Câu chuyện về hãng taxi nỗ lực nâng giá trị văn hóa Việt
Số hóa tạo sức mạnh chinh chiến cho taxi công nghệ phủ sóng, đè bẹp hãng truyền thống ở rất nhiều quốc gia trên thế giới. Thế nhưng ngược đời ở Việt Nam có một hãng taxi nội chiến thắng bằng chính điểm yếu nhất của họ. Mai Linh viết tên một chiến binh ngành vận tải đưa chuyển đổi số lên tầm cao mới.
Sóng gió không thể quên
Công ty Cổ phần Tập đoàn Mai Linh (gọi tắt là Tập đoàn Mai Linh - Mai Linh Group), tiền thân là Công ty TNHH Vận tải hành khách và Du lịch Mai Linh, được thành lập ngày 12/7/1993 tại TP. Hồ Chí Minh, do ông Hồ Huy sáng lập, hoạt động trong lĩnh vực du lịch, xe cho thuê, bán vé máy bay với tài sản ban đầu vỏn vẹn chỉ với hai chiếc ô tô và 25 lao động. Đến năm 1995, Mai Linh thành lập Xí nghiệp Sài Gòn Taxi, khai sinh dịch vụ Taxi Mai Linh.
Đến nay, Mai Linh phủ “sóng” khắp 63 tỉnh thành và 4 huyện đảo lớn với gần 30.000 cán bộ nhân viên, hơn 16.000 đầu phương tiện, hoạt động trên nhiều lĩnh vực: Vận tải taxi, taxi công nghệ, bảo dưỡng sửa chữa, xe cho thuê, xe đường dài, xe buýt, du lịch, tàu cao tốc, kinh doanh bảo hiểm, logistics.
Vào thời điểm làn sóng xe công nghệ đổ bộ vào thị trường Việt, doanh nghiệp ngấm đòn từ cuộc khủng hoảng kinh tế, cộng với mức lãi suất tín dụng khá cao, Mai Linh đã phải xoay sở đủ kiểu để chi trả các khoản nghĩa vụ thuế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và vốn vay cá nhân. Mai Linh cũng như các đơn vị kinh doanh vận tải phải đối mặt trước sự cạnh tranh khốc liệt của các hãng xe công nghệ như Uber, Grab.
Khái niệm xe điện đã được Mai Linh để ý từ lâu khi tháng 3/2016, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Hồ Huy (công ty mẹ của tập đoàn Mai Linh) gửi văn bản lên Chính phủ cùng hàng loạt cơ quan quản lý xin hỗ trợ chính sách đầu tư taxi điện, dần thay thế phương tiện vận tải hành khách truyền thống chạy xăng dầu, bao gồm giảm/miễn một số sắc thuế liên quan dòng xe mới, gói hỗ trợ tín dụng lãi suất ưu đãi và quỹ đất xây dựng cơ sở hạ tầng.
Khi đó, Mai Linh liên tục có văn bản gửi các cơ quan chức năng cho biết Uber, Grab né tránh các loại thuế, phí; đồng thời thực hiện hàng loạt các chương trình giảm giá, khuyến mại để cạnh tranh không lành mạnh nhằm chiếm lĩnh thị trường; hay như yêu cầu Uber, Grab đáp ứng đầy đủ các điều kiện kinh doanh vận tải như taxi truyền thống, như kê khai, niêm yết giá cước theo đồng hồ tính tiền được gắn trên xe; hay như mức thuế giữa taxi truyền thống và xe công nghệ quá cách biệt;...
Tình hình càng trở nên u ám hơn, vào giữa năm 2017, toàn hệ thống của Mai Linh nợ đọng nghĩa vụ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Mai Linh cũng đã phải cắt giảm tới 6.000 nhân viên (tương đương 20%) so với thời điểm cuối năm 2016.
