Các tỉnh phía Bắc chủ động ứng phó với bão số 2
Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai (PCTT) và Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (TKCN) vừa có văn bản đề nghị Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng và Thái Bình siết chặt công tác an toàn trước khi bão số 2 đi vào đất liền.
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, bão số 2 sẽ đi vào đất liền các tỉnh ven biển Bắc Bộ. Do ảnh hưởng của bão, từ đêm 10/8 đến sáng 11/8 khu vực ven biển từ Quảng Ninh đến Thái Bình có gió cấp 6-7, giật cấp 9. Các đảo Bạch Long Vỹ, Cô Tô có gió cấp 7-8, giật cấp 10. Ngoài ra, từ đêm nay đến ngày mai Bắc Bộ có mưa to, lượng mưa phổ biến từ 100- 150 mm, có nơi trên 200 mm; triều cường dao động 2,0 - 4,0 m.
Để chủ động ứng phó với bão và mưa lớn do ảnh hưởng của bão, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT đề nghị Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện nghiêm túc Công điện số 24/CĐ-QG ngày 9/8/2022 của Ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT và Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và TKCN; tập trung vào một số nội dung chính như sau: Thường xuyên theo dõi các bản tin về diễn biến của mưa, bão, thông báo kịp thời đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân, cộng đồng để chủ động phòng chống, giảm thiểu thiệt hại.
Quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi, tiếp tục rà soát và bằng mọi biện pháp thông báo, kêu gọi, hướng dẫn các phương tiện, tàu thuyền còn đang hoạt động trong khu vực ảnh hưởng của bão di chuyển thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú; đảm bảo an toàn về người, tài sản trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản.
Triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người và tài sản đặc biệt các hoạt động du lịch trên các đảo và ven biển. An toàn cho người tham gia giao thông qua các cầu vượt biển, chủ động cấm biển tùy theo tình hình thực tế tại địa phương.
Triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho các công trình, bến cảng, khu kinh tế, khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, kho tàng, hầm lò, bãi thải khai thác khoáng sản và các dự án đang thi công ven biển, trên các đảo. Sẵn sàng các biện pháp tiêu nước chống úng ngập đối với các đô thị và tiêu nước để bảo vệ sản xuất nông nghiệp, nhất là diện tích lúa để giảm thiểu thiệt hại.
Triển khai lực lượng xung kích kiểm tra rà soát các khu vực có nguy cơ rủi ro cao, hỗ trợ người dân sơ tán đến nơi an toàn cũng như đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho người tham gia giao thông tại các trọng điểm xung yếu.
Cùng với các địa phương ven biển, thành phố Hải Phòng đang tập trung cao độ phòng chống bão số 2. Theo đó, để đảm bảo an toàn về người và tài sản trong thời gian có gió mạnh, sóng lớn do ảnh hưởng của cơn Bão số 2, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn vừa có Thông báo đình chỉ các hoạt động giao thông vận tải đường thuỷ nội địa, phà sông, phà biển, tuyến cáp treo Cát Hải - Phù Long, các hoạt động vui chơi giải trí trên các khu vực biển, ven biển, đảo và ven sông từ 18 giờ 00 ngày 10/8/2022.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đề nghị Chủ tịch UBND, Trưởng ban Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện quận, cùng lãnh đạo các Sở, ngành, đơn vị liên quan tiếp tục thông báo, kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động trên biển về nơi trú tránh an toàn; kiên quyết ngăn chặn, không để các tàu thuyền thuỷ sản, phương tiện đường thuỷ nội địa đã vào nơi trú tránh hoạt động trong thời gian có gió mạnh, sóng lớn.
Theo đó, trước diễn biến của cơn bão số 2, sau khi kiểm tra công tác phòng, chống bão tại một số địa phương, UBND TP vừa có văn bản hỏa tốc yêu cầu các Sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện tiếp tục, khẩn trương thực hiện chỉ đạo của thành phố về công tác phòng, chống bão.
Yêu cầu Sở NN&PTNT kiểm tra hệ thống đê điều, thủy lợi; kịp thời phát hiện, xử lý các sự cố trước và trong bão. Chỉ đạo các Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi vận hành các công trình thủy lợi, cống dưới đê đảm bảo an toàn; chủ động tiêu thoát nước đệm đề phòng ngập úng.
Thành phố lưu ý Bộ Chỉ huy BĐBP TP tiếp tục kiểm đếm, rà soát, bằng mọi biện pháp thông báo, kêu gọi, yêu cầu tàu thuyền vào nơi trú tránh an toàn.
Sở GTVT chủ trì, cùng các địa phương rà soát, sẵn sàng phương án và tổ chức thực hiện đảm bảo an toàn giao thông trên các tuyến đường, đặc biệt tại các khu vực sạt lở do mưa lớn gây ra.
UBND TP cũng yêu cầu Sở Xây dựng phối hợp cùng UBND các quận, huyện rà soát, thực hiện các phương án gia cố nhà ở, công trình công cộng; sơ tán nhân dân ở khu nhà cũ, yếu.
Công an thành phố chỉ đạo đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ tài sản người dân phải di dời do ảnh hưởng của bão.
UBND các quận, huyện chủ động rà soát công trình thủy lợi, đê điều và thực hiện các biện pháp đảm bảo sản xuất nông nghiệp; chỉ đạo thu hoạch lúa, hoa màu đến kỳ thu hoạch theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”.
Đặc biệt lưu ý UBND huyện Cát Hải, quận Đồ Sơn rà soát, thông báo cho khách du lịch biết diễn biến của bão. Hai địa phương này phải phối hợp đưa khách du lịch vào đất liền; đối với khách du lịch ở lại, thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn tuyệt đối cho du khách.
UBND quận Kiến An rà soát, thường xuyên kiểm tra tình hình sạt lở núi Thiên Văn và sẵn sàng thực hiện phương án di dời người dân khỏi khu vực nguy hiểm khi có tình huống xảy ra.