Chuyên mục


Trái phiếu doanh nghiệp qua góc nhìn chuyên gia

31/10/2022 05:38 (GMT +7)

Ngân hàng hay công ty chứng khoán bán ra trái phiếu một cách mập mờ, làm nhà đầu tư nghĩ rằng có thể chấm dứt kỳ hạn và lấy lại tiền bất cứ lúc nào. Theo luật sư, điều này là không thể, ngân hàng và công ty chứng khoán hoàn toàn có thể từ chối mua lại với lý do không có dòng tiền.

Trái phiếu "sợ" nhà đầu tư và ngược lại

Theo các chuyên gia, Việt Nam chưa có yêu cầu và chưa có văn hóa xếp hạng tín nhiệm với trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, nên nhà đầu tư không có căn cứ để đánh giá chất lượng trái phiếu doanh nghiệp. Điều này dẫn tới tình trạng vàng thau lẫn lộn trên thị trường trái phiếu.

Ông Bùi Văn Huy - Giám đốc Chi nhánh TP.HCM Công ty chứng khoán DSC cho biết tại Talkshow “Hiểu đúng về trái phiếu” vừa được Báo Đầu tư tổ chức: “Nỗi sợ rất lớn với thị trường, đặc biệt nhà đầu tư cá nhân lúc này là việc mập mờ thông tin. Dù chưa có vụ vỡ nợ trái phiếu nào xảy ra, nhưng nỗi sợ vô hình rất lớn. Thế nên, dù hiện nay, thị trường có cả trái phiếu doanh nghiệp tốt lẫn trái phiếu doanh nghiệp xấu, nhưng nhà đầu tư cứ nghe đến trái phiếu là sợ”.

Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Chi nhánh TP.HCM Công ty chứng khoán DSC

Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Chi nhánh TP.HCM Công ty chứng khoán DSC

Điều bất cập hiện nay là nhà đầu tư không có khả năng đánh giá được mức độ rủi ro của từng loại trái phiếu doanh nghiệp phát hành trên thị trường, chủ yếu là nhìn vào uy tín của nhà phát hành cũng như đơn vị phân phối (đa phần là ngân hàng, công ty chứng khoán). Rất ít nhà đầu tư có khả năng phân tích dòng tiền của doanh nghiệp phát hành, tính pháp lý hoặc tính khả thi của dự án đang huy động vốn… 

Ngoài ra, nhiều nhà đầu tư mua trái phiếu doanh nghiệp trước đây nhầm tưởng đây là sản phẩm không có rủi ro. Vì vậy, khi sự cố xảy ra, nhiều nhà đầu tư phản ứng thái quá. Người mua muốn lấy bán lại trái phiếu trước hạn, thu hồi tiền ngay lập tức, thậm chí chấp nhận mất lãi. Điều này gây áp lực rất lớn cho các doanh nghiệp phát hành, các công ty chứng khoán. 

“Nhà đầu tư sợ là đúng, nếu trái phiếu có vấn đề. Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều nhà đầu tư đang hành động theo tâm lý bầy đàn, nhìn thấy người khác đi rút trái phiếu doanh nghiệp thì cũng đi rút theo, mà không phân tích trái phiếu doanh nghiệp mình đang cầm như thế nào. Việc rút tiền hàng loạt gây thiệt hại cho chính nhà đầu tư và gây áp lực lớn cho thị trường. Việc chúng ta cần là bình tĩnh lại, đánh giá kỹ loại trái phiếu doanh nghiệp đang nắm giữ”, lãnh đạo của Chứng khoán DSC khuyến nghị.

Đồng tình với ý kiến này, luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, nếu hàng trăm, hàng nghìn người cùng đổ đi rút cùng lúc, không ngân hàng, doanh nghiệp nào có thể đủ tiền để đáp ứng nhu cầu chi trả cao bất thình lình như vậy. Thậm chí, rút tiền hàng loạt theo tâm lý bầy đàn có thể dẫn tới cảnh một doanh nghiệp đang hoạt động bình thường tới tình trạng mất thanh khoản.

