Tăng cường hệ thống ATGT đường HCM ở Kon Tum
Hàng năm, Bộ GTVT đã bố trí kinh phí để sửa chữa định kỳ đối với đoạn tuyến có tấm BTXM bị hư hỏng nặng và chỉ đạo Cục ĐBVN, Khu QLĐB III yêu cầu các đơn vị quản lý, bảo dưỡng thường xuyên thực hiện sửa chữa đối với những tấm BTXM bị hư hỏng nhẹ.
Bộ GTVT vừa trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Kon Tum về việc sớm đầu tư sửa chữa, cải tạo, tăng cường hệ thống ATGT đường HCM đoạn qua địa bàn.
Theo Bộ GTVT, đường Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Kon Tum (từ Km 1407+00 đến Km1564+327) có chiều dài khoảng 160 km; trong đó đoạn đèo Lo Xo (từ Km1407 đến Km1431+127) được xây dựng hoàn thành và bàn giao đưa vào khai thác từ năm 2005, có chiều rộng nền đường 9m; chiều rộng mặt đường 7m, chiều rộng lề đường 2m; mặt đường bằng bê tông xi măng (BTXM) dày 22cm.

Do mặt đường BTXM được thi công theo từng tấm với kích thước trung bình dài 5m, rộng 3,5m, bố trí dọc theo vệt xe chạy ½ mặt đường và đưa vào khai thác từ lâu (từ năm 2005 đến nay), nên hiện nay mặt đường BTXM đã xuất hiện nhiều hư hỏng
Đề nghị Bộ sớm đầu tư sửa chữa, cải tạo, tăng cường hệ thống ATGT đường Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Kon Tum, nhất là đoạn Đèo Lò Xo thuộc địa bàn huyện Đắk Glei, vì hiện nay đoạn tuyến này nhiều vị trí đã bị hư hỏng gây mất an toàn giao thông.
Cử tri tỉnh Kon Tum
Những năm qua, Bộ GTVT đã cho phép đầu tư đồng bộ hệ thống an toàn giao thông (ATGT) bao gồm: cọc tiêu dẫn hướng, mắt phản quang, tại các đoạn đường cong đã được lắp đặt hộ lan bằng lốp cao su với chiều dài trên 4000m, những đoạn đèo có độ dốc lớn đã được bổ sung hàng loạt hệ thống gờ giảm tốc, biển cảnh báo và đặc biệt là 14 hốc cứu nạn. Từ khi triển khai đồng bộ các giải pháp đảm bảo an toàn trên cung đèo Lò Xo, các vụ tai nạn đã giảm đáng kể, không còn tai nạn nghiêm trọng xảy ra.
Do mặt đường BTXM được thi công theo từng tấm với kích thước trung bình dài 5m, rộng 3,5m, bố trí dọc theo vệt xe chạy ½ mặt đường và đưa vào khai thác từ lâu (từ năm 2005 đến nay), nên hiện nay mặt đường BTXM đã xuất hiện nhiều hư hỏng. Hàng năm, Bộ GTVT đã bố trí kinh phí để sửa chữa định kỳ đối với đoạn tuyến có tấm BTXM bị hư hỏng nặng và chỉ đạo Cục ĐBVN, Khu QLĐB III yêu cầu các đơn vị quản lý, bảo dưỡng thường xuyên thực hiện sửa chữa đối với những tấm BTXM bị hư hỏng nhẹ như: hư hỏng khe co, giãn, mặt BTXM bị rạn nứt, nứt vỡ góc.
Cụ thể, năm 2022 đã tiến hành sửa chữa đột xuất hư hỏng nền, mặt đường BTXM đoạn Km1380+680 – Km1431+127 đường Hồ Chí Minh, tỉnh Quảng Nam và Kon Tum; hiện tại công trình đang triển khai thi công đạt >50% khối lượng hợp đồng, dự kiến công trình hoàn thành trong tháng 3/2023. Năm 2023, dự án sửa chữa mặt đường BTXM, hoàn thiện hệ thống ATGT đoạn Km1407+495 - Km1431+127, đường Hồ Chí Minh, tỉnh Kon Tum đã được phê duyệt, đang tiến hành công tác đấu thầu để triển khai thi công, dự kiến hoàn thành vào tháng 8 năm 2023.
Đường Hồ Chí Minh qua địa bàn tỉnh Kon Tum, từ Đăk Glei đến thành phố Kon Tum là tuyến giao thông huyết mạch, hàng ngày có lượng phương tiện qua lại nhiều. Tuy nhiên, qua quá trình thực tiễn khai thác, tuyến đường có nhiều điểm chưa thực sự hợp lý, mất an toàn giao thông. Theo khảo sát của Phòng Cảnh sát giao thông tỉnh và Công an các huyện, trên đường Hồ Chí Minh đã phát hiện, thống kê có hàng chục những bất cập cũng như những điểm mất an toàn giao thông.
Theo Trung tá Lê Quang Chính- Phó trưởng Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh Kon Tum), đa số các vụ tai nạn, va chạm giao thông xảy ra trên tuyến đường Hồ Chí Minh qua địa bàn xã Tân Cảnh (huyện Đăk Tô) thường xảy ra vào thời điểm nhá nhem tối, vào ban đêm và khi trời mưa. Nguyên nhân một phần do ý thức của người tham gia giao thông còn hạn chế, trời mưa, đường trơn.
Ngoài ra, một nguyên nhân cũng không kém phần quan trọng là hệ thống biển cảnh báo trên đoạn đường này còn thiếu, trong khi đó, đoạn đường Hồ Chí Minh qua xã Tân Cảnh có nhiều đường gom từ khu dân cư nối với Quốc lộ, dân cư đông, người tham gia giao thông nhiều. Bên cạnh đó, đoạn đường này khá thẳng, đẹp nên một số lái xe chủ quan, phóng nhanh, không làm chủ tốc độ, khi phát hiện người đi xe máy từ trong đường gom lao ra bất ngờ thì không xử lý kịp dẫn đến tai nạn. Đặc biệt, đoạn cầu Đăk Mốt, cầu Tri Lễ có thể do kết cấu mặt đường chưa đảm bảo yếu tố kỹ thuật nên tại khu vực này thời gian qua đã xảy ra rất nhiều vụ xe tự lật lao xuống vệ đường.
Ông Mai Huy Hưng - Chủ tịch UBND xã Tân Cảnh cho biết, trước tình trạng thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông, người dân và chính quyền xã đã nhiều lần phản ánh và đề nghị ngành chức năng có các biện pháp khắc phục nhằm kiềm chế tai nạn. Tuy nhiên, việc khắc phục chưa đảm bảo và triệt để. Chúng tôi đề nghị thời gian tới, ngành chức năng cần tăng dày thêm biển báo, biển cảnh báo, biển hạn chế tốc độ, sơn gờ giảm tốc, làm đường gom. Tại đoạn cầu Tri Lễ đề nghị nâng cao mặt cầu và đường để tránh ngập. Đặc biệt, cần lắp camera giám sát và xử phạt nguội để hạn chế tốc độ và xử lý nghiêm xe vi phạm về tốc độ, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông.