Chuyên mục


Triển vọng tích cực bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2024

27/05/2024 11:45 (GMT +7)

Nhìn chung, bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2024 có triển vọng tích cực, cho thấy những biện pháp tháo gỡ về cơ chế chính sách của Chính phủ thời gian qua đã phát huy tác dụng.

Đó là ý kiến của PGS.TS Bùi Quang Bình, Trường Đại học kinh tế - Đại học Đà Nẵng khi đánh giá về tình hình kinh tế-xã hội (KTXH) năm 2023 và những tháng đầu năm 2024.

images1693460_1
PGS.TS Bùi Quang Bình, Trường Đại học kinh tế-Đại học Đà Nẵng

PGS.TS Bùi Quang Bình cho hay, báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KTXH và NSNN năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KTXH và NSNN những tháng đầu năm 2024 lãnh đạo Chính phủ trình bày tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã bám sát các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp theo các nghị quyết về phát triển KTXH Quốc hội đã phê duyệt.

Chính phủ đã tập trung hoàn thiện, phê duyệt các quy hoạch - nền tảng quan trọng cho phát triển

Qua phân tích, đánh giá, PGS.TS Bùi Quang Bình cho rằng năm 2023, trong bối cảnh rất nhiều biến động nhưng với nỗ lực của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương, kinh tế Việt Nam là điểm sáng so với các nước trong khu vực. Cụ thể trong năm 2023, tăng trưởng đạt 5,05%, quy mô nền kinh tế đạt trên 450 tỷ USD, các biến số vĩ mô như lạm phát được đảm bảo, thu ngân sách cũng vượt 8,2%.

Nhiều giải pháp đồng bộ được triển khai nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế. Trong đó, đầu tư công được Chính phủ tập trung triển khai có trọng tâm, trọng điểm với hàng loạt dự án quy mô lớn, vừa tạo ra động lực thúc đẩy kinh tế nhưng quan trọng là tạo ra cơ sở hạ tầng cho tương lai. Các dự án chậm tiến độ được thúc đẩy nhanh hơn. Cả nước hiện nay như là công trường lớn.

Công tác cải cách thể chế, hoàn hiện cơ chế chính sách được triển khai quyết liệt mang lại thành công lớn, có tác động về lâu dài.

Trong năm qua, Chính phủ đã tổ chức 10 phiên họp chuyên đề, ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật để tháo gỡ khó khăn cho các ngành, lĩnh vực; cải thiện chất lượng dịch vụ công; rà soát, cơ cấu đổi mới các đơn vị sự nghiệp công; tích cực chuẩn bị cho công tác cải cách tiền lương nhằm nâng cao đời sống cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

Bên cạnh đó, PGS.TS Bùi Quang Bình cho rằng, Chính phủ tích cực chỉ đạo đổi mới nâng cao chất lượng hoạt động của chính quyền địa phương theo hướng tinh hướng gọn; áp dụng mô hình chính quyền đô thị ở Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng.

"Chúng ta cũng rất nhanh nhạy để thúc đẩy phát triển lĩnh vực mới như công nghiệp chip, bán dẫn. Ngành nông nghiệp tiếp tục mang lại phát triển ổn định, nhiều sản phẩm nông nghiệp mới được xuất khẩu. Hình thành nhiều sản phẩm OCOP vừa giúp nông dân cải thiện thu nhập, thúc đẩy tạo ra các sản phẩm du lịch xanh sạch.

Đặc biệt, thời gian qua, Chính phủ đã tập trung hoàn thiện, phê duyệt quy hoạch của các địa phương, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành, làm căn cứ, nền tảng quan trọng để các ngành, địa phương khai thác và phát huy tiềm năng, thế mạnh của mình, tập trung triển khai các dự án đầu tư phát triển theo đúng định hướng và có hiệu quả cao nhất", PGS.TS Bùi Quang Bình nêu ý kiến.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả trên, theo PGS.TS Bùi Quang Bình, năm 2023, tăng trưởng kinh tế mặc dù đạt kết quả khá nhưng còn đối mặt với nhiều thách thức. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân gặp nhiều khó khăn.

Tăng trưởng của 5 thành phố trực thuộc Trung ương không đạt chỉ tiêu đề ra. Theo số liệu công bố, năm 2023, tăng trưởng của 5 thành phố chiếm khoảng 35% GDP, 57% thu ngân sách, 54% FDI và 80% khách du lịch. Đây là những con số rất lớn, tác động đến chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội của cả nước.

Đây là những tồn tại, hạn chế cơ bản cần nhìn nhận, đánh giá để điều chỉnh cho phù hợp.

Trong 4 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của cả nước tăng 15% so với cùng kỳ

Trong 4 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của cả nước tăng 15% so với cùng kỳ

Tín hiệu tích cực từ những tháng đầu năm 2024

Theo PGS.TS Bùi Quang Bình, bước vào năm 2024, Việt Nam cũng gặp rất nhiều khó khăn và thách thức, bởi trên các thị trường thế giới vẫn chưa có gì thay đổi, lãi suất ở Mỹ vẫn duy trì rất cao và không có xu hướng giảm. Đồng đô la Mỹ tăng giá. Trong nước, nắng nóng kéo dài, lượng mưa giảm ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất ở Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long.

Mặc dù vậy, bức tranh kinh tế những tháng đầu năm 2024 sáng hơn. Quý I/2024, biến số cơ bản về kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát cân đối, đặc biệt tăng trưởng đạt 5,66%, cao nhất trong giai đoạn 2020 – 2023. Thu ngân sách, xuất khẩu, giải ngân vốn đầu tư công đều tăng; cả 3 khu vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ đều khởi sắc.

