Đề xuất hoàn thiện pháp luật giao thông đường bộ
Để thực hiện xử phạt “nguội”; cần rà soát các quy định hiện hành. Nếu cần thiết cần có sự điều chỉnh, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để giải quyết những vấn đề thực tiễn đang đặt ra như vấn đề quy trình xử lý.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam có bài tham luận tại Hội thảo khoa học với chủ đề: “Hoàn thiện cơ sở pháp luật về trật tự - an toàn giao thông đường bộ góp phần nâng cao ý thức pháp luật đối với người tham gia giao thông trong tình hình hiện nay”. Hội thảo do Bộ Công an tổ chức. Tạp chí điện tử Bạn đường xin giới thiệu bài tham luận này.
Luật Giao thông đường bộ 2008 được Quốc hội thông qua, Chính phủ đã ban hành các Nghị định, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an, Bộ Y tế... đã ban hành các thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật.
Ban Bí thư có chỉ thị số 18-CT/TW ngày 4/9/2012 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông. Theo đó mục đích, yêu cầu đầu tiên mà chỉ thị đã nêu là: “Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cấp ủy đảng, người đứng đầu chính quyền các cấp, các đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội và các tầng lớp nhân dân về công tác này; thực hiện toàn diện, đồng bộ, liên tục các chủ trương, giải pháp nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông”.
Để phối hợp các mặt công tác trong việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông, Chính phủ đã thành lập Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia. Qua gần 30 năm hoạt động, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia; Ban An toàn giao thông các tỉnh, thành phố đã phát huy vai trò chỉ đạo, phối hợp công tác, sơ kết tổng kết hàng quý, hàng năm. Công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đã trở thành nhiệm vụ công tác quan trọng, thường xuyên của các cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể chính trị xã hội; trong các ngành Giao thông vận tải, Công an, Giáo dục đào tạo, Y tế, Văn hóa ,Thông tin... tạo sự đồng thuận cao trong xã hội; các doanh nghiệp về vận tải, quản lý xây dựng giao thông, kiểm định an toàn kỹ thuật phương tiện; đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe đã tích cực triển khai các giải pháp đồng bộ, áp dụng các công nghệ hiện đại, đẩy mạnh cải cách hành chính... đáp ứng các yêu cầu quản lý và tạo sự thuận lợi cho người dân và đồng thuận trong xã hội.
Tuy nhiên, trước yêu cầu hội nhập ngày càng sâu rộng và sự tiến bộ về khoa học công nghệ, đòi hỏi và tạo ra nhiều cơ hội để tiếp tục hoàn thiện về thể chế để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Sau khi tập hợp, tham khảo nhiều ý kiến của các thành viên Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, một số chuyên gia công tác lâu năm trong ngành giao thông vận tải, tôi xin đề xuất một số nội dung sau:
1. Về quan điểm có tách Luật GTĐB thành Luật Đường bộ (Luật ĐB) và Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ (Luật TTATGTĐB) hay không?
Có một số vấn đề thuộc về quan điểm và nguyên tắc cần thống nhất trong quá trình sửa đổi bổ sung các văn bản pháp luật:
Một là, để xây dựng dự án sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật nói chung, Luật GTĐB 2008 nói riêng, trước hết phải trên cơ sở báo cáo đánh giá tổng kết sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Luật GTĐB 2008. Theo đó, để không phát sinh những lãng phí và những xáo trộn không cần thiết thì những nội dung nào đã thực hiện ổn định và đi vào cuộc sống thì cần giữ nguyên, chỉ sửa đổi những nội dung không còn phù hợp với thực tiễn cuộc sống và chỉ bổ sung những nội dung còn thiếu để phù hợp với yêu cầu thực tiễn và xu hướng phát triển của khoa học công nghệ.
