Tạo thêm điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xúc tiến thương mại
Bộ Công Thương đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại do còn nhiều vướng mắc bất cập cần sớm hoàn thiện.
Sau 5 năm có hiệu lực thi hành, Nghị định số 81/2018/NĐ-CP đã bộc lộ một số những vướng mắc, bất cập cần sớm được sửa đổi, bổ sung để đảm bảo điều kiện thuận lợi cho các thương nhân khi thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại và các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động này.
Tại một số điều, khoản của Nghị định số 81/2018/NĐ-CP quy định cụm từ "hàng hóa khuyến mại" và "hàng hóa, dịch vụ khuyến mại" là không rõ ràng do không thể xác định được đây là hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại hay là hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại. Do vậy, những quy định này sẽ gây khó khăn cho thương nhân và cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình thực hiện và giải quyết thủ tục hành chính trong hoạt động khuyến mại.
Khoản 4 Điều 19 Nghị định số 81/2018/NĐ-CP quy định thành phần hồ sơ đăng ký thực hiện chương trình khuyến mại bao gồm "01 bản sao không cần chứng thực giấy tờ về chất lượng của hàng hóa khuyến mại theo quy định của pháp luật". Trường hợp các thương nhân là siêu thị điện máy, trung tâm thương mại, cửa hàng kinh doanh tổng hợp,… thực hiện khuyến mại cho tất cả những sản phẩm, hàng hóa mà mình kinh doanh sẽ gặp khó khăn khi nộp các tài liệu này do số lượng hàng hóa được khuyến mại là rất nhiều, đa dạng về chủng loại.
Khoản 1 Điều 13 Nghị định số 81/2018/NĐ-CP hiện quy định: "Việc xác định trúng thưởng trong chương trình khuyến mại mang tính may rủi phải có sự chứng kiến của khách hàng…" mà không nêu rõ sự chứng kiến của khách hàng là trực tiếp hay gián tiếp nên gây khó khăn trong quá trình thực hiện.
Điểm a khoản 5 Điều 6 Nghị định số 81/2018/NĐ-CP hiện quy định: Chương trình khuyến mại tập trung gồm "Chương trình do cơ quan nhà nước (cấp trung ương và cấp tỉnh) chủ trì tổ chức, trong một khoảng thời gian xác định, theo hình thức giờ, ngày, tuần, tháng, mùa khuyến mại nhằm thực hiện các chính sách phát triển kinh tế có mục tiêu của Quốc gia, của địa phương…".
Nhìn từ thực tế hiện nay, để phát triển hoạt động du lịch, kinh tế, xã hội của địa phương và đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm chính hãng là hàng tồn kho, hàng lỗi mốt, hàng có nhược điểm, hàng chuyên sản xuất để bán giảm giá,… tại các tỉnh, thành phố đã xuất hiện các cửa hàng, trung tâm chuyên bán các sản phẩm này. Tuy nhiên, do các chương trình theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều 6 nêu trên chỉ được thực hiện trong một khoảng thời gian xác định nên hiệu quả hoạt động của các cửa hàng và trung tâm này là chưa cao.
Gần đây, số lượt hồ sơ thủ tục hành chính thông báo hoạt động khuyến mại do các Sở Công Thương tiếp nhận và giải quyết càng ngày càng tăng cao, đặc biệt trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Hà Nội. Vì vậy, áp lực trong công tác giải quyết thủ tục hành chính của các Sở Công Thương là rất lớn, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước không được đảm bảo, các doanh nghiệp cũng mất nhiều thời gian, chi phí để thực hiện thủ tục hành chính.
Cụ thể hóa, đơn giản hóa, thực hiện hiện đại hóa các thủ tục hành chính
Từ thực tiễn nêu trên, Bộ Công Thương đã tiến hành nghiên cứu, rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định số 81/2018/NĐ-CP theo hướng tiếp tục quy định cụ thể hơn một số nội dung của Luật Thương mại và đơn giản hóa các thủ tục hành chính về khuyến mại để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và cho cơ quan quản lý nhà nước trong thực thi.
Trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị định, Bộ Công Thương xác định việc xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 81/2018/NĐ-CP ngày 22 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại bám sát những quan điểm chỉ đạo sau:
Bảo đảm sự phù hợp của các quy định trong Nghị định với quy định của Luật Thương mại năm 2005, Nghị định số 81/2018/NĐ-CP và đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Cụ thể hóa, đơn giản hóa và thực hiện hiện đại hóa các thủ tục hành chính đối với các hoạt động xúc tiến thương mại.
Tập trung vào các nguyên tắc công khai, minh bạch, trung thực, cụ thể hóa, bảo đảm sự cạnh tranh lành mạnh trên thị trường, kết hợp với các chủ trương cải cách hành chính và nguyên tắc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Hoàn thiện hành lang pháp lý bảo đảm quyền tự do kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khi thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại đồng thời giúp các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực xúc tiến thương mại.