Thủ tướng chỉ đạo Bộ Xây dựng gỡ vướng cho Novaland
Thủ tướng Chính phủ vừa có công văn gửi Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đề nghị làm việc trực tiếp với ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Novaland để tháo gỡ vướng mắc tại các dự án của Novaland tại Đồng Nai và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, Thủ tướng đề nghị Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị trực tiếp làm việc với ông Bùi Thành Nhơn - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Novaland và báo cáo lại Thủ tướng.
Chỉ đạo này được Thủ tướng Chính phủ đưa ra sau khi nhận được Công văn số 543 của Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc chuyển đơn của Công ty Cổ phần Tập đoàn đầu tư địa ốc Nova - Đồng Nai về việc đề nghị khẩn cấp tháo gỡ vướng mắc tại các dự án mà công ty này đang triển khai ở Đồng Nai.
Trong đơn "cầu cứu" gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội do ông Bùi Thành Nhơn viết ngày 25/4/2023, có nội dung: Novaland đang làm chủ đầu tư các dự án tại tỉnh Đồng Nai. Tuy nhiên, việc triển khai các dự án này đang bị tạm dừng chủ yếu do các khó khăn, vướng mắc liên quan đến điều chỉnh quy hoạch.
Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã lập tổ công tác để rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp. Đặc biệt, đối với dự án của Novaland, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà giao Bộ Xây dựng chủ trì phối hợp với Bộ Tài nguyên - Môi trường thành lập tổ công tác làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bình Thuận để giải quyết các khó khăn, vướng mắc tại các dự án của Novaland ở hai tỉnh này.
Theo đó, tại Đồng Nai, Novaland hiện đang là chủ đầu tư của 9 dự án. Đây là các dự án thành phần của dự án khu đô thị kinh tế mở Long Hưng và dự án khu đô thị dịch vụ thương mại cao cấp cù lao Phước Hưng. Cả hai dự án trên đều thuộc phân khu C4, TP. Biên Hòa, trên cơ sở việc tách dự án hoặc Novaland nhận chuyển nhượng một phần dự án từ các chủ đầu tư cấp một của các dự án trên.
Tại thời điểm chuyển nhượng dự án, cơ quan chức năng đã chấp thuận chủ trương đầu tư, phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500, giao đất, cấp phép xây dựng và trên thực tế Novaland đã tiến hành việc đầu tư xây dựng công trình tại dự án. Tuy nhiên, gần 2 năm nay, việc phê duyệt các quy hoạch liên quan bị kéo dài khiến Novaland không thể thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng để triển khai kinh doanh tại dự án này do không đồng bộ giữa quy hoạch chung TP.Biên Hòa, quy hoạch phân khu C4 và quy hoạch 1/500 của dự án. Đồng thời, vấn đề bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội tại các dự án nên trên cũng vướng do các quy định chưa thống nhất.
Ông Bùi Thành Nhơn cũng cho biết, Novaland đang gặp khó khăn và đã gửi nhiều đơn cầu cứu đến các cấp lãnh đạo và đã nhận được nhiều sự phản hồi, hỗ trợ. Tuy nhiên, đến nay, các vướng mắc của Novaland tại các dự án nêu trên vẫn chưa được giải quyết, chưa có phương án tháo gỡ cụ thể và Novaland chưa thể tiếp tục tiến hành các hoạt động đầu tư, kinh doanh tại các dự án nêu trên dẫn đến nguy cơ đổ vỡ do không có dòng tiền hoạt động. Hiện ngân hàng vẫn khóa tất cả các nguồn tiền, kể cả doanh thu bán hàng và trừ dần vào lãi vay phát sinh. Mỗi ngày Novaland và Nova Group phải trả trung bình 50 tỉ đồng.
Ngoài ra, công ty gặp khó khăn đã gây ra các hệ lụy xấu như ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội do khách hàng khiếu kiện và có xu hướng tiêu cực do Novaland chậm hoàn thiện pháp lý như cam kết. Nợ xấu ảnh hưởng đến an sinh xã hội do mất hàng chục ngàn, hàng trăm ngàn công ăn việc của người lao động. Nợ xấu ảnh hưởng dây chuyền đến các khách hàng, nhà thầu, doanh nghiệp, ngân hàng và ảnh hưởng đến đà phát triển kinh tế. Các dự án sẽ bị hoang vắng lâu năm vì tình trạng pháp lý kéo dài, lãng phí nguồn lực và tài sản của xã hội. Ảnh hưởng đến việc phát triển đô thị, môi trường đầu tư và uy tín Việt Nam.
"Với nhiệt huyết mong muốn góp phần vào sự phát triển quốc gia, Novaland đã mạnh dạn nhận chuyển nhượng lại các dự án quy mô lớn bị chậm triển khai ở những khu vực kinh tế xã hội còn khó khăn. Bằng năng lực, thương hiệu và uy tín, Novaland đã biến những khu vực đó thành các khu đô thị hiện đại, nâng cao đời sống người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Novaland đang là công ty đại chúng có hơn 60.000 cổ đông, là thương hiệu quốc gia.
Tài sản của Novaland tạo ra là tài sản của xã hội và khó khăn của Novaland là khó khăn chung của toàn ngành bất động sản. Do đó, Novaland khẩn thiết kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, có ý kiến chỉ đạo các cơ quan chức năng có phương án tháo gỡ khẩn cấp vướng mắc tại các dự án nêu trên của Novaland để giúp công ty vượt qua giai đoạn khó khăn và tránh những hệ lụy xấu có thể xảy ra trong thời gian tới nếu các vướng mắc của dự án này không được tháo gỡ", ông Bùi Thành Nhơn viết.