Chuyên mục


Cảnh báo rủi ro tiềm ẩn với Shopee

05/08/2022 13:49 (GMT +7)

Thống kê của iPrice cho thấy Shopee vẫn là nền tảng thương mại điện tử dẫn đầu Việt Nam với gần 89 triệu lượt truy cập web mỗi tháng. Trong khi, Việt Nam lại là thị trường đang lên mạnh thứ 2 Đông Nam Á.

Theo số liệu từ Statista, các hạn chế đi lại trong đại dịch thúc đẩy người tiêu dùng Đông Nam Á gia tăng tần suất sử dụng các nền tảng số và chi tiêu trực tuyến nhiều hơn. Cụ thể, giai đoạn 2020 - 2021 có thêm 60 triệu người dùng trực tuyến mới trong khu vực; trong đó 20 triệu người dùng mới tham gia ngay trong nửa đầu năm 2021.

Lượng truy cập của Tiki, Lazada và Sendo cộng lại chưa bằng một nửa lượng truy cập của Shopee

Lượng truy cập của Tiki, Lazada và Sendo cộng lại chưa bằng một nửa lượng truy cập của Shopee

Báo cáo e-Conomy SEA 2021 do Temasek (quỹ đầu tư của chính phủ Singapore), Google và công ty tư vấn quản lý Bain & Company công bố cho thấy, thị trường thương mại điện tử Việt Nam đạt 13 tỷ USD trong năm 2021. Con số này ước tính tăng lên 39 tỷ USD trong năm 2025.

Việt Nam liên tục có thêm gười tiêu dùng trực tuyến mới, với 55% trong số đó đến từ các khu vực phi thành thị. Ngoài ra, tỷ lệ người dùng thương mại điện tử Việt Nam có xu hướng tăng cao với 97% người tiêu dùng mới đang sử dụng dịch vụ và 99% có ý định tiếp tục sử dụng trong tương lai.

Thời kỳ hậu dịch bệnh, thương mại điện tử ở Việt Nam trên đà phát triển vượt bậc. Theo dự báo của Statista, trong năm 2022 Việt Nam vượt qua Thái Lan trở thành thị trường lớn thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia.

Theo thống kê của Metric, Shopee có thị phần doanh số cao nhất. Shopee hiện là sàn thương mại điện tử phổ biến nhất tại Việt Nam khi chiếm đến gần 73% tổng doanh số 4 sàn, tương ứng với khoảng 33,5 nghìn tỷ.

"Bảng xếp hạng" các sàn thương mại điện tử ở Việt Nam của Metric cũng phù hợp với thống kê của iPrice Group trong quý IV/2021 cũng công nhận rằng, Shopee hiện là đơn vị dẫn đầu về sự phổ biến với gần 89 triệu lượt truy cập. Shopee chiếm ưu thế trên các mạng xã hội như Facebook, YouTube hay Instagram.

Lượng truy cập của Tiki, Lazada và Sendo cộng lại chưa bằng một nửa lượng truy cập của Shopee. Lazada xếp sau với 20,6 triệu lượt truy cập, tiếp theo là Tiki với 17,8 triệu lượt truy cập. Sendo đứng dưới với gần 5 triệu lượt truy cập. Thương hiệu này cũng chiếm ưu thế trên các mạng xã hội như Facebook, Youtube hay Instagram.

Shopee ra mắt thị trường Đông Nam Á vào tháng 6/2015 và một tháng sau đó xuất hiện tại Đài Loan (Trung Quốc). Đến quý IV/2019, Shopee gia nhập thị trường Brazil. Năm 2021, công ty mở rộng hoạt động kinh doanh sang các thị trường mới ở Mỹ Latinh như Mexico, Chile và Colombia cũng như một số quốc gia châu Âu như Pháp, Ba Lan, Tây Ban Nha. Cũng trong năm ngoái, công ty con của Sea Group đã có mặt tại Ấn Độ - một trong những quốc gia đông dân nhất thế giới.

Sau quá trình hoạt động thử nghiệm, Shopee chính thức ra mắt thị trường Việt Nam vào ngày 8/8/2016. Mô hình ban đầu được công ty này áp dụng là C2C Marketplace (trung gian trong quy trình mua bán giữa các cá nhân với nhau). Sau đó, Shopee Việt Nam mở rộng sang mảng B2C (doanh nghiệp đến người tiêu dùng). Nền tảng này hiện đã tính phí với người bán hàng.

