Chuyên mục


Bắt kịp xu thế tất yếu - chuyển đổi năng lượng xanh

26/03/2024 14:37 (GMT +7)

Chuyển đổi năng lượng xanh đang là xu thế tất yếu của thế giới nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu và hướng đến phát triển bền vững.

Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2050 sẽ đưa mức phát thải ròng khí nhà kính bằng 0, lý tưởng là các phương tiện giao thông đều sử dụng năng lượng xanh. Với Việt Nam, giao thông xanh cũng là yêu cầu cấp thiết để xây dựng đô thị xanh và đô thị thông minh.

Bộ Giao thông vận tải thống kê trong năm 2023 đã có hơn 20.000 ô tô điện được sử dụng trên khắp cả nước

Bộ Giao thông vận tải thống kê trong năm 2023 đã có hơn 20.000 ô tô điện được sử dụng trên khắp cả nước

Hơn 20.000 ô tô điện được sử dụng

Ngành Giao thông vận tải đặt mục tiêu đến năm 2040 từng bước hạn chế và tiến tới dừng sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô, xe máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch; đến năm 2050, toàn bộ phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy thi công, tham gia giao thông chuyển đổi sang sử dụng điện, năng lượng xanh. Vì vậy phát triển hạ tầng trạm sạc là yếu tố không thể tách rời.

Các phương tiện di chuyển sử dụng năng lượng điện được xem là tương lai của ngành giao thông khi người dân tại các thành phố lớn ngày càng ưa chuộng loại xe này. Bộ Giao thông vận tải thống kê trong năm 2023 đã có hơn 20.000 ô tô điện được sử dụng trên khắp cả nước, chủ yếu là xe do VinFast sản xuất. Nhiều nhà sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước như TMT Motor, THACO, TC Motor và các hãng xe nước ngoài như OMODA, Wuling, Haima, Haval, Zhidou, Lynk & Co... chuẩn bị ra mắt những sản phẩm xe điện đầu tiên tại Việt Nam. Tuy nhiên, số lượng trạm sạc trên đường còn thiếu, không đủ đáp ứng nhu cầu sử dụng của các phương tiện chạy bằng điện. Hệ thống lớn nhất làm trạm sạc là VinFast với hơn 150.000 cổng cho cả xe máy và ô tô, đặt tại bãi đỗ xe, bến xe, trung tâm thương mại, trạm xăng dầu… Bên cạnh đó, người dân chủ yếu tự sạc tại nhà.

Tại Hội thảo “Thúc đẩy chuyển dịch năng lượng và xây dựng cơ chế chính sách đầu tư vào hạ tầng trạm sạc tại Việt Nam” do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam tổ chức, Giáo sư, Tiến sỹ Wilmar Matinez, Chuyên gia nghiên cứu về năng lượng điện của UNDP chia sẻ, ở Việt Nam, khái niệm ô tô điện còn mới. Số lượng các phương tiện giao thông sử dụng năng lượng xanh còn thấp so với phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Đây cũng là nguyên nhân khiến các trạm sạc điện trên đường, đặc biệt là đường cao tốc chưa được phổ biến như tại các quốc gia khác. Theo ông Wilmar Matinez việc thiếu trạm sạc là một trong những nguyên nhân chính khiến người tiêu dùng băn khoăn khi lựa chọn mua và sử dụng xe điện.

Quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông đường bộ đặt mục tiêu đến năm 2050, Việt Nam sẽ xây dựng hơn 9.000 km đường cao tốc, gấp gần 8 lần hiện tại. Ông Tô Nam Toàn, Trưởng phòng Khoa học công nghệ môi trường và Hợp tác quốc tế (Cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, Bộ Giao thông vận tải đang cập nhật quy hoạch mạng lưới đường cao tốc và nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng theo đề nghị từ các địa phương. Thiết kế mỗi cao tốc đều có các trạm dừng nghỉ và theo các chuyên gia, đây là địa điểm thích hợp để đặt các trạm sạc dành cho xe điện.

Hợp tác công - tư để giải quyết chi phí đầu tư

Theo Tiến sỹ Wilmar Matinez, với công nghệ xe điện hiện nay, pin thường cho phép xe đi quãng đường khoảng 180-300km/lần sạc. Muốn đi đường dài cần trạm sạc dày đặc để có thể vừa đi vừa sạc. Nếu không giải được bài toán về trạm sạc sẽ rất khó đạt được mục tiêu thay thế hoàn toàn xe chạy xăng, dầu bằng xe chạy điện trong tương lai. Do đó, nhu cầu trạm sạc tại Việt Nam đang rất cao và là dư địa để các nhà đầu tư khai thác.

Qua nghiên cứu thực tiễn phát triển trạm sạc xe điện ở Thái Lan, Đức, Na Uy, Hàn Quốc, ông Wilmar Matinez nhận định, việc phát triển mạng lưới trạm sạc cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của cả chính phủ và khu vực tư nhân. Đức đã đẩy mạnh đầu tư vào nghiên cứu và phát triển trạm sạc thông qua các khoản tài trợ, các quỹ nghiên cứu. Người dân mua xe điện mới sẽ có ưu đãi lên tới 80% giá xe tương đương xe động cơ đốt trong. Các quốc gia trên đồng thời đưa ra những quy định nghiêm ngặt trong xây dựng cơ sở hạ tầng sạc, tiêu chuẩn hóa điểm sạc, nguồn và tốc độ sạc cũng như các quy định về sạc công cộng và sạc tại nhà.