Còn nếu doanh nghiệp đó xấu, mất khả năng trả nợ, vướng vào các vụ án hình sự thì cho dù nhà đầu tư xếp hàng 24/24h cũng không thể đòi được tiền về. Khi đó, nhà đầu tư sẽ phải chờ cơ quan điều tra công bố kết quả, khởi kiện ra tòa, chờ tòa án xử lý…

Về một số sự việc trên thị trường trái phiếu thời gian qua (Tân Hoàng Minh, An Đông…), Luật sư Đức cho rằng, cơ quan chức năng sẽ mất một thời gian để xử lý song về cơ bản nhà đầu tư sẽ không mất hết. “Về cơ bản, chúng ta vẫn yên tâm với phần lớn trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường”, luật sư Đức nói.

Nếu vấn đề của thị trường chứng khoán nằm ở dòng tiền thì với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, vấn đề lại nằm ở niềm tin. Nguyên nhân lớn nhất của việc thiếu niềm tin là do chúng ta rất thiếu thông tin đến nhà đầu tư.

Góc nhìn mới nếu đặt trái phiếu lên bàn với cổ phiếu

Các quy định về phát hành trái phiếu hiện nay, kể cả những quy định mới nhất đều chưa có tính bắt buộc, chỉ mang tính chất khuyến nghị và khuyến khích. Do đó, cần phải biến các quy định thành tính bắt buộc, dù có thể chưa thực hiện được ngay; nhưng khi có lộ trình sẽ giải quyết được vấn đề về niềm tin.

Luật sư Trương Thanh Đức tại Talkshow “Hiểu đúng về trái phiếu”

Luật sư Trương Thanh Đức tại Talkshow “Hiểu đúng về trái phiếu”

Thời điểm hiện tại, vấn đề nằm ở tâm lý nhà đầu tư chứ không ở hành lang pháp lý. Nếu đem so sánh, thị trường cổ phiếu còn chứa đựng nhiều rủi ro “mênh mông” hơn so với thị trường trái phiếu khi mà trái phiếu có tính minh bạch, rõ ràng và cam kết cao hơn về hồ sơ thủ tục.

“Tôi cũng có mua cổ phiếu của mấy ngân hàng khá tốt, nhưng 5-7 năm nay chưa nhận được một đồng cổ tức nào, thậm chí cổ phiếu có thể không còn giá trị nếu ngân hàng trở thành ngân hàng 0 đồng”, LS. Trương Thanh Đức đánh giá.

Nhà đầu tư chưa bán cổ phiếu thì có thể chưa ghi nhận lỗ. Nhưng tính theo con số sổ sách thì thiệt hại theo thị trường ở hiện tại là “khủng khiếp”. Còn ở thị trường trái phiếu, đến giờ vẫn chưa ai mất tiền, nhưng thị trường ngược lại“sôi sùng sục” vì nhà đầu tư nghĩ rằng họ bị lừa.

“Đây mới là nguy cơ. Pháp lý chưa có lộ trình thì giờ chúng ta phải chấp nhận tìm cách để gỡ vấn đề”, LS. Trương Thanh Đức nhấn mạnh thêm. 

Trái phiếu là sản phẩm tốt và ổn. Tuy nhiên, trong 100 mã trái phiếu thì không tránh khỏi có vài mã rủi ro. Nhưng không nên vì những rủi ro nhỏ mà mất niềm tin, dẫn đến nguy cơ sụp đổ cả thị trường. Chẳng hạn, trái phiếu do ngân hàng phát hành hiện là trái phiếu có tính an toàn tuyệt đối, vì có tính chất tương tự như tiền gửi. Trong thời gian qua, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước liên tục thông tin về việc tiền gửi tiết kiệm tại ngân hàng được bảo đảm trong mọi trường hợp, nên tính an toàn của trái phiếu do ngân hàng phát hành cũng được bảo đảm tương đương.

Có thể từ chối mua lại trái phiếu...nếu không có tiền

Một vấn đề được các nhà đầu tư quan tâm là, có phải trách nhiệm mua lại trái phiếu doanh nghiệp từ đơn vị phân phối không? Trong quá trình phân phối, công ty chứng khoán lúc này lại chia nhỏ kỳ hạn phát hành và thay đổi lãi suất, để nhà đầu tư có thể hưởng lãi suất thấp hơn so với lãi suất phát hành. Vấn đề đặt ra tiếp là, ai mới là trái chủ? Công ty chứng khoán hay nhà đầu tư cuối cùng?