Hai là, nói đến quản lý hoạt động giao thông vận tải đường bộ là nói đến quản lý 03 thành tố cơ bản: Kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; phương tiện tham gia giao thông; người điều khiển phương tiện và người tham gia giao thông. Để bảo đảm hiệu quả và an toàn giao thông thì cần phải có Quy tắc giao thông, đó là quy tắc xử sự chung trong toàn bộ hoạt động giao thông vận tải đường bộ mà mọi tổ chức, cá nhân phải tuân thủ; cũng trên trên cơ sở Quy tắc giao thông để tổ chức giao thông, thiết lập biển báo, phân làn, hướng dẫn giao thông trên đường; quy định các điều kiện đảm bảo an toàn trong quản lý người điều khiển phương tiện và quản lý hoạt động vận tải .v.v...; làm cơ sở để tuyên truyền, phổ biến pháp luật giao thông đường bộ một cách đồng bộ, rộng khắp. Đó là những điều kiện cơ bản của quản lý hoạt động giao thông nói chung, trong đó có giao thông đường bộ. Công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm trong hoạt động giao thông đường bộ cũng như các lĩnh vực khác là thực hiện việc giám sát, hướng dẫn ở hiện trường và xử lý đối với người vi phạm. Hiện nay, việc xử lý vi phạm trong hoạt động giao thông đường bộ cũng như các lĩnh vực khác còn đồng thời phải tuân thủ Luật Xử lý vi phạm hành chính. Việc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông ngoài lực lượng cảnh sát giao thông còn có lực lượng thanh tra giao thông và các cấp chính quyền địa phương.
Ba là, Luật GTĐB 2008 có kết cấu phù hợp; các chương, điều liên quan chặt chẽ với nhau và phù hợp với yêu cầu quản lý hoạt động giao thông vận tải đường bộ, nên nhanh chóng đi vào cuộc sống; công tác phổ biến tuyên truyền pháp luật đã được các ngành Giáo dục, Văn hóa, Thông tin và các đoàn thể với sự chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Nay theo Nghị quyết số 13 của Chính phủ thì Luật GTĐB 2008 được sửa đổi theo hướng tách thành Luật ĐB và Luật TTATGTĐB. Việc chia tách đó sẽ phá vỡ sự đồng bộ của Luật chuyên ngành, gây ra sự đảo lộn không cần thiết và sẽ tiềm ẩn những sự khác biệt, lệch pha giữa hai Luật, đồng thời gây thêm khó khăn trong việc tổ chức tuyên truyền, tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật khi phải cùng lúc tham chiếu cả Luật ĐB và Luật TTATGTĐB.
Bốn là, nếu tách Luật GTĐB thành Luật ĐB và Luật TTATGTĐB sẽ làm mất tính đồng bộ, thống nhất của Luật khi mà cả 02 Luật đều trong tình trạng giữa tên gọi và nội dung không phù hợp với nhau. Cụ thể: Luật ĐB bị thiếu 02 thành tố cơ bản là: Phương tiện giao thông đường bộ và người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ; thiếu quy tắc để điều chỉnh hoạt động giao thông; Luật TTATGTĐB không có 02 nội dung quan trọng là đảm bảo an toàn giao thông trong quản lý kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và vận tải đường bộ. Vì vậy, việc tách Luật GTĐB thành 2 Luật như dự kiến là không phù hợp, không cần thiết và sẽ phát sinh những chồng chéo, mâu thuẫn và lãng phí trong quá trình thực hiện.
Năm là, Quốc hội khóa XIV đã xin ý kiến các đại biểu Quốc hội về vấn đề này, kết quả đã công bố rộng rãi với cử tri cả nước là 62,79 % số đại biểu Quốc hội không đồng ý tách Luật GTĐB thành 02 bộ luật, nay nếu không đưa ra được các cơ sở, căn cứ khoa học và thực tiễn có đủ thuyết phục thì không nên tiếp tục việc này.
