Bắc Ninh kiên quyết đóng cửa 228 cơ sở "bức tử" môi trường
Tỉnh Bắc Ninh quyết tâm áp dụng biện pháp mạnh nhất là đóng cửa hoạt động, không châm chước và không thỏa hiệp với các cơ sở vi phạm về môi trường ở làng nghề sản xuất giấy Phong Khê.
Tình trạng ô nhiễm môi trường tại làng nghề giấy Phong Khê, thành phố Bắc Ninh đang là vấn đề nhức nhối trong nhiều năm qua. Mặc dù tỉnh Bắc Ninh đã chỉ đạo nhiều giải pháp với tinh thần quyết liệt, song kết quả thực hiện vẫn chưa được như kỳ vọng.
Với mong muốn mang lại môi trường sống xanh, sạch, đẹp cho người dân, tỉnh Bắc Ninh quyết tâm áp dụng biện pháp mạnh nhất là đóng cửa hoạt động, không châm chước và không thỏa hiệp với các cơ sở vi phạm.
Đã nhiều tháng nay, cơ sở sản xuất giấy của cô Nguyễn Thị Thu, khu Dương Ổ, phường Phong Khê, (thành phố Bắc Ninh) tự nguyện dừng sản xuất do không đáp ứng các tiêu chí về môi trường. Máy móc dừng hoạt động, chỉ còn ít công nhân thu dọn, phân loại phế liệu từ giấy để bán cho các cơ sở tái chế giấy khác.
Cô Nguyễn Thị Thu cho biết, cơ sở sản xuất giấy của gia đình cô đi vào hoạt động được khoảng hơn 20 năm. Ban đầu chỉ là sản xuất nhỏ lẻ, máy móc, công nghệ đã cũ. Quá trình sản xuất, kinh doanh, gia đình cô mở rộng sản xuất, mua sắm thêm trang thiết bị, dựng nhà xưởng trên mảnh đất ở của gia đình với số vốn lên đến hàng tỷ đồng.
"Thời gian qua, gia đình tôi cũng nhận thức được vấn đề ô nhiễm môi trường về nước thải, không khí. Bởi vậy, khi được các cơ quan chức năng hướng dẫn về xử lý môi trường, chúng tôi cũng chủ động các biện pháp xử lý nước thải ban đầu để đủ điều kiện vừa sản xuất, vừa bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, do công nghệ lạc hậu nên vấn đề ô nhiễm môi trường vẫn thường xuyên diễn ra, đặc biệt cơ sở của tôi hoạt động trong khu dân cư nên ô nhiễm khói bụi, tiếng ồn, nhất là nước thải chưa có phương pháp xử lý triệt để"- cô Thu nói.
Cô Nguyễn Thị Thu ủng hộ chủ trương của tỉnh Bắc Ninh, chính quyền thành phố Bắc Ninh về dừng hoạt động sản xuất của các cơ sở sản xuất giấy, tuy nhiên cô mong muốn các cơ quan chức năng tạo điều kiện để cơ sở tiếp tục sản xuất đến hết năm 2024, để giúp người dân có thêm thu nhập. Đồng thời mong muốn các cơ quan chức năng sớm tìm, giới thiệu địa điểm mới có hạ tầng bảo đảm, năng lực xử lý môi trường tốt để gia đình có thể sớm di chuyển máy móc, nhà xưởng tiếp tục sản xuất, kinh doanh.
“Mặc dù cơ sở gia đình tôi quy mô nhỏ nhưng quá trình sản xuất, kinh doanh cũng tạo việc làm ổn định cho 20 hộ với hàng chục nhân khẩu từ làm công nhân, buôn bán, chở nguyên vật liệu cho gia đình. Bởi vậy, đến nay, việc ngừng sản xuất của gia đình tôi và những hộ liên quan đã khiến chúng tôi rơi vào tình cảnh thất nghiệp, cuộc sống rất khó khăn”- cô Nguyễn Thị Thu chia sẻ.
Tâm sự của cô Thu cũng là tiếng nói chung cho nhiều cơ sở sản xuất giấy Phong Khê. Chị Ngô Thị Lịch, khu Đào Xá, phường Phong Khê (thành phố Bắc Ninh) bày tỏ, hơn 1 tháng nay, cơ sở sản xuất giấy của gia đình chị đã dừng sản xuất theo yêu cầu của đoàn kiểm tra liên ngành do không đáp ứng các quy định về môi trường, an toàn điện, phòng cháy chữa cháy.
