Ca sỹ Nhật Thảo và "Những ngày mộng mơ" lơ lửng trong khúc nhạc sầu
Giới nghe nhạc Audiophile khi cầm trên tay CD nhạc xưa “Những ngày thơ mộng” của Nhật Thảo đã đánh giá đây là album lạ nhất trong năm về giọng hát sầu đẹp, cách chọn bài, phối khí đậm chất hoài niệm. Nhật Thảo khép lại năm 2022 kỳ diệu của mình bằng album đặc biệt này.
Một giọng hát sầu đẹp “ngủ quên”
Nhật Thảo là gương mặt lạ trong giới giải trí, dù có hành trang kha khá với cuộc đời. Về độ nổi tiếng có thể nói cô là một con số 0 nhưng lại không phải tay ngang trong nghề. 6 tuổi đã lên sân khấu, cả quãng đời niên thiếu tham gia vào đội văn nghệ thành phố. Tuy nhiên, chưa bao giờ cô gái xứ Thanh có suy nghĩ mình sẽ theo đuổi con đường ca hát chuyên nghiệp. Có lẽ, vì tuổi thơ nhiều sóng gió nên Nhật Thảo chỉ mong bình yên, sợ đi con đường gập ghềnh, sợ những trái ngang mà đời nghệ sĩ có thể đem đến.
Với cá tính mạnh và thích viết lách, nên từ nhỏ, Nhật Thảo đã mơ ước sau thành 1 nhà báo. Khi thi Đại học, cô đăng ký thi báo chí nhưng… không đỗ, để rồi sự lựa chọn cuối là Nhạc viện HN lại là nơi cô dừng chân 8 năm. Người thầy đầu tiên, người dìu dắt cô là ca sĩ Anh Thơ. Trong khi các bạn cùng khoá chỉ mong được chắp cánh để thăng hoa thì Nhật Thảo kiên định với suy nghĩ học xong sẽ đi theo con đường khác, vì vậy cô không tham gia bất kỳ cuộc thi hát chuyên nghiệp nào. Sau 8 năm được đào tạo, ra trường Nhật Thảo tạm gác tấm bằng tốt nghiệp ở đó, vỗ về tài năng tạm ngủ yên, cô may mắn được hiện thực hoá ước mơ từ thuở bé - một phóng viên mang tên Nhật Thảo cũng bắt đầu từ đây.
Tuy không đi theo con đường chuyên nghiệp nhưng với Nhật Thảo âm nhạc vẫn là một tình yêu, đam mê ở trong huyết quản, và hơn thế nó còn cho cô rất nhiều điều tốt đẹp trong cuộc sống. Với gia cảnh không mấy dư dả , ngay từ khi quyết định ôn thi Nhạc viện, mẹ cô đã tất tả đi vay mượn, chắt chiu để cô có tiền ôn luyện. Không phụ lòng mẹ, với sự chăm chỉ ngay từ năm đầu Nhạc viện, Nhật Thảo đã đi hát ở các tụ điểm ca nhạc từ 3-40 nghìn cho một buổi hát tại các nhà hàng hay 80 nghìn ở quán café ca nhạc…số tiền đó đã giúp cô trang trải cuộc sống cũng như giúp đỡ, hỗ trợ được phần nào kinh tế cho gia đình.
Nhật Thảo không theo ca hát chuyên nghiệp, nhưng cô lại có cách sống với đam mê theo kiểu của mình. Kiểu của một người mà “máu” nghệ sĩ đậm đặc và rất cầu toàn. Ngay từ những ngày còn học trung cấp tại Nhạc viện, Nhật Thảo đã mong muốn thực hiện một album cho riêng mình. Cần mẫn đi học rồi đi làm kiếm tiền, dư được đồng nào, cô gom góp làm album đầu tay mang tên “Khoảng lặng” ra mắt năm 2008.