2. Về nội dung chuyển thẩm quyền và trách nhiệm quản lý công tác đào tạo, sát hạch, cấp Giấy phép lái xe từ Bộ GTVT sang Bộ Công an:
Năm 1995, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 36/1995/NĐ-CP về việc “Chuyển công tác quản lý đào tạo, sát hạch, cấp Giấy phép lái xe từ Bộ Công an về Bộ GTVT”. Sau 27 năm tiếp nhận nhiệm vụ này, Bộ GTVT đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thực hiện các quy định của Luật GTĐB và Luật Dạy nghề, đã thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện công tác này, cụ thể:
- Về nội dung, chương trình đào tạo đã được chuẩn hóa, có tham khảo chương trình đào tạo của một số nước trong khu vực; tiêu chuẩn hóa cơ sở đào tạo, phương tiện dạy lái; đội ngũ giáo viên được tiêu chuẩn và định kỳ được tập huấn để cập nhật, nâng cao kiến thức chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm;
- Hệ thống quản lý về đào tạo, sát hạch, cấp GPLX đã hoạt động bài bản và ổn định từ Tổng cục ĐBVN đến các Sở GTVT; các cơ sở đào tạo lái xe, các trung tâm sát hạch lái xe được quy hoạch và xây dựng theo hướng xã hội hóa phù hợp với quy mô dân số và đáp ứng tốt nhu cầu của người dân. Hiện nay, cả nước có 383 cơ sở đào tạo lái xe ô tô, 300 cơ sở đào tạo lái xe mô tô và 150 Trung tâm sát hạch lái xe được phân bố tại các tỉnh, thành phố trên toàn quốc, trong đó 100% các Trung tâm sát hạch lái xe đạt quy chuẩn, áp dụng công nghệ giám sát, chấm điểm tự động, công khai hóa toàn bộ quá trình sát hạch để cơ quan chức năng và người quan tâm có thể giám sát trực tiếp và trực tuyến toàn bộ quá trình sát hạch;
- Đổi mới, tăng các yếu tố bảo an, sử dụng công nghệ hiện đại trong in và bảo an Giấy phép lái xe; hình thành cơ sở dữ liệu Giấy phép lái xe toàn quốc; đã thực hiện cải cách hành chính áp dụng dịch vụ công cấp độ 4 trong toàn quốc;
- Nghiên cứu, soạn thảo hồ sơ báo cáo đề xuất Chính phủ trình lên Liên hiệp quốc về tham gia Công ước Viên 1968 về Giấy phép lái xe, theo đó Giấy phép lái xe của Việt Nam đã được công nhận và sử dụng ở gần 80 nước tham gia Công ước Viên; ở các nước chưa tham gia Công ước Viên thì Giấy phép lái xe của Việt Nam được công nhận và đổi sang GPLX tương ứng của các nước sở tại;
- Theo thông lệ quốc tế thì hầu hết các nước trên thế giới đều giao công tác quản lý đào tạo, sát hạch, cấp GPLX cho ngành GTVT quản lý;
- Hiện nay cơ sở dữ liệu về GPLX trong toàn quốc đã được hình thành và sẵn sàng trao đổi, kết nối liên thông giữa ngành GTVT và ngành Công an, nhằm đáp ứng các yêu cầu trong quản lý và xử lý vi phạm đối với lái xe của ngành Công an; nếu cần hoàn thiện, bổ sung nội dung gì chỉ cần ngành Công an yêu cầu là có thể giải quyết được ngay.
- Để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, trong những năm qua ngành GTVT đã đầu tư rất lớn về kinh phí để xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, hình thành cơ sở dữ liệu giấy phép lái xe toàn quốc, nếu chuyển giao công tác này sang Bộ Công an thì các cơ sở vật chất, máy móc thiết bị đã đầu tư sẽ không được sử dụng nữa, trong khi đó ngành Công an lại phải trang bị mới sẽ gây lãng phí và tốn kém rất lớn cho ngân sách Nhà nước.
- Công tác quản lý Nhà nước về đào tạo, sát hạch, cấp Giấy phép lái xe thuộc lĩnh vực dân sự thì nên để cơ quan dân sự đảm nhận, phù hợp với các Nghị quyết số 17-NQ/TW ngày 01/8/2007 và Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Đảng.
Hơn nữa, Quốc hội khóa XIV với 66,74 % đại biểu Quốc hội không tán thành việc chuyển giao công tác quản lý về đào tạo, sát hạch, cấp Giấy phép lái xe sang Bộ Công an. Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam rất đồng tình với nội dung này trong Nghị quyết 13/NQ-CP ngày 30 tháng 1 năm 2022 của Chính phủ về chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 1/2022 với nội dung: “Về thẩm quyền quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cần tiếp tục tổng kết, phân tích, đánh giá tác động đầy đủ, khách quan, toàn diện, kỹ lưỡng quá trình thực hiện trong thời gian qua, thuyết minh, giải trình về đề xuất giao Bộ Giao thông vận tải hay Bộ Công an thực hiện, cần thật sự thuyết phục có đầy đủ cơ sở vững chắc; nghiên cứu cơ chế phối hợp theo hướng để Bộ Công an giám sát công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, đảm bảo có sự phối hợp, kiểm soát quyền lực chặt chẽ, như vậy sẽ dễ thuyết phục hơn.”
