Chuyên mục


Bắc Ninh kiên quyết đóng cửa "Thủ phủ giấy" bức tử môi trường

06/09/2024 12:13 (GMT +7)

Chủ tịch UBND thành phố Bắc Ninh Nguyễn Mạnh Hiếu cho biết: "Chủ trương của tỉnh Bắc Ninh không bố trí mặt bằng cho các cơ sở sản xuất tái chế trên địa bàn tỉnh, nên các cơ sở sản xuất không thể đầu tư tại các khu, cụm công nghiệp trong tỉnh".

Ngày 5/9, UBND phố Bắc Ninh tổ chức Hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp sản xuất giấy tại phường Phong Khê.

Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Hiếu thông tin cho biết, về thực trạng sản xuất giấy tại phường Phong Khê: Đến nay trên địa bàn phuờng có 341 cơ sở sản xuất giấy, trong đó có 228 cơ sở, doanh nghiệp nằm trong khu dân cư, sản xuất trên đất vi phạm; giải quyết việc làm cho khoảng hơn 4.000 lao động trong và ngoài tỉnh, phần lớn không được ký hợp đồng lao động, không đóng bảo hiểm theo quy định. 

Chủ tịch UBND thành phố Bắc Ninh Nguyễn Mạnh Hiếu nhấn mạnh việc kiên quyết đóng cửa 'Thủ phủ' giấy Phong Khê bức tử môi trường.

Chủ tịch UBND thành phố Bắc Ninh Nguyễn Mạnh Hiếu nhấn mạnh việc kiên quyết đóng cửa "Thủ phủ" giấy Phong Khê bức tử môi trường.

"Đa số các cơ sở sản xuất giấy sử dụng máy móc, công nghệ lạc hậu, thải loại của một số nhà máy trong và ngoài nước (chủ yếu sử dụng công nghệ của Trung Quốc), năng suất sản xuất thấp, gây ô nhiễm môi trường nước, đất, không khí, tiếng ồn nghiêm trọng"- ông Hiếu nhấn mạnh.

Từ tháng 11/2021, thực hiện sự chỉ đạo gắt gao của tỉnh Bắc Ninh, UBND thành phố Bắc Ninh đã có nhiều cuộc kiểm tra, kiểm soát, xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm. Đồng thời tổ chức nhiều cuộc họp bàn về lộ trình di dời các hộ dân sản xuất giấy tại phường Phong Khê, bảo đảm các yếu tố môi trường bền vững.

Ngay sau hội nghị giải quyết ô nhiễm môi trường sản xuất giấy Phong Khê đầu tháng 7 vừa qua, UBND thành phố đã lập Đoàn kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra 70/228 cơ sở sản xuất trong khu dân cư, có 7 cơ sở sản xuất không hợp tác. Quá trình kiểm tra cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp sản xuất giấy và 53 cơ sở sản xuất hơi thương phẩm đang vi phạm về bảo vệ môi trường, phòng cháy, chữa cháy, an toàn điện, an toàn lao động, vi phạm về nộp thuế và xây dựng các công trình trái phép.

Nước thải từ cơ sở sản xuất ở làng giấy Phong Khê.

Nước thải từ cơ sở sản xuất ở làng giấy Phong Khê.

Cột khói đen kịt tại làng giấy Phong Khê xả thẳng lên trời.

Cột khói đen kịt tại làng giấy Phong Khê xả thẳng lên trời.

Quan điểm của thành phố kiên quyết di dời các hộ sản xuất theo đúng lộ trình của Đề án đã được UBND tỉnh Bắc Ninh phê duyệt; trình UBND tỉnh hỗ trợ không quá 200 triệu đồng/1 hộ di dời, trình HĐND tỉnh thông qua; giới thiệu địa điểm tại các khu, cụm công nghiệp của tỉnh Bắc Kạn, Lào Cai sẽ đón nhận các cơ sở, doanh nghiệp có nhu cầu tiếp tục sản xuất. Đồng thời làm việc với Ban quản lý các KCN Bắc Ninh giới thiệu việc làm cho gần 4.000 lao động đến các doanh nghiệp trong các KCN hoặc trên địa bàn thành phố làm việc, với mức lương cam kết bằng hoặc hơn mức lương cũ làm việc tại các cơ sở sản xuất giấy.