Chiến lược của Shopee trong những năm đầu là đẩy mạnh các chương trình ưu đãi như miễn phí vận chuyển, flash sale (bán hàng chớp nhoáng), tặng phiếu giảm giá cho cả người mua và người bán… nhờ đó thu hút được nhiều người dùng mới. Bên cạnh đó, hiểu được nhu cầu sử dụng các thiết bị di động ngày càng cao, ngay từ đầu nền tảng này đã tập trung vào chiến lược “mobile first” (ưu tiên hàng đầu cho thiết bị di động).

Dù ra đời sau các nền tảng thương mại điện tử địa phương như Tokopedia và Bukalapak của Indonesia hay Lazada, Shopee vẫn nhanh chóng vươn lên vị trí số 1 Đông Nam Á. Năm 2021, Sea Group ghi nhận doanh thu gần 10 tỷ USD, gấp hơn 2 lần năm 2020. Trong đó, riêng Shopee đạt doanh thu 5,1 tỷ USD, tăng hơn 136% so với năm trước đó.

Doanh thu tăng nhưng lợi nhuận cứ là lỗ!

Tuy doanh thu tăng mạnh, báo cáo tài chính của Sea Group cho thấy cả 3 năm gần đây doanh nghiệp này đều lỗ. Năm ngoái, tập đoàn có trụ sở tại Singapore ghi nhận khoản lỗ ròng hơn 2 tỷ USD, tăng từ mức 1,6 tỷ USD của năm 2020.

“Khoản lỗ ròng trong năm 2021 chủ yếu là do đầu tư vào việc mở rộng hoạt động kinh doanh của tập đoàn, đặc biệt là mảng thương mại điện tử và dịch vụ tài chính kỹ thuật số”, báo cáo tài chính của Sea Group viết.

Từng đặt rất nhiều tham vọng tại thị trường châu Âu; tuy nhiên hồi tháng 3 năm nay, Shopee thông báo rời Pháp chỉ sau 4 tháng hoạt động. “Sau khi thử nghiệm sơ bộ và ngắn hạn, chúng tôi đã quyết định dừng cung cấp dịch vụ Shopee ở Pháp. Công ty tiếp tục áp dụng cách tiếp cận cởi mở và có kỷ luật để khám phá các thị trường mới”, đại diện của Sea cho biết.

Đến cuối tháng 3, Sea tiếp tục đóng cửa mảng kinh doanh của Shopee tại Ấn Độ. Động thái này diễn ra vài tuần sau khi quốc gia tỷ dân cấm Free Fire, tựa game di động phổ biến nhất của Sea, với lý do lo ngại về bảo mật.

Theo Bloomberg, Sea đã quyết định đóng cửa hoạt động thương mại điện tử tại Ấn Độ, chỉ vài tháng sau khi ra mắt vào tháng 10 năm ngoái. Nguyên nhân được phía công ty này đưa ra là bởi "sự không chắc chắn về thị trường" dẫn đến việc phá hỏng một trong những nỗ lực ở thị trường nước ngoài đầy hứa hẹn của họ.

Sea sẽ đóng cửa Shopee Ấn Độ kể từ ngày 29/3 nhưng sẽ tiếp tục giải quyết các đơn hàng đã đặt trước và sau đó hỗ trợ các nhà bán địa phương trong các giao dịch liên quan. Những hoạt động toàn cầu khác của họ không chịu ảnh hưởng bởi quyết định này. Việc đóng cửa hoạt động tại Ấn Độ là một bước đi lùi khác của Sea, vốn đã chứng kiến giá trị bốc hơi 2/3 tương đương 130 tỷ USD kể từ đỉnh tháng 10 khi các nhà đầu tư lo ngại về triển vọng tăng trưởng. 

Sea Group kỳ vọng doanh số mảng thương mại điện tử sẽ tăng từ mức 5,1 tỷ USD năm ngoái lên mức 8,9-9,1 tỷ USD trong năm nay. Tuy nhiên, sau đó, “gã khổng lồ” công nghệ Đông Nam Á đã hạ kỳ vọng xuống còn 8,5-9,1 tỷ USD trong bối cảnh phải đối mặt sự cạnh tranh gay gắt từ một số đối thủ khác như Alibaba và sự mở cửa trở lại của mua sắm trực tiếp.

