Sản phẩm du lịch - độc chiêu hút khách của các điểm đến
Mô hình phát triển các sản phẩm đặc trưng tại mỗi điểm đến chính là tín hiệu tích cực giúp giữ chân khách du lịch, kéo dài thời gian lưu trú, kích cầu hoạt động mua sắm, chi tiêu và gia tăng doanh thu du lịch.
Đa dạng “vũ khí cạnh tranh”
Việt Nam sở hữu nguồn tài nguyên du lịch phong phú khiến nhiều quốc gia trên thế giới phải ghen tị. Tuy nhiên, việc phát triển các loại hình sản phẩm du lịch lại chưa được chú trọng. Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc về Du lịch năm 2023 vừa diễn ra với chủ đề “Đẩy nhanh phục hồi - Tăng tốc phát triển, đại diện Bộ VHTT&DL cho biết “Các điểm đến tại Việt Nam còn thiếu sức hút du khách, chúng ta mới tiếp cận theo cái chúng ta có sẵn mà chưa tiếp cận theo cái du khách cần…”
Theo Niên giám Thống kê 2021 của Tổng cục Thống kê, chi tiêu bình quân một ngày của khách quốc tế đến Việt Nam mặc dù có sự tăng trưởng trong giai đoạn 2009-2019, từ 91,2 USD lên mức 117,8 USD, tuy nhiên vẫn ở mức rất thấp so với các quốc gia trong khu vực. Để giải bài toán điểm đến này, việc phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng được xem là hướng đi phù hợp xu hướng quốc tế, giúp đa dạng hóa sản phẩm du lịch, kéo dài thời gian lưu trú, tăng khả năng chi tiêu của du khách, tạo nhiều việc làm, tăng doanh thu cho du lịch và các lĩnh vực liên quan.
Điển hình tại vùng du lịch duyên hải Nam Trung Bộ, nơi có tiềm năng du lịch “hao hao” nhau, với thế mạnh về vị trí địa lý, kết cấu hạ tầng, tiềm năng du lịch biển đảo, sinh thái và du lịch văn hóa, thế nhưng chỉ những địa phương được đầu tư hệ thống sản phẩm du lịch bài bản mới đủ sức giữ chân khách du lịch.
Đơn cử như Đà Nẵng, hơn 20 năm trước, quang cảnh quen thuộc tại thành phố này là khu dân cư mái lợp tôn tạm bợ, thấp lè tè, những làng chài lô nhô ven sông Hàn, những bãi biển um tùm cây dại. Khoảng 15 năm trở lại đây, sự xuất hiện của hàng loạt công trình như Intercontinental Danang Sun Peninsula Resort, Khu du lịch Sun World Ba Na Hills (với hệ thống cáp treo đạt nhiều kỷ lục thế giới, khu vui chơi giải trí trong nhà Fantastic, các lễ hội hoa, lễ hội bia được tổ chức thường xuyên, đặc biệt là sự xuất hiện của Cầu Vàng)… đã giúp du lịch Đà Nẵng chuyển mình.
Nha Trang những năm gần đây đã nhanh chóng trở thành trung tâm du lịch biển có sức hút khách quốc tế với hệ thống cơ sở lưu trú hiện đại từ 4 đến 5 sao, đáp ứng tốt nhu cầu của những đoàn khách đến nghỉ dưỡng và phát triển du lịch MICE. Ðặc biệt, loại hình ngắm biển bằng dù lượn, khinh khí cầu, máy bay mô hình đang được rất nhiều khách du lịch yêu thích.
Như vậy, từ chỗ du lịch còn nghèo nàn với tắm biển hay lên núi, ăn đặc sản vùng miền, việc phát triển các sản phẩm du lịch tại mỗi vùng đất giúp giữ chân khách du lịch ở lại lâu hơn, đóng góp không nhỏ vào doanh thu du lịch của mỗi địa phương, cũng như mang về uy tín quốc tế cho các điểm đến.
