Tesla không giữ "con át chủ bài"
Hệ thống Supercharger của Tesla là mạng lưới sạc xe điện lớn nhất nước Mỹ và là con át chủ bài của Tesla so với các đối thủ khác. Việc CEO Elon Musk sa thải hầu hết nhân viên phụ trách Supercharger là đòn giáng mạnh vào nỗ lực xây dựng mạng lưới trạm sạc ở quốc gia này.
Cả ngành xe điện choáng váng!
Sau phòng marketing, làn sóng sa thải tại Tesla mới đây đã lan sang cả một bộ phận ít ai ngờ tới đó là mảng phát triển sạc xe điện. Theo Reuters, công ty này sẽ cắt giảm 2 vị trí lãnh đạo, đồng thời sa thải 500 nhân viên phục vụ hệ thống trạm sạc nhanh Supercharger.
Theo đó, Elon Musk cho rằng doanh số sụt giảm cộng với sự trì trệ trong tiến độ cắt giảm nhân sự là nguyên nhân chính cho đợt sa thải lần này. Vị CEO này đồng thời cho biết sẽ có nhiều đợt cắt giảm tiếp theo trong tương lai, cảnh báo các nhân sự cấp cao cần phải nghiêm túc thực hiện các biện pháp nhằm thu hẹp quy mô đội ngũ nhân sự.
Động thái này gây bất ngờ bởi mạng lưới trạm sạc nhanh Supercharger được xem như lợi thế chính của Tesla so với các đối thủ trong mảng xe điện. Trước đó, hãng cũng đã đầu tư vô cùng nhiều nguồn lực để xây dựng 6.000 trạm sạc nhanh với tổng cộng gần 55.000 đầu sạc. Đồng thời, Tesla cũng hợp tác với Ford, GM cùng các công ty khác trong ngành nhằm đảo bảo các ô tô điện sẽ được trang bị chuẩn sạc Tesla NACS, giúp các hãng xe có thể sử dụng trạm sạc của Tesla. Thỏa thuận này được đánh giá sẽ mang tới cho Tesla nguồn lợi nhuận cực lớn trong tương lai nhưng điều đó giờ đây gặp phải sự nghi ngại vì động thái mới nhất của hãng.
GM và Ford cho biết, quyết định của Tesla không ảnh hưởng tới họ. Hai tập đoàn này cũng khẳng định sẽ không thay đổi kế hoạch trang bị cho xe điện của mình các đầu sạc chuẩn NACS để cho phép chủ xe điện các hãng Chevrolet, Cadillac và Ford tới sạc tại các trạm Tesla như thỏa thuận. Trong khi đó, 7 hãng xe lớn bao gồm Mercedes, General Motors, Stellantis, Honda, BMW, Hyundai và Kia đã bắt tay thành lập liên doanh mang tên Ionna để phát triển mạng lưới trạm sạc nhanh, cạnh tranh trực tiếp với Supercharger của Tesla.
Theo nguồn tin của Wall Street Journal (WSJ), kế hoạch sa thải của Tesla có phạm vi rất rộng, bao gồm nhân viên bán hàng cho đến những người giám sát việc xây dựng các trạm sạc. Các nhà thầu và giám đốc tại những nhà sản xuất ô tô hợp tác với Tesla cho biết rất nhiều người thấy bối rối về tương lai của mạng lưới sạc xe điện này.
Musk cho biết rằng tốc độ phát triển của hệ thống Supercharger sẽ chậm hơn và hãng giờ sẽ tập trung nguồn lực để duy trì chất lượng trạm sạc hiện hữu. Tuy nhiên, tỷ phú này không đề cập tới việc ai sẽ làm việc đó cho họ khi các nhân sự của bộ phận đều đã bị sa thải.
Một số nhà phân tích trong ngành cho biết, có thể CEO Elon Musk giải tán bộ phận Supercharger hiện tại để xây dựng một đội ngũ tinh gọn hơn và ít tốn kém hơn để điều hành các hoạt động.
Tesla đối mặt nhiều khó khăn
Động thái này diễn ra sau khi Tesla công bố kế hoạch cắt giảm 10% lực lượng lao động toàn cầu % (tương đương khoảng 14.000 việc làm) nhân lực ở mọi mảng vận hành từ sản xuất, điều hành tới các dịch vụ khác. Trong khi đó, doanh số bán hàng suy giảm lần đầu tiên trong vòng 4 năm, cụ thể, trong quý I, Tesla bán được 386.810 xe trên toàn cầu, giảm 8,5% so với cùng kỳ năm 2023. Gần đây, gần 2.700 trong số khoảng 14.000 nhân viên tại trụ sở Tesla ở Austin, Texas, đã bị mất việc.
Bên cạnh đó, Tesla cũng đang vướng phải không ít vấn đề liên quan đến sản xuất và chất lượng sản phẩm. Hãng liên tục gặp khó khăn trong việc đạt được mục tiêu sản xuất đề ra, đặc biệt là với mẫu xe Model 3. Nhiều khách hàng cũng phàn nàn về chất lượng và độ hoàn thiện của xe, gây ảnh hưởng đến uy tín của thương hiệu.
Một thách thức khác mà Tesla phải đối diện là sự cạnh tranh ngày càng gay gắt từ các hãng xe truyền thống lẫn các công ty công nghệ khác. Nhiều ông lớn như Volkswagen, General Motors, Hyundai đang ồ ạt đầu tư vào thị trường xe điện và phát triển hạ tầng sạc. Apple, Xiaomi và nhiều gã khổng lồ công nghệ cũng đang nhòm ngó thị phần của Tesla. Áp lực cạnh tranh khiến cho Tesla không thể "ngủ quên" trên chiến thắng.
Ngoài ra, tình hình tài chính và biến động giá cổ phiếu cũng là những vấn đề nhức nhối với Tesla. Hãng liên tục báo lỗ trong nhiều quý liên tiếp, khiến giới đầu tư nghi ngại về khả năng sinh lời và bền vững của công ty. Cổ phiếu Tesla cũng trải qua nhiều đợt tăng giảm thất thường, gây rủi ro cho các nhà đầu tư. Tuần trước, Tesla thông báo lợi nhuận quý I rơi xuống mức thấp nhất kể từ năm 2021.
Tại Mỹ, Tesla là công ty xây dựng được hệ thống trạm sạc trên đường cao tốc hoàn thiện nhất và đây được coi là mấu chốt để xe điện đến gần với người tiêu dùng hơn. Việc công ty của Elon Musk thoái lui khỏi lĩnh vực sạc xe có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ thị trường xe điện Mỹ.
Trong thời gian qua, Tesla đã mở cửa các trạm sạc Supercharger cho những loại ô tô khác. Mùa hè năm ngoái, nhiều nhà sản xuất xe điện thông báo sẽ chuyển đổi sang đầu nối sạc do Tesla thiết kế và ký kết thỏa thuận để khách hàng có thể tiếp cận với Supercharger. Mối quan hệ hợp tác đó có lợi cho kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng sạc xe điện toàn quốc. Các bang đã bắt đầu phân bổ tiền để phát triển mạng lưới cao tốc quốc gia theo luật cơ sở hạ tầng liên bang năm 2021. Bản thân Tesla cũng nhận được trợ cấp công.
Hôm 30/4, CEO Elon Musk đăng trên mạng xã hội X: “Tesla vẫn dự định phát triển mạng lưới Supercharger. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ giảm tốc độ xây dựng các địa điểm mới, đồng thời tập trung nhiều hơn vào việc tối ưu hóa thời gian hoạt động của các cây sạc và mở rộng những địa điểm cũ”.