Chuyên mục


Vietravel phải rã đông tài sản thế chấp

15/08/2022 10:14 (GMT +7)

Tại hội nghị Thủ tướng và doanh nghiệp mới đây, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel (UPCoM: VTR) chia sẻ, mức giảm VAT 2% quá ít, nhất là đối với nhưng doanh nghiệp bị "chết lâm sàng" trong đại dịch covid-19.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch HĐQT Vietravel cho rằng, hiện nay du lịch đã có sự hồi phục rất tốt với thị tường trong nước cũng như thị trường nước ngoài. Doanh nghiệp đã phục hồi được 130% thị phần, đạt doanh thu bằng trước dịch.

“Quy mô hoạt động của Vietravel gồm 40 văn phòng ở trong nước và 6 văn phòng ở nước ngoài phục vụ 1 triệu khách một năm với doanh thu 7.500 tỷ đồng trước dịch thì trong dịch, chúng tôi gần như đứng hoàn toàn. Nhưng đến nay sau 6 tháng mở cửa, chúng tôi đã phục hồi”, ông Kỳ chia sẻ.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel: Mức giảm VAT 2% quá ít, nên quay lại mức giảm 5%. Du lịch có tính lan tỏa, tác động rất lớn, chúng ta nên quan tâm và cho mức giảm cao hơn

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel: Mức giảm VAT 2% quá ít, nên quay lại mức giảm 5%. Du lịch có tính lan tỏa, tác động rất lớn, chúng ta nên quan tâm và cho mức giảm cao hơn

Dù vậy, bên cạnh những thuận lợi, doanh nghiệp cũng có những khó khăn và là khó khăn chung của ngành du lịch. Cụ thể, lãnh đạo Vietravel chỉ ra mục tiêu 5 triệu khách du lịch năm nay khó khả thi do thị trường nguồn chưa mở cửa. Thị trường Đông Bắc Á chiếm trên 50% du khách đến Việt Nam hiện nay là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan… thì chưa sẵn sàng mở cửa. 

"So với Singapore đặt ra 2,34 triệu, Thái Lan đặt ra 5,6 triệu, Malaysia đặt ra 3,4 triệu thì rõ ràng mục tiêu 5 triệu của Việt Nam là rất cao trong bối cảnh thị trường đang rất khó khăn; đặc biệt sau dịch còn những khó khăn về địa chính trị, giá xăng dầu, sự hỗn loạn, đứt gẫy trong chuỗi cung ứng dịch vụ của ngành du lịch".

Tình hình kinh doanh của Vietravel phản ánh đúng sự hồi phục của ngành du lịch Việt Nam

Tình hình kinh doanh của Vietravel phản ánh đúng sự hồi phục của ngành du lịch Việt Nam

Kết quả kinh doanh của Vietravel phản ánh đúng sự hồi phục của ngành du lịch Việt Nam trong Quý II/2022. Được biết, Vietravel có kết quả kinh doanh được cải thiện nhiều trong quý II/2022. Doanh thu công ty đạt gần 1.000 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 48,9 tỷ đồng, cao hơn cả thời điểm trước dịch (quý II/2019 Vietravel đạt mức lợi nhuận sau thuế là 16,3 tỷ đồng).

Ngay khi tình hình dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát, hoạt động kinh tế - xã hội dần đi vào ổn định, theo đó ngành du lịch Việt Nam cũng khôi phục trở lại, nhu cầu du lịch của người dân Việt Nam thật sự bùng nổ sau thời gian dài bị "kìm nén".

Từ 15/3/2022, Chính phủ thực hiện chính sách mở cửa du lịch quốc tế đã góp phần xóa bỏ tâm lý lo ngại của khách du lịch Việt Nam. Theo báo cáo của Tổng cục Du lịch Việt Nam, số lượng khách du lịch nội địa trong 06 tháng đầu năm 2022 đạt 60,8 triệu lượt khách, vượt kế hoạch đã đề ra cho cả năm 2022 (tăng hơn 33% so với cùng kỳ 2019, thời điểm trước khi xảy ra Covid-19).