Nghiên cứu của các chuyên gia của UNDP cho thấy với 39 trạm nghỉ trên toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông và giả định đến năm 2050 toàn bộ phương tiện lưu hành là xe điện thì cần đầu tư khoảng 7.800 điểm sạc. Tính theo suất đầu tư năm 2024 sẽ cần khoảng 2,2 tỷ USD cho giai đoạn 2025-2050. Với chi phí đầu tư này Việt Nam cần khuyến khích, động viên các tổ chức tư nhân góp vốn để tăng cường trạm sạc trên các tuyến đường cao tốc. Các chính sách khuyến khích có thể bao gồm miễn thuế trong 5 năm đầu sau khi đưa các trạm sạc đi vào hoạt động, giảm 50% thuế trong 5 năm tiếp theo… Để thu hút đầu tư tư nhân vào phát triển hạ tầng trạm sạc, điều quan trọng nhất là phải đẩy nhanh tốc độ sử dụng xe điện; khu vực tư nhân cần được phép thu phí dịch vụ sạc để thu hồi vốn.

Từ khía cạnh an toàn lưới điện, ông Nguyễn Thế Vĩnh, Chuyên viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho rằng, số lượng trạm sạc không phải là vấn đề duy nhất. Việc tăng cường trạm sạc trên đường cao tốc cần phải tính toán số lượng xe và thời điểm sạc xe tại mỗi trạm để tránh gây áp lực lớn lên hệ thống điện trên toàn quốc, gây mất điện cục bộ. Hiện tại, hệ thống trạm sạc công cộng đã chiếm tới 10% năng lượng điện cả nước.

Về lo ngại này của ngành điện lực, Tiến sỹ Nguyễn Bảo Huy (Đại học Bách khoa Hà Nội) chia sẻ kết quả nghiên cứu của trường và các chuyên gia UNDP cho thấy, Việt Nam có thể áp dụng hệ thống “Smart Charging”. Hệ thống này sử dụng công nghệ giám sát từ xa để quản lý thời gian sạc điện và phương thức sạc điện của ô tô tại mỗi trạm; đồng thời cung cấp dữ liệu về thời gian và chi phí sạc điện, các trạm sạc hiện có trong khu vực lân cận. Với phương pháp này, Việt Nam có thể phân bổ đều số lượng xe tại các điểm sạc, tránh sạc nhiều xe trong giờ cao điểm dẫn đến sập điện do quá tải.

Theo TTXVN
Nhiều tuyến quốc lộ ở Yên Bái sạt lở, ngập úng
Do ảnh hưởng của mưa lớn, quốc lộ 70 và quốc lộ 32 đoạn qua địa phận tỉnh Yên Bái đã xảy ra sạt lở, ngập úng trên nhiều đoạn tuyến khiến giao thông ùn tắc cục bộ.

Bắc Ninh tháo gỡ điểm nghẽn về ô nhiễm môi trường tại các làng nghề
Dự án “Đầu tư xây dựng khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn làng nghề xã Văn Môn” còn nhiều vướng mắc; chưa xây dựng được phương án vận chuyển và đơn giá xử lý chất thải rắn tồn đọng tại xã; tỉ lệ các cơ sở cô đúc nhôm di dời ra khỏi khu dân cư thấp 86/240 hộ.

Vietnam Airlines phát động chiến dịch “Bay nhẹ tới Côn Đảo”
Chiến dịch “Bay nhẹ tới Côn Đảo” góp phần giảm thiểu rác thải nhựa, giảm phát thải CO2, tiến tới các mục tiêu về phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững huyện Côn Đảo.

Thêm vốn cho dự án rạch Xuyên Tâm
Rạch Xuyên Tâm dài gần 9 km, chảy qua quận Bình Thạnh và quận Gò Vấp. Tổng mức đầu tư dự án tăng cao là do các địa phương áp dụng Luật Đất đai mới 2024 khi dự toán tổng chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư.

Nghệ An: Núi nứt 100m, di dời khẩn cấp 4 hộ dân
Sáng 30/9, theo thông tin từ UBND huyện Quế Phong (Nghệ An) cho biết, chính quyền địa phương đã hoàn thành việc di dời 4 hộ gia đình đến nơi an toàn sau khi phát hiện vết nứt trên núi Pù Mèo, xã Nậm Giải.

Phân luồng QL.2 sau vụ sạt lở nghiêm trọng
Sở GTVT Hà Giang vừa công bố phương án phân luồng tổ chức giao thông sau vụ sạt lở taluy dương trên QL.2.

Sạt lở trên QL. 2, nhiều người và phương tiện gặp nạn
Vụ sạt lở xảy ra tại Km240+300 QL.2, đoạn qua huyện Bắc Quang, tình Hà Giang khiến nhiều người và phương tiện gặp nạn.