Việt Nam thuộc Top 100 cảng container lưu thông qua lớn nhất thế giới
Tạp chí hàng hải Lloyd's List (Vương quốc Anh) vừa đưa ra bảng xếp hạng 100 cảng container năm 2022 có lưu lượng hàng hóa qua cảng lớn nhất thế giới. Việt Nam nằm trong danh sách này với 3 cảng gồm Hải Phòng, TPHCM và Cái Mép.
Theo bảng xếp hạng Lloyd's List đưa ra, cảng biển TPHCM xếp thứ 22 với sản lượng thông qua là 7,9 triệu Teus trong năm 2021 và tốc độ tăng trưởng đạt khoảng 1,3% so với năm 2020. Đây là cảng giữ vững vị thế trong bối cảnh kinh tế cả nước tăng trưởng còn chậm sau đại dịch.
Việt Nam có thể phát triển để nằm trong một chuỗi cung ứng chiến lược với cảng biển này. Tương lai của cảng biển TPHCM có thể mở rộng hơn nữa và khu vực này cũng đang có những thay đổi quan trọng. Dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ gần cảng biển TPHCM với trị giá đầu tư dự kiến 6 tỷ USD nếu được phê duyệt có thể là cảng trung chuyển lớn nhất cả nước và có tác dụng giao thương đáng kể với các nước trong khu vực.
Cảng biển Hải Phòng giữ vị trí thứ 38, có sản lượng hàng năm 2021 đạt 5,69 triệu Teus, tăng trưởng khoảng 10,8% so với năm đại dịch 2020. Lloyd’s List đánh giá tốc độ tăng trưởng về sản lượng hàng hóa của cảng biển Hải Phòng năm 2021 đã tăng gấp đôi so với năm 2012.
Nhiều tuyến tàu container kết nối trực tiếp từ Hải Phòng đi các nước châu Á và Mỹ đã được hình thành, cũng như phát triển nhiều tuyến dịch vụ mới xuất phát từ cảng biển Hải Phòng trong thời gian qua như tuyến từ Việt Nam đến bờ Tây nước Mỹ, từ Việt Nam tới Tây Ấn Độ...
Các cảng biển tại đây cũng được đánh giá có sự tăng trưởng về lưu lượng hàng hóa. Trong đó, cảng Tân Vũ vẫn là cảng lớn nhất trong cụm cảng này khi xử lý hơn 1 triệu teu hàng hóa thông qua trong năm 2021. Tiếp đó là cảng Nam Hải Đình Vũ của Gemadept và cảng Đình Vũ của Công ty cổ phần Cảng Đình Vũ, mỗi cảng xử lý hơn 500.000 teu.
Tăng ấn tượng nhất là cảng Cái Mép khi vươn 10 bậc lên vị trí 32 trong bảng xếp hạng. Năm 2021, cảng Cái Mép xử lý 5,38 triệu teu, tăng 22,1% so với năm 2021. Sự tăng trưởng ấn tượng này được đánh giá là có được sau khi Cái Mép có thêm cảng Gemalink (với 25% cổ phần của hãng tàu lớn thế giới CMA-CGM) đi vào hoạt động. Cảng này được kỳ vọng sẽ đón được khoảng 1,4 triệu Teus thông qua trong năm 2022.
Tại Cái Mép, Cảng quốc tế Tân Cảng-Cái Mép (TCIT) đã thông qua hơn 2 triệu Teus trong 2 năm liên tiếp và đón những chuyến tàu lớn. Trong khi đó, Cảng Quốc tế Cái Mép CMIT lại đón những chuyến tàu của các hãng tàu lớn thế giới như Maersk Lines, Cosco, OOCL... với trọng tải tàu có thể tiếp nhận lên tới hơn 200.000 DWT.
Sau khi trải qua 12 tháng kinh hoàng vì bị đại dịch tấn công, các cảng container trên toàn cầu đã hồi phục trở lại trong năm 2021. Và việc bù đắp khối lượng sụt giảm trong năm 2020 là ưu tiên số một của ngành công nghiệp này.