Hơn 48,6 triệu cổ phiếu MLM chính thức niêm yết trên sàn UPCoM ngày 25/8/2017 với giá tham chiếu là 11.500 đồng/cp. Tuy nhiên, ngay trong phiên chào sàn, cổ phiếu này đã giảm kịch sàn. Đây được cho là "gáo nước lạnh" về định giá của thị trường dành cho thương hiệu taxi Mai Linh ở miền Bắc. Sau đó, vào tháng 6/2018, MNC - Công ty cổ phần Mai Linh Miền Trung đã hủy niêm yết tại HNX rồi sau đó hủy trên UPCoM, hủy đăng ký chứng khoán tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) và tiến hành hợp nhất.
Sức "công phá" của app công nghệ như mới hôm nào khiến thị trường vận tải của taxi truyền thống bị chao đảo. Mai Linh cũng mất không ít thời gian rơi vào tình trạng hoạt động cầm cự. Và khi chính taxi truyền thống bình tĩnh lại, tìm cách thay đổi về cách thức hoạt động, đa dạng tiện ích thanh toán thì lại tìm ra cánh cửa sinh tồn.
Không thể phủ nhận trong những năm qua, sự xuất hiện của các ứng dụng gọi xe công nghệ đặc biệt là Grab, Uber đã mang đến bước chuyển mình ngoạn mục cho ngành vận tải Việt Nam. Thế nhưng đúng như đánh giá của ban lãnh đạo taxi Mai Linh, tháng 7/2022, một trong những sự kiện ít được đề cập trong thế giới công nghệ chính là hồ sơ Uber lộ ra hàng ngàn trang tài liệu nội bộ đã được giải mã. Trong đó, nhiều vấn đề được bàn tán về chuyện hãng taxi này lách luật, dùng nhiều chiêu qua mặt cơ quan chức năng để mở rộng quy mô.
Hồ sơ Uber cho thấy công ty này đã bật "công tắc ngắt" ít nhất 12 lần tại Pháp, Hà Lan, Bỉ, Ấn Độ, Hungary và Romania để ngăn cảnh sát thu thập các thông tin có thể làm đóng cửa dịch vụ của Uber. Chẳng hạn trong một cuộc đột kích năm 2014 của cảnh sát vào văn phòng Uber tại Lyon (Pháp), giám đốc pháp lý phụ trách khu vực châu Âu của Uber, ông Zac de Kievit, đã lập tức yêu cầu một kỹ sư ở Đan Mạch chặn mọi cổng tiếp cận dữ liệu của công ty.
Trong tháng 11/2021, Bộ Tư pháp Mỹ đệ đơn kiện Hãng xe công nghệ Uber vì tính phí thời gian xe chờ, cho rằng phí này gây bất lợi cho người khuyết tật vốn mất nhiều thời gian để ra xe. Trên đây chỉ là một vài vấn đề nhỏ được nhắc đến trong bộ hồ sơ khủng về Uber. Nhưng điển hình cho một bài học lớn của ngành công nghệ: Trốn thuế, thao túng, coi thường người lao động, sử dụng kinh doanh mũi nhọn để thực hiện những bước đi khác mà không tập trung vào khách hàng,...
Cũng từng được coi là "gà đẻ trứng vàng" bởi những doanh nghiệp này khi mới ra mắt đã đem lại thu nhập hấp dẫn cho lượng lớn lao động chân tay với mức 8 - 12 triệu/ tháng, và thậm chí lên tới 20 triệu với xe 4 bánh. Thế nhưng, Grab không ký hợp đồng lao động với tài xế chỉ ký thoả thuận tỷ lệ phân chia phí dịch vụ thông qua hoạt động cung cấp và quản lý công nghệ. Khi Nghị định 126 có hiệu lực, buộc Grab phải thực hiện nghĩa vụ nộp thuế, Grab lại mạnh tay chuyển VAT sang các tài xế, áp giá trị VAT lên các tài xế công nghệ.
Thời gian làm việc nhiều với tỷ lệ phân chia doanh thu không cao, trong đó gồm cả hao mòn xe, phí xăng dầu tăng mạnh,....nhiều tài xế đã không hợp tác với Grab. Thậm chí, việc khó gọi xe thời gian gần đây, nguyên nhân là do các tài xế taxi công nghệ đã đồng loạt tắt ứng dụng và tập trung tại các văn phòng của những hãng gọi xe để yêu cầu mức chiết khấu tốt hơn, quyền lợi, các nhu cầu an sinh xã hội các khoản thưởng khác để phù hợp với mức sống "bon chen" tại các thành phố lớn. Bên cạnh đó, nhiều người trong số họ chuyển sang các công việc khác để kiếm tiền.