"Hiện còn 132 đơn vị đang hoạt động. Đoàn kiểm tra liên ngành đặt mục tiêu, tháng 9 kiểm tra 50 đơn vị, tháng 10 kiểm tra 50 đơn vị và đến tháng 11 kiểm tra toàn bộ các đơn vị sản xuất giấy; sẽ lập tức đóng cửa sản xuất đối với tất cả các cơ sở vi phạm, không phải chờ đến 31-12-2024 mới thực thi. Song song với đó sẽ tiến hành kiểm tra các cơ sở trong cụm công nghiệp I, II, sai đâu, đóng cửa đó, không chờ đến lộ trình năm 2029 mới đóng cửa các doanh nghiệp trong cụm công nghiệp"- Chủ tịch UBND thành phố Bắc Ninh khẳng định.

Bên cạnh đó, chủ trương của tỉnh Bắc Ninh không bố trí mặt bằng cho các cơ sở sản xuất tái chế trên địa bàn tỉnh, nên các cơ sở sản xuất không thể đầu tư tại các khu, cụm công nghiệp trong tỉnh Bắc Ninh.

Toàn cảnh phường Phong Khê, TP Bắc Ninh lúc nào cũng trong trạng thái mờ mờ, ảo ảo.

Toàn cảnh phường Phong Khê, TP Bắc Ninh lúc nào cũng trong trạng thái mờ mờ, ảo ảo.

Theo ông Hiếu, các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất giấy ở phường Phong Khê đang gây ô nhiễm về khí thải, rác thải và về khói bụi. "Hơn 400 doanh nghiệp này đang vi phạm vào 7 luật: Luật Bảo vệ môi trường, Luật Xây dựng, Luật Phòng cháy, chữa cháy, Luật Điện lực về an toàn điện, Luật An toàn vệ sinh lao động, Luật Quản lý Thuế" - ông Hiếu nhấn mạnh. 

Đơn cử việc đóng thuế của các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất giấy, ông Hiếu cho biết, 341 cơ sở, sản xuất giấy ở Phong Khê một năm đóng góp cho ngân sách nhà nước khoảng 18 tỷ đồng/năm. Tính ra mỗi cơ sở, doanh nghiệp đóng góp một năm vào khoảng 52,1 triệu đồng, tức là 4,3 triệu đồng/tháng - bằng mức đóng thuế của một cơ sở kinh doanh rất bình thường trên địa bàn.

"Vi phạm 7 luật nhưng đóng góp như thế vậy thì tôi đặt ra một câu hỏi ở đây, việc nộp thuế của các doanh nghiệp như vậy đã đảm bảo sự công bằng đối với các hoạt động phù hợp chưa" - ông Hiếu đặt vấn đề và cho biết còn nhiều vấn đề vi phạm khác như việc lấn chiếm đất công để đổ hàng trăm tấn rác thải, đến nay chưa xử lý được.

Đại diện cơ sở sản xuất giấy kiến nghị.

Đại diện cơ sở sản xuất giấy kiến nghị.

Đại diện các cơ sở sản xuất giấy phường Phong Khê cơ bản thống nhất với chủ trương di dời của thành phố. Đề nghị UBND thành phố Bắc Ninh tích cực tuyên truyền, giải thích để nhân dân đồng thuận; kiến nghị về Nhà máy xử lý nước thải chưa bảo đảm công suất và mới chỉ tiếp nhận nước đã xử lý sơ bộ; sẵn sàng di dời mặt bằng do tỉnh, thành phố sắp xếp tại địa bàn trong tỉnh như CCN Tam Đa, Dũng Liệt (Yên Phong); đề xuất phương án quy hoạch CCN, ưu tiên sản xuất trong tỉnh Bắc Ninh.

