Bắc Giang phát triển kết cấu hạ tầng giao thông
Bắc Giang sẽ cải tạo, nâng cấp, đưa vào cấp đường tỉnh với mục tiêu ở vùng đồng bằng đạt tiêu chuẩn đường cấp III trở lên, đoạn qua các thị trấn, thành phố đạt tiêu chuẩn đường đô thị với tối thiểu 4 làn xe.
UBND tỉnh Bắc Giang phấn đấu đến năm 2030, tổng chiều dài cao tốc, quốc lộ và đường vành đai trên địa bàn tỉnh đạt trên 388 km. Số km được nâng cấp từ cấp IV, cấp V lên cấp III (2 đến 4 làn xe) khoảng 352 km (Quốc lộ 31, 37, 279, 17). Số km được mở mới cao tốc và đường vành đai với 4 làn xe khoảng 58 km (đường vành đai V và cao tốc Hà Nội - Bắc Ninh - Hạ Long).
Tổng chiều dài đường tỉnh theo quy hoạch khoảng trên 1.125 km. Số km được nâng cấp, mở mới có 4 làn xe và đô thị khoảng 268 km. Số km được nâng cấp, mở mới từ cấp IV, cấp V lên cấp III khoảng 848 km.
Đối với đường cao tốc, tỉnh duy trì khai thác đường cao tốc Hà Nội- Lạng Sơn, đoạn qua Bắc Giang quy mô 4 làn xe, đường gom tối thiểu cấp III. Địa phương sẽ huy động nguồn lực đầu tư xây dựng mới, mở rộng cầu Xương Giang và cầu Như Nguyệt; xây dựng, tổ chức các nút giao hợp lý kết nối giao thông trên địa bàn.
Thời gian tới, tỉnh Bắc Giang tiếp tục đầu tư nâng cấp những tuyến, đoạn tuyến quốc lộ, đường vành đai quan trọng đạt tiêu chuẩn tối thiểu đường cấp III (Quốc lộ 31, 37, 17); các đoạn qua đô thị mở rộng 4 làn xe; hoàn thành đường 398 (vành đai IV) quy mô 4 làn xe có chức năng vành đai Bắc sông Cầu.
Bắc Giang sẽ cải tạo, nâng cấp, đưa vào cấp đường tỉnh với mục tiêu ở vùng đồng bằng đạt tiêu chuẩn đường cấp III trở lên; đoạn qua các thị trấn, thành phố đạt tiêu chuẩn đường đô thị với tối thiểu 4 làn xe. Tỉnh sẽ đầu tư xây dựng mới một số cầu kết nối giữa các huyện qua sông Thương, sông Lục Nam, kết nối với các tỉnh: Thái Nguyên, Hải Dương và Bắc Ninh; mở một số tuyến, đoạn tuyến đường tỉnh mới ở những khu vực cần thiết phục vụ phát triển kinh tế xã hội, kết nối với các tỉnh Lạng Sơn, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Hà Nội, Hải Dương và Quảng Ninh (kết nối với Hạ Long và Vân Đồn).
Ngoài ra, tỉnh Bắc Giang tập trung xây dựng hệ thống giao thông đô thị thành phố Bắc Giang đồng bộ, hiện đại, một số tiêu chí đạt tiêu chí đô thị loại I. Tỉnh tập trung đầu tư phát triển hệ thống giao thông các đô thị thị phát triển trong tương lai gồm thị xã Việt Yên, Hiệp Hòa, Yên Dũng; các thị trấn là trung tâm điều phối phát triển các vùng gồm Chũ, Đồi Ngô, Vôi, Cao Thượng, An Châu, Phồn Xương. Tỉnh huy động các nguồn lực cho phát triển giao thông nông thôn, đảm bảo 100% đường huyện, tối thiểu 85-100% đường xã và 80-95% đường thôn, xóm được nhựa hóa hoặc bê tông xi măng hóa…
Bắc Giang là một tỉnh miền núi có địa hình phức tạp bao gồm cả đồng bằng, trung du miền núi. Hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh có ba loại hình: Đường bộ, đường sắt và đường sông; trong đó, đường bộ gồm có đường quốc lộ, đường tỉnh lộ, đường huyện và giao thông nông thôn, với tổng chiều dài trên 15.054 km (đường huyện và giao thông nông thôn dài 13.979 km); đường thủy nội địa có ba tuyến sông chính là Sông Cầu, Sông Thương, Sông Lục Nam với chiều dài 354 km; đường sắt có 3 tuyến đường sắt quốc gia chạy qua với tổng chiều dài 95 km.
Thời gian qua, tỉnh đã huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn. Trong đó, tỉnh đang triển khai đầu tư cầu Đồng Việt với tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng kết nối với tỉnh Hải Dương; mở rộng cầu Như Nguyệt trên cao tốc Hà Nội – Bắc Giang với tổng mức đầu tư gần 500 tỷ đồng. Ngoài ra, tuyến cao tốc Hà Nội – Bắc Giang – Lạng Sơn đã hoàn thành đưa vào khai thác.
Bắc Giang đã hoàn thành cải tạo nâng cấp Đường tỉnh 293 và các tuyến nhánh vào Chùa Vĩnh Nghiêm, Tây Yên Tử; dự án đường nối Đường tỉnh 398 đi Quốc lộ 17 kết nối với tỉnh Bắc Ninh, đường vành đai IV; cải tạo nâng cấp các đường tỉnh 295, 295B, 298 kéo dài, 297...; xây mới các cầu Đông Xuyên, Yên Dũng, Lãn Chè, Đồng Sơn…