Máy móc dừng hoạt động, công nhân cũng đã nghỉ làm. Gia đình chị Lịch cũng như hàng chục cơ sở sản xuất khác buộc phải dừng sản xuất, chấp thuận chủ trương di dời. Tuy nhiên, chị cũng mong muốn các cơ quan chức năng sớm giới thiệu địa điểm sản xuất mới và có hình thức hỗ trợ phù hợp để người dân di chuyển máy móc, nhà xưởng.
Thực hiện kế hoạch của UBND thành phố Bắc Ninh, đến nay, Đoàn kiểm tra liên ngành thành phố Bắc Ninh đã tiến hành kiểm tra 67/197 cơ sở, doanh nghiệp sản xuất giấy tại phường Phong Khê. Đã tiến hành đình chỉ 6 cơ sở; Có 39 cơ sở xin tự dừng hoạt động; 11 cơ sở đã dừng hoạt động; 5 cơ sở không ký biên bản, chưa cung cấp đầy đủ thông tin cho đoàn kiểm tra...
Khó khăn hiện nay là một số cơ sở sản xuất giấy chống đối không hợp tác, không ký biên bản tự dừng hoạt động; Quy trình dừng cung cấp điện còn bất cập; Việc chấp hành quyết định về xử phạt vi phạm hành chính còn khó khăn.
Trao đổi, bàn giải pháp đẩy nhanh tiến độ xử lý ô nhiễm môi trường trên địa bàn phường Phong Khê, đảm bảo đúng quy định của pháp luật và đạt hiệu quả. Theo đó, các ngành chức năng của tỉnh khẳng định: Thành phố có đầy đủ cơ sở pháp luật để thực hiện kiểm tra, dừng hoạt động các cơ sở vi phạm; Bám sát quy định của pháp luật về Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đất đai, Phòng cháy chữa cháy; Luật Lao động; Quy hoạch phát triển Cụm công nghiệp của tỉnh.
Lãnh đạo UBND thành phố Bắc Ninh khẳng định quan điểm sẽ kiên quyết xử lý, không khoan nhượng, dừng hoạt động, đóng cửa các cơ sở sản xuất giấy vi phạm, gây ô nhiễm môi trường ở trong khu dân cư tại phường Phong Khê; Kế hoạch chậm nhất đến 31/12/2024.
Để đạt hiệu quả, tiến độ thực hiện, thành phố Bắc Ninh đã kiện toàn thành phần Đoàn kiểm tra liên ngành, bổ sung thêm lực lượng các ngành chuyên môn của tỉnh; Tiến hành kiểm tra cơ sở sản xuất giấy ngoài KCN, đồng thời với việc kiểm tra các cơ sở sản xuất lò hơi. Kế hoạch đến hết 30/9/2024, thành phố sẽ kiểm tra thêm 30 cơ sở, đến 30/10/2024, kiểm tra thêm 50 cơ sở; Đến 30/11/2024, kiểm tra xong toàn bộ các cơ sở sản xuất giấy ngoài KCN trên địa bàn.
Tại phiên họp thường kỳ tháng 9/2024, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn nhấn mạnh, cần tiếp tục tăng cường xử lý ô nhiễm môi trường, bám sát tiến độ cụ thể, gắn trách nhiệm với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền tại Phong Khê, Phú Lâm, Văn Môn và các địa phương có làng nghề gây ô nhiễm môi trường. Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục rà soát các điểm “nóng” gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh để đề xuất giải pháp xử lý.
“Nhằm tổng hợp báo cáo đánh giá kết quả 04 năm thực hiện Đề án tổng thể bảo vệ môi trường, giai đoạn 2019 - 2025; đánh giá kết quả 01 năm triển khai thực hiện các Kết luận 739, 740 của Tỉnh ủy, trong đó xác định rõ trách nhiệm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, đồng thời xây dựng kế hoạch và lộ trình cụ thể, đưa ra giải pháp để tổ chức triển khai thực hiện đảm bảo theo tiến độ đề ra”- Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh nêu rõ.