Chuyên mục


Vận hành đường sắt tốc độ cao hiệu quả để tạo động lực phát triển mới

04/11/2024 11:24 (GMT +7)

Với tốc độ thiết kế 350km/h, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được kỳ vọng tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội khi hoàn thành vào năm 2035. Việc chuẩn bị đồng bộ về nguồn lực và vận hành sẽ quyết định hiệu quả của dự án này.

Các chuyên gia nhận định đường sắt tốc độ cao sẽ tạo động lực mới cho phát triển đất nước khi điều kiện đã 'chín muồi'

Các chuyên gia nhận định đường sắt tốc độ cao sẽ tạo động lực mới cho phát triển đất nước khi điều kiện đã 'chín muồi'

Sau 18 năm nghiên cứu, đây được xem là thời điểm chín muồi để Việt Nam xây dựng và vận hành tuyến đường sắt tốc độ cao. Chia sẻ tại "Tọa đàm: Đường sắt tốc độ cao – Thời cơ và thách thức" do Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy nhận định, điều kiện đã thuận lợi khi quy mô nền kinh tế đạt 430 tỷ USD, nợ công chỉ còn khoảng 37%, thu nhập và nhu cầu đi lại của người dân ngày càng tăng. "Các điều kiện về nguồn lực của chúng ta cơ bản không phải là thách thức lớn. Với cự ly 150-800km, đường sắt tốc độ cao là phương thức vận tải hiệu quả nhất, trong khi hàng không không thể cạnh tranh do chi phí nhiên liệu và chi phí cất hạ cánh cao", Thứ trưởng Huy nhấn mạnh.

Về hiệu quả kinh tế, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương đánh giá dự án sẽ tác động tích cực đến 7-8 lĩnh vực, từ xây dựng, công nghiệp phụ trợ đến dịch vụ tài chính. Chỉ riêng giai đoạn xây dựng từ nay đến 2035 đã góp phần tăng GDP khoảng 0,97%. Đặc biệt, việc phát triển hơn 20 ga dọc tuyến sẽ thúc đẩy hình thành các khu đô thị mới, tạo động lực phát triển cho các địa phương.

Dự án được dự báo sẽ tác động tích cực đến nhiều lĩnh vực. Trước hết là ngành xây dựng thông qua các hoạt động xây lắp quy mô lớn. Tiếp đến là các ngành công nghiệp phụ trợ cung cấp vật liệu, từ cát, đá, sỏi đến sắt thép làm đường ray. Các ngành dịch vụ tài chính, ngân hàng cũng sẽ được hưởng lợi từ hoạt động huy động vốn cho dự án.

Để đảm bảo vận hành hiệu quả dự án quy mô lớn này, công tác chuẩn bị đang được đặc biệt chú trọng. Tổng Giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam Hoàng Gia Khánh cho biết, ngành đường sắt đang tập trung tái cơ cấu để xây dựng mô hình phù hợp với điều kiện quản lý, khai thác tuyến đường sắt tốc độ cao. "Chúng tôi dự kiến cần khoảng 14.000 người để quản lý, vận hành tuyến đường sắt này. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy việc đào tạo lái tàu và điều khiển tự động phải mất từ 5-8 năm, nhưng với lực lượng sẵn có, chúng tôi có thể rút ngắn xuống còn 3-5 năm", ông Khánh chia sẻ.

Ở góc độ vận hành an toàn, đường sắt tốc độ cao được đánh giá là phương thức vận tải có độ an toàn cao nhất. "Điển hình như hệ thống Shinkansen của Nhật Bản vận hành gần 60 năm mà chưa xảy ra tai nạn nào. Ngoài ra, đường sắt tốc độ cao còn đảm bảo thời gian di chuyển chính xác, không gian thoải mái cho hành khách", ông Khánh nhấn mạnh.

Song song với đó, việc làm chủ công nghệ vận hành cũng được đặc biệt chú trọng. Bộ GTVT sẽ có cơ chế ràng buộc các tổng thầu phải sử dụng hàng hóa trong nước sản xuất được. Với kinh nghiệm từ hai cơ sở sản xuất tại Gia Lâm và Dĩ An, cùng tỷ lệ nội địa hóa cho đường sắt hiện hữu đạt 70-80%, ngành đường sắt có nền tảng quan trọng để phát triển công nghiệp phụ trợ, tiến tới làm chủ công nghệ đường sắt tốc độ cao.

