Du lịch Quảng Bình "phấn khởi" trở lại
Trong 3 tháng đầu năm 2023, tổng số khách du lịch đến Quảng Bình đạt gần 650 nghìn lượt, gấp 4,45 lần so với cùng kỳ năm 2022, gấp 1,09 lần so với kế hoạch.
Từ đầu năm 2023 Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình đã triển khai sâu rộng các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật, các quy định của Nhà nước về du lịch, các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND, UBND về phát triển du lịch trong tình hình mới.Triển khai các chương trình quảng bá, giới thiệu các giá trị tài nguyên du lịch, các điểm đến du lịch Quảng Bình để người dân tự hào, đồng hành cùng chính quyền xây dựng, bảo vệ môi trường du lịch xanh, sạch, đẹp, thân thiện, quảng bá hình ảnh Quảng Bình đến mọi miền đất nước và khắp thế giới, “mỗi người dân là một hướng dẫn viên/ đại sứ du lịch”
Sở du lịch tỉnh Quảng Bình đã đưa thêm các sản phẩm du lịch mới phục vụ khách du lịch. Đồng thời, tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ của các sản phẩm du lịch hiện có để đáp ứng nhu cầu và xu hướng du lịch trong tình hình mới.
Tiếp tục phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao, UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát, đánh giá hiện trạng tài nguyên, nghiên cứu, xây dựng kế hoạch, đề án phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng, trong đó tập trung các sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch cộng đồng và các sản phẩm du lịch cho khách quốc tế (du lịch MICE; du lịch nghỉ dưỡng kết hợp chơi golf, thể thao giải trí cao cấp; du lịch nông nghiệp…), triển khai Chương trình du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới và nghiên cứu, phát triển các sản phẩm du lịch của vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo Dự án 06 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Theo đó, trong quý I/2023, du lịch Quảng Bình tiếp tục có sự phục hồi mạnh mẽ. Trong 3 tháng đầu năm 2023, tổng số khách du lịch đến Quảng Bình đạt gần 650 nghìn lượt khách, gấp 4,45 so với cùng kỳ năm 2022, gấp 1,09 lần so với kế hoạch. Trong đó, khách quốc tế đạt hơn 20 nghìn lượt khách, gấp 17,59 lần với cùng kỳ năm 2022. Tổng thu từ khách du lịch trong quý I năm 2023 đạt hơn 733 tỷ đồng, gấp 4,37 lần so với cùng kỳ năm 2022.
Trong 3 tháng đầu năm 2023 đạt gần 300 nghìn lượt khách lưu trú, gấp 2,12 lần so với cùng kỳ năm 2022, doanh thu dịch vụ lưu trú 3 tháng ước đạt hơn 94 tỷ đồng, gấp 2,1 lần so với cùng kỳ năm 2022.
Hầu hết các đơn vị du lịch đã từng bước quay trở lại hoạt động bình thường, cụ thể: Toàn tỉnh hiện có 531 cơ sở lưu trú du lịch với 8.475 phòng, hơn 16.000 giường. Trong đó, cơ sở lưu trú du lịch từ 3 sao trở lên có 1.744 phòng chiếm 20,6%. Toàn tỉnh có gần 3.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trong đó 08 nhà hàng và 01 cơ sở kinh doanh dịch vụ mua sắm đã được cấp biển hiệu đạt chuẩn phục vụ khách du lịch.
Tính đến quý I/2023, trên địa bàn tỉnh có 32 đơn vị lữ hành, trong đó có 19 đơn vị lữ hành quốc tế, 13 đơn vị lữ hành nội địa.Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 30 sản phẩm du lịch đã đưa vào khai thác chính thức và thử nghiệm, phục vụ khách du lịch. Đồng thời, tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ của các sản phẩm du lịch hiện có để đáp ứng nhu cầu và xu hướng du lịch trong tình hình mới.
Nhân lực du lịch gần 4.000 lao động trực tiếp và khoảng 7.000 lao động gián tiếp. Đến tháng 3/2023, tổng số hướng dẫn viên du lịch được cấp thẻ đang hoạt động là 345 người, trong đó có 184 hướng dẫn viên quốc tế (chủ yếu sử dụng tiếng Anh, tiếng Thái, tiếng Trung Quốc, tiếng Nga, tiếng Hàn và số ít còn lại là tiếng Pháp, tiếng Nhật, tiếng Đức), 161 hướng dẫn viên du lịch nội địa.
Bên cạnh sự tăng trưởng của các chỉ tiêu phát triển du lịch kể trên, du lịch Quảng Bình tiếp tục được các tổ chức, tạp chí, khách du lịch trong nước và quốc tế đánh giá cao. Đầu tháng 2 vừa qua, Phong Nha và Đồng Hới nằm trong Top 10 điểm đến thân thiện nhất Việt Nam 2023 (lần lượt ở vị trí thứ nhất và thứ tám) do du khách trên toàn thế giới bình chọn (giải thưởng thường niên Traveller Review Award của Booking.com). Vừa qua, Bản Rum Ho, Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu -Khe Nước Trong, Hang Va của Quảng Bình vào “Top 7 ấn tượng Việt Nam 2022”.
Ông Nguyễn Ngọc Quý Giám đốc Sở Du lịch cho biết “ Thời gian tới tiếp tục tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ, chuyển đổi số trong du lịch thông qua nghiên cứu xây dựng, quản lý và vận hành hệ sinh thái du lịch thông minh; triển khai thực hiện chế độ báo cáo thống kê hoạt động kinh doanh du lịch của các đơn vị hoạt động du lịch trên phần mềm.Các đơn vị hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào kinh doanh, quản lý hệ thống, thực hiện việc quảng bá, bán hàng trên các nền tảng số: Website, ứng dụng đặt dịch vụ trên internet, các trang mạng xã hội Facebook, Tiktok…".
Theo ông Quý, tăng cường theo dõi, kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch, nghiên cứu các sản phẩm du lịch mới, chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ nhân lực, đảm bảo an ninh, an toàn, theo quy định của pháp luật và đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách.