TP.HCM tăng khai thác tài chính từ đất
4 tháng đầu năm 2022, tình hình thu ngân sách từ đất trên địa bàn thành phố có nhiều dấu hiệu khả quan khi đạt hơn 12.600 tỷ đồng, chiếm 10,5% tổng thu ngân sách toàn thành phố.
Tại hội thảo "Khai thác nguồn lực tài chính từ đất, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản" vào ngày 12/5, Phó cục trưởng Cục Thuế TP. HCM cho biết hiện có nhiều trường hợp người nộp thuế khi chuyển nhượng bất động sản kê khai giá mua bán với cơ quan thuế thấp hơn so với giá chuyển nhượng thực tế nhằm trốn tránh nghĩa vụ thuế, chưa tự giác kê khai đúng giá thực tế giao dịch. Người nộp thuế kê khai nộp thuế TNCN, lệ phí trước bạ theo giá trên hợp đồng chuyển nhượng nhà, đất thấp hơn giá giao dịch thực tế để giảm số thuế phí phải nộp, gây thất thu ngân sách.
Năm 2021 tình hình thu ngân sách từ đất đạt hơn 17.500 tỷ đồng, chiếm 6,96% tổng thu ngân sách toàn thành phố. 4 tháng đầu năm 2022, tình hình thu ngân sách từ đất trên địa bàn TP có nhiều dấu hiệu khả quan khi đạt hơn 12.600 tỷ đồng, chiếm 10,5% tổng thu ngân sách toàn thành phố. Theo đó, Phó cục trưởng cho rằng hoạt động chuyển nhượng bất động sản đang diễn ra sôi động trên cả nước nói chung và TP.HCM nói riêng.
Tuy nhiên, việc xác định giá giao dịch mua bán nhà, đất thực tế trên thị trường vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể để làm căn cứ ấn định thuế TNCN, lệ phí trước bạ. Vấn đề này gây rất nhiều khó khăn cho cơ quan thuế, cán bộ thuế trong việc xác định được giá giao dịch thực tế của từng hồ sơ.
Cục Thuế TP đã báo cáo UBND TP để chỉ đạo các sở ngành có liên quan cùng phối hợp thực hiện triển khai trong công tác đấu tranh chống thất thu, tăng cường quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản. Đồng thời có nhiều biện pháp nhằm chống thất thu trong hoạt động chuyển nhượng nhà đất, đặc biệt, phối hợp với cơ quan cảnh sát điều tra xử lý các trường hợp cố tình thực hiện hành vi kê khai sai gây sai lệch số thuế phải nộp, gây thất thu thuế cho ngân sách.
Lãnh đạo thuế TP thông tin, 3 tháng đầu năm 2022, Cục Thuế TP.HCM đã thực hiện xử lý 10.876 hồ sơ chuyển nhượng bất động sản, thu thêm hơn 180 tỷ đồng cho ngân sách, trong đó Thuế TNCN là 147 tỷ đồng, lệ phí trước bạ 33 tỷ đồng. Để quản lý thuế một cách có hiệu quả đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản, Cơ quan Thuế TP sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp nhằm chống thất thu trong hoạt động chuyển nhượng nhà đất; có biện pháp xử lý hoặc kiến nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện các biện pháp xử lý đối với hành vi trốn thuế trong hoạt động chuyển nhượng, kinh doanh bất động sản theo đúng quy định của pháp luật.
Mặt khác, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính lại cho biết, một trong những nguyên nhân khiến tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn DNNN còn chậm, việc triển khai kế hoạch cổ phần hóa còn gặp nhiều khó khăn là do vướng mắc về đến đất đai liên quan đến việc xác định giá trị đất đai khi cổ phần hóa, thoái vốn DNNN. Các DNNN đang được Nhà nước giao quyền sử dụng và quản lý một diện tích rất lớn đất đai, nhà và công trình trên đất trên khắp cả nước; đa phần nằm ở các vị trí đắc địa có giá trị rất lớn, hiệu quả sử dụng lại không cao.
Theo Cục trưởng, tính đến ngày 31/12/2020, lũy kế giai đoạn 2016 - 2020 cả nước đã có 180 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa, với tổng giá trị doanh nghiệp là 489.690 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 233.792 tỷ đồng.
Ở nước ta hiện nay tồn tại hai giá đất: giá nhà nước và giá thị trường. Việc xác định giá trị đất đai không chính xác đã gây thất thoát vốn nhà nước hàng nghìn tỷ đồng trong quá trình cổ phần hóa, thoái vốn. Theo Kiểm toán Nhà nước, kiểm toán giai đoạn 2016 - 2020 đã xác định tăng giá trị phần vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp thêm gần 15.500 tỷ đồng. Trong đó, một phần lớn số tiền chưa được tính đúng tính đủ là từ đất đai.
Vấn đề nóng nhất được quan tâm vẫn là tránh thất thoát tài sản Nhà nước chính là đất đai. Các sai phạm trong xác định giá trị đất đai thể hiện ở nhiều hình thức như: cơ quan quản lý lách luật, tách lô đất lớn thành nhiều thửa có giá trị dưới 10 tỷ đồng để cho thuê đất theo bảng giá đất do UBND tỉnh ban hành thay vì đấu thầu theo quy định.
Lãnh đạo bộ nêu, một số DNNN không áp dụng đơn giá xây dựng cơ bản do cơ quan có thẩm quyền ban hành tại thời điểm gần nhất với thời điểm định giá trong việc định giá tài sản nhà cửa vật kiến trúc; nhiều DNNN được giao quản lý sử dụng những địa điểm “đất vàng” có giá trị lên tới hàng nghìn tỷ đồng, nhưng nhưng trong tiến trình cổ phần hóa, định giá đất đai rẻ hơn rất nhiều so với giá trị thị trường; một số doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa đã chuyển đổi mục đích sử dụng đất, ví dụ thành các dự án nhà ở thương mại để thu lợi nhuận lớn.
Ngoài ra, khi được cơ quan có thẩm quyền cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất, DNNN không tính giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa và không thực hiện đấu giá khi cổ phần hóa. Những sai phạm, kẽ hở trên đã dẫn đến thất thoát ngân sách nhà nước và tạo cơ hội cho hoạt động đầu cơ, trục lợi; làm méo mó môi trường kinh doanh và sự cạnh tranh lành mạnh của thị trường.