Ngày đó, với cuộc sống sinh viên không dư dả gì, các bạn học hay xin beat của nhau về thu âm chơi nhưng Nhật Thảo lại khác. Cô muốn mọi thứ chỉn chu và là của mình. Không chịu giống bạn bè, cô đi thuê phối khí 3 triệu/bài, có bài phối đi phối lại ba lần, tổng tiền lên tới là 9 triệu. Dù chỉ in 200 bản để tặng mọi người làm kỷ niệm nhưng Nhật Thảo đã rất nghiêm túc với cuộc chơi của mình. Nhật Thảo thật sự đã rất “lạ lùng” từ những ngày ban đầu như thế.
Sự nghiêm túc, cầu toàn bao giờ cũng đem đến những quả ngọt, nhất là với chất giọng lạ của cô.. Ngày ấy, Nhật Thảo cũng không hiểu nhạc xưa, nhạc tình là gì, giọng còn rất trong trẻo, trẻ con nhưng cách hát màu hoài niệm đã gây ấn tượng với nhiều người. Trong một lần gặp tại phòng thu, tình cờ nghe cô hát và tuy là lần đầu biết nhau nhưng MC Nguyễn Hữu Chiến Thắng rất thích và đề nghị sẽ viết và đọc lời tựa cho album “Khoảng lặng”. Những lời Anh đọc đủ để cho người nghe cảm nhận được một Nhật Thảo đã hát bằng tất cả sự đam mê như thế nào
“Khi nghe các ca khúc trong CD này, người nghe sẽ cảm nhận được sự hồn nhiên của một tâm hồn nhạy cảm, cái nhạy cảm của một người ca sĩ mà tuổi của bài hát lớn hơn tuổi của người hát rất nhiều … Và tiếng hát cất lên từ những khoảng lặng tâm hồn dẫu còn trẻ nhưng đã biết chất chứa những xúc cảm của đời sống để tạo nên những rung động trong thanh âm”.
Năm 2011 ra trường, Nhật Thảo về Đài Tiếng nói Việt Nam, kênh VOV TV. Lúc đó mọi người đề nghị cô vào nhà hát Đài tiếng nói Việt Nam làm ca sĩ, nhưng cô khăng khăng chỉ thích làm phóng viên. Sau đó Nhật Thảo thi đậu biên chế, tập trung làm báo, chuyển sang Truyền hình Quốc hội và từ đó, các tụ điểm ca nhạc không còn thấy cô xuất hiện.
Âm nhạc luôn ở trong máu, là đam mê cả một đời, nuôi dưỡng trái tim, tâm hồn Nhật Thảo. Nhật Thảo chưa bao giờ xa nó mà chỉ là chọn cách yêu nó rất khác. Cách yêu của một kẻ lãng du, rong chơi, làm âm nhạc vì thích, vì mê, làm những gì mình thích chứ không sống chết với nó, bó buộc vào nó bởi sự nghiệp. Cô nàng lãng du ấy khi sắp bước vào tuổi 40 lại gom góp tiền bạc làm một đĩa nhạc kỷ niệm có tên “Kỳ Diệu” ra mắt cuối năm 2021. Với tâm tưởng làm cho mình, cho thỏa tình yêu âm nhạc của mình nhưng thật bất ngờ khi Kỳ Diệu đã mang rất nhiều điều kỳ diệu đến với Nhật Thảo.
Điều kỳ diệu nhất là cô tình cờ gặp lại ca sĩ Tuấn Anh sau mười mấy năm, qua trò chuyện về âm nhạc, anh đề nghị Nhật Thảo gửi cho nghe một bản thu. Nghe bản thu Kỳ Diệu (nhạc sĩ Anh Bẳng-thơ Nguyên Sa) qua tiếng hát Nhật Thảo, Tuấn Anh- một người ca sĩ say mê dòng nhạc xưa với một tâm hồn nhạy cảm với âm nhạc đã thực sự bất ngờ và bị chinh phục. Anh vội post lên facebook bày tỏ cảm xúc, mọi người vào nghe đều tò mò không biết ca sĩ là ai.
