Chuyên mục


Cabin điện tử có thể gây lãng phí và tăng phí học lái xe

24/10/2022 05:36 (GMT +7)

Sát hạch lái xe bằng phần mềm mô phỏng tình huống giao thông; học thực lái qua cabin điện tử; giám sát quá trình học…là những quy định mới trong đào tạo, sát hạch giấy phép lái xe.

Chỉ còn gần 2 tháng nữa, các cơ sở đào tạo lái ô tô sẽ phải áp dụng giảng dạy bằng cabin điện tử từ ngày 1/1/2023. Dù đã được gia hạn, đến nay, nhiều trung tâm đào tạo lái xe và cơ quan quản lý Nhà nước vẫn muốn lùi thêm thời điểm triển khai.

Học viên sẽ có tối thiểu bốn giờ thực hành bắt đầu bằng những bài tập cơ bản như cách vận hành xe, thực hành lên dốc, đường vuông góc, đường quanh co giống như bài sa hình thi sát hạch

Học viên sẽ có tối thiểu bốn giờ thực hành bắt đầu bằng những bài tập cơ bản như cách vận hành xe, thực hành lên dốc, đường vuông góc, đường quanh co giống như bài sa hình thi sát hạch

Bộ GTVT đã ban hành Thông tư 04/2022/TT-BGTVT sửa đổi vào ngày 22/4/2022 quy định các cơ sở đào tạo phải trang bị và sử dụng ca bin học lái xe ô tô để đào tạo lái xe ô tô trước ngày 31/12/2022 thay vì phải áp dụng từ 1/7/2022 để học viên bắt đầu học từ ngày 1/1/2023.

Theo đó, học viên sẽ có tối thiểu bốn giờ thực hành bắt đầu bằng những bài tập cơ bản như cách vận hành xe, thực hành lên dốc, đường vuông góc, đường quanh co giống như bài sa hình thi sát hạch. Tiếp đến, học viên sẽ được thực hành bài tập nâng cao với kỹ năng lái xe trên các địa hình phức tạp hơn như đường đồi núi, đường cao tốc, đường trong thành phố.

Trong báo cáo về lộ trình trang bị cabin học lái xe gửi Bộ GTVT ngày 17/10 vừa qua, bày tỏ sự thống nhất với đề xuất của Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam và các cơ sở đào tạo lái xe, Cục Đường bộ Việt Nam đề nghị Bộ GTVT xem xét điều chỉnh lộ trình trang bị và sử dụng cabin học lái xe ôtô.

Lý giải đề xuất này, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, đến nay chưa có đơn vị có đủ điều kiện thực hiện thử nghiệm cabin học lái xe ô tô, chưa có sản phẩm được chứng nhận sự phù hợp quy chuẩn QCVN 106:2020/BGTVT, chưa có sản phẩm được công bố hợp quy để cung cấp cho các cơ sở đào tạo.

Mặt khác, việc lùi thời điểm áp dụng để các tổ chức, cá nhân nhập khẩu hoặc sản xuất, lắp ráp trong nước có đủ thời gian đưa sản phẩm đi thử nghiệm, chứng nhận hợp quy, tổ chức nhập khẩu, sản xuất cabin học lái xe ô tô; để các cơ sở đào tạo có đủ thời gian thực hiện các trình tự thủ tục đấu thầu lựa chọn đơn vị cung cấp cabin học lái xe theo đúng quy định của pháp luật và để công tác đào tạo lái xe ô tô không bị gián đoạn, phục vụ nhu cầu chính đáng của người dân trong việc học, sát hạch, cấp giấy phép lái xe.

Hiện, các cơ sở đào tạo lái xe bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, các cơ sở đào tạo gặp khó khăn về tài chính; dịch bệnh đã ảnh hưởng đến việc sản xuất, lắp ráp thiết bị và ảnh hưởng đến thử nghiệm và chứng nhận sự phù hợp của sản phẩm theo quy chuẩn kỹ thuật.

Ông Lương Duyên Thống, Trưởng phòng Vận tải và Quản lý phương tiện người lái - Cục Đường bộ Việt Nam dẫn nguồn VOV cũng cho biết, cabin đào tạo lái xe xuất phát từ năm 2018 khi Bộ trưởng GTVT yêu cầu các Trung tâm sát hạch làm đường hầm, cầu, phà nhằm đào tạo sát hạch cho người học lái ôtô.

Thế nhưng, ở các Trung tâm đào tạo lái xe không thể làm được và ý tưởng đưa cabin mô phỏng vào thực hiện triển khai giống như ngành Hàng không và Đường sắt nhằm đào tạo, sát hạch cho phi công, lái tàu.

“Với phần mềm và thiết bị mô phỏng lái xe, học viên sẽ được tập luyện kỹ năng và tập phản xạ trong điều kiện các yếu tố về địa hình, cung đường, thời tiết, tình trạng giao thông và các tình huống giao thông khác nhau nhằm nâng cao kỹ năng đảm bảo an toàn giao thông”, ông Thống nói.