Mai Linh có thể được coi là "công thần" trong nỗ lực chỉ ra doanh nghiệp trốn thuế, chấp nhận đoạn lùi để chính người tiêu dùng được hưởng lợi khi các hãng taxi công nghệ dùng chiêu trò kéo khách hàng. Với một triết lý kinh doanh tập trung vào khách hàng. Trong suốt hình thành và phát triển, Mai Linh đã chứng minh sự khác biệt của mình trong ngành dịch vụ vận tải bằng việc tập trung vào ngành kinh doanh vận tải chuyên nghiệp, dựa trên sự tiện lợi cho khách hàng. Thực tế, triết lý kinh doanh của Mai Linh đặt khách hàng vào tâm điểm của mọi quyết định, từ đầu tư trong đào tạo nhân viên đến việc phát triển sản phẩm và dịch vụ mới.
Chuyển đổi số, xanh hoá vận tải từ tâm và tầm nhìn đi trước
"Chuyển đổi số" là cụm từ được nhắc nhiều trong 5 năm gần đây, đặc biệt trong ngành vận tải, đây được hiểu là quá trình ứng dụng các công nghệ số, đặc biệt là các công nghệ thông tin và truyền thông, để cải thiện hiệu suất và tối ưu hóa hoạt động trong ngành vận tải. Chuyển đổi số có thể bao gồm việc áp dụng các giải pháp kỹ thuật số để quản lý hệ thống giao thông, đo lường và theo dõi hiệu suất hoạt động, tối ưu hóa lộ trình và vận hành các phương tiện vận chuyển.
Chuyển đổi số cũng có thể áp dụng cho các hoạt động quản lý đơn hàng, quản lý kho hàng, phân bổ tài nguyên và lập kế hoạch vận chuyển. Nó cũng có thể cải thiện trải nghiệm của khách hàng thông qua các ứng dụng di động và trang web, đặc biệt là trong việc đặt hàng và theo dõi vận chuyển.
Với chuyển đổi số, ngành vận tải có thể tối ưu hoá quy trình, tăng năng suất và giảm chi phí vận hành. Đồng thời, nó cũng cung cấp cho các công ty vận tải một cách tiếp cận khách hàng mới và tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh.
Do đó, chuyển đổi số có thể nói là xu hướng không thể khác trong ngành dịch vụ taxi, dù có hay không sự xuất hiện của những hãng công nghệ nước ngoài. Những nhận định trên ở góc nhìn vĩ mô; còn đối với doanh nghiệp đứng trước một sự thay đổi mang tính hệ thống, cả bộ máy đã gồng mình trải qua giai đoạn khó khăn khủng hoảng. Dù không nói ra, nhưng chắc hẳn có những lúc người thuyển trưởng của Mai Linh thấy nản. Bởi chuyển đổi số đối với một doanh nghiệp taxi truyền thống là một điều vô cùng khó, cả trong tư tưởng đến tài chính, bộ máy,...Trong khi sự ngạo mạn của các hãng taxi công nghệ xuyên quốc gia thì đã rõ.
Nhưng đó là chuyện đã qua, hôm nay khi trao đổi với PV Banduong.vn, một nhân viên điều phối xe của Mai Linh hồ khởi "khoe" - niềm vui của nhân sự công ty lao động thực thụ:" Hiện tại Mai Linh đã cho ra đời app gọi xe, khách dễ dàng chọn điểm đến, hiển thị giá cước và nhiều hình thức thanh toán. Không cần phải vẫy đón dọc đường hoặc gọi tổng đài điều xe. Giờ tất cả hiển thị trên app, chẳng khác nào như các app xe công nghệ khác".