Thông qua giới thiệu này của ca sĩ Tuấn Anh, tin tức về Nhật Thảo và một giọng hát lạ, mộc, phiêu diêu tự tại nhưng chất chứa ngàn vạn nỗi niềm đời sống, giống như tiếng xưa vọng về râm ran trong giới Audiophile. Người ta hỏi nhau album của cô, các shop bán đĩa gọi hỏi lấy để bán. Nhật Thảo bất ngờ với niềm hạnh phúc ấy, nhưng cô cũng kỳ lạ lắm, kỳ lạ như chính cô: nhất định không bán với suy nghĩ “ không ai bán kỷ niệm của mình cả”. Cô chọn cách dành tặng những người thực sự yêu thích giọng hát của mình. 500 đĩa “Kỳ Diệu” của cô vì thế mà hết veo.
Nhưng đó chỉ là sự khởi đầu của một hành trình kỳ diệu của một nghệ sĩ nhiều kỳ lạ. Thông qua ca sĩ Tuấn Anh, Nhật Thảo đã đến với nhiều điều kỳ diệu hơn thế đối với cuộc sống của cô, chỉ trong 9 tháng cô đã thay đổi rất nhiều, giống như sự thay đổi của một người con gái bước sang ngưỡng cửa của một người phụ nữ. Vẫn là Nhật Thảo đấy, nhưng sâu đằm, trưởng thành hơn về mọi mặt.
“Tôi bất chợt gặp lại Thảo trong 1 ngày đông của năm 2021. (Tôi biết em lần đầu khi chúng tôi cùng đến xem cuộc thi Sao Mai cách đây rất lâu và có mối quan hệ liên đới giữa những người đồng nghiệp). Lần có duyên gặp lại này, tôi được nghe 1 file em hát và tôi đã nói em là giọng ca ngủ quên trong môi trường đầy sự nghiêm túc (Em làm phóng viên kênh Truyền hình Quốc hội).
Động viên Thảo quay lại với nghề, việc đầu tiên tôi phải là người book show cho Thảo đi diễn và ném Thảo vào môi trường ca hát nghiêm túc, để em được nuôi dưỡng lại tâm hồn và thể xác. Và với tôi lúc đó, phòng trà Trịnh Ca là môi trường tốt nhất, hợp với giọng em, ở đó có những đồng nghiệp, anh chị em nghệ sĩ lao động nghệ thuật nghiêm túc, nâng niu tôn trọng khán giả bậc nhất Hà Thành. Đặc biệt có nhạc sĩ Đạo Nguyễn sau này là người hoà âm cho sản phẩm của em” - ca sĩ Tuấn Anh viết.
Trong 9 tháng qua, nhờ biểu diễn ở Trịnh Ca, Nhật Thảo thay đổi rất nhiều, trưởng thành trong cả cách hát và cảm xúc. Nhật Thảo là người cầu toàn, tỉ mỉ. Đức tính đó tiếp tục được bồi dưỡng ở Trịnh Ca- nơi có những người nghệ sĩ lao động nghệ thuật nghiêm túc và cùng yêu, tôn thờ nhạc xưa. Mỗi lần định hát một ca khúc xưa ở Trịnh Ca, Nhật Thảo đều tìm đúng lại bản gốc, nghe bản thu của các ca sĩ ngày xưa để đối chiếu, so sánh.
“Khi ở Trịnh Ca, tôi hiểu rằng phải luôn cố gắng không được hát sai , vì chỉ cần sai một từ có thể sai hoàn toàn ý nghĩa tác giả gửi gắm. Bây giờ mọi người lấy lời trên mạng rất dễ sai, những tiểu tiết ít người để ý. Thậm chí có những bài bị sai một cách cố hữu, dù tác giả đã lên tiếng. Các tác giả xưa không bao giờ viết lời nào vô nghĩa, mỗi bài hát đều gửi gắm nhiều điều, đều có căn nguyên để viết ra lời đó. Hiểu được điều này, tôi thấy mình càng cần cẩn thận hơn”, Nhật Thảo chiêm nghiệm.
