Bắc Ninh tháo gỡ điểm nghẽn về ô nhiễm môi trường tại các làng nghề
Dự án “Đầu tư xây dựng khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn làng nghề xã Văn Môn” còn nhiều vướng mắc; chưa xây dựng được phương án vận chuyển và đơn giá xử lý chất thải rắn tồn đọng tại xã; tỉ lệ các cơ sở cô đúc nhôm di dời ra khỏi khu dân cư thấp 86/240 hộ.
Tổ giám sát của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổ giám sát của UBND tỉnh Bắc Ninh vẫn thường xuyên, liên tục thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát đến từng cơ sở cô đúc nhôm; lập biên bản, thu thập hồ sơ, lấy các mẫu phân tích để đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường tại đây. Đây sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để các cơ quan chức năng xử lý mạnh tay các hành vi vi phạm về môi trường, tạo sự răn đe đối với các chủ cơ sở cố tình xả thải, xả thải nhiều lần ra ngoài môi trường.
Ngay trong năm 2023, có 50 vụ việc với 55 đối tượng vi phạm đổ chất thải rắn thông thường trái quy định; chuyển giao chất thải rắn thông thường cho đơn vị không có chức năng, năng lực xử lý; tiếp nhận chất thải rắn thông thường nhưng không có biện pháp xử lý hoặc không chuyển giao cho đơn vị có chức năng xử lý, xử phạt 738 triệu đồng. Từ đầu năm đến nay có 10 vụ việc bị phát hiện, xử phạt hơn 21 triệu đồng.
Xã Văn Môn thành lập Tổ tự quản bảo vệ môi trường; lắp đặt camera giám sát tình trạng đổ, đốt chất thải không đúng nơi quy định; rà soát lập danh sách 154 cơ sở sản xuất, hộ gia đình cô đúc nhôm trong khu dân cư không thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Đồng thời, tăng cường tuyên truyền chính sách, quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường đến tất cả các hộ sản xuất; vận động các tổ chức, cá nhân trong làng nghề và trong CCN làng nghề Mẫn Xá nâng cao ý thức, trách nhiệm về bảo vệ môi trường; nâng cao trách nhiệm, hiệu quả của lực lượng tuần tra, kiểm tra, xử lý đối với các hành vi vi phạm về khí thải, chất thải, vận chuyển xỉ thải và rác thải công nghiệp; vận động các hộ dân di dời sản xuất trong khu dân cư vào CCN làng nghề… song kết quả chưa thực sự khả quan, ô nhiễm vẫn “chồng” ô nhiễm.
CCN làng nghề Mẫn Xá được xem là giải pháp tối ưu cho bài toán xử lý ô nhiễm môi trường tại đây. Với tổng diện tích hơn 29 ha, khoảng 666 lô đất được thành lập để hu hút, di dời các hộ sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ vào khu sản xuất tập trung, giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong các làng nghề; chủ đầu tư là Công ty cổ phần Tập đoàn Hanaka. Thế nhưng đến nay vẫn còn khoảng 10% diện tích đất chưa thu hồi; 229 lô đất chưa cho thuê. Các công trình xây dựng trong CCN đều tự phát, không có hồ sơ thiết kế và giấp phép xây dựng do cơ quan có thẩm quyền cấp; tỉ lệ di dời các cơ sở sản xuất, hộ gia đình cô đúc nhôm trong làng nghề ra CCN đạt thấp.
Nguyên nhân do giá thuê mặt bằng trong CCN cao so với mặt bằng chung của huyện, giá thuê trung bình là 8-9 triệu đồng/m2, có lô đến 10 triệu đồng/m2; hạ tầng kỹ thuật; các yếu tố bảo vệ môi trường chưa hoàn thiện… Vì vậy vẫn còn nhiều vấn đề phát sinh trong CCN làng nghề, chưa mang tính ổn định, bền vững.
Trước những tồn tại trên, thực hiện nghiêm quan điểm chỉ đạo của UBND tỉnh Bắc Ninh, kiên quyết không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế, UBND huyện Yên Phong chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và UBND xã Văn Môn phải xác định rõ tuyên truyền chính sách, quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, vận động di dời các hộ dân sản xuất trong khu dân cư ra CCN là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục.
Kiên quyết tổ chức cưỡng chế các hộ dân còn vướng trong giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án xử lý chất thải rắn làng nghề xã Văn Môn 3,8 ha; dự án CCN làng nghề Mẫn Xá xong trong tháng 11 năm nay. Phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành trong kiến nghị Chính phủ có cơ chế đặc thù (chỉ định thầu) một đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển xử lý chất thải rắn tồn đọng tại làng nghề Mẫn Xá (khoảng gần 400.000 tấn chất thải tồn đọng ngoài môi trường); có chính sách hỗ trợ kinh phí cho các cơ sở sản xuất cô đúc nhôm di dời ra CCN…
Huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh cũng chỉ đạo gắt gao chủ đầu tư CCN làng nghề Mẫn Xá phải nhanh chóng hoàn thiện cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, nhất là các công trình bảo vệ môi trường theo quy định; xem xét, hỗ trợ giá thuê mặt bằng cho các hộ gia đình, các tổ chức sản xuất kinh doanh cô đúc nhôm khi di dời ra CCN. Đề nghị tăng cường lực lượng Công an trong tuần tra, ngăn chặn, bắt giữ xử lý nghiêm đối với các phương tiện vận chuyển chất thải trái quy định ra vào xã...
Mục tiêu đặt ra là thực hiện nghiêm lộ trình của Đề án tổng thể xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề xã Văn Môn, giai đoạn 2022-2026, trong đó, lưu ý đặc biệt đến chuyển đổi ngành nghề hoặc di dời 100% cơ sở sản xuất vào CCN làng nghề đến hết năm 2026, có báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường hoặc đăng ký môi trường theo quy định…, nhằm giải quyết cơ bản bài toán ô nhiễm môi trường nhức nhối nhiều năm tại đây.