Công ty đường bộ Bình Định khẳng định chất lượng thảm nhựa đường trời mưa
Đây là một quan điểm rất khác với Tiêu chuẩn ngành về Quy trình công nghệ thi công và nghiệm thu mặt đường bê tông nhựa của một đơn vị đã thi công 42 gói thầu ở Bình Định, Quảng Ngãi, Gia Lai...
Những ngày cuối tháng 9, mưa kéo dài trên nhiều địa bàn. Giai đoạn này, các chuyên gia xây dựng đặc biệt lưu ý không thực hiện thi công thảm nhựa mặt đường. Tuy nhiên, một số đơn vị vẫn triển khai việc này. Chẳng hạn như, sáng 24/9, nhiều người dân cho biết dù trời mưa kéo dài, mặt đường đầy nước, nhưng đơn vị thi công sửa chữa quốc lộ 1 đoạn qua thị trấn Phù Mỹ, huyện Phù Mỹ, Bình Định vẫn thảm nhựa mặt đường.

"Đường mưa ướt như vậy thảm nhựa nóng lên thì làm sao kết dính được. Đề nghị các cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, đánh giá việc thi công có đúng kỹ thuật, đảm bảo chất lượng hay không. Chứ mắt thường cũng có thể dự đoán chất lượng công trình sẽ không đảm bảo, chưa nói gì đến kỹ thuật chuyên ngành", một người dân nói.
Theo tìm hiểu của Banduong.vn, công ty của bà Thọ là đơn vị có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực thi công, sửa chữa cầu đường. Công ty cổ phần Quản lý và Xây dựng đường bộ Bình Định đã từng tham gia 54 gói thầu, trong đó trúng 42 gói, trượt 8 gói, 3 chưa có kết quả, 1 gói đã bị hủy, chủ yếu là trúng các gói thầu tại địa bàn tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi, Gia Lai...
Được biết dự án người dân phản ánh nói trên là sửa chữa mặt đường một số đoạn tuyến tránh thị trấn Phù Mỹ thuộc quốc lộ 1. Dự án do Ban quản lý dự án 5 làm chủ đầu tư, Khu quản lý đường bộ III là đơn vị cấp phép thi công. Công ty cổ phần Quản lý và Xây dựng đường bộ Bình Định là đơn vị thi công thảm nhựa mặt đường, hoàn thiện hệ thống báo hiệu đường bộ, đảm bảo an toàn giao thông trong quá trình thi công.
Trao đổi về vấn đề này với báo Tuổi Trẻ Online, bà Đoàn Thị Minh Thọ - giám đốc Công ty cổ phần Quản lý và Xây dựng đường bộ Bình Định - cho biết do trước đó đã cào đường lên và nhựa đã trộn nên dù gặp mưa đơn vị thi công vẫn phải đổ nhựa xuống đường, lu lèn để đảm bảo an toàn giao thông. "Sau khi hết mưa, chúng tôi sẽ cho người cào lớp nhựa đã đổ lên. Khi trời nắng ráo, chúng tôi sẽ đổ lớp nhựa mới xuống theo đúng tiêu chuẩn và yêu cầu đặt ra" - bà Thọ nói.

Tuy nhiên, quan điểm chuyên gia trong lĩnh vực cầu đường cho biết, về quy trình kỹ thuật, mặt đường bê-tông nhựa chỉ được thi công khi không mưa, móng đường khô ráo, nhiệt độ để thi công thảm phải đạt 120 - 150 độ C mới bảo đảm liên kết bền với lớp cấp phối bên dưới. Trước khi thảm, nền đường phải được làm sạch, khô và bằng phẳng; khi lu phải kiểm tra độ bằng phẳng mặt đường, xử lý ngay những vị trí lồi lõm. Nếu thảm nhựa khi nền đường còn ướt, sẽ khiến nhiệt độ bê tông nhựa ngay sau khi rải xuống mặt đường giảm xuống dưới 120 độ C, không đạt chất lượng theo yêu cầu.
Do đó, nếu còn tình trạng đơn vị thi công vẫn thảm bê tông nhựa khi thời tiết không đạt yêu cầu, đề nghị ngành giao thông, cũng như quan quản lý dự án của các tỉnh, cần tăng cường giám sát, sớm có một quy trình giám sát, quản lý dự án một cách ngặt nghèo, tránh tình trạng sau này, hậu quả sẽ là đường vừa đưa vào sử dụng đã bị hỏng.
Cách đây 9 năm, chỉ trong hai ngày, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã phải ký liền hai văn bản tạm đình chỉ chức vụ, kiểm điểm trách nhiệm cá nhân, tổ chức trong công tác quản lý dự án cải tạo, mở rộng quốc lộ 1A (đoạn Thanh Hóa - Diễn Châu) và một số đoạn thuộc Dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1 tại tỉnh Quảng Bình, do không đảm bảo quy trình thi công, mà cụ thể là thảm nhựa đường dưới mưa, vi phạm quy trình kỹ thuật thi công, nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng công trình.
Quyết định số 4028/QĐ-BGTVT đình chỉ chức vụ Phó Tổng giám đốc Ban Quản lý dự án 1 đối với ông Nguyễn Quốc Bình để kiểm điểm trách nhiệm cá nhân trong công tác quản lý dự án cải tạo, mở rộng quốc lộ 1A đoạn Thanh Hóa - Diễn Châu. Phó Tổng giám đốc Ban Quản lý dự án 1 bị kỷ luật là do để xảy ra vi phạm quy trình kỹ thuật thi công, nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng công trình trong quá trình thảm lớp bê-tông nhựa mặt đường thuộc gói thầu số 5, đoạn Km 333 đến Km 333+320 của dự án do Ban Quản lý dự án 1 thay mặt Bộ GTVT quản lý.
Bộ trưởng cũng có văn bản tiếp sau đó chỉ đạo xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân không đảm bảo quy trình thi công tại Dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1 tại tỉnh Quảng Bình.
Văn bản của Bộ GTVT khẳng định, việc thi công mặt đường bê tông nhựa trong khi trời mưa của các đơn vị liên quan là vi phạm kỹ thuật thi công, có nguy cơ làm ảnh hưởng đến chất lượng của dự án. Để khắc phục các vi phạm, Bộ GTVT yêu cầu nhà thầu và tư vấn giám sát cào bỏ lớp bê tông nhựa đã thảm dưới mưa, thi công lại theo đúng quy trình; đồng thời, giao Sở GTVT Quảng Bình làm việc với Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Quảng Bình đề nghị làm rõ vi phạm, nếu có, tiến hành xử phạt Công ty TNHH Thanh Bình, Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải bằng hình thức phạt tiền, với khung hình phạt từ 30-40 triệu đồng theo Nghị định 121 về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng của Chính phủ; tiến hành xử phạt nếu có với Viện Khoa học Công nghệ GTVT với khung hình phạt từ 50-60 triệu đồng. Bên cạnh đó, người đứng đầu ngành giao thông chỉ đạo Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông công bố đình chỉ nhà thầu, tư vấn giám sát nêu trên tham gia đấu thầu các công trình giao thông do Bộ quản lý trong thời hạn một năm.