Qua khảo sát giá trên app của Mai Linh thì kể cả trong các khung giờ cao điểm giá cũng không hề thay đổi, tính ra rẻ hơn hẳn so với giá đặt xe công nghệ trong khung giờ này. Nhiều người đã quay trở lại với Mai Linh thay vì đặt xe công nghệ vì giá cước cao bất thường, nhất là khi xuất hiện cụm từ "giá xăng tăng", rồi lại xuất hiện hàng loạt phụ phí như giờ cao điểm, nắng nóng, thời tiết xấu,... dù không đúng thực tế. Về điểm này, hiện những hãng taxi truyền thống như Mai Linh có lợi thế lớn so với taxi công nghệ.
Mai Linh sẽ phát triển bền vững, lấy công nghệ làm nền tảng. Kế hoạch được xem là bước chuyển mình lớn của Mai Linh khi đặt mục tiêu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chuyển đổi từ taxi truyền thống sang taxi công nghệ; phát triển các ngành nghề, dịch vụ trong hệ sinh thái vận tải để đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng, thay đổi diện mạo hoạt động kinh doanh theo hướng hiện đại.
Ông Hồ Huy - Chủ tịch Tập đoàn Mai Linh
Vào giờ cao điểm, thường là khoảng 11h30-13h hoặc sau 17h, giá dịch vụ taxi công nghệ như Grab có thể tăng 2-3 lần. Trong khi đó, giá taxi truyền thống vẫn không đổi. Do đó, vào giờ này, nếu lựa chọn để tiết kiệm chi phí, taxi truyền thống vẫn được người tiêu dùng ưu tiên hơn.
Thử so sánh giá của hai dịch vụ trên vào giờ cao điểm, giá taxi công nghệ cao hơn taxi truyền thống ít nhất đến 50%. Mặt khác, gọi taxi truyền thống vào giờ cao điểm vẫn có phần dễ dàng hơn đặt xe công nghệ. Đặc biệt, nếu đặt xe công nghệ vào buổi tối, nhất là lúc trời mưa, người tiêu dùng sẽ phải chờ rất lâu mới có xe đến đón.
Ngoài ra, Mai Linh đã hoàn thiện app Taxi Mai Linh, trang bị tablet cho toàn bộ đầu xe nhằm cung cấp thông tin hành trình và chi tiết chuyến đi cho hành khách cũng như cho công tác điều hành, quản lý.
Ngoài phần mềm app gọi xe, Mai Linh còn có đầu số Hotline 1055 gọi xe taxi Mai Linh trên toàn quốc. Các tiện ích thanh toán thẻ với các ngân hàng và dịch vụ thanh toán như LienViet PostBank, VN PAY... cũng đã được liên kết để tăng tiện ích cho khách hàng.
Trong xuyên suốt 2 năm trở lại đây, người dân đã quay lại sử dụng xe taxi "chính thống" vì giá cước ổn định trong mọi khung giờ. Trong khi đó, taxi công nghệ ngoài giá cước mở cửa 30.000 đồng ra thu thêm phụ phí nắng nóng, phí nền tảng mà đặc biệt là phụ phí Tết Nguyên Đán là 15.000 đồng/chuyến ra còn cộng giá ngoài giờ, xe vừa chạy vẫn tính tiền chờ thì a sẽ thấy đúng bản chất. Mặt khác, giá xăng chiếm từ 28 đến 30% cấu thành giá ngoài ra còn giá vật tư, lương tối thiểu vùng tăng,... thì liệu có cân đối với giá cước hay không.
Hơn nữa, giá xăng năm 2022 điều chỉnh 23 lần, giá cước điều chỉnh 3 lần và nếu căn cứ theo giá xăng và công thức tính theo xăng và mỗi lần tăng giá thì điều kiện băt buộc phải đăng kiểm đồng hồ taxi là 100k/xe thì liệu có tồn tại được không ? - Nguyễn Công Hùng - Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội.
