Xe công nghệ tắt App, cơ hội của taxi truyền thống?
Do giá xăng tăng quá cao, tài xế chạy không đủ bù chi nên có nhiều người tắt app tại từng thời điểm hoặc họ chỉ đứng yên, không di chuyển, cũng không nhận cuốc đến việc khách hàng rất khó đặt xe công nghệ tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng...
Do giá xăng tăng quá cao giai đoạn qua, tài xế chạy không đủ bù chi nên có nhiều người tắt app tại từng thời điểm. Điều này có thể thấy rõ khi thử khảo sát đặt cuốc xe trên ứng dụng, hành khách sẽ thấy có nhiều tài xế cùng tụ tập tại một khu vực nhưng họ chỉ đứng yên, không di chuyển, cũng không nhận cuốc. Tài xế lúc này không chạy vòng đón khách như trước. Khi đó, người dùng sẽ khó đặt xe và giá cũng sẽ tăng do số lượng phương tiện thực tế ít hơn nhiều so với nhu cầu.
“Làm vận tải giờ cực lắm. Xe công nghệ không tăng được giá cước trong khi đó tài xế phải nộp cho hãng từ 27-32% doanh thu thì họ buộc phải tắt app. Vì chạy với giá cũ thì chắc chắn lỗ nặng, giờ xăng tăng gần gấp đôi so với trước dich, nên nhiều tài xe bắt buộc phải thu thêm chênh lệch giá xăng, không thì chẳng ai chạy xe nữa”, một tài xế Grab tại Hải Phòng chia sẻ.
Số liệu do Hiệp hội Taxi Hà Nội công bố cho thấy, khoảng 12.000 tài xế taxi đã rời thị trường kể từ khi COVID-19 bùng nổ. Trái ngược với các hãng taxi, các công ty dịch vụ gọi xe như be và Gojek lại cho rằng nhu cầu đi lại vượt cung là những gì thực sự đang diễn ra.
Taxi công nghệ là một ngành mới, do đó, nó ẩn chứa nhiều rủi ro cho cả người sử dụng lao động và người lao động. Tại Đông Nam Á, các hãng như Grab và Gojek vẫn chịu lỗ nặng nên họ đặc biệt phụ thuộc vào số lượng lớn nhân viên để duy trì hoạt động. Trong khi đó, các khoản phụ cấp và chế độ làm việc cho lao động tự do, bao gồm tài xế taxi công nghệ vẫn chưa được hình thành, khiến họ gặp nhiều rủi ro hơn so với những người làm việc trong văn phòng. Nhìn chung, để hoàn thiện và khắc phục từng lỗi trong ngành này là vẫn một chặng đường dài.
Công nghệ phát triển rất nhanh và nhu cầu của người dân cũng ngày càng đa dạng. Vì vậy, cần ủng hộ loại hình nào phục vụ người dân tốt hơn. Ở bên kia "chiến tuyến", đây có lẽ là cơ hội thời cơ cho taxi truyền thống lấy lại vị thế. Các hãng không thể cứ lấy cách gọi “taxi truyền thống” để bảo thủ về cách quản lý, vận hành, kinh doanh,…vốn đã lỗi thời trong thời đại công nghệ như hiện nay.
Việc cần làm ngay lúc này của các hãng taxi truyền thống là phải đổi mới để tiết giảm chi phí quản lý, thời gian chạy rỗng và hạn chế tối đa số km không hữu ích. Doanh nghiệp kinh doanh taxi truyền thống cũng thay đổi bề ngoài để gây thiện cảm giúp xe nhìn sang trọng và hiện đại hơn thay vì chằng chịt màu sơn, quảng cáo. Các hãng taxi truyền thống cũng đẩy mạnh giải về bài toán truyền thông.
Ứng dụng di động của các hãng này ra mắt rất trễ và gần như chưa tiếp cận được tới người tiêu dùng. Một số chức năng vẫn "như cho có". Ví dụ tin nhắn báo số điện thoại tài xế có khi là số ảo, số sai, số đã bị khóa; hay chức năng báo giá trước chỉ mang tính tham khảo, tạo điều kiện cho tài xế hoàn toàn có thể chạy đường vòng để thu thêm tiền cước.
Các hãng taxi mới rất cần phải có những chiến dịch quảng bá rất rầm rộ, những chương trình khuyến mãi liên tục với các hình thức khuyến mãi đa dạng, tiếp cận trực tiếp từng khách hàng và các bạn trẻ đó là những đối tượng sử dụng điện thoại thông tin nhiều nhất trong thời đại công nghệ phát triển. Mô hình kinh doanh dịch vụ phải tiên quyết dựa trên lợi ích của người tiêu dùng.
Nói như ông Vũ Anh Tuấn - Giám đốc Hãng Taxi Hải Phòng 3.83.83.83, điểm mạnh của taxi truyền thống là quản lý tập trung từ lái xe, phương tiện và mọi lái xe phải tuân thủ nội quy, quy chế của công ty và chịu sự giám sát và điều hành của Hệ thống Tổng đài Trung tâm, mọi khách hàng có thể phản ánh chất lượng dịch vụ của hãng xe ngay lập tức không như các hãng Taxi Công nghệ nên việc tài xế tự tăng giá cước là rất khó xảy ra.
Do đó, nếu như các hãng taxi truyền thông nhanh chóng khắc phục điểm tồn đọng, đẩy mạnh và tận dụng thế mạnh thì đây là cơ hội để lấy lại niềm tin của khách hàng. Nhấn mạnh là, trong nền kinh tế công nghệ số, bất kỳ lĩnh vực nào nếu muốn không tụt hậu đều phải cập nhật tiến độ công nghệ 4.0 mới trụ vững.