Cơ chế điện mặt trời có vấn đề?
Dự án điện mặt trời 450 MW Trung Nam - Thuận Nam đã đi vào hoạt động hơn 16 tháng, được EVN huy động công suất của toàn dự án. Trong đó, một phần công suất của dự án chưa xác định được giá bán điện cụ thể làm cơ sở thanh toán cho nhà đầu tư.
Mới đây, Công ty Mua bán điện (EPTC) ra thông báo về việc EVN sẽ dừng khai thác đối với phần công suất chưa có cơ chế giá bán điện của dự án ĐMT Trung Nam – Thuận Nam 450MW từ 5/3/2022.
Theo Trungnam Group, việc EVN thông báo dừng khai thác hoàn toàn phần công suất chưa xác định giá của dự án sẽ phá vỡ cam kết của nhà đầu tư đối với các tổ chức tài trợ vốn, gia tăng áp lực việc trả nợ vay, ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Theo đó, Trungnam Group đã kiến nghị Phó Thủ tướng Lê Văn Thành một số nội dung liên quan đến dự án. Tập đoàn kiến nghị sớm ban hành cơ chế giá bán điện đối với phần công suất nguồn điện mặt trời đã đưa vào vận hành trong năm 2020 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận nhưng không đáp ứng điều kiện áp dụng giá điện theo Quyết định 13.
Đồng thời, chỉ đạo Bộ Công thương và EVN tiếp tục huy động và ghi nhận sản lượng đối với phần công suất chưa có giá bán điện của dự án trong thời gian chờ ban hành cơ chế giá điện mới.
Được biết, tập đoàn Trungnam (Trungnam Group) là chủ đầu tư dự án điện mặt trời Trung Nam – Thuận Nam tại Ninh Thuận với công suất 450MW kết hợp trạm biến áp 500kV Thuận Nam và các đường dây đấu nối.
Việc EVN thông báo dừng khai thác hoàn toàn phần công suất chưa xác định giá của dự án sẽ phá vỡ cam kết của nhà đầu tư đối với các tổ chức tài trợ vốn, gia tăng áp lực việc trả nợ vay, ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Theo Trungnam Group
Dự án có tổng đầu tư là 11.814 tỷ đồng, trong đó vốn tự có của nhà đầu tư là 30% và vốn vay là 70%. Nhà máy có quy mô đầu tư khoảng 9.500 tỷ đồng, trạm biến áp 500 kV là 1.876 tỷ đồng, đường dây 500 kV đấu nối khoảng 423 tỷ đồng và đường dây 220 kV đấu nối là khoảng 22 tỷ đồng.
Riêng công trình hạ tầng truyền tải 500kV được Trungnam Group tự đầu tư và bàn giao lại cho EVN quản lý, vận hành với chi phí 0 đồng. Được biết, dự án đã hoàn thành, đưa vào vận hành đồng bộ từ tháng 10/2020, qua đó đóng góp cho hệ thống điện quốc gia, giải quyết tình trạng quá tải lưới điện khu vực.
Tuy nhiên, Dự án điện mặt trời 450 MW Trung Nam - Thuận Nam đã đi vào hoạt động hơn 16 tháng, được EVN huy động công suất của toàn dự án. Trong đó có một phần công suất của dự án chưa xác định được giá bán điện cụ thể làm cơ sở thanh toán cho nhà đầu tư.
Đồng thời, trong thời gian chờ bàn giao trạm biến áp 500 KV Thuận Nam - Vĩnh Tân cho EVN, dự án này đang phải chịu chi phí truyền tải cho các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận. Sau gần 16 tháng vận hành, sản lượng truyền tải hộ cho các dự án thông qua trạm biến áp 500 KV là khoảng 3 tỉ kWh, tương ứng khoảng 260 tỷ đồng. Việc chịu chi phí quản lý vận hành trạm biến áp 500 KV Thuận Nam khiến Trungnam Group gặp rất nhiều khó khăn và chịu áp lực rất lớn trong việc trả nợ vay cho ngân hàng.
Đơn cử như Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), thời gian qua Vietcombank đã tài trợ nhiều dự án lớn của Trungnam Group hiện đã đi vào hoạt động như ĐMT Thuận Nam công suất 450 MW tại Ninh Thuận, Điện gió Đông Hải 1 công suất 100 MW tại Trà Vinh và Điện gió Ea Nam công suất 400 MW tại Đắk Lăk với tổng giá trị thu xếp vốn lên tới gần 13.600 tỷ đồng.