Cho rằng việc trang bị thiết bị mô phỏng để đào tạo lái xe là điều kiện kinh doanh bắt buộc đối với các cơ sở đào tạo lái xe nhằm đổi mới công tác sát hạch lý thuyết và thực hành, nếu trung tâm nào không trang bị sẽ không được phép đào tạo lái xe ô tô. Tuy nhiên, trong thời điểm các ảnh hưởng của dịch COVID-19, cơ sở sản xuất chưa phục hồi, trung tâm đào tạo lái xe gặp nhiều khó khăn, chưa chỉ định được đơn vị thử nghiệm chứng nhận hợp quy thì việc điều chỉnh lộ trình là bắt buộc do thời gian đến hạn chỉ còn chưa đầy 2 tháng.

img-bgt-2021-ong-nguyen-van-quyen-chu-tich-hiep-hoi-van-tai-o-to-vn-1659945589-width1527height1080
Đào tạo lái xe là lĩnh vực hết sức minh bạch và trên thực tế chỉ cần quản chặt đầu vào, đầu ra, chứ không cần giám sát quá trình học. Nếu bắt buộc phải triển khai cũng phải có lộ trình thí điểm, đánh giá hiệu quả, sự cần thiết chứ làm ngay sẽ gây khó cho các trung tâm.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam nhìn nhận

Trong những năm qua, thành phố đã chỉ đạo phải kiểm soát chặt chẽ, nghiêm túc khâu sát hạch đầu ra nên tỷ lệ học viên vượt qua các kỳ sát hạch luôn bảo đảm tính chính xác, khách quan.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Văn Quyền cũng có ý kiến, Bộ GTVT, Cục đường bộ Việt Nam cần nghiên cứu, đánh giá lại quy định học lái trong cabin điện tử có hiệu quả bằng việc dành thời gian thực hành lái xe trên đường hay không? Trước đây đã từng có đơn vị áp dụng xong phải bỏ, trong khi chi phí để trang bị cabin rất lớn, gây lãng phí không cần thiết.

Ông Nguyễn Văn Toản, Chủ tịch Hội đồng thành viên Trung tâm sát hạch lái xe Đông Đô (Bắc Ninh) cho rằng, với tình hình hiện nay, Bộ GTVT nên gia hạn thêm thời gian triển khai thực hiện cabin tập lái ô tô thêm khoảng một năm nữa và hiện các cơ sở đào tạo lái xe trên cả nước đã có văn bản kiến nghị xin lùi thời điểm áp dụng theo quy định từ ngày 1/1/2023.

Cabin tập lái với mục đích sử dụng chỉ có tính chất tham khảo, học lái xe cần phải "văn ôn võ luyện", được chạy trên sa hình, trên thực tế với các tình huống thật sự. Trước đây, một số nước như Hàn Quốc cũng đã trang bị mô hình cabin này nhưng sau cũng bỏ vì không phù hợp. Do đó, Bộ GTVT cần phải sửa lại các quy định, Nghị định để làm sao phù hợp với thực tế và mang lại hiệu quả cao cho người học.

Đưa ra con số mỗi bộ cabin có giá 400 - 500 triệu đồng, số tiền mà hàng trăm cơ sở đào tạo sát hạch trên toàn quốc bỏ ra sẽ rất lớn các trung tâm sẽ phải đầu tư tới 10-15 tỷ đồng cho khoảng 20-30 cabin để đào tạo lưu lượng bình quân khoảng 1.000 học viên/tháng. Đây là số vốn lớn trong bối cảnh các trung tâm đào tạo vẫn chưa phục hồi “sức khỏe” tài chính sau ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19.

Ngoài ra, do đã “rót vốn” vào đầu tư cabin tập lái, học phí đào tạo lái xe chắc chắn sẽ tăng song cũng cần phải tính toán mức thu hợp lý để không ảnh hưởng nhiều đến học viên.

Dù chưa cần áp dụng mô hình học cabin ngay, song nhiều trung tâm trên địa bàn thành phố Hà Nội, lại lấy lí do "Thông tư mới", để áp mức giá mới cho học viên. Như Banduong.vn đã phản ánh, một số trung tâm như Trung tâm đào tạo lái xe Đại học Thành Đô đã tận dụng Thông tư tăng khoản phí lớn cho học viên đang học dở khoá với lý do trung tâm đào tạo lái xe phải tự bỏ một khoản chi phí xăng dầu đi lại, giáo viên dạy thêm giờ cho việc học viên phải thực hành lái xe đủ số km đường trường.

