Trung Nam "chông chênh" khi EVN phá vỡ cam kết
EVN đang đặt Trung Nam vào thế khó khi dừng huy động 40% công suất dự án ĐMT Trung Nam - Thuận Nam. Doanh nghiệp lo việc này sẽ ảnh hưởng đến chuyện phá vỡ cam kết về phương án tài chính được tổ chức tín dụng thống nhất, dẫn đến dự án mất khả năng cân đối trả nợ vay.
Cuối tháng 8, Công ty Mua bán điện thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có văn bản số 6082 thông báo dừng khai thác đối với phần công suất chưa có cơ chế giá điện của nhà máy điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam công suất 450MW. Theo đó, EVN dừng khai thác đối với phần công suất 172,12MW kể từ 0h ngày 1/9 do chưa có cơ chế giá điện.
Phản hồi thông báo của EVN, phía Trung Nam cho biết doanh nghiệp này đã có văn bản gửi Chính phủ, Bộ Công thương, EVN và Công ty Mua bán điện để kiến nghị tiếp tục huy động công suất chưa có giá bán điện.
Trung Nam cho biết, do chưa xác định giá nên phần công suất 172MW này chưa được thanh toán tiền bán điện trong khi do COVID-19 nên dự án cũng bị cắt giảm công suất phát kéo dài. Nhà đầu tư đang gánh chịu phần chi phí truyền tài cho các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, đã tác động rất xấu đến dòng tài chính của nhà đầu tư, khiến nhà đầu tư không đủ nguồn tài chính để hoàn thành nghĩa vụ cam kết với đơn vị tài trợ vốn.
Dự án ĐMT Trung Nam 450 MW là dự án đầu tư có điều kiện được tỉnh Ninh Thuận tổ chức lựa chọn nhà đầu tư theo đúng quy định của pháp luật. Nhà đầu tư đã xây dựng trạm biến áp 500kV và đường dây 500 kV Thuận Nam - Vĩnh Tân với tổng kinh phí hơn 2.000 tỉ đồng, chịu chi phí quản lý vận hành và sẽ bù đắp bằng doanh thu bán điện từ việc khai thác toàn bộ công suất của dự án.
Các chi phí của dự án này đã được ngân hàng thẩm định trong phương án vay vốn của dự án. Do phần công suất chưa xác định giá bán điện chưa được thanh toán trong khoảng 22 tháng khai thác cùng với dự án phải chịu cắt giảm công suất liên tục kéo dài trong 2 năm bùng phát dịch Covid-19 và nhà đầu tư phải gánh chịu phần chi phí truyền tải cho các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn đã tác động xấu đến tài chính, khiến nhà đầu tư không đủ nguồn tài chính để hoàn thành nghĩa vụ cam kết với đơn vị tài trợ vốn.
Khi dừng huy động 40% công suất của dự án theo văn bản của Công ty mua bán điện đồng nghĩa dự án chỉ vận hành đạt 60% so với thiết kế, sẽ phá vỡ cam kết của nhà đầu tư về phương án tài chính được tổ chức tín dụng thống nhất, dẫn đến dự án mất khả năng cân đối trả nợ vay. Trong khi đó các nhà đầu tư khác cũng như EVN lại được hưởng lợi trên đường dây truyền tải 500kV do chính nguồn vốn của Trung Nam đã bỏ ra để đầu tư xây dựng hệ thống truyền tải giải tỏa công suất.
Vietcombank hiện đóng vai trò quan trọng trong cấp vốn và bảo lãnh phát hành trái phiếu để Trung Nam Group thực hiện nhiều dự án.
Ghi nhận lần gần nhất Vietcombank hỗ trợ Trung Nam Group phát hành trái phiếu là vào đầu tháng 6/2021. Vietcombank là đơn vị quản lý tài sản đảm bảo và quản lý các tài khoản cho khoản phát hành 1.500 tỷ đồng trái phiếu với kỳ hạn 5.106 ngày của Công ty CP Điện gió Trung Nam Đăk Lăk 1 (thành viên của Trung Nam Group).
Ngoài ra, theo thông báo từ Vietcombank, ngân hàng còn thu xếp vốn cho các dự án Nhà máy Điện mặt trời Thuận Nam công suất 450MW tại Ninh Thuận, Nhà máy Điện gió Đông Hải 1 công suất 100MW tại Trà Vinh của Trung Nam Group.
Mặt khác, theo hợp đồng mua bán điện đã ký với EVN, Trung Nam cho rằng việc dừng huy động công suất chưa có giá điện là không phù hợp theo các điều khoản đã thỏa thuận giữa Trung Nam và EVN. Cụ thể, theo Khoản 5 Điều 4 Hợp đồng mua bán điện số 5, trường hợp đến hạn thanh toán nhưng chưa có văn bản thống nhất của Bộ Công thương về việc một phần nhà máy điện hoặc toàn bộ nhà máy điện được áp dụng giá điện, các bên thống nhất ghi nhận sản lượng điện giao nhận, tiền điện sẽ được thanh toán sau khi có văn bản thống nhất của Bộ Công thương.
“Ngoài ra, Điều 9 hợp đồng đã nêu rõ EVN nếu cắt giảm công suất thì phải thông báo trước 10 ngày. Tuy nhiên, phía EVN thông báo vào ngày 31/8 là 0h ngày 1/9 cắt, tức chưa đến 1 ngày”, đại diện Trung Nam trao đổi.
Phía Trung Nam cũng cho biết trong thời gian chờ bàn giao trạm biến áp 500kV Thuận Nam cho EVN, dự án này đang chịu chi phí truyền tải cho các dự án năng lượng tái tạo khác tại Ninh Thuận với tổng sản lượng lên đến 4,2 tỷ kWh, tương ứng 360 tỷ đồng.
Trước đó, tháng 2/2022, EVN từng có văn bản thông báo sẽ ngưng mua phần công suất chưa có giá điện (40% trên tổng công suất dự án) tuy nhiên sau đó đã thu hồi văn bản. Đồng thời, phía Trung Nam cũng đề nghị EVN xem xét tiếp tục huy động và ghi nhận sản lượng đối với phần công suất chưa có giá điện của dự án.
Trung Nam đưa ra lý giải là để tạo sự công bằng trong môi trường đầu tư, hỗ trợ nhà đầu tư đã chịu kinh phí xây dựng hệ thống trạm biến áp và đường dây 500kV và hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn về tài chính, tránh nguy cơ phá sản, đảm bảo khả năng duy trì hoạt động, vận hành hệ thống trạm biến áp 500kV…
Do vậy, phía Trung Nam đã đề nghị EVN xem xét tiếp tục huy động và ghi nhận sản lượng đối với phần công suất chưa có giá điện của dự án. "Công ty cam kết tuân thủ chặt chẽ các quy định và yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan đến việc thực hiện thanh toán sau khi cơ chế giá được áp dụng, không có bất kỳ khiếu nại, khiếu kiện", Trung Nam khẳng định.
Việc ngưng huy động một phần sản lượng nhà máy 450MW sẽ khiến cho hoạt động của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, do đó phía Trung Nam vẫn nỗ lực để giải quyết, mong muốn có buổi làm việc giữa 3 bên gồm EVN, Bộ Công thương và Trung Nam để tìm các giải pháp tháo gỡ vướng mắc, đảm bảo hài hòa lợi ích của các tổ chức.