Siêu xe bị "bỏ rơi" ở Dubai
Cảnh tượng những siêu xe trị giá hàng triệu USD, bao gồm cả những siêu xe hàng hiếm bị bỏ rơi, phủ bụi là chuyện thường thấy ở thành phố Dubai, thủ đô của UAE.
Theo Hotcars, nếu so sánh với số liệu tại các quốc gia như Mỹ hay Anh Quốc, khoảng hơn 3.000 ôtô bị bỏ lại mỗi năm ở Dubai chỉ là con số nhỏ. Tuy nhiên, các cuộc khảo sát ở Anh cho biết các dòng xe bị bỏ rơi nhiều nhất tại nước này bao gồm nhiều mẫu phổ thông Ford Transit, Vauxhall Astra, Ford Focus, Vauxhall Corsa và Volkswagen Golf.
Tại Mỹ, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng lượng ôtô bị bỏ lại nhiều nhất là những dòng xe cũ và các ôtô đã qua sử dụng. Ở Dubai thì khác, hầu hết trong số khoảng hơn 3.000 mẫu ôtô bị bỏ rơi mỗi năm tại Dubai là những mẫu siêu xe đến từ các thương hiệu như Ferrari, Bugatti, Audi, BMW, Lamborghini cùng nhiều hãng xe danh tiếng khác như Rolls-Royce, Bentley.
Người phụ trách Cục Quản lý môi trường của Dubai cho biết, nếu một chiếc ôtô bất kỳ trở thành vật cản đối với các phương tiện giao thông khác, cảnh sát sẽ di dời chiếc xe đó sang một địa điểm khác. Từ đó, chiếc xe có thể sẽ nằm nguyên tại vị trí được kéo đến trong hàng năm liền, ví dụ trong nhiều trường hợp là bãi giữ xe ở các sân bay.
Những chiếc xe cao cấp bị bỏ rơi tại Dubai không hẳn xuất phát từ việc những chủ nhân giàu có của chúng đã tìm được một chiếc xe khác, sang trọng và hợp sở thích hơn. Các vấn đề về tiền bạc (các khoản nợ) và luật pháp nghiêm ngặt của Dubai là những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng hàng nghìn mẫu xe sang bị bỏ rơi lại thành phố này.
Nhiều người nước ngoài tìm đến UAE để tìm kiếm cơ hội và xây dựng cuộc sống mơ ước ở Dubai, nhưng rốt cuộc lại rơi vào tình cảnh thất bại. Trong quãng thời gian tại Dubai, họ đã xoay sở để mua những chiếc siêu xe đúng với giấc mơ của mình, để rồi sau cùng chẳng thể kiếm đủ tiền để trả cho chiếc xe.
Hậu quả, những người này nhận ra họ chẳng còn lựa chọn nào khác ngoài việc rời bỏ đất nước vùng vịnh nếu không muốn chịu cảnh ngục tù. Hệ thống luật Sharia mà Dubai áp dụng coi những khoản nợ chưa trả là tội hình sự và có thể khiến người phạm tội bị trừng phạt, ngay cả khi họ đã tuyên bố phá sản. Không chỉ người nước ngoài, đã có không ít người dân bản địa cũng gặp rắc rối khi vướng phải những điều luật Sharia khắc nghiệt.
Với trường hợp các ôtô bị bỏ lại, cảnh sát Dubai sẽ gửi một thông báo đến chủ xe, trước khi tiến hành tịch thu cách đó 15 ngày nếu chủ xe không có bất kỳ phản hồi nào. Tuy vậy, chủ xe vẫn còn khoảng thời gian 6 tháng để liên hệ với chính quyền và nhận lại chiếc xe từng thuộc sở hữu của mình. Nếu thời hạn nói trên kết thúc mà vẫn chưa có người liên hệ để nhận lại, chiếc ôtô kia sẽ được mang ra đấu giá với mức khởi điểm khá hời.