Đề nghị không đổi tên Trung tâm Đào tạo lái xe
Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đề nghị Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp xem xét không yêu cầu đổi tên các “Trung tâm đào tạo lái xe” thành “ Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp” là tinh thần Công văn số 50/CV-HHVT ngày 29/7/2022.
Thời gian qua, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam nhận được ý kiến từ Chi hội Đào tạo - Sát hạch lái xe và nhiều cơ sở hoạt động trong lĩnh vực đào tạo lái xe phản ánh về những khó khăn, vướng mắc khi triển khai thực hiện các quy định tại Công văn số 3033/TCGDNN-PCTT ngày 31/12/2021 của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp.
Do đó, ngày 26/7/2022, tại tỉnh Bắc Ninh, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đã tổ chức buổi tọa đàm về “Những khó khăn, vướng mắc trong đào tạo, sát hạch lái xe ô tô và đề xuất, kiến nghị”. Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, Luật Giáo dục nghề nghiệp số 74/2014/QH 13; Nghị định số 143/2016/NĐ-CP; Thông tư số 42/2015/TT-BLĐTBXH và Thông tư liên tịch số 39/2015/TTLT-BLĐTBXH-BNV của liên Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và Bộ Nội vụ không có điều khoản nào quy định yêu cầu các cơ sở đào tạo đang hoạt động theo mô hình là các Trung tâm đào tạo nghề (trong đó có đào tạo lái xe) phải đổi tên thành” Trung tâm giáo dục nghề nghiệp”.
Qua triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật đó đã được hơn 7 năm, việc đặt tên các cơ sở đào tạo nghề trong lĩnh vực đào tạo lái xe cũng đã tuân thủ các quy định và được Cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương là Sở Lao động - binh và Xã hội cấp Giấy phép hoạt động sau khi đã có đầy đủ các điều kiện. Trong quá trình quản lý cũng không thấy có vướng mắc gì liên quan đến việc đặt tên gọi là “ Trung tâm đào tạo lái xe” đang được sử dụng phổ biến hiện nay.
Việc đặt tên cơ sở đào tạo đã được chủ nhân hoặc Cơ quan quản lý nhà nước cân nhắc kỹ trước khi thành lập cơ sở đào tạo. Tên gọi đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật đồng thời phải ngắn gọn, dễ đọc, dễ nhớ, phù hợp với phong tục tập quán của mỗi địa phương, vùng miền và gắn với ngành nghề đào tạo. Cách đặt tên như vậy cũng đã phân định rõ theo quy mô và trình độ đào tạo là: “ Trường Cao đẳng…”, “ Trường Trung cấp” và “ Trung tâm…” theo quy định của pháp luật. Còn đào tạo ngành nghề gì, quy mô, lưu lượng bao nhiêu …v.v.. đã được ghi cụ thể trong Giấy phép hoạt động do Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp phép.
Đào tạo lái xe là một lĩnh vực đào tạo mang đặc thù riêng biệt. Mỗi cơ sở đào tạo lái xe phải đáp ứng đầy đủ về cơ sở vật chất, trang thiêt bị, phương tiện theo yêu cầu của Cơ quan quản lý nhà nước. Tất cả tài sản đó phải gắn liền với cơ sở đào tạo, cụ thể là quyền sở hữu và sử dụng đất đai; hạ tầng xây dựng trên diện tích đất được cấp; phương tiện phục vụ đào tạo thực hành lái xe v.v..
Ngoài ra, mỗi cơ sở đào tạo đều phải triển khai thực hiện nhiều giao dịch dân sự như vay vốn ngân hàng, bảo hiểm các loại, giấy kiểm định phương tiện, thủ tục sang nhượng hoặc mua bán tài sản; phiên hiệu cơ sở đào tạo được in trên các phương tiện tập lái. Nay nếu thay đổi hàng trăm Trung tâm đào tạo lái xe, hàng chục nghìn phương tiện phải chuyển đổi tên trong đăng ký sở hữu trên cả nước sẽ phải bỏ ra nhiều chi phí, thời gian.
Với đặc thù của lĩnh vực đào tạo lái xe là người học có thể là học nghề để trở thành lái xe chuyên nghiệp, cũng có thể học là để lái xe phục vụ sinh hoạt gia đình hoặc điều kiển mô tô, xe máy; đối tượng người học cũng rất đa dạng về độ tuổi, trình độ học vấn ..vv.. nên nếu đổi tên từ “ Trung tâm đào tạo lái xe” thành “Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp” có phần khiên cưỡng và phản cảm.
Với những lý do trên, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đề nghị Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp ( Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) xem xét không yêu cầu đổi tên các “Trung tâm đào tạo lái xe” thành “ Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp”.