Có mấy bộ phận cán bộ "không làm gì cả"?
Nhóm thứ nhất là không biết gì nên không làm gì. Nhóm thứ 2 là biết nhưng không thấy lợi nên không làm. Nhóm thứ 3 là biết nhưng sợ trách nhiệm nên cũng không làm.
Phát biểu của ĐBQH Lê Thanh Vân được dư luận chú ý bởi sự thẳng thắn và đúng pháp luật. Hành vi - theo pháp luật - bao gồm: Hành động và không hành động. Không hành động trong trường hợp pháp luật buộc phải hành động chính là hành vi trái pháp luật. Hành vi "không làm gì cả" của một bộ phận cán bộ, theo đó, là hành vi trái pháp luật, trái với trách nhiệm, nghĩa vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Đại biểu đề nghị cần phải xử lý theo đúng tính chất, mức độ và hậu quả gây ra. Nếu hậu quả nghiêm trọng thì phải xử lý hình sự. Đại biểu phân tích cụ thể 2 trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng là bác sĩ không cứu bệnh nhân và Chủ tịch tỉnh không làm gì cả. Trong trường hợp này, hành vi "không làm gì cả" đã trở thành hành vi gây nguy hiểm cho xã hội, trở thành hành vi phạm tội.
Theo Đại biểu, có 3 nhóm cán bộ "không làm gì cả": Nhóm thứ nhất là không biết gì nên không làm gì. Nhóm thứ 2 là biết nhưng không thấy lợi nên không làm. Nhóm thứ 3 là biết nhưng sợ trách nhiệm nên cũng không làm
Phát biểu của ĐBQH Lê Thanh Vân cho thấy:
1. Nếu đúng như lời Đại biểu, không có lý do gì để cả 3 nhóm cán bộ "không làm gì cả" tồn tại trong cơ quan nhà nước. Nhóm "cán bộ không biết gì", tức là không có năng lực quản lý và trình độ chuyên môn, mà lại làm cán bộ thì rõ là vô lý. Loại cán bộ này tồn tại trong cơ quan chỉ gây nên cảnh "vàng thau" lẫn lộn. Họ nịnh nọt, dựa hơi cấp trên để ỷ thế đe nẹt, trù dập cấp dưới, tranh công, đoạt vị, xúc xiểm, hãm hại người tài, người biết làm việc nhằm giấu dốt và để tiếp tục tiến thân. Nhóm cán bộ "biết nhưng không làm vì không thấy lợi ích cá nhân" và nhóm "biết nhưng không làm vì sợ trách nhiệm", cũng cấp thiết phải thải loại. Loại cán bộ này chính là "một bộ phận không nhỏ" mà Nghị quyết TƯ 4 đã vạch ra.
2. Khi hành vi "không làm gì cả" của cán bộ trở thành hành vi phạm tội mà không xử lý, đồng nghĩa với việc bỏ lọt tội phạm. Bỏ lọt tội phạm trong trường hợp này là mặc nhiên để tội phạm công nhiên tại vị trong bộ máy nhà nước. Hậu quả đặc biệt nghiêm trọng có thể tiên lượng được.
3. ĐBQH Lê Thanh Vân phát biểu: "Đáng tiếc là các cấp các ngành thấy được cán bộ không làm gì cả là vi phạm pháp luật nhưng lại không xử lý". Có nghĩa là đã xuất hiện một bộ phận cán bộ thứ hai "không hành động" để ngăn chặn, xử lý bộ phận cán bộ đang vi phạm pháp luật bởi hành vi "không làm gì cả".
Bộ phận "không hành động" này đang gây hậu quả kép, hết sức nguy hại.Bởi, suy cho cùng, nó chính là nguyên nhân và điều kiện làm nẩy sinh và tồn tại bộ phận cán bộ "không làm gì cả" mà các ĐBQH đã nêu ra và tranh luận sôi nổi.
Từ "đáng tiếc" của ĐBQH Lê Thanh Vân thay bằng cụm từ "cần phải xử lý nghiêm minh" có lẽ chính xác và cấp thiết hơn.