Trong những năm qua trend hát nhạc xưa, nhạc tình rất nhiều. Các ca sĩ từ bolero tới nhạc đỏ đều lấn sang hát nhạc xưa và hầu hết đều chọn cách làm mới để tạo ấn tượng cho người nghe đồng thời phù hợp hơn với xu hướng hiện đại. Nhật Thảo thì lại hoàn hoàn ngược dòng, nghe cô hát đậm màu sắc xưa cũ. Cứ như bật một chiếc băng catsette nào từ thập niên cũ lên vậy. Cách hát của Nhật Thảo mộc mạc, đơn giản, trở về bản nguyên nhạc xưa, không trưng trổ cầu kỳ kỹ thuật. Nhật Thảo bảo, cô nghe các danh ca hát và thấy các bậc tiền bối hát thản nhiên như không, hát như từ trong ruột chứ không có chút toan tính trong đầu là phải xử lý chỗ này, láy chỗ kia để nó đẹp và hoa mỹ.
Giai đoạn đầu Nhật Thảo hát, mọi người liên tưởng sang Lệ Thu, Khánh Ly nhưng cho đến thời điểm này khi “Những ngày thơ mộng” ra mắt, Nhật Thảo bảo, cô mừng vì được là cô. “Mình ảnh hưởng cách hát của các tiền bối không có gì sai bởi mình là hậu thế, mình biết chắt lọc nhưng nên biến nó thành cái của mình. Nếu người nghe có thấy Nhật Thảo giống ai hay không thì đó không nằm trong chủ ý của tôi” - Nhật Thảo thẳng thắn.
Người ta thường nói hát nhạc xưa muốn hay thì cần từng trải, thấu cảm, người nghệ sĩ muốn hát hay cũng phải có nhiều thăng trầm mới tạo nên tầng tầng lớp lớp cảm xúc. Nhật Thảo cũng từng nghĩ như vậy. Thế nhưng, chính trong thời gian thu âm album “Những ngày thơ mộng” lại là lúc cô bình yên và thư thái nhất, khiến có lúc cô hoang mang hỏi ê-kíp: “Em phải làm sao đây khi cuộc sống của em đang yên bình mà album của em toàn bài sầu đau, nếu em vẫn đang buồn đang thất tình thì có phải hợp hơn không?”
Những rồi cùng với những chỉ dạy của ca sĩ Tuấn Anh và nghệ sĩ Đạo Nguyễn, Nhật Thảo hiểu ra, một người làm nghệ thuật chuyên nghiệp không thể bị chi phối cảm xúc quá nhiều, mà phải dùng tư duy tách bạch. Những gì đã qua trong cuộc sống có thể là chất liệu, xúc tác nhưng không thể lúc nào cũng vin vào nó, cần phải hiểu về tác phẩm một cách sâu và chuẩn nhất.
Chính vì vậy quá trình tập album “Những ngày thơ mộng”, tìm hiểu tác phẩm Kiếp nào có yêu nhau, Nhật Thảo khóc rất nhiều trước câu chuyện về sự ra đời bài thơ của tác giả Minh Đức Hoài Trinh, là nỗi đau của hai người yêu nhau phải chia lìa bởi cái chết. “Đó là lúc tôi hoá thân vào nhân vật, dùng cảm xúc của nhân vật để hát chứ không còn là cảm xúc từ cuộc đời mình nữa” - Nhật Thảo nhớ lại.
Sự tái sinh trong âm nhạc, cuộc sống với “Những ngày thơ mộng”
“Những ngày thơ mộng” ngoài Kiếp nào có yêu nhau (nhạc Phạm Duy, thơ Minh Đức Hoài Trinh), còn có 10 tác phẩm không nhiều người biết hay quen tai : Phố chiều (Hoàng Thi Thơ), Thung lũng hồng (Phạm Mạnh Cương), Trong miệt mài em quên (Trường Sa), Bão tình (nhạc Hoàng Trọng, lời Duy Viêm), Mộng sầu (Trầm Tử Thiêng), Bước chân dĩ vãng (tác giả Nguyễn Hiền – Lam Đài, ca sĩ Tuấn Anh), Một ngày không có em (nhạc Y Vân, lời Nguyễn Long, song ca với Tuấn Anh), Nước mắt mùa thu (Phạm Duy), Những ngày thơ mộng (Hoàng Thi Thơ), Chờ (Lam Phương).