Thay đổi vị thế nhờ chiến lược phát triển sản phẩm
Trong tầm nhìn đến năm 2030, Chính phủ xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp trên 10% GDP. Lượng khách du lịch tăng hàng năm, kéo theo nhu cầu về nghỉ dưỡng và vui chơi, giải trí biến thiên tương ứng. Cơ hội mở ra cho các tập đoàn lớn, để biến các điểm đến thành trung tâm du lịch - nghỉ dưỡng - giải trí của khu vực, ghi dấu ấn du lịch Việt Nam trên thế giới. Và sự tham gia của Tập đoàn Sun Group, với nhiều dự án và công trình du lịch biểu tượng tạo sức hút mới cho các điểm đến, là một điển hình.
Giờ đây, tới Phú Quốc, du khách đã không chỉ tắm biển, ăn hải sản rồi về. Với những tổ hợp khách sạn, resort đẳng cấp và các công viên đa trải nghiệm, một thị trấn Hoàng Hôn – Sunset Town đẹp tựa như được nhấc ra từ Địa Trung Hải, những công trình biểu tượng như Cầu Hôn, Tháp đồng hồ, tàn tích Pompeii…, những show diễn công nghệ hiện đại bậc nhất như Kiss The Stars…, Phú Quốc đang định hình một “điểm đến mới của thế giới”. Những sản phẩm và trải nghiệm độc đáo đó đã góp phần không nhỏ tạo nên sức hấp dẫn mới cho đảo Ngọc.
Cứ nhìn vào con số du khách tới đảo tăng hơn 13 lần từ mức 300.000 lượt (năm 2010) lên hơn 4 triệu lượt (năm 2019- thời điểm trước Covid-19), là đủ thấy sản phẩm du lịch có vai trò như thế nào trong sự phát triển của ngành công nghiệp không khói ở Phú Quốc.
Nếu có điểm đến nào minh chứng rõ nét nhất cho sức hút mà các sản phẩm được đầu tư bài bản có thể tạo nên cho du lịch thì đó là Đà Nẵng. Năm 2018, khu du lịch Bà Nà Hills của Sun Group ra mắt Cầu Vàng, lập tức, một cơn sốt du lịch Đà Nẵng đã lan toàn cầu. Bên cạnh hiệu ứng trên truyền thông quốc tế, giai đoạn cuối tháng 7/2018, cứ 3 khách nước ngoài liên hệ đặt tour thì tới 2 khách yêu cầu check-in Cầu Vàng ở Bà Nà Hills.
Cũng không thể phủ nhận, từ khi Đà Nẵng có Sun World Ba Na Hills, lượng khách liên tục đạt những dấu mốc mới. Tính từ năm 2009- thời điểm Bà Nà Hills khai trương, tới năm 2019- mốc vàng của du lịch Việt Nam trước Covid-19, khách đến Bà Nà tăng gấp 160 lần, lượng khách đến Đà Nẵng tăng tới 463%. Đến giờ, khu du lịch của Sun Group vẫn không ngừng khiến du khách ngỡ ngàng, với những công trình đẳng cấp liên tục ra mắt như Thác Thần Mặt Trời, Lâu đài Mặt Trăng hay Cổng Thời Gian…
Ấn tượng nhất trong bức tranh du lịch Việt Nam từ đầu năm 2023 đến nay có lẽ là Tây Ninh, với hơn 2 triệu lượt khách, doanh thu du lịch đạt trên 800 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái - một kỷ lục mà điểm đến này chưa từng nghĩ đến. Và hơn 90% số khách đó tới Núi Bà, nơi có quần thể di tích các chùa chiền linh thiêng hàng trăm năm tuổi và Sun World Ba Den Mountain - khu du lịch với 3 tuyến cáp treo, các công trình tâm linh kỳ vĩ cũng như bảo tàng nghệ thuật Phật giáo quy mô chưa từng có tại Việt Nam mà Sun Group kiến tạo trên đỉnh núi.
Đà Nẵng, Phú Quốc hay Tây Ninh chỉ là vài ví dụ cho việc sản phẩm du lịch tốt sẽ tạo sức hút, thúc đẩy doanh thu từ du lịch, gia tăng công ăn việc làm. Và đó là những bài học cho các điểm đến vẫn đang loay hoay với những gì “tự có”, trong khi nhu cầu của du khách đã thay đổi. Điều mà họ muốn ở các điểm đến đã không chỉ nằm trong những thứ tự có như thiên nhiên và lịch sử.