LS. Trương Thanh Đức cho rằng, đối với trái phiếu vô danh, ai nắm giữ trái phiếu thì người đó là trái chủ. Trên thực tế trên thị trường lưu hành hầu hết là trái phiếu ghi danh. Với loại trái phiếu này, ai được ghi danh trên trái phiếu thì được coi là trái chủ, sẽ có quyền và phải chịu rủi ro. Còn các bên trung gian và bảo lãnh đóng vai trò khác.

Việc chia nhỏ trái phiếu để bán cho nhà đầu tư là cách thức bán hàng hợp lí, phù hợp với thị trường trong bối cảnh bình thường, giúp thanh khoản dễ hơn và nhiều người mua hơn. Trong trường hợp ít nhà đầu tư tham gia, công ty chứng khoán sẵn sàng bỏ vốn ra mua lại và bán cho nhà đầu tư khác sau đó. Việc mua đi bán lại mỗi lần sẽ đều có tính phí và lãi.

Dù là một cách thức bán hàng bình thường, tuy vẫn cần giải thích để nhà đầu tư thấu hiểu. Đã không ít trường hợp ngân hàng hay công ty chứng khoán bán ra trái phiếu một cách mập mờ, làm nhà đầu tư nghĩ rằng có thể chấm dứt kỳ hạn và lấy lại tiền bất cứ lúc nào. “Điều này là không thể”, LS. Trương Thanh Đức nhận định.  

Ngân hàng và công ty chứng khoán chỉ cam kết nếu có bên thứ 3 mua lại, họ sẽ giúp nhà đầu tư bán trái phiếu đó, hoặc cam kết sẵn sàng mua lại khi có điều kiện về dòng tiền. Tuy nhiên, ngân hàng và công ty chứng khoán hoàn toàn có thể từ chối mua lại với lý do không có dòng tiền.

Ở góc độ của công ty chứng khoán, Giám đốc Chi nhánh TP. HCM, Công ty Chứng khoán DSC cho rằng việc công ty chứng khoán “chế biến” lại sản phẩm trái phiếu để có thể dễ bán sản phẩm và thu hút được nhiều đối tượng nhà đầu tư tham gia hơn.

Khi phát hành ra sản phẩm thì công ty chứng khoán sẽ phải có nghĩa vụ với nhà đầu tư về sản phẩm đó. Còn về vấn đề rủi ro, vấn đề này phụ thuộc vào sự uy tín, vị thế của doanh nghiệp phát hành trái phiếu. 

Mỹ Diệu
Công ty Ô tô Giải Phóng công bố 'trắng' doanh thu
Quý III/2024, Công ty cổ phần Ô tô Giải Phóng (mã: GGG) báo lỗ hơn 3,9 tỷ đồng. Doanh nghiệp này đã liên tục báo lỗ kể từ năm 2011 cho đến nay.

Giá vàng tăng 'phi mã'
Chiều ngày 21/10, giá vàng trong nước tăng cao, nhiều thương hiệu vàng tăng đến 2 triệu đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra.

Hải Dương: Phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại vào năm 2030
Hiện nay, toàn tỉnh Hải Dương đang ra sức thi đua, nỗ lực phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại vào năm 2030, tạo nền tảng sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XVII.

Thừa Thiên Huế và WWF - Việt Nam ký kết thỏa thuận hợp tác
Sáng ngày 18/10, tại TP Huế diễn ra Lễ ký kết Thỏa thuận hợp tác giữa UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và Tổ chức quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF - Việt Nam).

Nhật Bản ký kết mức vốn ODA kỷ lục cho Việt Nam
Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) vừa ký kết các khoản vốn vay với tổng giá trị lên tới hơn 102 tỷ yên (tương đương 678 triệu USD, chưa bao gồm “Tài trợ đầu tư cho khu vực tư nhân”) - mức cao nhất trong 6 năm qua, với Việt Nam.

Khánh thành 2 công trình lớp học tại tỉnh Điện Biên do SHB trao tặng
Vượt qua những điều kiện khắc nghiệt về thời tiết, giao thông và địa hình, hai công trình lớp học do SHB tài trợ xây dựng tại huyện Tủa Chùa và Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên đã chính thức được khánh thành và đưa vào hoạt động.

179.000 tỷ đồng làm đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh
Cục Đường sắt Việt Nam vừa đề nghị Bộ GTVT xem xét thẩm định, phê duyệt Quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh với kinh phí dự kiến hơn 179.000 tỷ đồng.