuyên KBT cũng đồng thời vi phạm các cam kết quốc tế về khu dự trữ sinh quyển thế giới, sẽ bị Tổ chức UNESCO rút danh hiệu.
Đồng thời, theo quy định, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ 50 ha ở vùng lõi cần phải được Quốc hội Việt Nam thông qua. Quốc lộ 13C nếu được thực hiện và xây dựng bốn làn đường thì ít nhất là 24 m chiều rộng và 40 km chiều dài, tổng diện tích chiếm dụng vào khoảng 50 ha.
Trong đó, việc kết nối đường tỉnh 753 và đường tỉnh 761 và nâng cấp mở quốc lộ 13C, sẽ tạo tuyến đường hơn 70 km đi xuyên qua Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai. Đặc biệt, chiều dài xuyên lõi Khu bảo tồn khoảng 40 km.
Giám đốc Khu bảo tồn cũng đánh giá rằng việc tạo ra tuyến đường gần 40 km đi xuyên qua vùng lõi rừng đặc dụng Khu bảo tồn sẽ làm ảnh hưởng đến việc bảo vệ nghiêm diện tích rừng hiện hữu, sinh cảnh sống của các loài động vật quý hiếm và gây khó khăn cho công tác quản lý và bảo vệ rừng do khu bảo tồn đang quản lý.