3. Đề xuất một số nội dung góp phần hoàn thiện pháp luật giao thông đường bộ
Với những cơ sở như trên, tôi xin đề nghị, trong lần sửa đổi, bổ sung pháp luật về giao thông đường bộ lần này cần thực hiện theo hướng:
Một là: Hiện nay, khoa học công nghệ đã phát triển mạnh mẽ, Chính phủ đã có chỉ đạo về chuyển đổi số; theo đó đối với ngành Giao thông vận tải với 2 chủ đề chính là giao thông thông minh và logistics. Tiềm năng áp dụng chuyển đổi số trong giao thông vận tải trong đó có kiểm soát, xử lý vi phạm trong hoạt động giao thông vận tải là rất lớn; cần tận dụng cơ hội và giải pháp này để đổi mới mạnh mẽ công tác chỉ huy, giám sát, xử lý vi phạm trong giao thông đường bộ để nâng cao hiệu quả, xây dựng hình ảnh đất nước Việt Nam tươi đẹp, an toàn, văn minh trong con mắt bạn bè quốc tế.
Hai là: Hiện nay, ngành Giao thông vận tải có hệ cơ sở dữ liệu về quản lý đường; quản lý giấy phép lái xe; quản lý về phương tiện kinh doanh vận tải có gắn các thiết bị quản lý công tác đảm bảo an toàn giao thông; ngành công an quản lý về số phương tiện đăng ký mới; dữ liệu về người vi phạm; về tai nạn giao thông... Đề nghị 2 ngành trao đổi, liên thông về dữ liệu; Phối hợp đưa ra các quy định để xử lý các vi phạm theo hướng tăng nặng mức xử phạt đối với người tái phạm; khắc phục kẽ hở trong việc trốn tránh việc xử lý vi phạm khi bị thu giữ giấy phép lái xe.
Ba là: Để khắc phục tình trạng “mua bán” giấy chứng nhận đủ điều kiện sức khỏe lái xe; đề nghị ngành Y tế công bố công khai dữ liệu về cơ sở khám sức khỏe và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sức khỏe lái xe; để người sử dụng lao động và lái xe kiểm tra đối chiếu giữa giấy chứng nhận đủ điều kiện sức khỏe với cơ sở dữ liệu, loại trừ giấy chứng nhận đủ điều kiện sức khỏe giả đang tồn tại như hiện nay.
Bốn là: Để thực hiện xử phạt “nguội”; cần rà soát các quy định hiện hành; nếu cần thiết cần có sự điều chỉnh, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để giải quyết những vấn đề thực tiễn đang đặt ra như vấn đề quy trình xử lý; thẩm quyền ra quyết định; vấn đề xử lý đối với người vi phạm không đồng thời là chủ phương tiện; vấn đề nếu người bị xử phạt cho mình không có lỗi thì được khiếu nại đến cơ quan nào để giải quyết... là những vấn đề đang có những ý kiến khác nhau trong thực tế.
Năm là: Về quy tắc giao thông, đây là chương có nội dung quan trọng, hiện đang quy định trong Luật giao thông đường bộ năm 2008. Quy tắc giao thông là cơ sở để chế định nhiều nội dung khác trong Luật giao thông đường bộ gồm 29 điều; nay nghiên cứu trong Dự thảo luật An toàn giao thông đường bộ thấy chỉ có 25 điều; thiếu một số nội dung chưa thấy trong cả 2 dự thảo Luật; Về phân hạng giấy phép lái xe đang được quy định trong dự thảo Luật an toàn giao thông đường bộ cũng chưa tương thích với Công ước Viên 1968; đây là vấn đề mà Chính phủ Việt Nam đang tạm thời bảo lưu khi gia nhập Công ước Viên và cam kết sẽ điều chỉnh khi sử đổi Luật Giao thông đường bộ .v.v... đây là những bất cập trong dự thảo Luật TTATGT.
Với những căn cứ như trên, tôi xin đề nghị việc hoàn thiện cơ sở pháp luật về trật tự an toàn giao thông theo hướng sửa đổi, bổ sung Luật Giao thông đường bộ 2008; trong đó phân công rõ chức năng, nhiệm vụ của các cấp, các ngành nhất là giữa ngành GTVT và ngành công an. Đối với công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông hiện nay đang được quy định cụ thể tại Thông tư 65/2020/TT-BCA ngày 9/6/2020 thì nâng lên thành Nghị định của Chính phủ và giải quyết những vấn đề đặt ra như nói trên.