Quảng Ninh rực rỡ sắc hoa đón Tết Ất Tỵ
Dù phải đối mặt với những khó khăn sau cơn bão số 3 (Yagi) hồi tháng 9/2024, người dân trồng hoa ở Quảng Ninh đã không ngừng nỗ lực để mang đến những vườn hoa rực rỡ phục vụ dịp Tết Ất Tỵ, làm bừng sáng không khí xuân trên vùng đất mỏ.
Cơn bão Yagi quét qua Quảng Ninh đã để lại những thiệt hại nặng nề cho nhiều ngành nghề, đặc biệt là đối với những người trồng hoa. Tại các địa phương nổi tiếng về trồng hoa như Đông Triều, Quảng Yên, hay vùng đảo Vân Đồn, không ít nhà vườn bị ngập úng, cây hoa gãy đổ, mất mùa. Tuy nhiên, với quyết tâm phục hồi sản xuất và mang sắc xuân về cho người dân, những người nông dân cần cù nơi đây đã dồn mọi nguồn lực để khắc phục hậu quả thiên tai.
Đông Triều là “vựa hoa” lớn của tỉnh Quảng Ninh, nổi tiếng với các loại quất, cúc, thược dược, ly, lay ơn, huệ và hoa hồng. Sau bão Yagi, nhiều nhà vườn ở đây phải cải tạo lại đất đai và gieo trồng mới để kịp chuẩn bị cho vụ Tết. Ông Nguyễn Văn Hùng, một hộ trồng hoa tại xã An Sinh, cho biết: “Đợt bão vừa rồi khiến vườn hoa của tôi mất hơn nửa diện tích. Nhưng gia đình tôi đã nhanh chóng huy động nhân lực, tranh thủ thời tiết thuận lợi sau bão để trồng lại. Hiện nay, cúc và ly đã nở rộ, sẵn sàng cung cấp cho thị trường dịp Tết.”
Anh Phạm Đức Sông, thôn Đồng Đò, xã Bình Khê, TX Đông Triều chia sẻ: Gia đình tôi trồng cây quất để bán vào dịp Tết đã được 8 năm. Năm nay, gia đình tôi trồng 400 gốc quất. So với mọi năm, cây quất năm nay phát triển rất tốt, cho ra hoa, quả đúng vụ. Cây khỏe, lá tươi tốt, quả căng mọng, dáng đẹp, chất lượng tốt thích hợp cho người dân trang trí Tết. Giá cây quất năm nay không tăng so với năm ngoái. Hiện, nhiều thương lái đã đến tham quan, đặt cọc, mua trực tiếp tại vườn. Riêng vườn quất của gia đình tôi, quất có giá từ 2 triệu đồng/cây trở lên tùy loại.
Ông Lê Quốc Ruyến, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Đông Triều thông tin, đơn vị phối hợp với Viện rau quả Trung ương phục tráng một số giống hoa như ly, huệ, lay ơn…để bà con nông dân trồng phục vụ thị trường Tết. Thu nhập bình quân từ các loại hoa này từ 300 - 400 triệu đồng/ha. Bên cạnh đó, loài mai vàng cũng có trên 10ha, cho thu nhập cao, thậm chí có cây giá 400 - 500 triệu đồng. Để cùng với người dân giữ cho hoa, cây cảnh nở đúng trong dịp Tết, hiện nay cơ quan chuyên môn đã cử cán bộ phối hợp với xã, phường trồng nhiều đào, quất, hướng dẫn bà con các giải pháp nhằm hãm hoa nở, quả chín sớm. Không chỉ là nguồn cung ứng hoa cho tỉnh, Đông Triều còn xuất khẩu hoa đến các tỉnh lân cận như Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội. Theo ước tính, năm nay, lượng hoa phục vụ Tết ở Đông Triều có thể đạt khoảng 85% so với năm ngoái, một con số khả quan sau thiên tai.