“Tôi có thói quen xấu của kẻ làm nghề là hay lân la, hỏi về cuộc sống đời tư mục đích khai thác tâm tư, cảm xúc tiện cho công việc biên tập, tìm bài vì vậy tôi cố tình lấn vào câu chuyện cuộc đời của họ. Trong chuyến đi show Hải Phòng Noel 2021, tôi mời Thảo hát cùng, cả hành trình lúc về hơn 100km em tâm sự tôi chuyện cuộc đời, tuổi thơ của em và những cay đắng tình yêu đã từng làm em gục ngã. Em buông xuôi sống, lẳng lặng cuộc sống của người công chức, tự giam mình trong công việc và vài nhóm bạn thân hàng ngày.
Âm nhạc em chỉ dành riêng trong vỏ ốc của mình, và đôi khi nhớ nhung thì em nghêu ngao vài bài trong các cuộc vui của bạn bè. Nghe em kể, tôi suy nghĩ và nói bâng quơ “Thứ âm nhạc đã ngấm vào huyết quản người được đào tạo chuyên nghiệp khó bỏ lắm”. 2h sáng xe vừa qua khỏi trạm soát vé vào nội đô Hà Nội, tôi cũng hình thành xong trong đầu 11 ca khúc như một câu chuyện về em. Về đến nhà tôi gửi toàn bộ 11 bài này với câu nói: Chuyện cuộc đời em ở 11 ca khúc này, em hãy kể hết ra bằng âm nhạc và giải phóng mọi thứ suy nghĩ trong em” - ca sĩ Tuấn Anh nói về quá trình biên tập, chọn bài cho Nhật Thảo.
Khi nhìn list bài, Nhật Thảo phải thốt lên: 90% là ca khúc cô chưa từng nghe qua. Tuy vậy, cô lại nhanh chóng bị mê hoặc bởi những khúc nhạc tình bất hủ trước năm 1975 của những tác giả lừng lẫy. “Những người khác có thể bị ở thế buộc phải hát bởi những ca khúc do người biên tập cho mình, nhưng tôi rất may mắn là list bài anh Tuấn Anh biên tập cho tôi, tôi đều thích.
Khi nghe các nữ danh ca xưa hát và tìm hiểu về hoàn cảnh ra đời những bài này tôi càng có nhiều thấu cảm, vì thế quá trình thu âm cũng mang lại rất nhiều cảm xúc trong tôi. Ví dụ bài Chờ Lam Phương viết cho vụ kỳ nữ Cẩm Nhung bị tạt axit mấy chục năm trước, có câu: “Hát đi em, mình đã sống trong khổ đau nhiều rồi, đời đã cướp đi tuổi thơ tuyệt vời, ngày mai đây khi phấn son nhạt màu..”, hoặc “Nước mắt mùa thu” Phạm Duy viết tặng Lệ Thu có câu “một đời ca sĩ hát trong buồn tênh” anh Tuấn Anh đều có liên tưởng đến cuộc đời tôi. Bản thân tôi cũng thấy mình trong đó” - Nhật Thảo tâm sự.
Đặc biệt, ca khúc “Kiếp nào có yêu nhau” được Nhật Thảo thu âm đúng một lần duy nhất với một cách kỳ lạ. Ban đầu, nhạc sĩ Đạo Nguyễn từng bị rơi vào bế tắc để tìm ý tưởng phối khí cho ca khúc này vì đã có quá nhiều bản phối hay, hoành tráng. Anh đã nghĩ rằng sẽ phải bỏ ca khúc ra khỏi list nhạc. Thế rồi, một đêm Đạo Nguyễn bỗng bật dậy lúc 3h sáng khi trong đầu Anh những gì cần nghĩ đã nghĩ ra. Bản phối nhanh chóng có và Nhật Thảo cũng nhanh chóng vào phòng thu.