Đây là tín hiệu rất tốt cho mục tiêu tăng trưởng của cả năm 2024. Và cũng cho thấy Chính phủ rất nỗ lực và quyết liệt ngay từ đầu năm.

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được cải thiện nhiều. Các tổ chức quốc tế đánh giá chỉ số phát triển con người của Việt Nam tăng 8 bậc, xếp thứ 107/193. Chỉ số hạnh phúc của Việt Nam tăng 11 bậc, xếp thứ 54/143.

Về xây dựng hoàn thiện thể chế, PGS.TS Bùi Quang Bình cho rằng đây là sự nỗ lực rất lớn, đặc biệt là việc tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp và chính quyền địa phương. Đơn cử Chính phủ đã ban hành Nghị định số 09/2024/NĐ-CP "sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 144/2016/NĐ-CP quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với TP. Đà Nẵng". Nghị định này đã tháo gỡ cho Đà Nẵng rất nhiều.

Nhìn chung, bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2024 có triển vọng tích cực, điều này cho thấy những biện pháp tháo gỡ về cơ chế chính sách của Chính phủ thời gian qua đã phát huy tác dụng.

Cần có cơ chế "chấm điểm" các địa phương

Về nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, bên cạnh các nội dung trong báo cáo Chính phủ trình trước Quốc hội, PGS.TS Bùi Quang Bình đề nghị Chính phủ cần quan tâm, tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng của 5 thành phố trực thuộc Trung ương, bởi đây là các đầu tàu phát triển của các vùng.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh kích cầu thị trường trong nước, tiêu dùng cá nhân và hộ gia đình; xem xét giải quyết bất cập về giá vé máy bay để kích thích du lịch, tiêu dùng.

Tiếp tục quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp, ngoài những giải pháp từ Chính phủ thì các địa phương cũng cần xắn tay vào để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đừng để số lượng doanh nghiệp ngày càng giảm.

"Đối với phát triển hạ tầng, ngoài việc tập trung phát triển hạ tầng giao thông, chúng ta cần ưu tiên thúc đẩy dự án lớn của ngành điện nhằm giải quyết bài toán cung ứng điện. Quan tâm đầu tư các cơ sở hạ tầng xử lý chất thải nhằm mục tiêu phát triển bền vững cho tương lai.

Ưu tiên nguồn lực giải quyết vấn đề cung cấp nước tưới và sinh hoạt cho những vùng ảnh hưởng lớn như Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Đây là vấn đề trước mắt nhưng cũng là vấn đề lâu dài nếu không được giải quyết sẽ cản trở sự tăng trưởng" PGS.TS Bùi Quang Bình khuyến nghị.

Ngoài ra, cần có cơ chế để đánh giá kết quả phát triển KTXH của các địa phương do Chính phủ chấm điểm. Cụ thể là tiêu chí đánh giá người đứng đầu và bộ máy có hoàn thành nhiệm vụ hay không, chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân về phát triển KTXH của địa phương mình. Thực tế hiện nay, địa phương nào người đứng đầu quyết liệt sẽ tăng trưởng tốt, như Khánh Hòa, Hải Phòng, TPHCM…

Về tái cơ cấu kinh tế, theo ông Bùi Quang Bình, quan trọng hiện nay là phải thực hiện tốt các quy hoạch ngành, quy hoạch địa phương, quy hoạch vùng mà Chính phủ đã phê duyệt, qua đó phân bổ các nguồn lực hợp lý để phát triển theo mục tiêu, định hướng đã đặt ra.

Theo Báo Điện tử Chính phủ
Nhật Bản ký kết mức vốn ODA kỷ lục cho Việt Nam
Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) vừa ký kết các khoản vốn vay với tổng giá trị lên tới hơn 102 tỷ yên (tương đương 678 triệu USD, chưa bao gồm “Tài trợ đầu tư cho khu vực tư nhân”) - mức cao nhất trong 6 năm qua, với Việt Nam.

Khánh thành 2 công trình lớp học tại tỉnh Điện Biên do SHB trao tặng
Vượt qua những điều kiện khắc nghiệt về thời tiết, giao thông và địa hình, hai công trình lớp học do SHB tài trợ xây dựng tại huyện Tủa Chùa và Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên đã chính thức được khánh thành và đưa vào hoạt động.

179.000 tỷ đồng làm đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh
Cục Đường sắt Việt Nam vừa đề nghị Bộ GTVT xem xét thẩm định, phê duyệt Quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh với kinh phí dự kiến hơn 179.000 tỷ đồng.

Đề xuất giảm 30% tiền thuê đất năm 2024
Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định về việc giảm tiền thuê đất năm 2024, để có thêm nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp, người dân.

Đề xuất phân loại thống kê theo loại hình kinh tế
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Thông tư quy định phân loại thống kê theo loại hình kinh tế.

Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh: Cần tạo ra môi trường tốt để doanh nghiệp phát triển
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn nhấn mạnh: "Muốn doanh nghiệp vững mạnh thì cần tạo ra môi trường sản xuất kinh doanh thuận lợi và lành mạnh. Để đạt được đó, nhiệm vụ hàng đầu là tạo ra thể chế pháp lý minh bạch rõ ràng".

Tăng giá điện từ hôm nay
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa có quyết định về việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, theo đó giá bán lẻ điện bình quân là 2.103 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) từ ngày 11/10/2024.