Theo báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2022 của Sea, doanh thu mảng thương mại điện tử tăng 64% so với cùng kỳ, lên 1,5 tỷ USD nhưng khoản lỗ hoạt động của Shopee tăng 77% lên 810,6 triệu USD.  Doanh thu quý I/2022 của Shopee, thấp hơn kỳ vọng ban đầu là 1,7 tỷ USD. Tổng giá trị hàng hóa chạy trên nền tảng tăng 39% lên 17,4 tỷ USD.

Theo thông tin, doanh thu thuần năm 2021 của Shopee Việt Nam là gần 5.696 tỷ đồng, gấp gần 2,5 lần con số 2.307 tỷ đồng của năm 2020 và gấp 7 lần năm 2019. Cùng với doanh thu tăng, khoản lỗ ghi nhận hàng năm của nền tảng này có xu hướng giảm.

Năm 2019, Shopee ghi nhận khoản lỗ hơn 2.411 tỷ đồng, đến năm 2020 là gần 1.610 tỷ đồng và năm 2021 là 772 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2021, lỗ lũy kế của Shopee Việt Nam đã lên đến hơn 7.500 tỷ đồng. Hết năm 2021, vốn chủ sở hữu của công ty này âm 2.235 tỷ đồng.

Thương mại điện tử vốn được coi là cuộc đua “đốt tiền” của các nền tảng. Điều này có thể thấy rõ khi nhìn vào chi phí bán hàng của Shopee Việt Nam. Năm 2020, chi phí bán hàng của công ty này gấp 1,6 lần lợi nhuận gộp, trong khi đó năm 2019 chi phí bán hàng gấp đến 5 lần lợi nhuận gộp.

Theo Bloomberg, tỷ phú Forrest Li, người từng giàu nhất Singapore với khối tài sản trị giá 22 tỷ USD hiện chỉ còn 4,7 tỷ USD. Một loạt sự kiện như làn sóng bán tháo cổ phiếu công nghệ, việc phải đóng cửa hoạt động thương mại điện tử ở Ấn Độ hay báo cáo kinh doanh thất vọng đã thổi bay 80% giá trị của cổ phiếu Sea so với mức đỉnh.

Bất chấp việc tăng hơn 14% trong phiên giao dịch ngày 17/5 sau khi công bố kết quả kinh doanh, cổ phiếu của Sea vẫn giảm hơn 60% trong năm nay. Sea hưởng lợi lớn trong giai đoạn đại dịch khi nhu cầu thương mại điện tử và game bùng nổ. Song, quá trình gia tăng lãi suất nhằm hạn chế lạm phát và cuộc chiến ở Ukraine đã gây tổn hại tới các cổ phiếu tăng trưởng.

“Sea sẽ đón nhận nhiều thách thức hơn trong năm 2022. Giá cổ phiếu mục tiêu của công ty đã giảm từ 180 USD xuống 105 USD vào ngày 10/5”, Shawn Yang, Giám đốc công ty nghiên cứu Blue Lotus Capital, cho biết.

Sea đã phải hạ thấp kỳ vọng doanh số thương mại điện tử từ 8,9 - 9,1 tỷ USD xuống 8,5 - 9,1 tỷ USD sau khi đối mặt sự cạnh tranh gay gắt từ một số đối thủ khác như Alibaba và sự mở cửa trở lại của mua sắm trực tiếp.

Ngoài Li, nhiều doanh nhân công nghệ cũng chịu ảnh hưởng nặng nề từ làn sóng bán tháo cổ phiếu thời kỳ hậu đại dịch. Eric Yuan, CEO Zoom Video Communications, đã mất 4,4 tỷ USD tài sản trong năm nay, trong khi Jeff Bezos, người giàu thứ hai thế giới kiêm ông chủ Amazon, thiệt hại gần 58 tỷ USD.

Bất chấp xu hướng suy giảm của cổ phiếu, các nhà phân tích vẫn lạc quan về tương lai của công ty và giữ khuyến nghị mua vào. Theo Nathan Naidu, nhà phân tích của Bloomberg Intelligence, định giá của công ty có thể bắt đầu phục hồi khi hoạt động mở rộng địa lý nới thêm triển vọng.

