4.400 tỷ đồng hàng hoá kẹt ở cửa Hải quan
Lũy kế đến ngày 15/9, Cơ quan Hải quan cũng khởi tố 35 vụ, chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 99 vụ.
Theo Tổng cục Hải quan, trong 9 tháng năm 2022, tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới diễn ra với phương thức, thủ đoạn tinh vi khó lường với nhiều phương thức, thủ đoạn mới, nhằm qua mắt, trốn tránh sự kiểm soát của các cơ quan chức năng.
Trong quý III/2022, toàn ngành hải quan chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ 4.709 vụ việc vi phạm, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính khoảng 662 tỷ đồng; số thu ngân sách đạt 45 tỷ đồng, chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 44 vụ.
Lũy kế đến ngày 15/9, toàn ngành hải quan chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ 12.243 vụ việc vi phạm, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 4.434 tỷ đồng; số thu ngân sách nhà nước đạt 253,969 tỷ đồng. Cơ quan hải quan cũng khởi tố 35 vụ, chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 99 vụ.
Mặt khác, trong tháng 9, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam sụt giảm gần 11% so với tháng trước, tương ứng giảm 7,24 tỷ USD, ước đạt 58,73 tỷ USD. Trong đó, tổng trị giá xuất khẩu ước đạt 29,93 tỷ USD, giảm 14,3% (tương ứng giảm 4,98 tỷ USD) và tổng trị giá nhập khẩu ước đạt 28,8 tỷ USD, giảm 7,3% (tương ứng giảm 2,26 tỷ USD).
Tuy nhiên, lũy kế trong 9 tháng, tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước vẫn duy trì đà tăng 15,1%, tương ứng tăng 73,32 tỷ USD về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2021, ước tính đạt 558,52 tỷ USD. Trong đó, tổng trị giá xuất khẩu ước đạt 282,52 tỷ USD, tăng 17,3% (tương ứng tăng 41,64 tỷ USD) và tổng trị giá nhập khẩu ước đạt 276 tỷ USD, tăng 13% (tương ứng tăng 31,68 tỷ USD). Như vậy trong tháng 9, cả nước ước xuất siêu 1,14 tỷ USD. Tính chung từ đầu năm đến hết tháng 9 năm 2022, cả nước ước tính xuất siêu 6,52 tỷ USD.
Nhờ hoạt động xuất nhập khẩu tăng trưởng tích cực, số thu ngân sách nhà nước từ hoạt động xuất nhập khẩu lũy kế 9 tháng đạt 328.832 tỷ đồng, hoàn thành 93,4% dự toán được giao, đạt 88,9% chỉ tiêu phấn đấu và tăng 14,7% so với cùng kỳ 2021.
Theo dự báo, tình hình kinh tế thế giới vẫn còn tiềm ẩn nhiều thách thức, khó khăn trong những tháng cuối năm 2022 do diễn biến phức tạp của cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine tác động xấu đến thị trường năng lượng, tài chính, đẩy giá nguyên liệu đầu vào và lạm phát ở nhiều nước trên thế giới tăng cao. Điều đó ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế của Việt Nam cũng như hoạt động xuất nhập khẩu, trong khi đó các tháng cuối năm, cơ quan Hải quan vẫn tiếp tục thực hiện các giải pháp miễn, giảm thuế.
Năm 2022, Tổng cục Hải quan được giao chỉ tiêu dự toán thu ngân sách là 352.000 tỷ đồng. Theo Tổng cục Hải quan, trong 3 tháng còn lại của năm 2022, toàn ngành tiếp tục triển khai Chỉ thị số 439/CT-TCHQ về việc thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp tạo thuận lợi thương mại, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, chống thất thu trong triển khai nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2022.
Tổng cục Hải quan cũng yêu cầu các đơn vị theo dõi, đánh giá thu ngân sách năm 2022, xây dựng phương án thu ngân sách năm 2023, giai đoạn 2023 - 2025.
Một số doanh nghiệp bị cơ quan hải quan ấn định lại số thuế phải nộp và chịu phạt tiền vì các sai phạm liên quan. Cụ thể, ngày 27/8 vừa qua, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn (CSG) khu vực 1 ban hành quyết định số 163/QĐ-XPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần Novatech - mã số thuế: 0301049746 có địa chỉ: 93/1034G Lê Đức Thọ, Phường 6, Quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh.
Công ty Novatech bị phạt tiền gần 110 triệu đồng về hành vi “nhập khẩu hàng khai báo sai mã số hàng hóa dẫn đến thiếu số thuế phải nộp mà cơ quan hải quan phát hiện trong khi kiểm tra, thanh tra đối với hàng hóa đã thông quan”, gồm 4 tờ khai: 103790105752, 103821896621, 103954974211, 103166623232. Theo khai báo tên hàng là “thuốc thú y...”; mã số hàng hóa 30042039; mã số hàng hóa điều chỉnh 30041016 với trị giá hàng vi phạm gần 485 triệu đồng.
Hay Cục Hải quan tỉnh Long An ban hành Quyết định số 431/QĐ-XPHC ngày 19/08/2022, phạt 20% số tiền thuế ấn định là 46 triệu đồng, ấn định thuế số tiền gần 232 triệu đồng với Công ty TNHH Thực nghiệp Dệt KANG NA Việt Nam (mã số thuế: 1 1201450988), có hành vi quản lý lượng nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu loại hình doanh nghiệp chế xuất bị chênh lệch âm (ít hơn) giữa tồn thực tế với tồn theo hồ sơ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại cùng thời điểm.