Trước đó, vào cuối tháng 12/2021, EVN cho biết sẽ dừng khai thác khoảng 250MW điện của ba nhà máy điện mặt trời tại tỉnh Ninh Thuận do phần công suất này chưa có cơ chế giá. Trong đó, nhà máy ĐMT Trung Nam - Thuận Nam có khoảng 172MW nằm ngoài phạm vi 2.000MW công suất điện mặt trời tích lũy trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận (phần công suất hơn 277MW đã vận hành thương mại COD vào ngày 1/10/2020).
Ngày 23/11/2021, tại cuộc họp với Công ty TNHH Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam (chủ đầu tư nhà máy điện mặt trời Trung Nam) và Công ty Công nghiệp năng lượng Ninh Thuận (chủ đầu tư Thiên Tân 1.2 và Thiên Tân 1.3), EVN thông báo sẽ dừng khai thác phần công suất chưa có cơ chế giá của các nhà máy nêu trên cho đến khi có quyết định của Thủ tướng về cơ chế giá điện cho phần công suất nằm ngoài 2.000MW tại tỉnh Ninh Thuận.
Thông báo của EVN đưa ra trong bối cảnh nhà đầu tư và đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Ninh Thuận đã lần lượt lên tiếng kiến nghị trước đó. Đồng thời, Trungnam Group cũng phản ứng gay gắt về vấn đề này.
Trungnam Group khi đó đã báo cáo Thủ tướng và Bộ Công thương về việc kiến nghị tháo gỡ khó khăn và ưu tiên khai thác toàn bộ công suất nhà máy điện mặt trời 450MW Trung Nam-Thuận Nam kết hợp với đầu tư Trạm biến áp 500kV Thuận Nam và các đường dây đấu nối.
Ngày 15/9/2021, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chủ trì họp với các bộ ngành cùng UBND tỉnh Ninh Thuận để giải quyết các kiến nghị của dự án điện mặt trời 450 MW, Phó thủ tướng đã đề nghị EVN xem xét ưu tiên huy động công suất dự án vì đây là dự án đã tham gia đầu tư hạ tầng truyền tải và đang chịu chi phí truyền tải hộ cho các dự án trong khu vực.
Đối với phần công suất chưa xác định được giá bán điện của dự án, Trungnam Group cho hay đã được các bộ ngành họp, thống nhất đề xuất sửa đổi quyết định số 13.
Trong thời gian chờ Chính phủ ban hành quyết định sửa đổi quyết định số 13 thì dự án điện mặt trời 450 MW vẫn tiếp tục truyền tải hộ cho các dự án trong khu vực và chịu chi phí quản lý vận hành trạm và đường dây 500 KV.
Trungnam Group cho biết, dự án điện mặt trời 450 MW là dự án đầu tư có điều kiện được tỉnh Ninh Thuận tổ chức lựa chọn nhà đầu tư. Nhà đầu tư đã xây dựng trạm biến áp 500 KV - đường dây 500 KV Thuận Nam - Vĩnh Tân với tổng kinh phí gần 2.000 tỷ đồng và sẽ được khai thác toàn bộ công suất dự án nhằm bù đắp chi phí. Các chi phí này đã được ngân hàng thẩm định trong phương án vốn vay của dự án.
Tuy nhiên, theo phương án tài chính của dự án, Trungnam Group sẽ hoàn trả các khoản vay từ tổ chức tín dụng để đầu tư bằng doanh thu bán điện từ nhà máy điện mặt trời 450MW (là nguồn thu duy nhất). Dù thời gian qua của dự án đạt hiệu suất cao với sản lượng điện phát lên lưới lớn nhưng doanh thu không bảo đảm trang trải cho nguồn thanh toán khoản vay do chưa xác định giá bán điện cho phần công suất ngoài quy mô tích lũy 2.000MW.
Theo Trungnam Group, với những điều kiện bắt buộc trong chủ trương đầu tư và lợi ích mang lại của dự án cho thấy, việc chưa được xác định giá điện, không được khai thác công suất phát của nhà máy điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam như các dự án điện mặt trời khác trong nhóm quyết định chủ trương đầu tư trước 23/11/2019 là thiếu công bằng và bất hợp lý.
Cũng theo dữ liệu thống kê, năm 2020 và 2021, đường dây 500 KV Thuận Nam - Vĩnh Tân do Trungnam Group đầu tư đã truyền tải hộ cho EVN gần 70%, riêng từ đầu năm 2022 đến nay đã truyền tải hộ cho EVN hơn 76%.