Tuy vậy, cổ phiếu công ty vẫn biến động. Gang Ye, một lãnh đạo của Sea, đã mất 4,3 tỷ USD trong năm nay, trong khi lãnh đạo khác là David Chen bị rơi khỏi danh sách tỷ phú.

“Trong môi trường hiện tại, quá trình nâng lãi suất từ FED, lạm phát gia tăng và tác động từ cuộc chiến Ukraine không tốt cho các tài sản rủi ro như cổ phiếu công nghệ”, ông Naidu nhận định.

Hàng giả tràn lan trên shopee

Theo báo cáo của văn phòng Đại diện thương mại Mỹ (USTR), Shopee nằm trong số các sàn TMĐT bị cáo buộc bán hàng giả với "mức độ rất cao". Những DN từng đưa hàng lên bán trên trang này cho biết họ không bất ngờ bởi thông tin này. Vì thời gian qua, không ít DN chật vật đấu tranh, bảo vệ hàng do mình sản xuất trên sàn TMĐT này.

Với lý do hệ thống sẽ không thể kiểm soát được hết nếu như người bán cố tình vi phạm mà không qua kiểm duyệt của bộ phận kiểm duyệt, Shopee cho rằng cần sự hỗ trợ từ phía DN để có thể rà soát chặt chẽ hơn. Trường hợp phía DN phát hiện các shop vi phạm, vui lòng tổng hợp link sản phẩm vi phạm và gửi đến email để Shopee kịp thời xử lý.

Không chỉ mặt hàng nguyên liệu trà sữa, nhiều sản phẩm, thương hiệu nổi tiếng thế giới cũng dễ dàng tìm thấy trên sàn TMĐT và được bán với giá rẻ không tưởng. Trong thực tế, nhiều sàn TMĐT cũng có các chính sách bảo vệ thương hiệu người bán. Tuy nhiên, việc thực thi, kiểm soát lại tùy thuộc rất nhiều năng lực quản lý và cả thiện chí của chủ sàn. 

Thời gian qua, để tăng trưởng số lượng khách hàng nhanh chóng, các sàn TMĐT đầu tư khá nhiều vào các chương trình khuyến mãi và giảm giá. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng đó không phải là cách phát triển bền vững về dài hạn nếu DN không xây dựng được niềm tin với người mua hàng. 

Về cách xử lý, khi phát hiện hoặc nhận được phản ánh của các nhãn hàng khiếu nại, Shopee khóa ngay sản phẩm, đồng thời đề nghị cơ chế phối hợp với bên khiếu nại trong việc rà soát và phát hiện các sản phẩm còn tồn tại để việc xử lý được triệt để.

Shopee khẳng định nếu phát hiện gian hàng nào có hành vi kinh doanh vi phạm, Shopee sẽ loại bỏ những sản phẩm vi phạm này khỏi sản thương mại điện tử Shopee theo đúng tinh thần Nghị định 52/2013/NĐ-CP, Thông Tư 47/2014/TT-BCT và theo chính sách của sàn Shopee đã được đăng tải công khai tên website.

Đơn vị này thông tin, việc kiểm tra, ngăn chặn, và gỡ bỏ hàng giả hàng nhái hoặc sản phẩm vi phạm pháp luật được Shopee thực hiện ngay đối với các sản phẩm mới được đăng bán và tổng kiểm tra các sản phẩm đã được đăng bán trên toàn sàn theo định kỳ ít nhất một lần/tháng thông qua đội ngũ nhân sự kiểm duyệt và danh sách từ khóa được đặt trên hệ thống.

Nhưng trên thực tế, khách hàng vẫn mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trên sàn thương mại điện tử Shopee. Có thể thấy, với quy trình kiểm soát như trên, những người lập gian hàng có thể rao bán hàng giả, hàng nhái, thậm chí là hàng cấm trên chợ điện tử Shopee, đến khi bị phát hiện mới bị "loại bỏ". 

Ông Nguyễn Kỳ Minh, phó chánh văn phòng Tổng cục Quản lý thị trường, cho biết kết quả kiểm tra của cơ quan quản lý thị trường cho thấy Shopee tại VN (Shopee.vn) có cơ chế xử lý các yêu cầu khiếu nại về quyền sở hữu trí tuệ, có quy trình và biện pháp kiểm soát sản phẩm đăng bán và người bán.

