Thí điểm tuyến vận tải Hà Nội – Sa Pa: Lo ngại “tiền hậu bất nhất”
Việc thí điểm tuyến vận tải mới từ Giáp Bát, Nước Ngầm đi Lào Cai, Sapa đang gây ý kiến trái chiều, nhất là lo ngại phá vỡ quy hoạch luồng tuyến, nguy cơ “bùng nổ” xe khách chạy xuyên tâm, đặc biệt dễ phát sinh tiêu cực.
UBND TP Hà Nội vừa chấp thuận kiến nghị của Sở GTVT Hà Nội cho phép thí điểm tuyến vận tải mới từ bến xe Giáp Bát đi bến xe TP Lào Cai, bến xe Nước Ngầm đi bến xe Sa Pa theo phương án khai thác tuyến cố định, không khai thác vào những khung giờ cao điểm tại Hà Nội để tránh ách tắc giao thông.
Trong khi từ năm 2017 đến nay, Hà Nội vẫn đang thực hiện việc sắp xếp luồng tuyến vận tải khách liên tỉnh theo phương án phân luồng xe đến từ hướng nào sẽ vào bến đầu tiên của hướng đó.
Đáng chú ý, chỉ ít ngày sau khi Sở GTVT đề xuất thí điểm tuyến vận tải nêu trên, Sở GTVT Hà Nội bất ngờ có văn bản đề nghị Vụ Vận tải - Bộ GTVT và Cục Đường bộ Việt Nam, Sở GTVT các tỉnh không chấp thuận đối với đề xuất điều chỉnh bổ sung hành trình tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh có hành trình mang tính chất xuyên tâm qua thành phố Hà Nội và không theo nguyên tắc đã đề ra tại Quyết định số 927 của Bộ GTVT.
Quyết định này ngay lập tức đã nhận được nhiều ý kiến của các chuyên gia giao thông, doanh nghiệp vận tải lo ngại phá vỡ quy hoạch luồng tuyến, nguy cơ “bùng nổ” xe khách chạy xuyên tâm, đặc biệt dễ phát sinh tiêu cực.
Không chạy “xuyên tâm”
Liên quan tới vấn đề này, bên lề tọa đàm “Quy định luồng tuyến vận tải khách liên tỉnh Hà Nội: Giữ hay bỏ?”, ông Nguyễn Xuân Thủy, Phó vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ GTVT cho biết, quy định về luồng tuyến vận tải đã được đề cập trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật và được tiếp tục cụ thể hóa tại Nghị định 41 ban hành vào tháng 4/2024.
Nghị định 41 đã phân cấp triệt để, cụ thể cho địa phương trong việc điều chỉnh, sắp xếp, bổ sung danh mục luồng tuyến vận tải khách liên tỉnh, để đảm bảo thuận lợi cho công tác quản lý và phù hợp với từng tỉnh, thành; sao cho hành khách đi tuyến vận tải cố định tiếp cận các tuyến xe phù hợp nhất, dễ dàng nhất.
Tại dự thảo Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Đường bộ đang được trình Chính phủ, quy định luồng tuyến vận tải cũng được đề cập nhằm giữ sự ổn định để các doanh nghiệp đầu tư, khai thác ổn định các tuyến vận tải.
“Việc thực hiện quy định luồng tuyến vận tải là bắt buộc, bởi đó là đặc thù, đặc trưng nhất của vận tải tuyến cố định liên tỉnh. Trên thực tế, 8 năm qua, việc sắp xếp, chỉnh luồng lại các tuyến vận tải của Hà Nội được đánh giá đạt hiệu quả cao”, ông Thuỷ nhấn mạnh.
Tuy nhiên, ông Thuỷ cũng bày tỏ lo ngại: Nếu thời gian tới đây, nhiều doanh nghiệp ở các địa phương tiếp tục đề nghị thí điểm giống như trường hợp mới đây thì Hà Nội sẽ xử lý thế nào?
“Tôi nghĩ, trước mắt Hà Nội cần rà soát lại công suất của các bến xe xem thực tế có thể đáp ứng tới đâu, nếu có đơn vị khác xin thí điểm thì sẽ đáp ứng được thêm bao nhiêu chuyến.