Để đảm bảo nguồn lực cho dự án, Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng cho biết đã chuẩn bị ba nhóm giải pháp điều hành tổng thể và bốn phương án huy động nguồn lực. "Chúng tôi sẽ đổi mới mô hình tăng trưởng, điều hành chính sách tài khóa linh hoạt, đồng thời sửa đổi thể chế để thu hút nguồn lực trong lĩnh vực tài chính, đầu tư. Nguồn vốn sẽ được huy động từ ngân sách, trái phiếu Chính phủ và các nguồn vốn ưu đãi nước ngoài", ông Khắng nêu rõ.

Dự báo đến năm 2050, nhu cầu vận tải trên hành lang Bắc-Nam sẽ đạt khoảng 122,7 triệu lượt khách và 18,2 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Khi đi vào vận hành, dự án sẽ góp phần quan trọng trong việc kết nối đồng bộ 5 phương thức vận tải chính gồm đường bộ, đường sắt, hàng hải, hàng không và đường thủy nội địa.

Đường sắt tốc độ cao cũng là phương thức vận tải xanh, thân thiện với môi trường nhờ sử dụng điện khí hóa. Việc xây dựng nhiều cầu cạn giúp hạn chế tác động đến cộng đồng và hoạt động kinh tế - xã hội tại các khu vực tuyến đường đi qua.

Khi đi vào vận hành, dự án sẽ làm gia tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, đặc biệt là giảm chi phí logistics, góp phần đáng kể cho phát triển các ngành công nghiệp và sản xuất kinh doanh. "Đây không chỉ là niềm mong ước của người dân khi được trải nghiệm phương tiện hiện đại này ngay trên quê hương, mà còn là cơ hội lớn cho các doanh nhân trong tất cả lĩnh vực từ sản xuất kinh doanh đến phát triển hạ tầng đô thị", Thứ trưởng Phương nhận định.

Với những lợi ích toàn diện từ phát triển kinh tế, logistics đến môi trường và đời sống người dân, việc vận hành hiệu quả đường sắt tốc độ cao được kỳ vọng sẽ là bước đột phá chiến lược, góp phần hiện đại hóa hệ thống giao thông và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam trong những thập kỷ tới.

Thanh Minh
Xe buýt 4 cửa như “hàng không” giúp tối ưu hiệu quả nhờ không gian riêng
Thực tế là xe buýt 4 cửa lâu nay vẫn được sử dụng đưa đón khách tại một số cảng hàng không, từ nhà ga ra tàu bay. Nó đã cho thấy khả năng lên xuống linh hoạt, tiếp nhận hoặc giải tỏa khách nhanh chóng, không bị gò bó về hướng đỗ xe.

Khởi công xây dựng nhà ga hàng hóa Cảng hàng không quốc tế Cát Bi
Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (ACV) vừa kết hợp với UBND TP Hải Phòng tổ chức Lễ khởi công Dự án “Xây dựng nhà ga hàng hóa - Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Cát Bi".

Bắc Ninh: Xây dựng hệ thống chợ dân sinh phù hợp với sự phát triển đô thị
Ngày 16/11, UBND tỉnh Bắc Ninh tổ chức Chương trình gặp mặt Doanh nhân chuyên đề tháng 11 về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát triển và quản lý chợ với thông điệp “Chia sẻ thông tin – cùng doanh nghiệp phát triển”.

Tổng bí thư Tô Lâm: Hải Phòng phát huy lợi thế 'cửa chính ra biển' cả miền Bắc
Tổng bí thư Tô Lâm và đoàn công tác Trung ương vừa có chuyến thăm, làm việc với Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hải Phòng; thăm, khảo sát cuộc sống của cán bộ, nhân dân đang sinh sống, làm việc tại huyện đảo Bạch Long Vĩ.

Hoàn thành 2 tuyến cao tốc tại Cao Bằng - Lạng Sơn trong năm 2025
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu hoàn thành 2 dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) và Hữu Nghị - Chi Lăng (tỉnh Lạng Sơn) ngay trong năm 2025, góp phần thông tuyến cao tốc từ Cao Bằng tới Cà Mau trong năm 2025.

Chính thức trình Quốc hội dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam hơn 67 tỉ USD
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là đường đôi, khổ 1.435mm, tốc độ thiết kế 350km/h, dự kiến tổng vốn hơn 67 tỉ USD.

Đường sắt tốc độ cao sẽ được kết nối hoàn chỉnh trong mạng lưới giao thông
Báo cáo tiền khả thi dự án tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đã tính đến việc kết nối với các tuyến đường sắt hiện hữu và quy hoạch cũng như mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP HCM, mạng đường sắt quốc tế; các cảng hàng không, cảng biển lớn, các khu kinh tế quan trọng.