Tuy nhiên, theo ông Minh, việc đấu tranh chống hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ đang gặp khó do sự phối hợp chưa đồng bộ, thiếu quyết liệt, đặc biệt giữa địa phương và đơn vị quản lý chợ. Trong khi đó, đối tượng kinh doanh hàng nhái, hàng giả dùng nhiều thủ đoạn tinh vi như phân tán nhỏ hàng hóa, cất giấu địa điểm khác, bán xen lẫn hàng hợp pháp. Chưa hết, người tiêu dùng vẫn ưa chuộng hàng hiệu giá rẻ.

Riêng với các chợ trực tuyến, đối tượng không có kho hàng hay cửa hàng, chỉ tiếp nhận đặt online, phân tán hàng hóa nhiều nơi, tìm cách lách qua các bộ lọc kỹ thuật như thay đổi tên sản phẩm để tránh kiểm soát, việc thiết lập tên miền dễ dàng... khiến việc kiểm tra, giám sát gặp nhiều khó khăn.

Để đấu tranh hiệu quả hơn, ông Minh cho rằng cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các lực lượng, với trách nhiệm của các cơ quan liên quan như địa phương, ban quản lý chợ, trung tâm thương mại, người kinh doanh, gắn tuyên truyền phổ biến pháp luật. Bộ Công thương cũng đang xây dựng dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung nghị định số 52/2013/NĐ-CP sẽ có những quy định nhằm minh bạch hóa thông tin trên các website, sàn giao dịch TMĐT và các trang mạng xã hội khác, tăng trách nhiệm các chủ sàn.

Hồng Thơ
Đề xuất quy định về nội dung, trình tự phê duyệt quy hoạch kho số viễn thông
Bộ Thông tin và Truyền thông đang dự thảo Thông tư quy định về nội dung, trình tự phê duyệt quy hoạch kho số viễn thông, quy hoạch tài nguyên Internet.

Chủ đầu tư khu KidZania dính lùm xùm nợ tiền nhà thầu
Khu trải nghiệm vui chơi trẻ em KidZania được nhiều gia đình yêu thích. Chủ đầu tư Công ty TNHH MBC PlayBe Việt Nam cũng là thành viên của một trong ba đơn vị truyền thông lớn nhất Hàn Quốc - Tập đoàn truyền thông MBC. Thế nhưng, công ty thi công dự án này lại chật vật đi đòi nợ.

Định danh cuộc gọi để chống lừa đảo trên mạng
Nếu nhận được cuộc gọi từ các số điện thoại có 10 chữ số (đầu số 03, 05, 07, 08, 09) mà không hiển thị tên định danh, người dân cần cảnh giác và không nên thực hiện theo các yêu cầu từ cuộc gọi này.

Sắp diễn ra Hội thảo 'Tổng quan sản xuất bán dẫn'
Hội thảo "Tổng quan sản xuất bán dẫn" diễn ra ngày 7/11 tới đây tại Hà Nội sẽ quy tụ các chuyên gia hàng đầu từ Đài Loan và nhiều tập đoàn công nghệ quốc tế, hướng đến mục tiêu thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp bán dẫn - một trụ cột quan trọng của nền kinh tế số.

EU chính thức áp thuế xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc
Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức thông qua việc áp thuế quan có thể lên tới 45,3% đối với xe điện nhập khẩu được sản xuất tại Trung Quốc. Động thái này được đưa ra sau khi các nỗ lực đàm phán giữa hai bên đã không thể dẫn tới một thỏa thuận giúp chấm dứt những bất đồng về thương mại

Đi theo Google Maps, xe container mắc kẹt dưới gầm cầu vượt
Tài xế điều khiển container đi theo Google Maps lên đường vành đai 2 trên cao và xuống nút giao Ngã Tư Sở thì bị kẹt dưới gầm cầu.

Đã có quốc gia đầu tiên xuất nhập cảnh không hộ chiếu
Công dân Singapore chỉ cần quét thông tin sinh trắc học khuôn mặt, mống mắt để nhập cảnh; còn du khách nước ngoài vẫn xuất trình hộ chiếu khi nhập cảnh nhưng có thể dùng sinh trắc học khi xuất cảnh.