Đối với trong nước, các doanh nghiệp du lịch, đặc biệt lữ hành hàng không, đã kiệt quệ về lao động, tài chính, phải khôi phục lại toàn bộ. Thị trường du lịch sau dịch là thị trường mới hoàn toàn, an toàn hơn, nhanh và ít trạm hơn. Do đó, phải thay đổi toàn bộ cấu trúc của doanh nghiệp cũng như cấu trúc của cả ngành du lịch.

Ngành du lịch nói chung cũng như Vietravel đưa ra 3 chiến dịch gồm rã đông, phục hồi, phát triển. Sau rã đông là phục hồi. Trong giai đoạn phục hồi này, sức ép về tài chính rất lớn. Vietravel có đặc thù vừa là doanh nghiệp du lịch vừa là doanh nghiệp lữ hành, kinh doanh về vận chuyển hàng không nên sức ép tài chính rất lớn.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2022 với các công ty con, công ty liên kết, Vietravel ghi nhận khoản lỗ hơn 6,9 tỷ đồng, chủ yếu đến từ mảng hàng không. Kể từ tháng 4/2022 thị trường hàng không nội địa bắt đầu hồi phục đáng kể và tăng trưởng mạnh trong những tháng tiếp theo do rơi vào giai đoạn Hè. Thị trường hàng không nội địa tháng 6/2022 đạt 5 triệu lượt khách, tăng 20,9% so với tháng 5/2022 và tăng 38,8% so với tháng 6/2019.

Tuy nhiên, thị trường quốc tế chưa phục hồi, giá nhiên liệu tăng đột biến - mức giá nhiên liệu bình quân tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ (có thời điểm chiếm 65% doanh thu chuyến bay), nên mặc dù hoạt động kinh doanh của Vietravel Airlines có sự hồi phục và phát triển vượt bậc trong quý II/2022, nhưng doanh thu vẫn chưa thể bù đắp cho các khoản chi phí.

Như vậy vừa phải trả nợ cũ đến hạn, vừa phải chuẩn bị vốn đầu tư mới cho tái cấu trúc doanh nghiệp và xây dựng chuỗi cung ứng dịch vụ, vừa phải trả tiền ngay khi đặt dịch vụ để phục vụ khách. Mặc dù có những hỗ trợ của Chính phủ với người lao động nhưng quy mô rất nhỏ, không có tác động lớn đến sự thay đổi để phục hồi ngành du lịch.

Các gói hỗ trợ của Chính phủ không triển khai được đến doanh nghiệp có nhiều nguyên nhân, trong đó nổi bật là mức giảm VAT 2% quá ít, nên quay lại mức giảm là 5%. Du lịch có tính lan tỏa, tác động rất lớn, ông Kỳ cho rằng nên quan tâm và cho mức giảm cao hơn.

Các gói giãn và giảm về tài chính tác dụng quá ngắn, chủ yếu trong giai đoạn dịch, thị trường chưa trở lại nên tác dụng không nhiều. Do vậy, lãnh đạo doanh nghiệp lữ hành đề nghị phải xem lại chính sách này. Gói hỗ trợ 2% đến thời điểm này hầu như các doanh nghiệp, như Vietravel, không tiếp cận được, nhiều rào cản. Các ngân hàng đều yêu cầu muốn vay mới phải trả nợ cũ để bảo đảm an toàn và phải có tài sản thế chấp, nhưng tài sản trong 2 năm dịch đều thế chấp hết rồi. Doanh nghiệp lữ hành chủ yếu nhờ vào nhân lực, tri thức, thương hiệu, các yếu tố này không thế chấp được.