Đây cũng là ca khúc duy nhất Nhật Thảo yêu cầu cả phòng thu tắt điện tối bưng, nhắm mắt cô thả mình hoàn toàn vào ca khúc. Cả phòng thu cũng như lặng đi hoà vào cảm xúc đó và ca khúc được thu duy nhất một lần như vậy. Nhật Thảo nói, thực ra trước đó, trong quá trình đợi bản phối, cô đã hát, đã ngấm, đã khóc với nhân vật trong bài hát rất nhiều rồi. Đến khi vào phòng thu, cô đã hát bằng chính trái tim, sự rung động, thấu cảm của mình nên nó rất nhanh, không phải thu lại
Một thực tế là các ca sĩ ra album thường chọn những bài an toàn, ít nhất là người nghe đã quen thuộc còn Nhật Thảo thì ngược lại. Giám đốc sản xuất và biên tập album cũng nói đây là những bài khó, người ta ngại thể hiện. Một nhạc sĩ sáng tác cả trăm bài nhưng chỉ có vài bài hit, những bài đó các ca sĩ đã hát mòn cả rồi. Chọn hát những bài ít người biết đến là cả một sự mạo hiểm nhưng Nhật Thảo tâm niệm: “Âm nhạc Việt Nam là một kho tàng lớn và còn vô vàn bài hay, sức mình bé không mong lan toả gì ghê gớm chỉ mong mang những tác phẩm đẹp nhưng phần nào bị lãng quên, lâu ít ai hát ra cho công chúng được nghe, được cảm để chúng không bị mờ khuất bởi lớp bụi thời gian”.
Bản thân ca sĩ Tuấn Anh khi biên tập “Những ngày thơ mộng” cho Nhật Thảo đã rất tâm đắc. “Tôi cùng nhạc sĩ Đạo Nguyễn và ê-kíp viết nên câu chuyện âm nhạc, được chính Nhật Thảo kể lại, qua 11 ca khúc bất hủ của những nhạc sĩ tên tuổi, trước năm 1975. Lần đầu tiên những ca khúc đã từng nằm trong những cuốn băng cối nhầu nát, cũ kỹ theo thời gian đã được nhạc sĩ Đạo Nguyễn hoà âm lại trên nền nhạc tân tiến, hơi hướng hiện đại theo phong cách Audiophile sẽ là một ấn phẩm hoài niệm, nếu như dân đam mê cối Pr75 sẽ nhận ra và dân mê thứ âm thanh trong những bộ Hi-end đẳng cấp cũng khó có thể bỏ qua, vì nó hội tụ đủ mầu sắc của xưa cũ, của cả ngày hôm nay nữa, qua sự tài tình của Studio Dương Hải trực tiếp thu và mix hậu kỳ cho album” - anh hào hứng chia sẻ.
Nhật Thảo thì đùa, ca sĩ Tuấn Anh nhạc sĩ phối khí Đạo Nguyễn mới là bố mẹ đẻ của “Những ngày thơ mộng”, cô chỉ là người mang thai hộ. Nhạc sĩ Đạo Nguyễn dù phối khí cho rất nhiều album cho các ca sĩ nhưng anh cũng cho rằng đây là sản phẩm lạ nhất, là sự chiu chắt học hỏi của anh trong ba năm dịch, dành rất nhiều tâm huyết để cho ra một màu sắc đúng chất Nhật Thảo.