Chủ tịch Tập đoàn Mai Linh, ông Hồ Huy cho biết, đây là những chiến lược quan trọng của Tập đoàn trong thời gian tới. "Chúng tôi phải chuyển mình thay đổi nếu không muốn bị bỏ lại phía sau trên đường đua số". Trong suốt quá trình phát triển, taxi Mai Linh đã cam kết với sứ mệnh của mình là "Mang sự hài lòng đến cho mỗi người, góp phần phát triển và nâng tầm văn hóa Việt, vì cuộc sống tốt đẹp hơn". Công ty vẫn duy trì chương trình đào tạo tập trung vào nền tảng văn hóa doanh nghiệp.
Công nghệ số sẽ vượt khái niệm bằng tâm người làm dịch vụ và tầm của nhà lãnh đạo. Tập đoàn Mai Linh cũng có nhiều hoạt động xã hội, hướng về cộng đồng như đưa hàng nghìn cựu chiến binh thăm lại chiến trường xưa. Tổ chức chương trình “Lửa ấm về các miền quê” trao tặng 1.000 con trâu và 1.000 chiếc áo ấm cho đồng bào nghèo ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Chương trình “Tình người Mai Linh” - chương trình nhằm hỗ trợ người nghèo, trẻ em mồ côi và người cao tuổi bị bệnh hiểm nghèo cung cấp cho họ các dịch vụ miễn phí như vận chuyển, thăm hỏi và cung cấp các nhu yếu phẩm. Tất cả những hoạt động trên đều thể hiện sự quan tâm của Tập đoàn Mai Linh đến cộng đồng và cam kết của công ty với việc phát triển xã hội.
Đặc biệt, khi đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Mai Linh cũng là doanh nghiệp đi đầu với hàng trăm taxi, hàng nghìn lái xe tại các thành phố, tỉnh thành đang áp dụng Chỉ thị 16 bằng cách cung cấp dịch vụ vận chuyển đến các bệnh viện và các trung tâm cách ly tại các tỉnh, thành phố để đảm bảo sự an toàn và thuận tiện cho các bệnh nhân và người dân.
Đồng thời, Mai Linh cũng đã thực hiện các biện pháp giảm giá và ưu đãi cho khách hàng như giảm giá vé, miễn phí vận chuyển cho các nhóm khách hàng đặc biệt như y bác sĩ, đi lại phục vụ công tác phòng chống dịch, và cùng nhiều tổ chức, cá nhân hỗ trợ chung tay đẩy lùi dịch Covid-19.
Những hành động của Mai Linh trong giai đoạn đại dịch COVID-19 đã góp phần tích cực vào công cuộc phòng chống dịch và chăm sóc cho khách hàng, cộng đồng trong thời gian khó khăn này. Hành động quả cảm của “Biệt đội taxi cấp cứu Mai Linh” tại TP.HCM đã được Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong gửi thư khen ngợi.
Luôn nghiên cứu, tìm hiểu những mô hình hay, có tính vượt trội để vận dụng, điều chỉnh cho kế hoạch phát triển của Mai Linh. Với xu thế phát triển của toàn cầu là ưu tiên sử dụng phương tiện sạch nhiên liệu sạch để giảm ô nhiễm môi trường, tại cuộc họp chiều 21/3 cũng thảo luận về vấn đề áp dụng và thử nghiệm xe điện để hướng đến chuyển đổi xe chạy dầu sang chạy động cơ điện trên lĩnh vực taxi.
Truyền thông vẫn đưa tin tiết lộ hãng taxi gánh lỗ hàng trăm triệu mỗi ngày, hàng nghìn tỷ một năm. Đó là thực tế tài chính doanh nghiệp không dùng đòn bảy tài chính, lãnh đạo chấp nhận bỏ tiền túi, tái cơ cấu để chuyển mình mạnh mẽ, thích ứng với thời đại và tạo lập thêm những giá trị trên cả chuyển đổi số. Vậy là, không chỉ dừng lại ở câu chuyện kinh doanh có lãi, nỗ lực chuyển đổi mình để không bị yếu thế trước làn sóng xe công nghệ ngoại suốt nhiều năm trời; người thuyền trưởng của hãng taxi Mai Linh vẫn miệt mài dày công xây dựng văn hóa doanh nghiệp, thiệt lập văn hóa cộng đồng,...những giá trị mang niềm tự tôn dân tộc.