Đến thành phố Uông Bí, Yên Tử không chỉ nổi tiếng với cảnh sắc hùng vĩ và nét văn hóa Phật giáo, mà còn được biết đến với những cây mai vàng độc đáo. Năm nay, dù thời tiết bất lợi, những cây mai tại đây vẫn được chăm sóc kỹ lưỡng để phục vụ nhu cầu trang trí và làm quà biếu dịp Tết. Anh Trần Văn Quỳnh, khu Dốc Đỏ 2, phường Phương Đông, TP Uông Bí một người chuyên chăm sóc mai Yên Tử, chia sẻ: “Mai Yên Tử đặc biệt ở màu vàng tươi và cánh hoa dày, tượng trưng cho sự may mắn. Chúng tôi phải điều chỉnh chế độ nước tưới, bón phân hợp lý để cây ra hoa đúng dịp Tết.”Những chậu mai Yên Tử năm nay được đánh giá cao về chất lượng, dự kiến sẽ có mặt tại nhiều phiên chợ hoa trong và ngoài tỉnh, góp phần tô điểm sắc xuân.
Tại xã Tiền An, thị xã Quảng Yên, dơn, cúc, thược dược là loại chủ lực được người dân yêu thích. Sau bão, những người trồng hoa tại đây đã nỗ lực tái thiết vườn hoa của mình. Bà Nguyễn Thị Lý, một người trồng hoa lâu năm, chia sẻ: “Dù thời tiết khắc nghiệt, chúng tôi vẫn cố gắng chăm hoa mỗi ngày. Tết đến, ai cũng muốn có vài chậu hoa rực rỡ trước hiên nhà. Đó vừa là công việc, vừa là niềm vui của chúng tôi.”Nhờ tinh thần lạc quan và sự chăm chỉ, những vườn hoa ở xã Tiền An đã sẵn sàng đón mùa xuân, mang đến cho người dân sự lựa chọn phong phú về các loại hoa cảnh.
Toàn huyện Vân Đồn có khoảng 70ha diện tích trồng đào phai với hơn 300 hộ dân tham gia, tập trung chủ yếu ở xã Hạ Long (50ha), Đông Xá, Bình Dân, Đoàn Kết và thị trấn Cái Rồng. Sau bão Yagi, có khoảng 20% diện tích trồng đào bị thiệt hại. Số còn lại cũng bị ảnh hưởng do gió bão. Nhưng nhờ sự chăm sóc của các nhà vườn, những cây đào đã hồi sinh và những nụ hoa đã chuẩn bị bung nở để đón xuân mới. Tết Nguyên Đán năm 2025, người trồng đào tại huyện Vân Đồn sẽ cung cấp ra thị trường khoảng 60.000 cây đào. “Gia đình tôi hiện có 2 vườn trồng đào phai với khoảng 600 cây, thời điểm này toàn bộ các gốc đào đã được bán hết và không đủ để bán. Giống đào phai Vân Đồn năm nào cũng vậy, cây to đều có giá bán từ 10 – 20 triệu đồng/cây; bé bé cũng có giá bán 5-7 triệu đồng/cây. Bão số 3 vừa qua cũng làm hỏng mấy chục cây, nếu không có bão gia đình sẽ có thu nhập thêm mấy trăm triệu đồng", ông Ban cho biết.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh, hiện trên địa bàn tỉnh đang có khoảng 390ha trồng hoa với các loại như: Hoa lay ơn, hoa huệ, hoa cúc, hoa lan…; tập trung chủ yếu ở các địa phương Đông Triều, Hạ Long, Quảng Yên. Diện tích trồng cây cảnh, cam, bưởi, đào, quất… trên 200ha, tập trung chủ yếu tại huyện Vân Đồn, Đông Triều, Hải Hà.
Những nỗ lực vượt qua thiên tai của người trồng hoa Quảng Ninh đã tô điểm thêm vẻ đẹp cho mùa xuân năm nay. Tại các chợ hoa lớn như chợ Hạ Long, chợ Đông Triều, hay chợ Móng Cái, hoa Tết bắt đầu được bày bán với đủ loại sắc màu, từ vàng rực rỡ của mai, cúc đến đỏ thắm của hoa hồng, hoa giấy.
Cô Nguyễn Thị Lan, một người mua hoa tại chợ Hạ Long, chia sẻ: “Nhìn những chậu hoa tươi đẹp như thế này, tôi thấy không khí Tết tràn ngập khắp nơi. Biết rằng sau bão, người trồng hoa phải vất vả lắm mới có được thành quả như vậy, tôi càng trân trọng hơn.” Quảng Ninh những ngày giáp Tết không chỉ đẹp bởi cảnh sắc thiên nhiên, mà còn bởi sắc hoa rực rỡ và ý chí kiên cường của những con người nơi đây. Tết Ất Tỵ 2025 hứa hẹn sẽ là một mùa xuân ấm áp, tràn đầy niềm tin và hy vọng cho người dân đất mỏ.