Thực tế, Thông tư 04/2022 của Bộ GTVT chỉ nhằm quản lý chặt chẽ, thực chất hơn công tác đào tạo lái xe, chứ không tăng thời gian học hay quãng đường thực hành. Đơn cử, quy định học viên phải học đủ 710 - 800km đường trường đã được quy định tại Thông tư 13/2018 của Bộ GTVT. Đối chiếu thông tư cũ và thông tư 04 thì tổng số giờ học không thay đổi. Theo đó, số giờ thực hành lái xe trên đường trường tăng thì số giờ học thực hành trên sân tập giảm theo tương ứng.

Điểm mới của Thông tư 04 là ở chỗ, thay vì đề cho các trung tâm đào tạo tự quản lý, giám sát, thì nay Tổng cục Đường bộ VN sẽ làm việc này, thông qua dữ liệu mà các cơ sở đào phải cung cấp, để đảm bảo việc học đủ, học thật, chứ không hề tăng thêm giờ học. Và các học viên sẽ phải học và thi trong ca bin mô phỏng. Đây là một nội dung học mới. Tuy nhiên tại thời điểm này chưa áp dụng.

Với những thông tin xung quanh vấn đề lệ phí học lái xe ô tô, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cũng đã ban hành thông báo yêu cầu các cơ sở đào tạo lái ô tô trên địa bàn thành phố tập trung nguồn lực để bổ sung cơ sở vật chất, hoàn thiện các hạng mục lắp đặt, trang thiết bị bổ sung phục vụ đào tạo lái xe đáp ứng lộ trình đã được Bộ Giao thông Vận tải quy định. Đồng thời, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội nghiêm cấm cơ sở đào tạo tuỳ tiện tăng giá.

Cụ thể, cơ sở đào tạo phải áp dụng và niêm yết công khai mức học phí tại khu vực tuyển sinh; thu phí theo đúng hướng dẫn về cơ chế quản lý tài chính đào tạo lái xe cơ giới đường bộ được quy định tại Thông tư liên tịch số 72 của của liên Bộ Tài chính - Bộ Giao thông Vận tải; Không được tùy tiện tăng học phí gây mất ổn định. Các cơ sở phải báo cáo cơ quan chủ quản và Sở Giao thông Vận tải Hà Nội khi thay đổi mức thu học phí để giám sát.

Đồng thời, các cơ sở đào tạo phải tuyển sinh theo đúng nội dung quy chế đã ban hành; Kiểm soát chặt chẽ các khâu trong quy chế tuyển sinh, tiếp nhận hồ sơ đăng ký, đáp ứng nhu cầu học, thi lấy giấy phép lái xe của Nhân dân và thực hiện đầy đủ các điều khoản hợp đồng bảo đảm chất lượng đào tạo và quyền lợi của người học.

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cũng sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đột xuất đối với các cơ sở đào tạo lái xe trên địa bàn thành phố thuộc thẩm quyền quản lý của Sở và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong tuyển sinh, thu phí đào tạo lái xe đối với các tổ chức, cá nhân

Mỹ Diệu
Hà Nội 'nhân đôi' đường Láng
Sở Giao thông Vận tải vừa có báo cáo UBND thành phố việc triển khai lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi một số dự án giao thông, trong đó có vành đai 2 đoạn Ngã Tư Sở - Cầu Giấy (đường Láng).

Hà Nội - Nhiều dự án giao thông trọng điểm sắp khởi công
Nhằm giảm tải tình trạng ùn tắc, thay đổi diện mạo hạ tầng giao thông Thủ đô, thời gian tới, Hà Nội sẽ khởi công xây dựng nhiều dự án giao thông trọng điểm.

Nền kinh tế giữ đà phát triển tích vực trong 4 tháng đầu năm
Ngày 4/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 năm 2024. Tại phiên họp, Chính phủ tập trung thảo luận, đánh giá tình hình kinh tế - xã hội của đất nước trong 4 tháng đầu năm 2024, đồng thời xem xét nhiều nội dung quan trọng khác.

Du lịch Điện Biên khởi sắc trong dịp Lễ
Trong 5 ngày nghỉ lễ vừa qua, tỉnh Điện Biên đã đón khoảng 180.000 lượt khách du lịch đến tham quan và trải nghiệm. Trong đó có 123 lượt khách quốc tế, 35.000 lượt khách du lịch có lưu trú.

Thẩm định liên ngành Dự án cao tốc do Geleximco đề xuất
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định 378/QĐ-TTg ngày 4/5/2024 về việc thành lập Hội đồng thẩm định liên ngành thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua tỉnh Nam Định và Thái Bình do Tập đoàn Geleximco đề xuất đầu tư.

Tìm nhà tư vấn cho Dự án thành phần 4, Cảng hàng không quốc tế Long Thành
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ GTVT khi triển khai Dự án thành phần 4, Cảng hàng không quốc tế Long Thành cần mời tư vấn uy tín, chất lượng.

Không hỗ trợ dự án BOT do lỗi của doanh nghiệp
Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 190/TB-VPCP ngày 3/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.