Album là sự hỗ trợ của nhiều người, để giọng hát đẹp Nhật Thảo được tái sinh, để những ca khúc bất hủ được khán giả tiếp tục yêu mến. Cho đến tận khi ra mắt album này, Nhật Thảo mới chỉ phải bỏ ra duy nhất tài nguyên tự thân của mình là giọng hát, 1 phần được Audiospace- nhà phát hành ứng trước chi phí cũng như 1 phần sự động viên của ekip với câu nói “ Em chỉ việc chuyên tâm vào thu, mọi thứ để sau hãy nghĩ tới”. Với giá bán cho một album không quá cao, nếu bán hết số lượng CD phát hành may ra mới hoà vốn nhưng Nhật Thảo không nhiều lo lắng vì với cô “ âm nhạc không phải để đong đếm, thiệt hơn. Đây là một nhân duyên, và đến lúc cần trả lại sự biết ơn cho nhân duyên đó bằng sự lao động nghệ thuật nghiêm túc chuyên nghiệp nhất. Tuy nhiên, cô có may mắn khi hiệu ứng từ đĩa “Kỳ diệu” quá tốt nên dân chơi Audiophile đều đang rất chờ đón sản phẩm của cô, có người nói chỉ cần Nhật Thảo ra đĩa là đặt mua, không cần biết list bài như thế nào.
Từng ở trong vỏ ốc nhưng Nhật Thảo đã được ca sĩ Tuấn Anh lôi ra ánh sáng. Từ ngày đi hát lại, những người xung quanh thấy Nhật Thảo với một tâm thế khác, vui tươi hơn, bớt khó tính, tự cởi trói cho bản thân để được rộng mở tâm hồn với cuộc đời. Album “Những ngày thơ mộng” đã tái sinh Nhật Thảo về tất cả, từ giọng hát đến cuộc sống. Tuy nhiên khi được hỏi có ân hận vì quãng thời gian hơn mười năm vì lựa chọn báo chí mà để con đường nghệ thuật dang dở, Nhật Thảo bảo, cô không nuối tiếc vì vẫn được sống với âm nhạc theo cách riêng của chính mình- một kẻ lãng du, rong chơi bằng cảm xúc.
“Tôi chưa từng rời bỏ âm nhạc. Âm nhạc là máu thịt của tôi nhưng cho chính cuộc đời tôi thôi, không nhất thiết phải được ai nhìn nhận ca tụng. Với tôi, báo chí và âm nhạc không thể tách rời, sự cộng hưởng của công việc báo chí cho tôi nhiều vốn sống để nhập tâm hơn vào bài hát. Ngược lại tâm hồn nghệ sĩ giúp tôi viết báo tình hơn, mềm mại hơn” - cô gái xinh đẹp trải lòng.
Album “Những ngày thơ mộng” được ra đời dịp cuối năm, cũng là sự tri ân của Nhật Thảo đến với những người mà cô rất biết ơn trong đời mình. Cô biết ơn ca sĩ Anh Thơ, người thầy đầu tiên của cô trên con đường âm nhạc, biết ơn phòng thu Mạnh skull đã giúp đỡ Cô 2 album kỷ niệm đầu tiên, rồi ca sĩ Tuấn Anh - người đã thúc giục cô “tỉnh dậy” và ra khỏi vỏ ốc của mình, Đạo Nguyễn- người khai mở nhiều tâm thức cho cô trong âm nhạc, đến phòng trà Trịnh Ca- nơi đã giúp cô thay đổi hoàn toàn quan niệm về hát nhạc xưa cũng như bồi dưỡng cho sự chuyên nghiệp của cô, đến những nhóm bạn thân của cô- những người đã thương cô như chính người thân, luôn ở bên cô trong mọi vui buồn, luôn động viên, cổ vũ cô phát hành album này….và còn biết ơn tới những người, những điều đã đến như nhân duyên mà số phận đã ưu ái dành tặng Cô… Nhật Thảo nói, cô quá hạnh phúc vì có tất cả những điều ấy.
“Tôi là một người may mắn khi số phận đã cho tôi quá nhiều dư vị và sắc màu đa dạng trong cuộc sống này. Tôi biết ơn quá khứ, biết ơn những mất mát, những tổn thương và biết ơn cả những nỗi buồn thật đẹp của mình... Tất cả điều đó đã cộng hưởng để tạo nên một Nhật Thảo của ngày hôm nay, thật an nhiên, thong dong với nụ cười trong hành trình cùng âm nhạc nhìn lại “Những ngày thơ mộng”...”, Nhật Thảo tâm tình.