Đổi cơ chế thu phí hạ tầng cảng biển
Thực hiện chỉ đạo của UBND TP.HCM các đơn vị có liên quan sẽ tổ chức họp đánh giá, đề xuất điều chỉnh một số nội dung về thu phí hạ tầng.
Bộ Tài chính đề nghị UBND TP.HCM khẩn trương báo cáo HĐND thành phố để sửa đổi Nghị quyết số 10/2020/NQ-HĐND vào 2/6/2022 nhằm quy định thống nhất một mức thu phí đối với hàng hoá mở tờ khai tại TP.HCM và hàng hoá mở tờ khai tại địa phương khác, đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch, bình đẳng quyền và nghĩa vụ theo quy định Luật Phí và lệ phí.
Trong đó, mức thu phí cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi, phát triển trong tình hình mới; nghiên cứu, tham khảo mức thu phí của địa phương có cửa khẩu cảng biển (Hải Phòng), điều chỉnh mức thu phí đối với hàng quá cảnh, hàng tạm nhập tái xuất, hàng gửi kho ngoại quan, hàng chuyển khẩu đảm bảo tương đồng, phù hợp, khả thi, tạo sự đồng thuận khi thực hiện; nghiên cứu về việc thu phí đối với hàng hóa vận chuyển nội địa theo kiến nghị của đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân.
Đối với kiến nghị về Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Campuchia về vận tải đường thuỷ, Bộ Tài chính đề nghị UBND TP.HCM tiếp tục phối hợp với Bộ Giao thông vận tải rà soát Nghị quyết số 10/2020/NQ-HĐND và thực hiện chỉ đạo của cấp có thẩm quyền. Đối với kiến nghị về phạm vi khu vực cửa khẩu cảng biển, Bộ Tài chính đề nghị UBND TP.HCM phối hợp với Bộ Giao thông vận tải theo thẩm quyền để làm rõ phạm vi khu vực cửa khẩu cảng biển, niêm yết phạm vi khu vực cửa khẩu cảng biển theo quy định và giải trình báo cáo đại biểu Quốc hội theo quy định.
Theo UBND TP.HCM, ban đầu mức thu phí xây dựng cho xuất nhập khẩu hàng hóa container 20 feet là 500.000 đồng/container; container 40 feet là 1 triệu đồng/container; hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container là 30.000 đồng/tấn. Sau khi xem xét việc đóng góp các khoản phí, thuế cho ngân sách và điều kiện xã hội, TP.HCM đã xác định giảm 50% mức phí cho các doanh nghiệp mở tờ khai là những doanh nghiệp đóng góp ngân sách TP.HCM.
60% hàng hóa không làm thủ tục thông quan tại TP.HCM nhưng lại đi vào và sử dụng kết cấu hạ tầng và dịch vụ tiện ích của Thành phố đã gây áp lực rất lớn lên kết cấu hạ tầng giao thông của Thành phố, dẫn đến tình trạng ùn tắc, tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường tại các khu vực xung quanh các cảng, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân.
Theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, trên thực tế các doanh nghiệp mở tờ khai tại TP.HCM đã đóng góp cho ngân sách Thành phố, giải quyết lao động và góp phần đảm bảo an sinh xã hội tại thành phố. Do đó, các doanh nghiệp này trả mức phí thấp hơn các doanh nghiệp mở tờ khai ngoài Thành phố nhằm đảm bảo tính công bằng.
Mặt khác, mức thu phí cho hàng hóa xuất nhập khẩu mở tờ khai ngoài TP.HCM được xây dựng cao hơn so với hàng hóa xuất nhập khẩu mở tờ khai tại TP.HCM nhằm điều tiết giao thông, giảm áp lực lên hệ thống hạ tầng thành phố thông qua việc nâng cao mức phí để các doanh nghiệp tại các địa phương khác lựa chọn việc vận chuyển hàng hóa đến các bến cảng biển thuộc các địa phương khác, như: Bình Dương, Đồng Nai, Long An.
Theo đó, ghi nhận ý kiến góp ý của các bộ, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp và các cơ quan ban ngành, UBND TP.HCM sẽ chỉ đạo Sở Giao thông vận tải, Sở Tài chính, các sở ngành chức năng tổ chức sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 10/2020/NQ-HĐND và sẽ báo cáo, trình HĐND TPHCM xem xét, điều chỉnh Nghị quyết này cho phù hợp tình hình thực tiễn của thành phố.
Theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Giám đốc Cảng vụ đường thủy nội địa TP.HCM, thực hiện chỉ đạo của UBND TP.HCM các đơn vị có liên quan sẽ tổ chức họp đánh giá, đề xuất điều chỉnh một số nội dung về thu phí hạ tầng.