Toàn cảnh cuộc đối thoại.

Toàn cảnh cuộc đối thoại.

Chủ tịch UBND thành phố Bắc Ninh khẳng định, chậm nhất đến năm 2029, 100% các cơ sở sản xuất giấy tại Phong Khê phải di dời, nhưng trong quá trình hoạt động, nếu sai phạm đến đâu sẽ xử lý, dừng sản xuất đến đó. Với phương châm kiểm tra công khai, công bằng, xử lý dứt điểm sai phạm và buộc di dời các cơ sở sản xuất, phấn đấu xây dựng một Phong Khê phát triển xanh, sạch, đẹp, hài hòa, bền vững.

Theo lộ trình, thành phố Bắc Ninh sẽ dừng hoạt động sản xuất toàn bộ các cơ sở sản xuất giấy trong khu dân cư trước ngày 31/12/2024. Mục tiêu đến hết năm 2029, thành phố quản lý chặt chẽ các cơ sở sản xuất trong các cụm công nghiệp Phong Khê I, Phong Khê II gắn với các điều kiện về bảo vệ môi trường, đất đai; thường xuyên thanh tra, kiểm tra xử lý các cơ sở vi phạm các quy định về môi trường, đất đai, an toàn điện, phòng cháy chữa cháy... Đồng thời, dừng hoạt động của các cơ sở sản xuất trong cụm công nghiệp trước ngày 31/12/2029, chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại cụm công nghiệp để phát triển đô thị, nhà ở, thương mại-dịch vụ.

Thanh Tuyền
Hoà Bình: Cấm xe khách trên tỉnh lộ 445 do sạt lở
Sở Giao thông Vận tải tỉnh Hoà Bình ban hành Thông báo cấm toàn bộ các phương tiện vận tải hành khách lưu thông qua khu vực tuyến Km3+500 đường tỉnh 445.

Trên dưới đồng lòng, người dân san sẻ nỗi lo cùng lãnh đạo trong mùa mưa lũ
Tuy vất vả nhưng với tinh thần san sẻ những trăn trở, lo lắng của lãnh đạo huyện Quốc Oai (Hà Nội), nhiều hoạt động ý nghĩa cũng đã được các ban ngành, tổ chức, cá nhân triển khai trong mùa lũ.

Cập nhật thông tin thiệt hại mưa lũ sau bão số 3
Theo Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai, đến 11 giờ ngày 11/9 có 292 người chết, mất tích (152 người chết, 140 người mất tích) do bão số 3 và hoàn lưu sau bão.

Cảnh báo lũ trên các sông của Hải Phòng
Trưa nay (11/9), Đài Khí tượng Thủy văn Thành phố Hải Phòng phát đi thông tin cảnh báo nguy cơ lũ trên các sông và ngập lụt tại một số địa phương của Hải Phòng, yêu cầu các đơn vị, người dân chú ý theo dõi và có biện pháp phòng tránh, bảo vệ tài sản.

Hà Nội: Quận Tây Hồ sẵn sàng di dời hàng nghìn hộ dân
UBND quận Tây Hồ (Hà Nội) vừa chỉ đạo các phường Yên Phụ, Tứ Liên, Phú Thượng và lực lượng quân sự, công an phường tổ chức vận động, hỗ trợ nhân dân di dời ra khỏi các khu vực nguy hiểm.

Nhiều hộ dân ở Bắc Ninh có nguy cơ ngập lụt do nước sông Cầu dâng cao
Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Bắc Ninh thông báo mức nước lũ trên sông Cầu đang có chiều hướng dâng lên rất cao khiến nhiều hộ gia đình sinh sống quanh khu vực có nguy cơ bị ngập lụt.

Ngừng chạy tàu qua cầu Long Biên
Do ảnh hưởng của cơn bão số 3 (siêu bão Yagi), mực nước sông Hồng lên cao và chảy xiết, để đảm bảo an toàn cho hành khách sáng 10/9, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) thông báo sẽ không chạy tàu qua cầu Long Biên.