Du lịch sắp "vỡ kế hoạch"
Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, khách quốc tế đến nước ta ước đạt gần 3,7 triệu lượt, gấp 19,2 lần cùng kỳ năm trước.
Theo Tổng cục Thống kê, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tháng 4/2023 ước đạt 984,1 nghìn lượt người, tăng 9,9% so với tháng trước và gấp 9,7 lần cùng kỳ năm 2022.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, khách quốc tế đến nước ta ước đạt gần 3,7 triệu lượt, gấp 19,2 lần cùng kỳ năm trước. Hàn Quốc tiếp tục là thị trường gửi khách lớn nhất, cán mốc 1 triệu lượt, tiếp theo là Mỹ 263.000 lượt. Trung Quốc vươn lên ở vị trí thứ 3 với 252.000 lượt.
Năm 2023, Việt Nam đặt mục tiêu đón 110 triệu lượt khách du lịch, trong đó, khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế, khách du lịch nội địa khoảng 100 triệu lượt, tổng thu từ khách du lịch khoảng 650.000 tỷ đồng.
Với kết quả đạt được trong 4 tháng đầu năm, lượng khách quốc tế đã đạt được 46% mục tiêu đặt ra. Khả năng đến đích với mục tiêu số lượng khách quốc tế trong năm nay khả thi, song ngành du lịch vẫn vô cùng nhiều thách thức trong cuộc đua hút khách khi so sánh với các quốc gia trong khu vực.
Tính theo khu vực, trong tốp 10, Đông Bắc Á có 4 thị trường là: Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản. Khu vực Đông Nam Á có 3 thị trường là Thái Lan (200.000 lượt), Malaysia (150.000 lượt), Campuchia (136.000 lượt). Australia xếp ở vị trí thứ 8 (131.000 lượt), Ấn Độ xếp ở vị trí thứ 10 (112.000 lượt). Đối với thị trường châu Âu, Pháp, Đức, Nga là các thị trường gửi khách lớn nhất.
Đánh giá về lượng khách quốc tế đến Việt Nam, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu nhận định, với đà tăng trưởng lượng khách như hiện tại cùng với nỗ lực quảng bá, xúc tiến, tổ chức các sự kiện du lịch, văn hóa hấp dẫn, du lịch Việt Nam có thể thu hút 10 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2023.
Tổng cục Du lịch đánh giá, động lực tăng trưởng chính cho thị trường khách quốc tế hiện nay đến từ Trung Quốc.Theo thống kê, sau khi Trung Quốc mở lại tour du lịch theo đoàn đến Việt Nam từ 15/3, lượng khách trong hai tháng 3 và 4 đạt gần 200.000 lượt. Trong đó riêng tháng 4, có 112.000 lượt khách Trung thăm Việt Nam, tăng 62% so với tháng 3, đạt mức tăng trưởng cao nhất trong các thị trường khách quốc tế. Đây cũng là tháng đón lượng khách Trung Quốc cao nhất trong ba năm dịch. Tuy nhiên, nếu so cùng kỳ 2019, con số này mới chỉ bằng 22%.
Tình hình thị trường khách quốc tế dần bình ổn, trong đó, Trung Quốc mở cửa trở lại có thể góp thêm động lực tăng trưởng. Dù vậy, ông Ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Lữ hành Việt Nam lưu ý đến những yếu tố khách quan như xung đột Nga - Ukraine, lạm phát có thể tác động đến tốc độ phục hồi của ngành du lịch. Thực tế, lượng khách đến trong tháng 4 dù tăng so với tháng 3, nhưng vẫn chỉ bằng 61,7% so với cùng kì năm 2019.
Theo Outbox - một đơn vị nghiên cứu thị trường du lịch, sự trở lại của du lịch quốc tế sẽ rất chậm, có khả năng kéo dài đến hết năm 2024. Lý do là mức độ phục hồi nhu cầu du lịch tại các thị trường trọng điểm thấp và triển vọng không chắc chắn của du lịch thế giới 2023. Theo đó, với đà phục hồi của các thị trường nguồn quan trọng từ giữa và cuối năm 2022 đến nay, Outbox cho rằng triển vọng phục hồi khả dĩ nhất cho du lịch quốc tế đến Việt Nam là 40% so với năm 2019, tương đương 7,2 triệu lượt khách.
Kịch bản tích cực nhất khi tốc độ phục hồi của các thị trường đạt mức tối ưu sẽ mang lại cho du lịch quốc tế Việt Nam 10 triệu lượt khách, tương đương 60% so với năm 2019. Trong kịch bản ít lạc quan hơn, sự không chắc chắn về những tác động kinh tế và cuộc đua khốc liệt thu hút thị trường khách Trung Quốc trở lại từ các điểm đến trong khu vực sẽ tạo ra sức ép không nhỏ khiến phục hồi du lịch quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt 6,3 triệu lượt, tương đương 35% so với năm 2019.