Cần 7 tỷ USD làm đường sắt cao tốc TP.HCM - Cần Thơ
Bộ Giao thông vận tải mới nhận được kiến nghị của cử tri thành phố Cần Thơ do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 742/BDN ngày 14/6/2023.
Cử tri thành phố Cần Thơ đề nghị sớm đầu tư thực hiện tuyến đường sắt cao tốc thành phố Hồ Chí Minh đến thành phố Cần Thơ để giúp nhân dân Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và doanh nghiệp nói riêng tháo gỡ khó khăn trong việc kết nối, giảm giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh và cung ứng hàng hóa ra thị trường tiêu thụ.
Bộ Giao thông vận tải cho biết, Bộ thống nhất với kiến nghị của cử tri thành phố Cần Thơ về việc sớm đầu tư tuyến đường sắt Thành phố Hồ Chí Minh đến thành phố Cần Thơ. Theo quy hoạch, tuyến đường sắt TPHCM – Cần Thơ sẽ bắt đầu từ Bình Dương (ga An Bình) đến Cần Thơ (ga Cần Thơ) qua 6 tỉnh, thành phố với chiều dài 174 km. Tuyến có 15 ga, 11 trạm bảo dưỡng, sửa chữa, diện tích phải giải phóng mặt bằng phục vụ dự án là 196 héc-ta.
Với vai trò quan trọng của tuyến đường trong việc kết nối trung tâm Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với trung tâm Vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ cung ứng hàng hóa của vùng ra thị trường tiêu thụ; thực hiện các chủ trương của Bộ Chính trị3 và quy hoạch, Bộ Giao thông vận tải đã giao Ban Quản lý dự án đường sắt là chủ đầu tư, đã bố trí vốn để lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và hiện đang tập trung phối hợp với các địa phương rà soát vị trí ga, hướng tuyến.
Đây là Dự án có quy mô lớn (sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 7 tỷ USD), công nghệ - kỹ thuật phức tạp nên cần phải nghiên cứu cẩn trọng, toàn diện, kỹ lưỡng, đánh giá một cách khách quan, khoa học; đặc biệt là cân đối bố trí nguồn lực. Bộ Giao thông vận tải sẽ phấn đấu hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để trình cấp có thẩm quyền trong năm 2025 nhằm làm cơ sở huy động nguồn lực triển khai.
Trước đó vào đầu năm nay, Ban Quản lý dự án đường sắt đã có báo cáo Bộ Giao thông Vận tải kết quả khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt TPHCM – Cần Thơ sau khi làm việc với thành phố TPHCM, Bình Dương, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ. Tuyến đường sắt được thiết kế tiêu chuẩn đường đôi, khổ đường 1.435mm, điện khí hóa để khai thác cả tàu khách và tàu hàng. Tốc độ thiết kế lớn nhất là 190 km/giờ, khai thác tàu khách với tốc độ dưới 190 km/h, tàu hàng dưới 120 km/giờ.
Công nghệ được lựa chọn cho tuyến đường sắt là đoàn tàu động lực phân tán (EMU) với tàu khách và đoàn tàu động lực tập trung với tàu hàng, tín hiệu điều khiển tàu tự động trên nền tảng thông tin vô tuyến.
Đơn vị tư vấn cũng đề xuất đầu tư dự án theo phương thức đối tác công tư (PPP). Nhà nước chi trả tiền giải phóng mặt bằng, nhà đầu tư huy động vốn xây dựng hạ tầng, thử nghiệm và bàn giao lại cho nhà nước theo hình thức hợp đồng BTL (Xây dựng – Chuyển giao – Thuê dịch vụ).