Xe buýt Hà Nội hút khách trở lại
Trong 5 tháng đầu năm 2023, các tuyến buýt của thành phố đã phục vụ khoảng 188 triệu lượt hành khách, đạt 92,2% so với kế hoạch và tăng hơn 92% so với cùng kỳ.
Theo Sở GTVT Hà Nội, 5 tháng đầu năm 2023, 154 tuyến buýt của Thành phố đã phục vụ khoảng 188 triệu lượt hành khách, đạt 92,2% so với kế hoạch và tăng hơn 92% so với cùng kỳ 2022. Tổng doanh thu toàn mạng buýt ước đạt 232,9 tỷ đồng, đạt 58,5% so với kế hoạch, tăng gần 75% so với cùng kỳ 2022.
Trong đó, riêng tuyến buýt nhanh BRT, tổng lượt xe thực hiện ước đạt 52.588 lượt, hành khách vận chuyển ước đạt 1,88 triệu lượt hành khách.
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách, Sở GTVT đã điều chỉnh lộ trình theo yêu cầu tổ chức giao thông chung của thành phố đối với 1 tuyến buýt (tuyến số 59); điều chỉnh hợp lý hóa lộ trình đối với 9 tuyến buýt (47A, 23, 145, 146, 74, 88, 60A, 142, 143), hợp lý hóa biểu đồ đối với 2 tuyến (159, 162).
Cũng theo báo cáo của Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội, sản lượng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt năm 2022 tăng 67,7% so với năm 2021, trong đó buýt trợ giá tăng 72%. Riêng quý I/2023, tổng sản lượng hành khách vận chuyển tăng 76,1% so với cùng kỳ năm 2022. Theo đánh giá, sản lượng đã có dấu hiệu phục hồi song còn chậm và chưa đạt được như kỳ vọng của thành phố.
Một trong những nguyên nhân xe buýt phục hồi chưa như kỳ vọng trong 4 tháng đầu năm là do hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn, trong đó phải kể đến dịch Covid-19 những tháng đầu năm vẫn diễn biến phức tạp, dẫn tới nhu cầu đi lại của người dân hạn chế.
Được biết, năm nay, ngành giao thông vận tải sẽ thuê tư vấn đánh giá tổng thể hiệu quả mạng lưới các tuyến; tiếp tục rà soát, điều chỉnh hợp lý hóa luồng tuyến, biểu đồ chạy xe nhằm tránh ùn tắc, giảm thời gian chuyến đi của hành khách và tăng tính kết nối giữa xe buýt với đường sắt đô thị.
Ngoài ra, tổ chức thí điểm 1-2 làn đường ưu tiên cho xe buýt, rà soát, đầu tư đồng bộ hệ thống nhà chờ xe buýt. Đồng thời, xây dựng phương án vé liên thông đa phương thức cho hệ thống vận tải hành khách công cộng; cơ cấu lại giá vé xe buýt (vé lượt, vé tháng) phù hợp với cự ly đi lại của hành khách.
Sở GTVT giao Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội khẩn trương rà soát, đánh giá lại hiệu quả từng tuyến (sản lượng, doanh thu, trợ giá), tái cấu trúc để nâng cao hiệu quả; tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ để người dân dễ dàng tiếp cận, sử dụng dịch vụ, có thể đánh giá chất lượng từng phương tiện, chuyến đi.