Khi thế giới học cách sống chung với đại dịch đồng thời các nền kinh tế bắt đầu mở cửa trở lại, hoạt động kinh doanh tại các cảng cũng đã trở lại bình thường. 100 cảng trong danh sách năm nay đã đạt tổng mức tăng trưởng hơn 7% và có tổng khối lượng container thông qua là 676,1 triệu teu, lớn hơn nhiều so với thời kỳ suy thoái năm 2020.
Sau 20 năm phát triển kết cấu hạ tầng cảng biển theo quy hoạch, hệ thống cảng biển Việt Nam đã định hình với quy mô tổng chiều dài trên 90 km; đầy đủ các công năng xếp dỡ, năng lực thông qua đạt khoảng 750 triệu tấn/năm. Việt Nam đã đầu tư nhiều bến cảng có quy mô lớn, hiện đại, năng suất khai thác cao tương đương các cảng biển trong khu vực và trên thế giới. Các cảng biển chính trên cả nước đã được đầu tư, nâng cấp, cải thiện căn bản về năng lực, chất lượng dịch vụ đảm bảo tiếp nhận tàu biển trọng tải từ trên 30.000 đến hàng trăm ngàn tấn. Điển hình là bến cảng tại Bà Rịa - Vũng Tàu đã tiếp nhận được các tàu biển trọng tải đến trên 214.000 tấn (trên 18.000 Teus), cảng biển Hải Phòng tại Lạch Huyện tiếp nhận tàu trọng tải đến 145.000 tấn (sức chở khoảng 13.500 Teu).
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang cũng cho biết trong hội thảo mới đây của Bộ Giao thông Vận tải về ‘‘Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050’’, hệ thống cảng biển Việt Nam hàng năm thông qua trên 90% hàng hóa xuất nhập khẩu, góp phần tạo thế chủ động cho Việt Nam ứng phó với các vấn đề kinh tế toàn cầu như dịch Covid-19, dịch chuyển làn sóng đầu tư thu hút mạnh mẽ dòng đầu tư nước ngoài và góp phần đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô.
Tính đến tháng 10/2022, cả nước có 296 bến cảng với chiều dài khoảng 103 km cầu cảng (gấp hơn 4,7 lần năm 2000). Đồng thời, hình thành các cảng cửa ngõ quốc tế tại khu vực phía Bắc và phía Nam. Ngoài ra, các bến chuyên dùng quy mô lớn gắn với khu công nghiệp, liên hợp luyện kim, lọc hóa dầu, trung tâm nhiệt điện than tiếp nhận tàu đến 200.000 tấn, hàng lỏng đến 150.000 tấn (tàu xuất sản phẩm), dầu thô đến 320.000 tấn, cơ bản đạt được các mục tiêu quy hoạch đến năm 2020.
Dự kiến, tổng nhu cầu đầu tư hệ thống cảng biển là 398.706 tỷ đồng. Trong đó, đến năm 2025 là 147.164 tỷ đồng gồm nhu cầu vốn đầu tư cho hạ tầng hảng hải công cộng và đầu tư cho bến cảng. Đến năm 2030 cần bổ sung 251.542 tỷ đồng.
Từ trước đến nay, kết cấu hạ tầng luồng hàng hải do Nhà nước đầu tư, còn kết cấu hạ tầng bến cảng do doanh nghiệp đầu tư. Tuy nhiên thời gian qua, nhiều địa phương đã chủ động sử dụng ngân sách địa phương để đầu tư kết cấu hạ tầng luồng hàng hải. Điều này tạo thuận lợi cho các cảng biển phát huy hiệu quả tiềm năng lợi thế, đồng thời cũng "gánh vác" cùng ngân sách trung ương.
Bộ GTVT kêu gọi các địa phương tiếp tục phát huy trách nhiệm trong quy hoạch, đặc biệt đầu tư ngân sách địa phương để ghé vai cùng ngân sách trung ương, phát huy hiệu quả trong chiến lược phát triển kinh tế biển.