Đối với doanh nghiệp đã được chấp thuận thí điểm, cơ quan quản lý Nhà nước cần phải giám sát thường xuyên, xem đơn vị có chạy đúng biểu đồ, đúng tuyến không, nếu vi phạm phải cho dừng ngay. Đồng thời, khi có doanh nghiệp vận tải thí điểm, cũng sẽ nảy sinh đơn vị vận tải khác hoạt động “trá hình”, phải nghiên cứu, có chế tài xử phạt nghiêm.
Giải đáp tình huống nếu nhiều doanh nghiệp vận tải khác cũng đề nghị xin thí điểm thì có chấp thuận không, có nguy cơ phá vỡ luồng tuyến theo quy hoạch hay không? ông Nguyễn Tuyển, Trưởng phòng Quản lý vận tải (Sở Giao thông vận tải Hà Nội) khẳng định, khi làm thí điểm, cơ quan quản lý sẽ phải cân nhắc, lựa chọn kỹ lưỡng, khó có thể đại trà.
Hiện nay, các tuyến xe khách từ miền Trung ra Hà Nội chỉ dừng lại ở Bến xe Nước Ngầm, Giáp Bát khiến khách có nhu cầu đi Lào Cai, Sa Pa khó tiếp cận tới các nhà xe chạy tuyến Hà Nội - Lào Cai, Sa Pa, vốn chỉ hoạt động tại Bến xe Mỹ Đình. Điều này tạo điều kiện cho xe trá hình cạnh tranh không bình đẳng với các đơn vị tuyến cố định.
“Khi làm thí điểm, phải có thời gian thực hiện nhất định khoảng 6 tháng đến 1 năm. Trong thời gian đó, nếu như đơn vị không thực hiện đúng như những đề xuất, cam kết thì không cần phải hết thời gian thí điểm, không đúng cam kết sẽ có thể dừng ngay.
Còn với đơn vị nào có nhu cầu tiếp tục đăng ký tham gia, chúng tôi sẽ căn cứ vào tình hình thực tiễn, lưu lượng khách từ đó có quyết định. Cần thiết vẫn có thể thêm doanh nghiệp, tăng lưu lượng để có thể đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân”, ông Tuyển nói.
Lo ngại “tiền hậu bất nhất”
Trong khi đó, các chuyên gia lo ngại rằng, trong bối cảnh nhiều năm qua Hà Nội vẫn loay hoay với “bài toán” chống ùn tắc giao thông mà chưa tìm ra được lời giải, với quyết định này sẽ đi ngược lại với những nỗ lực cải thiện tình hình giao thông Thủ đô.
Ông Đỗ Xuân Hoa, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam cho hay: “Việc Hà Nội tổ chức vận tải theo hướng tuyến từ cuối năm 2016 cho thấy tác dụng rất tốt, là cách làm khoa học, bảo đảm trật tự an ninh trên địa bàn, giảm ùn tắc giao thông. Ban đầu một vài doanh nghiệp thực hiện còn khó khăn nhưng sau 8 năm, đến nay cơ bản mọi vấn đề đều ổn định. Không chỉ ở Hà Nội mà ở TP.HCM, các bến xe miền Đông, miền Tây từ trước đến nay cũng đều phục vụ các xe vận tải khách liên tỉnh theo hướng tuyến, góp phần giảm ùn tắc giao thông”.
Đồng thời, nhấn mạnh: Việc tổ chức vận tải theo hướng tuyến là rất cần thiết. Chính vì vậy, Hiệp hội đã có nhiều văn bản trong góp ý dự thảo Nghị định về quản lý hoạt động vận tải đường bộ về việc cần giữ quy định hướng tuyến.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông cho rằng, mục tiêu của vận tải hành khách là nhanh, rẻ, an toàn, tiện nghi và văn hoá. Sắp xếp được các tuyến vận tải sẽ tránh được sự trùng lắp, hạn chế phương tiện lưu thông xuyên tâm thành phố, nâng cao tính an toàn.
“Việc mở thêm tuyến vận tải mới, đáp ứng nhu cầu của người dân là cần thiết nhưng tiêu chí phải rõ ràng, minh bạch. Cần đặc biệt lưu ý, việc mở tuyến sẽ dễ tạo ra tiền lệ, một nơi thí điểm sẽ có thêm nhiều nơi muốn mở theo kiểu “trăm hoa đua nở” vì bài toán lợi nhuận”, TS Nguyễn Xuân Thủy nêu rõ.