Vận chuyển, đặc biệt vận chuyển hàng không khó khăn, giá nhiên liệu cao, nhiều thời điểm chiếm trên 60% chi phí, cơ cấu giá áp dụng về xăng dầu thường chậm sau 1 tháng, vì vậy các hãng bay, khi giá xăng dầu điều chỉnh, cũng không được hưởng ngay lập tức.

Về chính sách cho du lịch, đội ngũ lao động có kinh nghiệm và trình độ sau đại dịch gần như phải xây dựng lại vì đã chuyển dịch sang ngành nghề khác, nên thiếu hụt lao động có tay nghề.

Tiếp quý III/2022, Vietravel kỳ vọng đạt hơn 1.000 tỷ đồng doanh thu về du lịch, cao hơn kết quả Vietravel đã đạt được trong quý II/2022. Dịp kinh doanh cao điểm Hè của ngành du lịch gần như đã qua, nhưng theo đánh giá của Vietravel, kế hoạch này hoàn toàn có thể thực hiện được do thị trường du lịch quốc tế (khách đi du lịch nước ngoài và khách quốc tế đến Việt Nam) sẽ tăng cao trong thời gian sắp đến.

Đến thời điểm báo cáo, Vietravel đang triển khai nhiều đoàn với số lượng khách lớn từ Việt Nam đến châu Âu, Mỹ, Úc… và các đoàn khách quốc tế (Inbound) từ các đối tác và các Văn phòng của Vietravel tại các nước Pháp, Úc, Mỹ, Thái Lan, Singapore, Campuchia cho mùa Thu Đông cuối năm.

Đối với mảng hàng không, Vietravel Airlines đặt mục tiêu tăng đội tàu bay sau khi đã tổ chức các đợt tuyển dụng tại Hà Nội và TP.HCM để đào tạo đội ngũ nhân sự, chuẩn bị phục vụ trên các chuyến bay nội địa và quốc tế của hãng vào cuối quý III, đầu quý IV năm 2022.

Mỹ Diệu
Bắc Ninh tăng xe phục vụ người dân dịp Lễ
Do thời gian nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay kéo dài, dự báo lượng hành khách đi lại trên các tuyến vận tải khách sẽ tăng cao. Sở Giao thông vận tải (GTVT) tỉnh Bắc ninh triển khai nhiều kế hoạch nhằm phục vụ nhu cầu tối đa nhu cầu đi lại của người dân, du khách.

Rà soát tình hình gia tăng nhập khẩu thép cán nóng
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu các cơ quan liên quan rà soát, nắm tình hình gia tăng nhập khẩu thép cán nóng để chủ động thực hiện các biện pháp phù hợp.

Kiểm soát an ninh hàng không cấp độ 1 trong dịp 30/4
Biện pháp kiểm soát an ninh hàng không tăng cường cấp độ 1 được áp dụng tại cảng hàng không gồm: Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Buôn Ma Thuột, Pleiku, Liên Khương từ ngày 27/4 đến hết ngày 1/5.

Yêu cầu đơn vị vận tải không tăng giá vé dịp lễ
Cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu các đơn vị vận tải không tăng giá cước hoặc có thì phải đáp ứng các biện pháp bình ổn giá cước vận tải theo chỉ đạo của Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan,…

Xem xét giảm phí trước bạ ô tô lắp ráp trong nước
Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ trong tháng 5/2024 về việc gia hạn thời hạn nộp thuế, giảm lệ phí trước bạ ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.

Ưu tiên đầu tư đường sắt tốc độ cao Hà Nội - Lạng Sơn
Chiều ngày 21/4, tại thành phố Lạng Sơn, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị công bố Quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Lạng Sơn năm 2024.

Cao tốc bị ngắt điện vì ban quản lý nợ phí
Ban quản lý dự án Thăng Long chưa bố trí kinh phí trả tiền điện khiến đơn vị điện tạm ngưng cung cấp điện tại các nút giao trên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đi qua hai tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận.